I. Nhận thức và cách tiếp cận về động lực tăng trưởng-phát triển
Hiện nay, vấn đề xác định động lực tăng trưởng - phát triển của một đất nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển, liên quan đến định hướng, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng các nguồn lực của đất nước cho các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của đất nước trong những giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, nếu như tầm quan trọng của các động lực tăng trưởng và phát triển có sự thống nhất khá cao, thì nhận thức và cách tiếp cận, cách xác định động lực tăng trưởng và phát triển lại đang có sự khác nhau khá nhiều.
1.Nhận thức - quan niệm về động lực tăng trưởng - phát triển
Động lực phát triển xã hội là những nhân tố thúc đẩy xã hội phát triển trong một thời kì nhất định; có động lực tác động trong một thời gian tương đối dài, nhưng cũng có những động lực chỉ tác động trong thời gian ngắn; có những động lực được coi là chủ yếu, có động lực thứ yếu; có những động lực tác động trực tiếp, có động lực tác động gián tiếp... Tuy nhiên, hiện nay đang có những nhận thức khác nhau về động lực tăng trưởng - phát triển :
1) Cho đến nay, trong các Văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước chưa có chỗ nào khái quát một cách có hệ thống các động lực phát triển. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, do nhu cầu thực tế, Đảng có nêu lên một số động lực cụ thể.
Trước Đổi mới, Đảng ta nhận thức động lực chủ yếu của sự phát triển là đấu tranh giai cấp. Bước vào thời kì Đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội lần thứ VI (1986) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lí luận của Đảng về động lực phát triển. Đại hội đưa ra những định hướng lớn là đổi mới tư duy, giải phóng sức sản xuất và mọi tiềm năng của xã hội, “phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với nội dung chủ yếu là xóa bỏ cơ chế tập trung liêu, bao cấp, sửa đổi các chính sách đòn bẩy kinh tế, hình thành cơ chế kế hoạch hóa theo phương theo phương thức hạch toàn kinh doanh xã hội chủ nghĩa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”[1], trong đó lần đầu tiên đã nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất của người lao động, tạo ra động lực mới để phát triển đất nước…coi đó là những động lực phát triển quan trọng.
Đại hội lần thứ VII (1991) đã thông qua Cương lĩnh 1991, trong đó nhấn mạnh “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là một mục tiêu vừa là một động lực của công cuộc đổi mới xã hội ở nước ta”[2]. Đại hội VIII đã dưa ra quan điểm “khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[3]. Đại hội IX tiếp tục khảng định: “phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[4]; “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội”[5]; coi “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế của xã hội”[6].
Đại hội lần thứ X (2006) tổng kết 20 năm đổi mới, rút ra những bài học lớn, trong đó nêu “phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới [7], “Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là… nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8]. Quan điểm này được tiếp tục khẳng định ở Đại hội XI (2011): “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [9]. Đại hội lần thứ XII (2016) nêu “Tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ kịo thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức đúng và xử lí tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập”, bao gồm:“kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người...”[10]. Nêu rõ “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[11].
Từ sự khái quát nêu trên, có thể thấy trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã nêu lên các động lực (hay được coi là động lực) phát triển là : đổi mới tư duy; giải phóng sức sản xuất; lợi ích; dân chủ; lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; văn hóa mà cốt lõi là phát huy nhân tố con người; khoa học - công nghệ và giáo dục đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới tổ chức, cơ chế, chính sách quản lý và đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tạo môi trường thuận lợi, minh bạch để thúc đẩy phát triển; Các động lực (hay được coi là động lực) trên thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của các yếu tố đó đối với quá trình đổi mới và phát triển, đồng thời Đảng cũng chỉ rõ việc nhận thức đúng và xử lí tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong hơn 30 năm qua, các động lực đó đã đóng vai trò có tính quyết định đối với sự phát triển và tạo nên những thành tựu rất quan trọng, tương đối toàn diện của đất nước. Tuy nhiên, các động lực đó đã phát huy cao vai trò trong thể chế và mô hình tăng trưởng - phát triển theo chiều rộng và trong bối cảnh hội nhập quốc tế có rất nhiều nội dung khác so với hiện nay. Khi đất nước chuyển sang phát triển theo chiều sâu trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới, các động lực đó đã giảm đáng kể vai trò tác động tích cực khi vẫn giữ những nội dung và phương thức phát triển theo chiều rộng; đòi hỏi phải được đổi mới chính các động lực phát triển đó và xây dựng các động lực mới để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh bền - bền vững
2). Tuy nhiên, hiện nay chưa có cách tiếp cận và những tiêu chí thống nhất về xác định và lựa chọn động lực phát triển, nhất là đối với phạm vị quốc gia. Dường như coi tất cả những nhân tố, những yếu tố, những giải pháp mà nếu thực hiện tốt góp phần tạo nên sự phát triển, thì đều được gọi là động lực phát triển; có thể nêu khái quát như sau :
i) - Xác định các động lực phát triển theo liệt kê tổng hợp các lĩnh vực, yếu tố, các giải pháp thúc đẩy phát triển, như: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất; tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP; thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển dịch vụ; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô[12]. Có thể thấy đây là xác định các động lực cụ thể (cũng mang cả tính giải pháp) để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ và các mục tiêu phát triển đặt ra. Cũng theo hướng tiếp cận này, có ý kiến xác định động lực phát triển theo các lĩnh vực và vấn đề chủ yếu như phát triển kinh tế tư nhân, hiện đại hóa các cơ quan nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…[13].
ii) - Xác định thể chế là một động lực tăng trưởng rất quan trọng, có vai trò ngày càng tăng đối với sự phát triển của một quốc gia trong thế giới hiện đại. Cách tiếp cận này xuất phát từ thực tế trên thế giới là sự tăng trưởng - phát triển theo chiều rộng dựa chủ yếu vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên giá rẻ, lao động trình độ thấp giá rẻ và thâm dụng vốn…ngày càng suy giảm động lực, dẫn đến tăng trường, hiệu quả phát triển thấp; phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao và nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Chính điều này đã đặt thể chế phát triển theo chiều sâu có vai trò quan trọng và ngày càng có tính quyết đối với sự phát triển của một quốc gia trong thế giới hiện đại.
Trong cải cách thể chế, nhiều ý kiến nhìn nhận động lực tăng trưởng từ nhận thức và tháo gỡ các “điểm nghẽn”[14], trong đó hiệu quả của bộ máy được cho là điểm nghẽn lớn nhất, thể chế còn yếu kém của Việt Nam vẫn là một “điểm lõm”, là một nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng; trong dài hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực… Để tạo được động lực tăng trưởng nhanh - bền vững cần phải thực hiện các giải pháp để xử lý đồng bộ các “điểm nghẽn đó”. Vì vậy có nhiều ý kiến đặt trọng tâm tạo động lực tăng trưởng vào cải cách thể chế, cải cách thể chế là động lực quan trọng nhất[15], sẽ tạo được động lực phát triển mạnh đất nước.
iii) - Xác định động lực theo vai trò của khu vực kinh tế (có ý kiến cho rằng sự phát triển của các khu vực kinh tế đang có vấn đề[16], cần phải đẩy mạnh đổi mới để tạo nên động lực tăng trưởng mới). Trong đó phải coi khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng (Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân).
iv) - Xác định động lực tăng trưởng theo vai trò của yếu tố tạo nên tăng trưởng, như tài nguyên, vốn, lao động, khoa học - công nghệ, văn hóa, dân chủ, công bằng xã hội... Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trường từ chiều rộng sang chiều sâu phải dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, do đó khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, đổi mới - sáng tạo sẽ là một động lực cơ bản, then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Cũng có ý kiến coi năng suất lao động, “năng suất nhân tố tổng hợp” (TFP) là động lực tăng trường quan trọng.
v) - Xác định động lực tăng trưởng theo vai trò đóng góp của các khu vực địa kinh tế (vùng động lực tăng trưởng) vào sự tăng trưởng của cả nước, như khu vực TP. Hồ Chí Minh - Đông nam Bộ (đang đóng vai trò lớn nhất váo sự tăng trưởng của cả nước), hay vai trò của vùng động lực Hà Nội - Đồng bằng Bắc bộ; hay vai trò động lực của Đà Nẵng và khu vực Miền Trung…
vi) - Có những ý kiến nhấn mạnh hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế là một động lực quan trọng đối với sự tăng trưởng của Việt Nam, vì hội nhập quốc tế đã mang lại cho Việt Nam nguồn vốn FDI rất quan trọng, các công nghệ mới (so với Việt Nam), kết nối nền kinh tế Việt Nam với thị trường thế giới rộng lớn, cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm quý giá về quản lý - quản trị nền kinh tế thị trường…
vii) - Có những ý kiến cho rằng chính các đột phá chiến lược, khi thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược là những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới. Lại có những ý kiến động lực tăng trưởng còn nằm trong tái cơ cấu nền kinh tế tạo được cơ cấu kinh tế hợp lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tạo nên tốc độ tăng trưởng cao, bền vững[17].
2. Nhìn nhận khái quát các nhận thức và cách tiếp cận về động lực tăng trưởng nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét sau :
- Các động lực tăng trưởng nêu trên được xem xét từ nhiều cấp độ khác nhau: cấp độ tác động quốc tế, cấp độ quốc gia, cấp độ vĩ mô, cấp độ nhà nước, cấp độ ngành, lĩnh vực, khu vực, cấp độ các chủ thể sản xuất kinh doanh, cho đến cấp độ cá nhân người lao động. Các động lực này được xem xét theo các nội dung khác nhau, phạm vi tác động khác nhau, chưa mang tính hệ thống.
- Cách nhìn nhận về động lực cũng khác nhau : có cách nhìn nhận coi nguồn lực (vốn, tài nguyên, con người…) là động lực, có cách nhìn nhận coi yếu tố tác động là động lực; có cách nhìn nhận các chủ thể phát triển (như khu vực kinh tế tư nhân) là động lực tăng trưởng; lại có cách nhìn nhận coi nội lực mới là động lực, trong khi đó lại có ý kiến coi tác động bên ngoài (như tác động của hội nhập quốc tế…) cũng tạo nên động lực tăng trưởng.
- Các động lực cũng được đề cập với những cấp độ tác động khác nhau: có động lực tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng; có động lực tác động gián tiếp; lại có động lực được kể đến mới ở dạng tiềm năng, cơ hội, và đề trở thành động lực hiện thực cần phải có những điều kiện cụ thể. Có những động lực nếu để riêng thì có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế nó thuộc một động lực bao trùm hơn (ví dụ động lực cải cách hành chính nằm trong động lực bao trùm là thể chế).
- Các động lực được kể đến chủ yếu thiên về động lực tăng trưởng kinh tế (về quy mô kinh tế, tăng trưởng theo chiều rộng), chưa đề cập nhiều đến động lực phát triển về chất, phát triển theo chiều sâu, mang tính tổng hợp giữa tăng trưởng và phát triển. Hơn nữa, trong các động lực tăng trưởng cũng ít đề cập đến các động lực phát triển tổng hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường theo quan điểm phát triển bền vững.
- Các yếu tố về giá trị tinh thần, giá trị con người, giá trị văn hóa - xã hội, giá trị cộng đồng chưa được đề cập thích đáng trong động lực tăng trưởng - phát triển; chưa đề cập đúng mức đến yếu tố lợi ích (theo nghĩa rộng, không chỉ là lợi ích vất chất, lợi ích kinh tế) trong việc tạo lập động lực tăng trưởng và phát triển.
- Vấn đề liên kết động lực, cộng hưởng động lực tăng trưởng và phát triển giữa các cá nhân, giữa các gia đình, các chủ thể, đơn vị xã hội, các cộng đồng xã hội…thành động lực tăng trưởng - phát triển cuả một ngành, một vùng và của cả đất nước, kết nối với động lực tăng trưởng từ các yếu tố quốc tế cũng chưa được đề cập đầy đủ và sâu sắc.
(còn tiếp)
PGS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Chủ nhiệm Đề tài KX.04.29/16-20
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). , NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 61.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 125
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr.741
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 657
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 659
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 122
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 19
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr. 40-41
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr.48
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr.76
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật; tr.126
[12] Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn xuân phúc tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2/4/2019.
[13] - Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank Việt Nam, WB đang làm báo cáo về động lực tăng trưởng của Việt Nam, cho rằng “Tất cả những thành tựu tốt mà Việt Nam đạt được trong 2-3 thập niên qua giờ đã chạm trần rồi”, giờ phải tìm động lực tăng trưởng mới. Việt Nam cần những cải cách không chỉ ở khía cạnh số lượng mà cả trên góc độ chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng. Trên góc độ đó thì có thể thấy một loạt yếu tố có thể trở thành động lực tăng trưởng : i) - chính sách tổng thể cho phát triển khối kinh tế tư nhân; ii) - hiện đại hóa các cơ quan nhà nước để đáp ứng được vai trò nhà nước kiến tạo; iii) - phát triển những cơ sở hạ tầng chất lượng để tạo ra những lợi ích lan tỏa, những trụ cột tăng trưởng; iv) - phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp của tương lai, đồng thời làm sao để tận dụng nguồn nhân lực này để phát triển trong giai đoạn hiện nay; v) - Việt Nam cần nhìn tăng trưởng trên góc độ tăng trưởng xanh. Làm thế nào để có thể thay đổi từ các chính sách phát triển “nâu” sang các chính sách tăng trưởng “xanh” để phát triển bền vững.
[14] Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức ngày 05 tháng 12 năm 2018 :"Chúng tôi thừa nhận rằng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện 3 điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây"
[15] Động lực tăng trưởng quan trọng nhất là cải cách; Đầu tư Online, 16/05/2018
[16] - Cho rằng 4 động cơ (động lực) tăng trưởng (kinh tế) thì có tới 3 động cơ “nội” (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc; chỉ có một động cơ “ngoại” (khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đang chạy tốt. (Doanh nhân Sài gòn Online, Chủ nhật, 19/1/2014)
[17] - Có những ý kiến xem xét động lực tăng trưởng từ sự tăng trưởng và đóng góp của các ngành kinh tế chủ yếu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó có những ngành công nghiệp, dịch vụ chủ lực, mũi nhọn (như khi xem xét tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2018 đạt 7,08%, trong đó ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng cao 12,98%, cũng như mức tăng cao nhất của ngành nông nghiệp đạt 3.76% trong giai đoạn 2012 – 2018, khu vực kinh tế đối ngoại cũng thiết lập kỷ lục tăng trưởng mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 482 tỷ USD và xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm 2017. Tuy nhiên, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cao cho nền kinh tế như: điện thoại, điện tử, xây dựng… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn 2016 – 2017, ngành dịch vụ đạt tăng trưởng thấp hơn năm 2017…).