Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo-cầm quyền của Đảng (phần 2)

Ngày phát hành: 14/02/2020 Lượt xem 5639

II. Quan điểm và định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

1. Quan điểm chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong hệ thống Nhà nước, cần có một nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước: mặc dù khác nhau về vai trò, chức năng, nội dung, phương thức và cơ chế tác động tới xã hội, song có sự thống nhất rất cao về mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, thể hiện ở niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nâng cao niềm tin của nhân dân vào quản lý của Nhà nước cũng chính là trực tiếp nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; ngược lại, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng phải được thể hiện tập trung ở niềm tin vào hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, sẽ là sai lầm khi nhận thức có sự đối lập máy móc giữa Đảng và Nhà nước. Từ nhận thức đó, xin nêu một số quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng, thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là đối với Nhà nước, mang tính chất gợi ý nghiên cứu sau:

Một là, Đổi mới phương thức lãnh đạo phải nhằm giữ vững, nâng cao vai trò và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hướng tới xây dựng tổ chức bộ máy HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo và nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò và quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đổi mới phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng phải quán triệt nguyên tắc pháp quyền, thượng tôn pháp luật “các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, như Hiến pháp 2013 đã hiến định.

Hai là, Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải lấy “cụ thể hóa, thể chế hóa, cơ chế hóa, quy chuẩn hóa, chế độ hóa” các nội dung lãnh đạo của Đảng (về đường lối, chủ trương, chính sách...) làm trọng tâm; thực hiện đồng bộ giữa các khâu ra nghị quyết, cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết, lãnh đạo tổ chức thực hiện, và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Đảm bảo sự “sự hóa thân” các nội dung lãnh đạo của Đảng thành luật pháp, cơ chế, chính sách của nhà nước mà không dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, nhân sự giữa các tổ chức đảng với các tổ chức nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.

Ba là, Đặt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của cả hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới chính trị phù hợp và đồng bộ với đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bốn là, Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải trên cơ sở kiên định các nguyên tắc tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng chịu trách nhiệm trước đất nước và xã hội về sự lãnh đạo của mình; thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; đẩy mạnh phân cấp, tăng cường chế độ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, đi đôi với giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương.

Năm là, Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là có kết quả.

Sáu là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đổi với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải thực hiện sáng tạo phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.

2. Định hướng nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị :

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đổi mới nội dung, cơ chế, phương pháp, quy trình, cách thức, hình thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức - bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước trong điều kiện mới. Có thể nêu khái quát định hướng các nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị như sau :

Một là, Đổi mới và nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, định hướng chính sách của Đảng (các cấp ủy); nâng cao chất lượng nội dung và cách thức ra nghị quyết của các cấp ủy Đảng (về đường lối, chủ trương, định hướng chính sách…) phù hợp với vai trò và chức năng lãnh đạo chính trị của Đảng (các cấp ủy) trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng (Đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội chủ yếu bằng nhà nước và thông qua nhà nước). Hệ thống tổ chức của Đảng được tổ chức ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước. Xác định rõ nội dung và cơ chế lãnh đạo của Đảng phù hợp đối với hệ thống hành pháp, lập pháp và tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền.

Hai là, Đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước, theo hướng : các đường lối, chủ trương, định hướng chính sách phát triển của Đảng (cấp ủy) phải được tổ chức đảng và các đảng viên trong các cơ quan Nhà nước tương ứng quan triệt sâu sắc; trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa theo con đường pháp quyền các nội dung các nghị quyết của Đảng thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý - phát triển của nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân; thành khung khổ pháp lý để toàn bộ các lĩnh vực của xã hội và mọi chủ thể trong xã hội sống và hoạt động theo hiến pháp và pháp luật; thành nội dung, cơ chế và quy trình lãnh đạo của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là trong hệ thống Nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, định hướng chính sách của Đảng. Như vậy, các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước phải thực hiện song trùng “hai trong một” chức năng lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng và chức năng thực thi quyền lực nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật, do nhân dân ủy quyền theo pháp luật. Điều này cho thấy phải tiếp tục đổi mới nội dung và cơ chế lãnh đạo của Đảng (các cấp ủy) đổi với hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp, đối với từng lĩnh vực từ Trung ương xuống cơ sở. 

Ba là, Đổi mới nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng (các cấp ủy) đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng : lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, chủ trương định hướng chính sách phát triển của Đảng thành định hướng nội dung, cơ chế hoạt động của MTTQ, từng tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời lãnh đạo để Nhà nước để thể chế hóa hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo pháp luật, theo điều lệ và quy chế của mình theo nguyên tắc tự chủ, tự quản vì lợi ích của các thành viên. Đồng thời Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện cơ hiệu quả chức năng giảm sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, Đổi mới và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những người đứng đầu, trong các cơ quan nhà nước các cấp, trong các tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, gắn rõ trách nhiệm về đảng với trách nhiệm về nhà nước và về các tổ chức chính trị - xã hội; xác định rõ trách nhiệm về việc lãnh đạo cụ thể hóa và thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiêm vụ của mình theo tinh thần và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Vấn đề quan trọng là chế định rõ yêu cầu và phạm vi “tuân thủ” và yêu cầu phạm vi “chủ động, sáng tạo” đối với từng cấp, từng lĩnh vực, nhằm vưa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương, vừa phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm ,tính chủ động, sáng tạo, của từng cấp, từng tổ chức (có thể chế định rõ những vấn đề phải thực hiện đúng theo quy định “cứng” của Trung ương, những vần đề được chủ động điều chỉnh trong những phạm vi quy định, những vấn đề được hoàn toàn chủ động quyết định theo pháp luật, và những vấn đề xin thực hiện thí điểm…).

m là, Đổi mới nội dung, thể chế, cơ chế, chế độ trách nhiệm, quy trình lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ của Đảng trong hệ thống đảng và đối với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị chủ chốt có phẩm chất và năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Sáu là, Trên cơ sở quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức đảng và trong các cơ quan Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật phải chế định rõ thể chế, cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực; đổi mới nội dung, cơ chế, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan, tổ chức này.

Bảy là, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quy trình, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy đảng, của các cơ quan chức năng của đảng, của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; gắn hữu cơ với đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

Tám là, Đẩy mạnh quá trình khoa học hóa, hiện đại hóa phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng đồng bộ với quá trình hiện đại hóa, điện tử hóa hoạt động của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận gắn hữu cơ với tổng kết thực tiễn, tiếp thu sáng tạo tinh hoa của nhân loại, nâng cao hơn nữa tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo thực tiễn, để Đảng luôn là người tiến cùng thời đại, tiền phong dẫn dắt dân tộc đi lên. Sự lãnh đạo của các tổ chức đảng không rơi vào guy cơ “thực tiễn chay” và “lý luận suông, giáo điều”. Đặc biệt quá trình xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người dân, đến lợi ích quốc gia - dân tộc phải có cơ chế lấy ý kiến của nhân dân, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân; thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và quản lý của các cơ quan nhà nước, đối với các cán bộ, đảng viên, nhất là những người có trọng trách cao, trục tiếp quan hệ với dân.

Đổi mới nội dung - phương thức - cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải đảm bảo sự quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, định hướng chính sách chung của Trung ương, đồng thời phải tạo “không gian” và cơ chế đề cao tinh thần trách nhiệm - dám chịu trách nhiệm, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là những người đứng đầu, trong việc đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào những điều kiện cụ thể của thực tiễn theo tinh thần của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.  

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng đường lối, chủ trương chính sách (nghị quyết) thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị với những quan điểm và định hướng nội dung nêu trên; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước và chức năng nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội, không có sự trùng lắp, chồng chéo, là cơ sở quan trọng để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phù hợp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả./.  

(Hết)

PGS.TS Trần Quốc Toản
                                                                                                                                  Ủy viên Hội đồng Lý  luận Trung ương

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết