Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát triển tài chính xanh từ góc nhìn của tài chính cá nhân

Ngày phát hành: 08/08/2024 Lượt xem 668

 

Sau 38 năm thực hiện Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2023, GDP của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD[1], đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới[2]. Năm 2024, theo IMF, GDP của Việt Nam tăng khoảng 5,8% và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu[3].

 

Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta, trong khi đó, hiệu quả sử dụng tài nguyên môi trường hiện đang còn rất thấp. Giai đoạn 1990 – 2014, vốn tài nguyên ước tính chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao[4].  Từng là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính (GHG) rất thấp, nhưng trong 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng phát thải của Việt Nam xếp vào hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu (đứng thứ 13 trong số 180 nước theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000 – 2019 và xếp hạng 127 trong 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Biến đổi khí hậu toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN)). Thực trạng này đang đe dọa trực tiếp những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu để đạt được. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu, tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050[5]. Ước tính, thiệt hại kinh tế hàng năm khi nhiệt độ tăng lên 10C (so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp) lên tới khoảng 1,8% GDP. Mức độ thiệt hại có thể tăng lên 4,5% GDP khi nhiệt độ tăng 1,50C, 6,7% GDP khi nhiệt độ tăng 20C và lên tới 10,8% GDP khi nhiệt độ tăng 30C[6].

 

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh đã trở thành lựa chọn tất yếu để Việt Nam đi đến mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc tại Glasgow tháng 11 năm 2021 (COP26), Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã khẳng định “ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân”[7]. Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam đã đưa ra một số cam kết mạnh mẽ như: đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; chấm dứt nạn chặt phá rừng và giảm 30% phát thải khí mêtan so với năm 2020 vào năm 2030; chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất nhiệt điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo… Tại COP 27,  Việt Nam tiếp tục khẳng định "Cam kết đi đôi với hành động" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu[8].

 

Những cam kết của Việt Nam đã và đang được triển khai mạnh mẽ, với nhiều giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, cùng sự tham gia tích cực của nhiều bộ ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước. Trên cơ sở đó, đã đạt được những thành tích tích cực. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có những điểm hạn chế nhất định, mà một trong số đó là vai trò của khu vực cá nhân/hộ gia đình, cụ thể là tài chính cá nhân, chưa được phát huy một cách đầy đủ. Những phân tích dưới đây nhằm làm rõ vấn đề này và đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao vai trò của khu vực cá nhân/hộ gia đình trong công cuộc thúc đẩy tăng trưởng xanh của đất nước.

 

1. Phát triển kinh tế xanh là một hành động mang tính tập thể, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên trong nền kinh tế, trong đó không thể bỏ qua vai trò của cá nhân/hộ gia đình.

 

Ngày 1/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó khẳng định: “Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững”. “Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường”. Như vậy, tăng trưởng xanh không chỉ được xác định là mô hình tăng trưởng tất yếu cần vươn tới, mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh còn khẳng định: tham gia vào thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch sang hướng xanh cần có vai trò của tất cả các thành phần trong nền kinh tế, trong đó, không thể bỏ qua vai trò của cá nhân/hộ gia đình.

 

Tuy nhiên, tại Quyết định số 1658 như đã nêu trên và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, có thể thấy vai trò của cá nhân/ hộ gia đình tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của đất nước vẫn còn khá mờ nhạt. Hầu hết các giải pháp mới chỉ nhìn nhận cá nhân/hộ gia đình trong vai trò của người thụ hưởng và tiêu dùng. Cụ thể như:

 

- Tại phần giải pháp được đề ra tại Quyết định 1658, người dân chỉ được đề cập đến tại khoản g, điểm 2 về “bình đẳng trong chuyển đổi xanh”, trong đó “đảm bảo các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các chủ thể chịu ảnh hưởng khi cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các nhóm yếu thế được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh”.

 

- Tại các nhóm nhiệm vụ, hành động cụ thể được quy định tại Quyết định 882, người dân xuất hiện trong vai trò là đối tượng thụ hưởng của các chương trình truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh; đối tượng của các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực và tiếp cận các nguồn lực trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Vai trò của người dân cũng được đề cập trong việc chuyển đổi hành vi tiêu dùng ở các lĩnh vực như: giao thông (chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng sạch); quản lý chất thải, thu gom, phân loại tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn sinh hoạt; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xử lý nước sạch.

 

Nhìn chung, trong khi tăng trưởng xanh được xác định là sự nghiệp của toàn dân, phát triển kinh tế xanh cần được xem là một hành động tập thể, đòi hỏi sự thamg gia của tất cả các bên trong nền kinh tế; tuy nhiên, trong thực tế vai trò của người dân bao gồm cá nhân/hộ gia đình trong các giải pháp về tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay chưa được xem xét một cách đầy đủ. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng huy động sức mạnh toàn dân trong công cuộc chuyển đổi kinh tế đất nước theo hướng xanh và bền vững.

 

2. Vai trò của tài chính cá nhân trong phát triển tài chính xanh

 

Hiện nay chưa có một khái niệm được công nhận chính thức về tài chính xanh. Một số quan điểm tiếp cận tài chính xanh ở góc độ tài trợ tài chính (green financing). Theo Höhne và đồng sự (2012): Tài chính xanh là một khái niệm rộng lớn bao gồm đầu tư tài chính cho các dự án và sáng kiến phát triển bền vững, các sản phẩm môi trường và các chính sách khuyến khích phát triển bền vững[9]. Một số quan điểm lại tiếp cận tài chính xanh ở góc độ xanh hóa hệ thống tài chính (greening finance). Theo Böhnke và đồng sự (2014): Tài chính xanh bao gồm tất cả các dạng đầu tư hay cho vay có tính tới tác động môi trường. Yếu tố chính của tài chính xanh là đầu tư bền vững và ngân hàng xanh – nơi quyết định đầu tư và cho vay được thực hiện dựa trên cơ sở các sàng lọc và đánh giá rủi ro theo các tiêu chuẩn môi trường bền vững[10]. Theo Bethlendi và Póra (2021), một cách chung nhất, theo có thể hiểu “tài chính xanh là mong muốn kết hợp thế giới tài chính và kinh doanh với mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong đó, dịch vụ tài chính xanh bao gồm một số bên tham gia như: người tiêu dùng cá nhân/hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà đầu tư và ngân hàng)[11].

 

Tài chính cá nhân đóng góp vào bức tranh chung của tăng trưởng xanh và tài chính xanh trên nhiều góc độ:

 

- Thứ nhất, tài chính cá nhân chịu ảnh hưởng đáng kể do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và do vậy, tạo ra cầu đối với các sản phẩm tài chính xanh cho khu vực cá nhân/hộ gia đình

 

Thiên tai, lũ lụt có thể gây ra những cú sốc lớn đối với tài chính hộ gia đình, làm thiệt hại tài sản và gia tăng chi phí sửa chữa (ví dụ như nhà ở, phương tiện đi lại…), công việc bị gián đoạn và thu nhập giảm sút. Bảng cân đối tài sản của các cá nhân/hộ gia đình cũng có thể bị suy yếu do tài sản bị mất giá sau thiên tai. Năm 2016, nghiên cứu của Ortega và Taspinar chỉ ra rằng giá nhà ở các khu dân cư ngập lụt ở NewYork đã giảm gần 20% sau cơn bão Sandy, và trong hơn 3 năm sau đó, những ngôi nhà ở các khu vực lân cận vẫn được định giá thấp hơn khoảng 10% so với các vùng khác[12]. Nghiên cứu của Issler, Stanton, Vergarra – Alert và Wallace (2020) đã tìm thấy sự gia tăng đáng kể về tình trạng nợ quá hạn và bị tịch thu tài sản của người dân sau hỏa hoạn cháy rừng ở California năm 2000[13]. Nghiên cứu Billings, Gallagher và Ricketts (2021) cũng phát hiện ra rằng lũ lụt nặng nề sau cơn bão Harvey đã làm tăng tỷ lệ phá sản của các hộ gia đình lên khoảng 1,4 điểm phần trăm[14]. Ratcliffe, Congdon, Teles, Satnczyk và Martin (2020) cho rằng những sự kiện thiên tai quy mô trung bình có thể dẫn đến điểm tín dụng của các hộ gia đình sụt giảm (đồng nghĩa với việc các hộ gia đình có ít khả năng vay nợ hơn trong tương lai)[15].

 

Hệ thống tài chính xanh vì vậy cũng cần phát triển những công cụ để hỗ trợ các cá nhân/hộ gia đình quản lý tài chính hiệu quả hơn trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ví dụ như các sản phẩm bảo hiểm thiên tai cho các hộ gia đình sẽ cần được đẩy mạnh. Các mô hình quản lý và hoạch định tài chính cá nhân sẽ cần bổ sung các biến số do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu để giúp các cá nhân/hộ gia đình xây dựng được các kế hoạch tài chính toàn diện hơn, nhằm bao trùm các rủi ro này.

 

- Thứ hai, các cá nhân và hộ gia đình cũng có thể tham gia đóng góp vào nguồn cung tài chính xanh bằng các sản phẩm tài chính như tiết kiệm và đầu tư xanh

 

Vốn đầu tư đóng một vai trò đặc biệt quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi theo hướng xanh. Theo thống kế của CPI (2021) tổng quy mô tài chính khí hậu toàn cầu năm 2019  đã đạt 632 tỷ USD, trong đó, quy mô vốn được cung cấp từ hệ thống các định chế tài chính thương mại (bao gồm ngân hàng và các trung gian tài chính khác) là 122 tỷ USD (chiếm 19,3%)[16]. Nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia vào cung cấp vốn đầu tư xanh thông qua các sản phẩm tài chính như tiết kiệm xanh, cổ phiếu và trái phiếu xanh:

 

Tiết kiệm xanh là một loại tiền gửi tiết kiệm được thiết kế dành cho những người muốn tiền gửi của họ được sử dụng để hỗ trợ các dự án bền vững và bảo vệ môi trường. Cơ chế của tiền gửi tiết kiệm xanh gần tương tự như tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Khi khách hàng chọn sản phẩm tiền gửi tiết kiệm xanh, các ngân hàng sẽ đảm bảo rằng các khoản tiền gửi này được sử dụng để tài trợ cho các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, thông qua các cơ chế báo cáo và minh bạch thông tin. Nhiều ngân hàng đã cung cấp các sản phẩm tiết kiệm xanh với lãi suất cao hơn và kỳ hạn dài hơn để huy động nguồn vốn dài hạn tài trợ cho các dự án xanh[17].

 

Trái phiếu xanh là loại trái phiếu được phát hành với mục đích huy động vốn để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Các dự án đủ điều kiện phát hành trái phiếu xanh thường liên quan đến năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải, giao thông xanh…Trái phiếu xanh khác với trái phiếu thông thường ở các quy định sử dụng vốn vào các lĩnh vực xanh và tính minh bạch của tổ chức phát hành. Những quy tắc này đòi hỏi nhà phát hành tuân thủ các quy định báo cáo để giúp nhà đầu tư nhận biết liệu trái phiếu có thực sự xanh hay không[18]. Thông qua việc đầu tư vào trái phiếu xanh, nhà đầu tư cá nhân vừa nhận được lợi tức trái phiếu, vừa đáp ứng các nhu cầu về đạo đức nhằm hướng đến các nghĩa vụ đối với xã hội và môi trường.

 

Cổ phiếu xanh được phát hành bởi các công ty tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu đóng góp cho một tương lai bền vững hơn. Tương tự như trái phiếu xanh, việc đầu tư vào cổ phiếu xanh cũng giúp các nhà đầu tư vừa thực hiện mục tiêu đầu tư của cá nhân, vừa tiến tới các nghĩa vụ đối với môi trường và xã hội.  

 

Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia vào các quỹ đầu tư xanh, là quỹ đầu tư chuyên huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân để đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án thân thiện với môi trường. Các quỹ này đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp xanh phát triển.

 

- Thứ ba, các cá nhân và hộ gia đình tác động gián tiếp đối với cung và cầu tài chính xanh thông qua tiêu dùng xanh.

 

Tiêu dùng xanh được hiểu là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Các sản phẩm xanh được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ hoặc hành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường. Các sản phẩm xanh cũng được sản xuất từ những quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, ít phải thải carbon. Việc xanh hóa tiêu dùng với tiềm năng phát triển ngày càng lớn, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào thị trường xanh nhiều hơn. Có thể nói rằng tiêu dùng xanh chính là động lực cốt lõi để thúc đẩy một nền kinh tế xanh nói chung, và tài chính xanh nói riêng ngày càng phát triển.

 

Tuy vậy, phần lớn các nghiên cứu hiện tại cũng chứng minh rằng các sản phẩm xanh đắt hơn các sản phẩm thông thường, và giá cao có tác động tiêu cực đến ý định mua hàng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể sẵn sàng trả một khoản phụ phí nhỏ cho những sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng mức chênh lệch giá tối đa có thể chấp nhận chỉ là 5 -10%[19]. Nhìn chung, nếu có không chính sách trợ cấp giá phù hợp, người tiêu dùng sẽ ít có động lực để đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.

 

3. Các giải pháp thúc đẩy cá nhân/hộ gia đình lựa chọn xanh và khuyến nghị cho Việt Nam

 

Khẳng định vai trò quan trọng của tài chính cá nhân trong thúc đẩy tài chính xanh cả ở phía cung và cầu, trực tiếp và gián tiếp, từ đó cho thấy các chính sách về tăng trưởng xanh nói chung và tài chính xanh nói riêng sẽ không thể bỏ qua khu vực này.

 

Nhìn chung, trong các quyết định tài chính của người dân hiện nay, khía cạnh kinh tế (giá cả, rủi ro, lợi nhuận, tính minh bạch của sản phẩm) vẫn quan trọng hơn nhiều so với khía cạnh sinh thái[20]. Cân nhắc về “xanh” là quan trọng, nhưng đây không phải là cân nhắc quan trọng nhất đối với họ, bởi những rào cản về năng lực tài chính và thu nhập. Bởi vậy, giáo dục vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu, nhưng giáo dục về “xanh” sẽ không thể tách rời giáo dục về tài chính. Việc nâng cao đồng thời kiến thức về bảo vệ môi trường, ý thức xã hội, gắn liền với các kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân, sẽ giúp cho người dân biết cách tiêu dùng và đầu tư xanh một cách hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, cũng cần phát triển một thị trường tài chính xanh hướng tới khu vực cá nhân/hộ gia đình nhiều hơn. Các sản phẩm tài chính như tiết kiệm xanh, chứng khoán xanh, các quỹ đầu tư xanh cần được thúc đẩy phát triển, để mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Các tiêu chuẩn về quản lý, giám sát và minh bạch thông tin cũng sẽ cần được đẩy mạnh để mọi người dân có thể đảm bảo rằng các sản phẩm tài chính mà họ đầu tư thực sự là sản phẩm tài chính xanh.

 

Trên cơ sở những phân tích ở trên, một số khuyến nghị để góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ góc nhìn của tài chính cá nhân bao gồm:

 

- Tăng cường các chương trình giáo dục tài chính gắn liền với giáo dục về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững. Xây dựng hệ thống các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh, gắn liền với nâng cao năng lực về quản lý tài chính cá nhân, thông qua đó, gia tăng “khả năng sống xanh” một cách thực sự cho mọi người dân trong nền kinh tế. Các chương trình truyền thông cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, chia sẻ các kỹ năng tiêu dùng xanh với chi phí phù hợp, giá cả ưu đãi, sẽ giúp cho nhiều người dân có thể tiếp cận lối sống xanh. Trong đó, các tổ chức, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ là cầu nối hữu ích.

 

- Đối với tài chính xanh, bên cạnh việc chú trọng huy động các nguồn lực từ khu vực tài chính công, tài chính doanh nghiệp và tài chính quốc tế như các giải pháp đã đặt ra tại Quyết định số 1658 và Quyết định số 882 đã đặt ra, thì cũng cần có các giải pháp để thu hút nguồn tài chính từ khu vực cá nhân/hộ gia đình, thông qua: khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển các sản phẩm tiết kiệm xanh; tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, gắn liền với việc tuyên truyền rộng rãi để các nhà đầu tư cá nhân hiểu và tích cực tham gia đầu tư vào các sản phẩm này. Việc thiết kế các sản phẩm tài chính xanh cũng cần được phát triển theo hướng gần gũi, thân thiện và phù hợp hơn với hiểu biết cũng như thị hiệu của nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, cần có các chương trình truyền thông để giúp các nhà đầu tư cá nhân hiểu rằng đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh cũng chính là cách giúp cho tài sản đầu tư của họ trở nên an toàn, bền vững hơn trong dài hạn, trước những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

 

- Để tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng như toàn xã hội, thì các cơ chế giám sát và minh bạch hóa thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức xây dựng và phát hành báo cáo ESG (Environmental, Social &Governance Report) sẽ cần được triển khai rộng rãi và từng bước chuẩn hóa theo các thông lệ tốt nhất.

 

TS. Lê Minh Nghĩa

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam

 



[1] https://baochinhphu.vn/gdp-nam-2023-uoc-tinh-tang-505-102231229092747624.htm

[2] https://tuoitre.vn/quy-mo-kinh-te-viet-nam-thu-35-the-gioi-con-co-the-lam-tot-hon-20240330225612974.htm

[3] https://vneconomy.vn/nam-2024-kinh-te-viet-nam-se-phuc-hoi-manh-me.htm

[5] https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2022/07/01/new-world-bank-group-report-proposes-path-for-vietnam-to-address-climate-risks-while-sustaining-robust-economic-growth

[6] WB (2022) Việt Nam Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển

[7] https://nhandan.vn/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-phuc-hoi-tu-nhien-phai-tro-thanh-uu-tien-cao-nhat-post672097.html

[8] https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-cam-ket-di-doi-voi-hanh-dong-tai-hoi-nghi-cop-27-post832285.vnp

[9] Höhne, B. N., Khosla, S., Fekete, H., & Gilbert, A. (2012). Mapping of Green Finance Delivered by IDFC Members in 2011. 26.

[10] Böhnke / Eidt / Knierim / Richert / Röber / Volz (forthcoming): How to Make Green Finance Work - Empirical Evidence from Bank and Company Surveys, German Development Institute / Deutsches Institut für Entwicklungspolitik (DIE).

[11] Bethlendi và Póra (2021), Household green finances: demand in focus, Public Finance Quaterly – September 2021, DOI: 10.35551/PFQ_2021_3_1

[12] Ortega, F., & Taspinar, S. (2016). Rising Sea Levels and Sinking Property Values: The Effects of Hurricane Sandy on New York’s Housing Market (Issue 10374). https://doi.org/10.2139/ssrn.3074762

[13] Issler, P., R. Stanton, C. Vergara-Alert, and N. Wallace. 2020. “Mortgage Markets with ClimateChange Risk: Evidence from Wildfires in California.” University of California, Berkeley, Working Paper

[14] Billings, S. B., E. Gallagher, and L. Ricketts. 2021. “Let the Rich Be Flooded: The Distribution of Financial Aid and Distress after Hurricane Harvey.” University of Colorado Boulder Working Paper.

[15] Ratcliffe, C., W. Congdon, D. Teles, A. Stanczyk, and C. Martin. 2020. “From Bad to Worse: Natural Disasters and Financial Health.” Journal of Housing Research 29(sup1): S25–S53

[16] CPI (2021), Global landscape of Climate Finance 2021

[17] https://www.axisbank.com/progress-with-us-articles/money-matters/save-invest/what-is-green-deposit

[18] Lauri Kivikoski, Robert Sandberg (2019), Individual investors’ preferences regarging green bonds,

[19] Bethlendi và Póra (2021), Household green finances: demand in focus, Public Finance Quaterly – September 2021, DOI: 10.35551/PFQ_2021_3_1

[20] Röstel, D. (2019). How safe are sustainable investments? BaFin survey. online: https://www.bafin.de/sharedDocs/Veroeffentlichungen/EN/Fachartikel/2019/fa_bj_1906_nachhaltige_Geldanlage_en.html, Downloaded: 25 June 2021

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết