Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát huy vai trò của Quân đội trong phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần bảo đảm an ninh phi truyền thống ​

Ngày phát hành: 01/09/2020 Lượt xem 14365


Kể từ ca nhiễm vi rút Corona đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (ngày 31-12-2019); đến nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại. Những tác động tiêu cực của đại dịch đến các mặt của đời sống xã hội gây ra hệ lụy nặng nề, khó đoán định, đẩy nhân loại vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, mang tính toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng, chống dịch Covid-19, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, cả nước chuyển sang trạng thái “ổn định mới” để thực hiện “mục tiêu kép”; tuy nhiên, ngày 25-7-2020, dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng với quy mô và cấp độ nguy hiểm cao, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống dịch.

Thành công bước đầu khẳng định, chủ trương, giải pháp của chúng ta đúng đắn, hiệu quả; việc chỉ đạo, điều hành, triển khai khoa học, quyết liệt; không để mất thời cơ, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; quy tụ được sức mạnh đoàn kết to lớn của toàn dân tộc; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây là bài học quý, tạo tiền đề vững chắc để cả nước và Quân đội với vai trò nòng cốt, bình tĩnh, tự tin đối phó thắng lợi với hiểm họa Covid-19 nói riêng và các thách thức an ninh phi truyền thống nói chung.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quán triệt và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh; với tầm nhìn và tư duy chiến lược, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm xác định Covid-19 là “kẻ thù vô hình” - một dạng thách thức an ninh phi truyền thống hết sức nguy hiểm (là đại dịch toàn cầu nguy hiểm nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 trở lại đây), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh con người... Theo đó, toàn quân đã quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”; coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình; bất luận trong tình huống nào, Quân đội cũng phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.

 

 

Ngay từ những ngày đầu, Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ dịch; sớm tổ chức diễn tập với quy mô toàn quân[1]; dự báo được các tình huống xấu nhất để có phương án, biện pháp xử lý tốt nhất. Triển khai tập huấn quân y toàn quân đến cấp cơ sở bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kiện toàn, sắp xếp, bố trí, tổ chức lực lượng; bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, cơ sở vật chất, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”[2]. Và cũng ngay từ đầu, toàn quân đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận. Đội ngũ phóng viên báo chí cũng là chiến sĩ trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch; kịp thời cập nhật thông tin chính thống, tích cực phủ khắp các kênh truyền thông và mạng xã hội. Quân đội đã phối hợp bóc gỡ, vô hiệu hóa, xử lý nghiêm tình trạng tin giả và các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, tạo thành mặt trận truyền thông rộng khắp, giữ ổn định dư luận xã hội, củng cố quyết tâm của toàn dân chống dịch bệnh[3]

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, ngay từ trong Tết Nguyên đán năm Canh Tý, Bộ đội Biên phòng là lực lượng xung kích trên tuyến đầu, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, trực tiếp là lực lượng hải quan, công an, dân quân tự vệ tổ chức phân luồng nhập cảnh, kiểm soát biên giới, chốt chặn các đường mòn, lối mở, với trên 1.600 tổ chốt, huy động trên 9 vạn lượt người, tạo thành “lá chắn thép” không để dịch lây lan vào nội địa. Không chỉ kiểm soát biên giới, Bộ đội Biên phòng còn bám dân, bám bản, vận động, hướng dẫn bà con, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phòng, chống dịch, ổn định đời sống, giữ vững địa bàn - nơi “phên dậu” của Tổ quốc. Gần đây, các ca lây nhiễm trong cộng đồng có dấu hiệu bắt nguồn từ các đường dây đưa người trái phép qua biên giới, cho thấy việc “khóa chặt” đường biên trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp có ý nghĩa “sống còn” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Sẵn sàng “chia lửa” với ngành y tế và nhân dân cả nước, lực lượng quân y đã kịp thời thành lập 07 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với 2.800 giường bệnh, 25 đội, 154 tổ quân y cơ động, 14 tổ chuyên khoa sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chưa đầy 01 tháng, Học viện Quân y đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kít xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, các sinh phẩm, phác đồ điều trị, góp phần nâng cao năng lực ứng phó, đưa Việt Nam vào bản đồ các nước đi tiên phong trong phòng, chống dịch Covid-19 trên thế giới. Khi dịch bùng phát ở một số địa phương, Bộ đội Hóa học đã kịp thời có mặt khử trùng, tiêu tẩy, khoanh vùng, dập dịch trên diện rộng, hiệu quả cao.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, toàn quân đã dồn dịch doanh trại, bố trí 168 địa điểm cách ly tập trung; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương điều phối, vận chuyển, tiếp nhận, cách ly trên 9 vạn công dân Việt Nam và người nước ngoài về nước từ vùng có dịch; huy động trên 02 vạn cán bộ, chiến sĩ phục vụ, không quản ngày đêm, mưa nắng, chăm lo tận tình, chu đáo bằng trách nhiệm, tình cảm và sự nỗ lực cao nhất để người dân trong khu cách ly yên tâm như ở nhà, làm lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân và bạn bè quốc tế. Ở đâu gian khổ, nguy hiểm thì ở đó có bộ đội; ở đâu có bộ đội thì ở đó người dân yên tâm hơn, tin tưởng hơn vào Đảng, Chính phủ, Quân đội, vào cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo đồng thuận xã hội cao, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Covid-19 là thách thức an ninh phi truyền thống xuyên quốc gia, mang tính toàn cầu, nên sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Cùng với các hoạt động ngoại giao tích cực của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch đạt hiệu quả, thiết thực; tiến hành trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, cử chuyên gia giúp quân đội một số nước trong phòng, chống dịch bệnh[4]; tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc phòng ASEAN, diễn tập trực tuyến cơ chế xử lý tình huống về phòng, chống dịch Covid-19 giữa quân y các nước ASEAN, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế.

Cùng với phòng, chống dịch, Quân đội đã chủ động điều chỉnh, tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động quân sự, quốc phòng; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ; tổ chức tốt đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng[5]; tích cực giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn[6] và các dịch bệnh khác như: bạch hầu, sốt xuất huyết, não mô cầu, dịch tả lợn Châu Phi…; phối hợp với Công an nhân dân và các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước. Các doanh nghiệp Quân đội chủ động điều chỉnh, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện dịch bệnh, bảo đảm đời sống người lao động; tích cực tham gia sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.  

Những việc làm trên thể hiện sâu sắc sự tin tưởng và trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho Quân đội trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Càng gian nan, thử thách, Quân đội càng tỏ rõ vai trò, vị thế là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xung kích, đi đầu, chấp nhận gian khổ, hy sinh, phát huy tốt chức năng “Đội quân chiến đấu - Đội quân công tác - Đội quân lao động, sản xuất”; bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm nòng cốt cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng thế trận rộng khắp trong đối phó với dịch bệnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bùng phát trở lại ở nhiều nơi, có thể còn kéo dài, được xem là một phép thử về mô hình và chế độ nhà nước trong đối phó với dịch bệnh; tác động ngày càng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nhiều quốc gia. Với Việt Nam, khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương khác, có chiều hướng diễn biến mới, phức tạp hơn; cùng với đó là tình hình thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, các loại dịch bệnh khác (Bạch hầu, SARS, AIDS, cúm gia cầm H5N1…), buôn lậu, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái pháp luật, ô nhiễm môi trường,…đặt ra nhiều vấn đề mới đối với Quân đội trong thực thi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Điều đó đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, thường xuyên theo dõi sát tình hình, tập trung cao độ sức mạnh, sự đoàn kết và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, nhanh chóng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan trên phạm vi rộng trong cộng đồng; đồng thời, huy động mọi nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, sớm nhận diện, ngăn chặn và hóa giải những thách thức an ninh phi truyền thống qua tác động của đại dịch Covid-19, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau:

 

 

Một là, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, các lực lượng vũ trang trong đối phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định thắng lợi trong đối phó với dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống. Cấp ủy đảng các cấp luôn đề cao vai trò trách nhiệm, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh nói chung và đảm bảo an ninh phi truyền thống nói riêng; thực hiện tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị, Điện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương ngày 28/7/2020 “về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới”; các chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp về thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 trong Quân đội, v.v.. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, trong thực hiện các kế hoạch, phương án đối phó với dịch Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị căn cứ vào mức độ nguy cơ dịch bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả, bảo đảm vừa phòng, chống dịch tốt, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, không được chủ quan, song cũng không hoang mang, dao động, không để dịch bệnh lây lan, xâm nhập vào Quân đội. Trong bất luận hoàn cảnh nào, Quân đội cũng phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đối phó thắng lợi với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Hai là, làm tốt công tác dự báo chiến lược, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định các chiến lược, kế hoạch, phương án tổng thể đối phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Các thách thức an ninh phi truyền thống có tính chất rất nguy hiểm, phạm vi rộng, thời gian gấp, trực tiếp tác động đến cuộc sống con người và an ninh, quốc phòng của đất nước. Vì vậy, công tác dự báo, nắm tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp đối phó có vai trò hết sức quan trọng. Quá trình dự báo, cần nắm chắc các đặc điểm: Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có vị trí địa lý đặc thù, nằm trên dải khí hậu xích đạo nhiệt đới, nên chịu tác động rất nặng nề bởi các dạng thức an ninh phi truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có thách thức từ an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực. Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở nước ta phản ánh rất rõ những đặc điểm nêu trên.

Do đó, việc dự báo phải đi trước diễn biến tình hình dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống; đưa ra được nội dung, cách thức, tính chất, thời điểm, phạm vi, chiều hướng phát triển, mức độ tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống. Thực hiện tốt quy định về phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức chức năng trong Quân đội với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và hợp tác quốc tế để dự báo sát, đúng, kịp thời. Trên cơ sở đó, Quân đội tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoạch định chiến lược, kế hoạch, phương án, chủ trương, giải pháp ứng phó quyết liệt, phù hợp, cả trước mắt và lâu dài, giảm thiểu tác động tiêu cực, biến nguy cơ thành thời cơ, ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển bền vững.

Rà soát, đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị từ trước, tổ chức tập huấn, luyện tập, diễn tập từ sớm để nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cho các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế vận hành trong xử lý các tình huống an ninh phi truyền thống; trong đó, xác định rõ phạm vi trách nhiệm, nhất là cơ quan chủ trì, mối quan hệ giữa các thành phần của hệ thống chính trị; làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

Tiếp tục chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, bố trí các doanh trại và cơ sở phù hợp làm nơi cách ly tập trung đối với người nhập cảnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các địa phương) tổ chức phân luồng, tiếp nhận công dân về nước một cách khoa học, tránh để xảy ra quá tải cục bộ, gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, chốt chặn đường mòn, lối mở; ngăn chặn các trường hợp xâm nhập trái phép và các hoạt động tội phạm, giữ ổn định an ninh, xã hội khu vực vùng biên. Cùng với duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phải chủ động phòng, chống các dịch bệnh khác (Bạch hầu, Não mô cầu, Sốt xuất huyết, H5N1…) phù hợp với tình hình thực tế và mức độ nguy cơ của địa phương, nơi đóng quân, kiên quyết không để dịch lây lan, xâm nhập vào đơn vị. Chăm lo đời sống của bộ đội, giữ vững quân số khỏe để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tự phòng, chống để bảo đảm sức khỏe tốt nhất phục vụ nhân dân.

Chủ động dự báo, tham mưu với Đảng, Nhà nước một số hình thức chiến tranh như: “chiến tranh sinh học”, “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh mạng”…; chuẩn bị phương án đối phó với các tình huống biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng tại các khu vực sân bay, bến cảng, thành phố, thị xã, địa bàn chiến lược, trọng điểm, nơi sơ tán, cách ly công dân, khu vực đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số bị kích động chống đối chính quyền trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu đối với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội, Công an, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Ba là, bổ sung quy hoạch, bố trí thế chiến lược, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, các khu vực phòng thủ vững chắc, gắn với đối phó thắng lợi với dịch bệnh Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Vấn đề này bắt nguồn từ nghệ thuật dựng nước và giữ nước của dân tộc nhằm huy động mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch Covid-19 và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Thực tế cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ việc chống “giặc dịch” đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trong đó thế bố trí chiến lược, các khu vực phòng thủ có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh[7].

Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong tham mưu với Đảng, Nhà nước về quy hoạch tổng thể các khu vực đất quốc phòng, công trình quốc phòng, cơ sở doanh trại, phương tiện quân sự, hệ thống quân dân y, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… theo từng địa bàn để khi xảy ra tình huống về dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, khủng bố, bạo loạn…có thể bố trí làm nơi sơ tán, cách ly theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị trên từng địa bàn chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác điều phối, tiếp nhận, vận chuyển, theo dõi, cách ly và các nội dung, biện pháp ứng phó hiệu quả với các cấp độ dịch trên địa bàn (nếu xảy ra); chủ động giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn…, khôi phục, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, mở rộng công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Đây là sự quán triệt và cụ thể hóa chủ trương “… đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[8] của Đảng và Nhà nước ta nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài để đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trước các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu về mầm bệnh, các biện pháp điều trị và nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị bệnh Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch bệnh xuyên biên giới với các nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia) để kịp thời ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Làm tốt vai trò Chủ tịch Ban Giám đốc Quân y ASEAN, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, v.v..

Năm là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông trong đối phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Phát huy tốt vai trò của thông tin, truyền thông là một trong những nhân tố quan trọng để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời định hướng, dẫn dắt dư luận, tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội cao trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Các phương tiện thông tin, truyền thông thực sự là công cụ sắc bén đấu tranh với tình trạng tin giả, thất thiệt, gây hoang mang dư luận và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là trên không gian mạng. Do đó, công tác thông tin, truyền thông phải được coi trọng, đặt lên hàng đầu trong đối phó với dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Quân đội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, đối phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản tuyên truyền trong từng tình huống, nhân lên các giá trị tốt đẹp được lan tỏa trong phòng, chống đại dịch, có biện pháp giảm thiểu và không để xảy ra khủng hoảng truyền thông trong quá trình ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên mạng truyền số liệu quân sự, mạng xã hội và các thiết chế văn hóa; thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số trong mọi hoạt động của đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác chính sách, động viên, khen thưởng trong phòng, chống dịch, tập trung vào các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trực tiếp làm nhiệm vụ cách ly, điều trị, kiểm soát biên giới. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay, góp sức cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, cũng như đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, với tác động ngày càng nặng nề đối với mọi mặt đời sống xã hội; đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh và đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống. Vì vậy, phát huy vai trò của Quân đội trong phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần bảo đảm an ninh phi truyền thống là vấn đề cấp thiết; góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch có hiệu quả, nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[9]./.

 

 

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

Ủy viên BCHTW Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



[1] Có sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước tại 227 điểm cầu, 267 điểm thực binh với trên 22.000 người tham gia.  

[2] 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, đảm bảo phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

[3] Đã xây dựng được gần 1.400 bài viết và gần 600 video, đặc biệt có những kênh truyền thông đã đạt gần 4.000.000 lượt xem và hơn 1.500.000 lượt tương tác; bóc gỡ được 45 các tài khoản MXH, vô hiệu hóa gần 10 tên miền độc hại và gần 150 bài viết. Đến nay, trong số 7.700.000 bài viết thu hút hơn 98.250.000 lượt tương tác liên quan đến dịch bệnh Covid-19, trong đó thông tin tích cực chiếm xu thế chủ đạo (chiếm 93.2%); tin tiêu cực dưới 10%.

[4] Lào, Campuchia, Nga, Cu Ba, Trung Quốc, Hung-ga-ri…

[5] Đến ngày 29/7/2020 đã có 274/286 = 95,80% đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức đại hội (chủ lực 179 đạt 100%; địa phương 95 đạt 88,79%); 20/60 = 33,33% Đảng bộ trực thuộc Quân ủy Trung ương tổ chức đại hội. Sau đại hội tạo được không khí phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.   

[6] Huy động 1.671 cán bộ, chiến sĩ, 493 lượt phương tiện vận chuyển gần 5,5 triệu m3 nước ngọt, 1.350 bồn chứa nước, 4.080 bình nước tinh khiết; cứu 1,13 triệu ha hoa màu, tặng quà trị giá 8,2 tỉ đồng…

[7] Như: việc bố trí các địa điểm cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất…

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 153.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết