Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã nông nghiệp

Ngày phát hành: 04/05/2022 Lượt xem 2342

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Hùng Sơn, Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu

 

1. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về hợp tác xã nông nghiệp  

Từ nghiên cứu lịch sử phát triển của sản xuất xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nhận thấy hợp tác xã (HTX) nói chung và hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) nói riêng là hình thức kinh tế tập thể dựa trên sở hữu tập thể và lao động tập thể đã tồn tại từ trước chủ nghĩa tư bản (CNTB) bởi lẽ “chế độ công hữu về ruộng đất - là tạo ra một cơ sở tự nhiên của nền sản xuất tập thể và của sự chiếm hữu tập thể” . Trong CNTB, “phong trào hợp tác là một trong những lực lượng cải tạo xã hội hiện thời xây dựng trên sự đối kháng giai cấp. Công lao to lớn của phong trào này là ở chỗ nó đã chứng tỏ trên thực tế khả năng thay thế chế độ lao động phục tùng tư bản, một chế độ độc tài và sản sinh ra nạn bần cùng hiện nay, bằng chế độ liên hiệp những người sản xuất tự do và bình đẳng, một chế độ cộng hòa và tốt đẹp” . Sự tồn tại và phát triển của HTX trong CNTB “ít ra cũng đã chứng minh trong thực tiễn rằng nhà buôn và chủ xưởng là những người mà người ta rất có thể không cần đến” .

Tuy nhiên, để HTX có thể trở thành hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phổ biến, làm “cho lao động tập thể có thể thay thế lao động trên mảnh đất xé nhỏ ngay trong bản thân nông nghiệp, nguồn gốc của sự chiếm hữu tư nhân, thì cần có hai điều: nhu cầu về kinh tế đối với sự cải tạo đó và điều kiện vật chất để thực hiện việc đó” . “Muốn biến nền sản xuất xã hội thành một hệ thống thống nhất, rộng lớn và nhịp nhàng của lao động hợp tác tự do thì cần phải có những sự thay đổi chung của xã hội, những sự thay đổi trong các cơ sở của chế độ xã hội, những sự thay đổi này chỉ có thể thực hiện được bằng cách chuyển các lực lượng có tổ chức của xã hội, tức là chính quyền nhà nước, từ trong tay các nhà tư bản và địa chủ sang tay của chính những người sản xuất” . Đồng thời, để thực hiện sự chuyển đổi sang chế độ mới, C. Mác và Ph. Ăngghen khuyến cáo “công nhân nên nắm lấy hợp tác xã sản xuất hơn là nắm lấy hợp tác xã tiêu thụ”; để tránh cho các tổ chức hợp tác khỏi thoái hóa thành những công ty cổ phần… công nhân ở mỗi xí nghiệp… đều phải được nhận những phần ngang nhau trong thu nhập… những người có cổ phần được hưởng một lợi tức nhỏ… là một biện pháp tạm thời” .

C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, giai cấp công nhân tại hầu hết các nước cần thu hút nông dân tham gia đấu tranh cách mạng bởi “người nông dân đều là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và lực lượng chính trị” . Sở dĩ có thể làm được điều đó là do “Sự phát triển của hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã giáng một đòn chí tử vào nền tiểu sản xuất nông nghiệp. Nền sản xuất này đang suy tàn và không tránh khỏi tiêu vong” , trong đó, toàn bộ nông dân, đặc biệt là tiểu nông “phải đối mặt với nguy cơ phá sản, trở thành người vô sản tương lai” .

Để thu hút đông đảo nông dân tham gia cách mạng, giai cấp công nhân cần có chính sách đúng đắn, trước hết phù hợp với nguyện vọng của tiểu nông , đặc biệt là sau khi giành được chính quyền. C. Mác và Ph. Ăngghen nhắc nhở: “chúng ta thấy trước sự tiêu vong tất yếu của tiểu nông, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không có nhiệm vụ đẩy nhanh sự tiêu vong đó bằng sự can thiệp của mình” , “không thể nghĩ đến dùng bạo lực để tước đoạt tiểu nông (dù có hoặc không có bồi thường cũng vậy), như chúng ta buộc phải tước đoạt bọn địa chủ. Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông, trước hết là phải hướng nền kinh doanh cá thể và sở hữu của họ vào con đường kinh doanh hợp tác, không phải bằng bạo lực mà là bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội” , “chuyển dần hợp tác xã nông dân lên một hình thức cao hơn và để làm cho quyền lợi và nghĩa vụ vừa của toàn thể hợp tác xã, lẫn của riêng các xã viên, ngang với quyền lợi và nghĩa vụ của các ngành khác trong toàn thể cộng đồng” . Trong quá trình đó cần “phải làm cho nông dân hiểu rằng chúng ta chỉ có thể cứu vãn và bảo tồn được tài sản của họ bằng cách biến tài sản đó thành tài sản hợp tác xã và thành những doanh nghiệp hợp tác xã. Bởi vì chính nền kinh tế cá thể, kết quả của chế độ sở hữu tư nhân, mới làm cho nông dân bị diệt vong” .

Trong thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, C. Mác và Ph. Ăngghen đặc biệt chú trọng nguyên tắc tự nguyện. “Chúng ta kiên quyết đứng về phía người tiểu nông; chúng ta sẽ cố tìm đủ mọi cách để làm cho số phận của họ được dễ chịu hơn, để cho họ chuyển sang hợp tác xã được dễ dàng hơn, nếu họ quyết chuyển như thế và thậm chí để cho họ có thời gian suy nghĩ với tư cách là người sở hữu mảnh đất của họ nếu họ chưa có thể quyết định như thế”. Đối với trung nông và phú nông cũng có thể đề nghị thực hiện tập hợp các tài sản lại thành một cơ sở kinh doanh hợp tác xã, khiến cho có thể xóa bỏ được dần dần tình trạng bóc lột nhân công làm thuê và có thể dần dần tiến hành việc cải tạo thành những ngành có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong một hợp tác xã sản xuất toàn quốc quy mô lớn” . Lợi ích biểu hiện thông qua “tấm gương của những hợp tác xã nông nghiệp… sẽ chứng minh cho ngay cả những người cuối cùng trong đám nông dân có mảnh ruộng đất nhỏ, còn ngoan cố và có thể cho cả một vài phú nông thấy rõ những điều lợi của nền kinh tế lớn hợp tác xã quy mô lớn”

 

2. Quan điểm của V.I. Lênin về hợp tác xã nông nghiệp

Trước Cách mạng tháng Mười 1917, V.I. Lênin cho rằng, sự tồn tại của HTX trong CNTB không phải sự quay trở lại thời kỳ công xã, mà đó là sự phản ánh sự phát triển của CNTB, , “là những tổ chức tư bản tập thể” “là một hình thức mới của việc kinh doanh tư bản chủ nghĩa” , “là một bộ máy rất quan trọng, gắn chặt với trung nông, một bộ máy tập hợp các tầng lớp nông dân tản mạn, rời rạc”. “Dưới chủ nghĩa tư bản tư nhân, xí nghiệp hợp tác xã khác với xí nghiệp tư bản chủ nghĩa, cũng như xí nghiệp tập thể khác với xí nghiệp tư nhân , đồng thời HTX cũng “là một di sản văn hóa to lớn mà chúng ta phải coi trọng và sử dụng”

Sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền và bắt đầu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, “vị trí của các hợp tác xã đã thay đổi căn bản về nguyên tắc… Ở đây, lượng đã biến thành chất” , “hợp tác xã phải chuyển sang thật sự phục vụ quần chúng lao động” . “Chuyển từ chế độ hợp tác xã của những nhà sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội là chuyển từ tiểu sản xuất sang đại sản xuất, nghĩa là một bước quá độ phức tạp hơn, nhưng nếu thành công, lại có thể bao gồm được những khối quần chúng nhân dân đông đảo hơn, nhổ được những gốc rễ sâu xa hơn và dai dẳng hơn của những quan hệ cũ tiền xã hội chủ nghĩa, thậm chí tiền tư bản, là những quan hệ phản kháng mọi sự “đổi mới” một cách kịch liệt hơn” .

Theo V.I. Lênin, sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 “chính quyền nhà nước đã do giai cấp công nhân nắm, vì mọi tư liệu sản xuất đều do chính quyền nhà nước nắm, nên trên thực tế, chúng ta chỉ còn có việc đưa nhân dân vào các hợp tác xã. Khi nhân dân đã vào hợp tác xã tới một mức đông nhất, thì chủ nghĩa xã hội… tự nó sẽ được thực hiện” . Chế độ hợp tác xã ở nước Nga xô viết đã có một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt: “chúng ta đã tìm ra được mức độ kết hợp lợi ích tư nhân, lợi ích thương nghiệp tư nhân với việc nhà nước kiểm soát và kiểm tra lợi ích đó, mức độ làm cho lợi ích tư nhân phục tùng lợi ích chung” , “bước quá độ sang một chế độ mới bằng con đường giản đơn nhất, dễ dàng nhất, dễ tiếp thu nhất đối với nông dân” .

Bản chất của HTX thay đổi dần trong quá trình xây dựng CNXH thể hiện ở chỗ: “Dưới chủ nghĩa tư bản nhà nước, xí nghiệp hợp tác xã khác với xí nghiệp tư bản nhà nước, trước hết ở chỗ nó là xí nghiệp tư nhân, sau nữa ở chỗ nó là xí nghiệp tập thể. Dưới chế độ hiện nay của chúng ta, xí nghiệp hợp tác xã khác với xí nghiệp tư bản tư nhân, ở chỗ nó là xí nghiệp tập thể, nhưng nó không khác xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, nếu miếng đất trên đó nó được xây dựng và những tư liệu sản xuất đều thuộc về nhà nước, nghĩa là về giai cấp công nhân .

Để phát huy vai trò của HTX nói chung và đặc biệt là HTXNN nói riêng trong xây dựng CNXH, theo V.I. Lênin cần phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện như Ph. Ăngghen đã chỉ ra, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc dần dần từng bước thông qua phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, “phải hết sức ít dùng biện pháp cao xa và hình thức mơ hồ”, phải thích hợp với trình độ của người nông dân bình thường nhất, không đề ra với nông dân những yêu cầu quá cao, phải nắm vững rằng muốn “làm cho toàn thể dân cư tham gia hợp tác xã thì cần phải có cả một thời kỳ lịch sử” . Trong quá trình đó phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước về tài chính, tín dụng và đào tạo, đồng thời coi trọng đảm bảo lợi ích của nông dân . V.I. Lênin khẳng định: “Nếu chúng ta tổ chức được toàn thể nông dân vào hợp tác xã thì chúng ta đứng vững được hai chân trên miếng đất xã hội chủ nghĩa ”.

 

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã nông nghiệp

Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa tinh hoa nhân loại và tổng kết thực tiễn Việt Nam, Hồ Chủ tịch cho rằng, “Ở các nước, hợp tác xã là hình thức tổ chức kinh tế rất thông thường trong dân chúng”, “để cho khỏi bị hàng buôn ăn bớt” . Hồ Chí Minh giải thích quan niệm về hợp tác xã thông qua những ca dao, tục ngữ và những từ ngữ dễ hiểu, gắn liền với đời sống nông dân. “Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là hợp tác. Lại thí dụ 10 người muốn ăn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ăn riêng; ăn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất biết bao nhiêu củi, nước, công phu và thì giờ. Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”, “là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều” . Theo Hồ Chí Minh, “Làm hợp tác xã là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chăm, đời sống lên không ngừng .

 

Bác Hồ thăm đồi cà phê của Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh tư liệu

 

Mục đích tổ chức hợp tác xã trong xây dựng CNXH là để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, “đời sống của nhân dân, trước hết là của nông dân”, “làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh” . Theo Bác, về bản chất “Hợp tác xã là chế độ tập thể chiếm hữu tư liệu sản xuất, đoàn kết người với người”, “kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động” .

Trong chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, Hồ Chí Minh luôn vận dụng quan điểm lịch sử cụ thể. Xây dựng được hợp tác xã phải tùy theo tình hình cụ thể của từng xã, từng làng. Theo đó, “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào và có khi hai hợp tác xã - mua và bán - lập chung cũng được. Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán. Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chỉ có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hoá, cầm máy,… thì có phép mướn người ngoài. Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau” .

Xây dựng hợp tác xã được Hồ Chí Minh ví như là “cuộc cách mạng trong nông nghiệp”, song “đó là một sự biến đổi cực kỳ to, cực kỳ mới, cực kỳ tốt. Cho nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn” . Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra cần phải tuân thủ các nguyên tắc, phương châm và có hệ thống giải pháp toàn diện và hợp lý.

Theo Hồ Chí Minh, muốn có những hợp tác xã tốt, phát triển bền vững phải tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản và quan trọng. Đó là: tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và công bằng. “Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý. Ban quản trị phải luôn luôn đi sát xã viên kiểm tra đôn đốc” .

Bản thân hợp tác xã không thể tự làm được mọi việc, do đó cần có sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của Nhà nước. Do làm ăn cá thể lâu đời nên khả năng tổ chức và quản lý những đơn vị kinh tế có quy mô vốn, tài sản lớn, tập trung nhiều lao động là công việc không dễ dàng. Do đó, “Phải có cán bộ để giúp các hợp tác xã về các mặt tổ chức, quản lý...”, “Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển” . Trong thực hiện chính sách thuế nông nghiệp Bác dặn dò: “phải làm sao cho Nhà nước, hợp tác xã và nông dân cùng có lợi. Thuế phải khuyến khích sản xuất. Cho nên Nhà nước chỉ thu thuế những cây trồng chính. Trồng xen kẽ được miễn thuế”. Bác khẳng định lợi ích của việc giảm thuế sẽ làm cho nông dân hăng hái tăng gia sản xuất. Đồng thời, lợi ích của việc giảm thuế sẽ làm cho nông dân hăng hái đóng thuế và việc thu thuế sẽ dễ và được nhiều hơn. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác vẫn đặc biệt quan tâm tới nông dân, Bác viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Song song với chính sách thuế, Hồ Chí Minh cho rằng: “Sự đóng góp của nông dân trở lại phát triển lợi ích của nông dân” . Chính phủ phải xuất tiền xây những trường học, mời thầy để đào tạo cán bộ các ngành về nông nghiệp. Chính phủ có trách nhiệm xây dựng những công trình thủy lợi lớn và cùng nông dân, hợp tác xã làm những công trình thủy lợi vừa. Để phát triển nông nghiệp, hợp tác xã phải tậu trâu bò, sắm nông cụ, mua phân hóa học,... Hợp tác xã còn nghèo, thường thường Chính phủ phải giúp đỡ, phải cho vay vốn… Để giúp cho nông dân có thể nguồn vốn tăng gia sản xuất Hồ Chí Minh cho rằng Chính phủ cần phải hỗ trợ tín dụng cho nông dân. “Nông dân muốn sắm trâu bò, nông cụ không có tiền thì đến ngân hàng cho vay. Chính phủ làm thế là tốt. Nhưng có vay thì phải có trả” . Tuy nhiên, Bác cũng nhắc nhở bà con nông dân phải nghiêm túc trong vay vốn của Chính phủ, khôn nên “khi vay thì nói ngon, nói ngọt: “Em vay về tăng gia sản xuất, em sẽ trả ngay”. Nhưng khi vay được rồi thì không chịu trả” . Bên cạnh các chính sách thuế, tín dụng, quan hệ Nhà nước với nông dân còn được thực hiện thông qua trao đổi sản phẩm . Bác nêu rõ: “Mua bán phải theo giá cả thích đáng. Thường thường, người mua muốn mua rẻ, người bán muốn bán đắt. Đối với chúng ta, không thể làm như thế được. Giá cả phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà” .

Về phương pháp tổ chức Bác nhắc nhở: “Một là, chớ ham làm mau, ham rầm rộ. Làm ít mà chắc chắn hơn làm nhiều, làm rầm rộ mà không chắc chắn. Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần. Hai là, phải thiết thực. Đã tổ chức là phải làm việc thiết thực, chứ không phải tổ chức cho có tên mà không có thực tế. Ba là, phải làm từ nhỏ đến lớn… không nên tổ chức quá to, vì quá to thì khó nắm, sẽ chệch choạc, dễ thất bại. Ngoài ra, còn có mấy điều phải chú ý: Phải rút kinh nghiệm tốt để theo, kinh nghiệm xấu để tránh. Phải cải tiến cách cày bừa, làm ăn. Phải tổ chức thi đua… phải rất đoàn kết” .

Đối với ban quản trị (ban quản lý) nói chung cũng như từng thành viên phải có năng lực tổ chức và quản lý. “Vì vậy nhiệm vụ của ban quản trị là làm thế nào cho hợp tác xã phát triển được sản xuất. Sản xuất được nhiều, đồng thời phải chú ý phân phối cho công bằng. Muốn phân phối cho công bằng, cán bộ phải chí công vô tư, thậm chí có khi cán bộ vì lợi ích chung mà phải chịu thiệt một phần nào. Chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác. Muốn quản lý tốt hợp tác xã, cán bộ quản trị phải dân chủ, tránh quan liêu mệnh lệnh, làm việc gì cũng cần bàn bạc kỹ với xã viên. Làm việc theo lối mệnh lệnh, quan liêu, không dân chủ thì chắc chắn thất bại” .

“Ban quản trị thì phải có tinh thần trách nhiệm trước xã viên, phải dựa vào xã viên, bàn bạc dân chủ với xã viên để giải quyết mọi công việc trong hợp tác xã, phải chí công vô tư, phải công bằng và liêm khiết. Làm được như vậy thì nhất định hợp tác xã sẽ tốt và đời sống của xã viên sẽ ngày càng được cải thiện” . “Muốn hợp tác xã phát triển và củng cố tốt, cần luôn luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Không nên có hiện tượng làm chăm cái vườn riêng của mình hơn là ruộng của hợp tác xã, vì như thế là không “cần” đối với hợp tác xã. Không nên hơi một tí cũng cờ quạt linh đình, mổ bò liên hoan, vì như thế là không “kiệm”. Tiền của hợp tác xã chỉ nên dùng vào việc gì có lợi ích thiết thực cho hợp tác xã” . “Phải giáo dục cho cán bộ hợp tác xã tinh thần chí công vô tư, tác phong dân chủ, đồng thời giáo dục cho xã viên biết coi công việc của hợp tác xã như công việc của nhà mình và ai nấy đều phải thực hành khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã” .

Về giải pháp được Hồ Chủ tịch cho rằng, công tác nông vận luôn đi đầu trong xây dựng con đường là ăn tập thể ở nông thôn. Nông dân phải được mắt thấy, tai nghe, do đó bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cần phải tổ chức cho nông dân “mắt thấy tai nghe”, nghĩa là đưa nông dân đến thực tế tại những hợp tác xã tiên tiến, làm ăn hiệu quả. “Vận động nông dân vào tổ đổi công, hợp tác xã thì phải tuyên truyền giải thích nhưng như thế chưa đủ, mà phải lấy kết quả thực tế để nông dân nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai thì việc tuyên truyền đó mới có kết quả tốt”. “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên .

Trong công tác xây dựng và phát triển Đảng ở nông thôn, Bác lưu ý: “cần chú ý kết nạp những phần tử ưu tú, gương mẫu, trước hết là trong xã viên hợp tác xã” , “tất cả đảng viên và đoàn viên ở nông thôn phải vào hợp tác xã nông nghiệp” . Cần phải ra sức củng cố chi bộ ở nông thôn. Chi bộ tốt thì ban quản trị mới tốt. Ban quản trị tốt thì xã viên mới đoàn kết và hăng hái sản xuất, hợp tác xã mới củng cố và phát triển tốt. Đồng thời cần quy định rõ tư cách và quyền hạn của cán bộ quản trị. Thí dụ: Đại hội xã viên bầu ra cán bộ quản trị và có quyền cách chức cán bộ nào bất lực; cán bộ quản trị phải chí công vô tư; tài chính phải công khai,... Cần làm cho mỗi xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra đôn đốc, để kịp thời phát hiện và phổ biến những kinh nghiệm tốt và kịp thời uốn nắn những nhược điểm, những khuyết điểm của hợp tác xã” .

Về nhiệm vụ của hợp tác xã Hồ Chủ tịch cho rằng cần chú trọng 8 điểm, bao gồm:

Một là, Hợp tác xã phải đoàn kết tốt, sản xuất tốt, để tăng thêm thu nhập chung của hợp tác xã và thu nhập riêng của xã viên, nâng cao đời sống của xã viên. Hợp tác xã phải nâng cao năng suất lao động và tăng thêm số ngày lao động... Hợp tác xã phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng trọt và chăn nuôi của mình. Phải chấp hành thật tốt chính sách của Nhà nước và nghĩa vụ đối với Nhà nước, như bán thóc, nộp thuế,...

Hai là, vấn đề tổ chức. Nếu hợp tác xã nhỏ quá thì không đủ sức để phát triển sản xuất. Nhưng nếu to quá thì không đủ sức để quản lý... quy mô của hợp tác xã nên từ 150 đến 200 hộ. Như thế là vừa. Phải củng cố hợp tác xã cho tốt, tiến lên một cách vững chắc. Kế hoạch sản xuất của hợp tác xã phải đem bàn bạc một cách dân chủ với xã viên. Phải tuyên truyền giáo dục cho xã viên hiểu, xã viên tự nguyện làm. Tuyệt đối không được dùng cách gò ép, mệnh lệnh, quan liêu. Đối với những người chưa vào hợp tác xã, cũng không được gò ép và không được coi thường họ. Trái lại, phải gần gũi, giúp đỡ họ. Hợp tác xã đoàn kết chặt, sản xuất tốt, thu nhập cao, họ nhận thấy hợp tác xã là hơn hẳn thì họ sẽ tự nguyện xin vào.

Ba là, về đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn. Phải tiếp tục bồi dưỡng bần nông và trung nông lớp dưới làm nòng cốt cho hợp tác xã. Bồi dưỡng là thế nào? Như người nào chưa biết chữ, biết tính thì giúp họ học chữ, học tính. Như phải giúp anh chị em nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, để anh chị em ngày càng nâng cao năng lực làm việc. Đối với bà con trung nông thì phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện khẩu hiệu “Bần nông, trung nông đoàn kết một nhà”, làm cho mọi người trong hợp tác xã đều vui vẻ, hăng hái xây dựng hợp tác xã và phát triển sản xuất. Đối với đảng viên thuộc thành phần trung nông lớp trên, nếu có lập trường vững chắc, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng, công tác tích cực và được bà con xã viên tín nhiệm, thì vẫn có thể được bầu giữ những trách nhiệm chủ chốt trong hợp tác xã.

Bốn là, vấn đề hợp nhất những hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn, đưa hợp tác xã bậc thấp lên hợp tác xã bậc cao. Để làm tốt việc này, trước hết phải giữ vững nguyên tắc tự nguyện, không được gò ép. Trước khi hợp nhất hợp tác xã hoặc đưa hợp tác xã lên bậc cao, phải chuẩn bị tốt tổ chức của ban quản trị để không ảnh hưởng đến sản xuất của hợp tác xã. Phải giải quyết tốt tình hình chênh lệch về mặt kinh tế giữa các hợp tác xã.

Năm là, phân phối thế nào cho đúng? Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít. Lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân. Trước kia, hợp tác xã quy mô còn nhỏ thì có người là xã viên, có người không phải là xã viên. Nay hợp tác xã lên quy mô toàn thôn thì hầu hết đều là xã viên. Mỗi hợp tác xã như một gia đình, có người khỏe, người yếu, có người già, người trẻ. Cho nên trong hợp tác xã, phải giúp đỡ lẫn nhau. Đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cũng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ.

Sáu là, ban quản trị phải thế nào? Ban quản trị phải dân chủ. Trước hết, ban quản trị phải gồm những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra, sau khi được cử nếu không làm tròn nhiệm vụ thì xã viên có quyền cách chức. Mọi công việc của hợp tác xã, trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên. Ban quản trị phải công bằng, không được thiên vị. Ban quản trị phải minh bạch. Tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Nếu không báo cáo thì xã viên sẽ nghi ngờ ban quản trị tham ô, lãng phí. Do đó mà mất đoàn kết nội bộ. Không có đoàn kết, hợp tác xã không thể tiến lên được. Ban quản trị phải chống tham ô, lãng phí. Có nơi khi bắt đầu cày bừa cũng làm mấy con lợn để “liên hoan”. Hễ có cơ hội là bày ra chè chén. Hay khi gặt về tuốt lúa dối rồi chia “rơm” cho xã viên và bà con mình đem về tuốt lại. Như thế là tham ô, lãng phí. Không được dung túng những việc như thế. Ban quản trị cần đặt kế hoạch sản xuất hàng năm, từng vụ của hợp tác xã. Kế hoạch ấy cố nhiên phải đem bàn bạc kỹ với xã viên để xã viên hiểu và quyết tâm thực hiện. Nhưng kế hoạch ấy phải phù hợp với kế hoạch của Nhà nước, với thực tế của địa phương. Nếu không phù hợp với kế hoạch của Nhà nước, thì sẽ làm cho kế hoạch chung của Nhà nước không thực hiện được. Nếu không phù hợp với thực tế của địa phương, thì kế hoạch của hợp tác xã sẽ thành viển vông. Ban quản trị cần sử dụng hợp lý sức lao động trong hợp tác xã. Phải thực hiện ba khoán, một thưởng. Nếu ai thực hiện vượt mức quy định thì được thưởng. Có như thế mới khuyến khích mọi người cố gắng hơn nữa. Thưởng, phạt phải công bằng. Ban quản trị phải một lòng một dạ hướng vào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của xã viên. Ban quản trị cần điều khiển công việc của hợp tác xã cho tốt để mọi người vui vẻ, hăng hái sản xuất.

Bảy là, xã viên phải thế nào? Dưới thời đế quốc và phong kiến, chúng ta bị bắt buộc làm nô lệ. Ngày nay, chúng ta đã đánh đuổi đế quốc và đánh đổ phong kiến ở miền Bắc. Chúng ta thành người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước. Mỗi xã viên cần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể. Xã viên phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phải có quyết tâm cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Phải làm đúng kỷ luật lao động. Phải nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với kẻ địch. Những xã viên là đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải là những người xung phong gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết.

Tám là, cải thiện đời sống. Về đời sống vật chất, phải làm sao cho ai nấy đều ăn no, mặc ấm, có nhà ở cao ráo, có đường sá sạch sẽ. Giữ gìn vệ sinh ở nông thôn là điều rất quan trọng. Về đời sống văn hóa thì xóa nạn mù chữ, thực hiện bổ túc văn hóa, rồi học lên nữa. Xã viên ít nhất phải học lớp 3, lớp 4. Cán bộ và thanh niên ít nhất phải học lớp 5, lớp 6. Bà con cần cố gắng học văn hóa. Vì có văn hóa thì mới quản lý hợp tác xã được tốt. Đồng bào nông dân làm ăn cả năm vất vả, khó nhọc, phải có lúc nghỉ ngơi, giải trí. Cần tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao”.

 

Tóm lại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, HTX, trong đó đặc biệt là HTXNN là hình thức của kinh tế tập thể dựa trên sở hữu và lao động tập thể được hình thành rất sớm trong lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, có khả năng tồn tại và phát triển trong kinh tế thị trường và đặc biệt có vị trí vai trò vô cùng to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, để HTXNN thực sự trở thành con đường hiệu quả đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân lên CNXH cần nắm vững tính quy luật chung, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX, đồng thời nắm vững đặc thù của hoàn cảnh lịch sử cụ thể để lựa chọn và thực hiện những giải pháp phù hợp.

 

PGS. TS. Đoàn Xuân Thủy, TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

 


 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết