Bất bình đẳng, phân cực giàu nghèo, phân tầng xã hội là những hệ quả nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội (PTXH) và quản lý phát triển xã hội (QLPTXH) do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân quan trọng gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội chung. Khác biệt về tình trạng giầu - nghèo giữa các nhóm vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả liên quan tới các vấn đề về bất bình đẳng, phân tầng xã hội. Khi có sự khác biệt quá lớn về kinh tế-xã hội giữa các nhóm dân cư từ những điều kiện điều kiện xã hội khác nhau, đặc biệt khi tình trạng đói nghèo không được giải quyết bến vững, bất bình đẳng, phân tầng xã hội sẽ gia tăng.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đói nghèo, bất bình đẳng, phân tầng xã hội ở nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế là một trong những mục tiêu cơ bản của Quản lý phát triển xã hội. Mục tiêu này chỉ có kết quả tốt khi có sự tham gia của các tất cả các bên liên quan trong quá trình này.
1. Khái quát chung về phân cực giàu nghèo ở nước ta hiện nay
1)Phân cực giàu nghèo giữa các vùng miền
Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền ở Việt Nam hiện tại rất cao do sự khác biệt lớn giữa các địa phương về trình độ phát triển kinh tế xã hội. Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên vẫn là những khu vực nghèo nhất của Việt Nam. Năm 2016, khi Việt Nam áp dụng tiếp cận giảm nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Bắc lên tới 34,52%, Đông Bắc là 20,74% và Tây Nguyên là 17,14%. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều lần so với khu vực Đông Nam Bộ (chiếm 1,23%) hay đồng bằng sông Hồng (chiếm 4,76%). Cũng chính vì thế, sự phân cực về giàu nghèo giữa các địa phương, vùng miền, giữa các nhóm dân cư, khu vực sinh sống…mới chính là những vấn đề đáng chú ý và cần phải giải quyết trong việc QLPTXH về giảm nghèo.
Mức độ tăng trưởng về thu nhập bình quân đầu người giữa các vùng miền cũng phản ánh rõ các tồn tại về bất bình đẳng. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 tại khu vực Đông Nam Bộ là 3,93 triệu đồng, cao nhất cả nước, tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng 3,2 triệu đồng. Trong khi đó, ở khu vực Tây Bắc, mức thu nhập này là 1,26 triệu đồng, Bắc Trung Bộ là 1,7 triệu đồng và Đông Bắc là 1,8 triệu đồng. Sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, các địa phương có xu hướng ngày càng tăng theo thời gian.
Về sinh kế của các hộ gia đình, kết quả khảo sát cho thấy các tỉnh, thành phố lớn chủ yếu có thu nhập từ tiền lương, tiền công (chiếm từ 56% đến 75% tùy từng tỉnh). Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán, dịch vụ ở các tỉnh này cũng nổi bật hơn so với các địa bàn còn lại. Ngược lại, nhóm các thành phố có tốc độ phát triển kém hơn (Quảng Trị, Sóc Trăng, Đắk Lắk và Sơn La), nông nghiệp lại là sinh kế phố biển (chiếm từ 61% đến 75% số hộ khảo sát).
Về tình trạng nhà ở, nhà kiên cố, cao tầng, khang trang là đặc trưng phổ biến tại các thành phố phát triển. Trong khi đó, các ngôi nhà mái ngói, mái tôn hay nhà cấp 4 chính là đặc trưng của các tỉnh kém phát triển với khoảng từ 46% đến 76% số hộ khảo sát ở các địa bàn này đang sinh sống trong các căn nhà mái ngói/mái tôn/cấp 4.
2) Phân cực giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và đô thị
Phân hóa giàu nghèo cũng diễn ra rõ nét khi so sánh giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị. Tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn thường cao gấp từ 3-4 lần so với khu vực thành thị. Trong đó, tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn thường cao gấp từ 3-4 lần so với khu vực thành thị. Năm 2010, tỷ lệ nghèo ở khu vực đô thị[1] là 6,9% trong khi ở nông thôn là 17,4%. Năm 2012, tỷ lệ nghèo chung ở 2 khu vực giảm nhưng khoảng cách lại có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nghèo ở khu vực đô thị là 4,3% trong khi ở nông thôn là 14,1%. Đến năm 2014, tỷ lệ nghèo chung và khoảng cách nghèo có xu hướng giảm. Ở khu vực đô thị, tỷ lệ nghèo là 3%, trong khi ở nông thôn là 10,8%. Tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị là 4,73%, trong khi ở khu vực nông thôn lên tới 21,82%. Thậm chí, nếu tách riêng các khu vực nông thôn ra thành các khu vực vùng sâu, vùng xa, sẽ thấy tỷ lệ nghèo ở các vùng này có mức chênh lệch rất lớn so với tỷ lệ nghèo chung. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tại 64 huyện nghèo (chương trình 30a) vẫn trên 50%, gấp hơn 5 lần tỷ lệ chung của cả nước.
Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị năm 2014 là gần 4 triệu đồng/người trên tháng, trong khi ở khu vực nông thôn là hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Chênh lệch về thu nhập thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều lần khi dân số ở khu vực nông thôn cao hơn 2 lần so với dân số ở khu vực thành thị. Nói cách khác, thành thị chỉ chiếm 1/3 quy mô dân số nhưng lại chiếm hơn 50% nhóm có thu nhập cao.[2]
So sánh tại các địa bàn khảo sát cho thấy, có tới 57,4% số hộ khảo sát tại nông thôn có nguồn sinh kế từ tiền lương/tiền công. Tỷ lệ này ở khu vực đô thị cũng chỉ cao hơn khoảng 3,2%. Tỷ lệ hộ có thu nhập từ dịch vụ, buôn bán cũng tương đồng nhau giữa hai khu vực. Khác biệt nhiều nhất nằm ở nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và nguồn thu từ lương hưu, trợ cấp. Khi nông thôn vẫn mang nhiều đặc trưng của hoạt động sản xuất nông nghiệp (khoảng 50% hộ nông thôn khảo sát có nguồn thu từ nông nghiệp, tỷ lệ này ở nhóm cư dân đô thị hiện chỉ chiếm 30%). Tuy nhiên, tỷ lệ dân đô thị có nguồn thu từ lương hưu/trợ cấp, phụ cấp ở đô thị đang ở mức cao gấp đôi so với khu vực nông nghiệp.
Về chi tiêu, mặc dù thu nhập kém 2 lần so với khu vực thành thị nhưng chi tiêu ở khu vực nông thôn lại có xu hướng tiến gần tới mức chi tiêu ở khu vực thành thị. Điều này rõ ràng cho thấy nhiều thay đổi trong chi tiêu của hộ gia đình ở khu vực nông thôn khi có những sự thay đổi về sinh kế. Đối với chi tiêu về y tế, mức chi tiêu của người dân ở khu vực thành thị cao hơn 1,2 lần so với mức chi tiêu của người dân ở khu vực nông thôn và các hộ ở thành thị cũng chi gấp 2 lần mức chi về giáo dục so với các hộ gia đình ở nông thôn.
Về chất lượng cuộc sống, tỷ lệ cư dân đô thị sống trong các căn hộ cao tầng chiếm 31,4 % cao hơn xấp xỉ 7% so với vùng nông thôn. Mức chênh lệnh về tỷ lệ sinh sống trong các căn hộ mái bằng giữa đô thị và nông thôn cũng trên 15%. Bên cạnh đó, các căn nhà tranh/tre/nứa lá rất hiếm thấy ở khu vực đô thị (0,6%) nhưng vẫn có tới 1/10 (10,6%) số hộ dân nông thôn khảo sát hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà này. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước máy là nguồn nước ăn chỉnh ở khu vực đô thị đạt mức 92,6%. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ là 60,6% (chênh 32 điểm %).
Về địa điểm khám chữa bệnh, sự lựa chọn phổ biến của cư dân ở đô thị chính là bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố (chiếm khoảng 44,6% lựa chọn). Trong khi đó, người dân nông thôn lại chủ yếu tìm đến bệnh viện huyện/quận (chiếm tới 42,6 số hộ khảo sát). Kết quả cho thấy người đô thị có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế cấp cao. Lý giải cho những khác biệt về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế giữa khu vực nông thôn có thể nhìn nhận qua các nhân tố. (i) Sự phân bố không đồng đều của mạng lưới y tế; (ii) Chi phí khám chữa bệnh và khả năng chi trả của các đối tượng.
3) Phân cực giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc
Phân cực giàu nghèo giữa các tỉnh, thành phố, giữa các khu vực, vùng miền thực chất chỉ là biểu hiện bên ngoài của vấn đề phân cực giàu nghèo. Thực tế, phần lõi chính của vấn đề phân cực giàu nghèo chính là tình trạng nghèo khác nhau giữa các nhóm dân tộc. Cũng cần phải nói thêm rằng, khoảng 50% người nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS). Tại tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ hộ nghèo người Khmer qua các giai đoạn khác nhau chiếm khoảng 50% số hộ nghèo của tỉnh. Thậm chí, xu hướng này tăng dần qua thời gian khi tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm người Kinh có xu hướng giảm thì ở đồng bào dân tộc Khmer lại tăng. Năm 2006, số hộ nghèo toàn tỉnh là 76.288 hộ nghèo, trong đó có 32.720 hộ Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ 41,70%. Năm 2016, toàn tỉnh Sóc Trăng có 57.814 hộ nghèo, trong đó có 26.983 hộ nghèo Khmer, chiếm 46,4%.[3] Tại Đăk Lăk, vấn đề nghèo DTTS thậm chí còn phức tạp hơn khi địa phương này, cũng như toàn vùng Tây Nguyên cùng lúc phải đối mặt với thách thức giảm nghèo kép ở nhóm đồng bào DTTS gồm: (i) nhóm đồng bào DTTS tại chỗ và (ii) nhóm đồng bào DTTS di cư, chủ yếu là từ miền núi phía Bắc vào. Năm 2016, tỉnh Đăk Lăk có 81.592 hộ nghèo trong đó có 50.332 hộ DTTS gồm 29.989 hộ DTTS tại chỗ và 20.333 hộ DTTS từ nơi khác tới.
Trong 54 dân tộc, Dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có mức sống khác hẳn so với các nhóm DTTS. Đặc biệt, trong số các nhóm DTTS, lại có một số nhóm rất nghèo. Các nhóm DTTS chiếm 15% dân số Việt Nam nhưng hầu hết lại ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi người Kinh phân bố chủ yếu ở các đồng bằng. Đa số người nghèo là nhóm DTTS. Thiếu hụt các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai dẫn tới khả năng thoát nghèo của người DTTS hạn chế và làm gia tăng thêm khoảng cách giữa người họ với nhóm người Kinh.
Nông nghiệp là sinh kế chính của người DTTS. Có tới 77,6% hộ người DTTS có nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người Kinh chỉ là 26,9% (thấp hơn tới hơn 50%). Sự đa dạng trong nguồn thu của các hộ gia đình người Kinh rõ rệt hơn. Nhóm DTTS tập trung chủ yếu ở sinh kế nông nghiệp và tiền lương/tiền công. Trong khi đó, người Kinh có sự trải đều và vượt trội hơn hẳn ở các khoản thu từ buôn bán, dịch vụ và lương hưu, trợ cấp/phụ cấp. Đặc trưng về sinh kế này như đã nói cũng ảnh hưởng chính đến mức độ ổn định về nguồn thu giữa các nhóm dân tộc.
Về chi tiêu, khoản chi cho hiếu hỷ, đầu tư cho học hành, chi cho khám, chữa bệnh của người Kinh và người DTTS có phần tương đương nhau. Ngoài ra, do sinh kế chủ yếu từ nông nghiệp, tỷ lệ hộ dân người DTTS chi cho sản xuất ở mức cao 44,8% cao hơn 21% so với nhóm người Kinh. Trong khi đó, tỷ lệ người Kinh chi tiêu cho mua sắm các đồ dùng, tiện nghi trong gia đình lại ở mức cao 51,5%, chênh cao hơn nhóm DTTS 12,2%.
Tình trạng nhà ở của các hộ gia đình người Kinh và người DTTS cho thấy sự khác biệt khá lớn giữa các dân tộc. Đa phần các hộ người DTTS hiện đang cư trú trong các ngôi nhà mái ngói/mái tôn/cấp 4 (chiếm tới xấp xỉ 70% hộ khảo sát). Tỷ lệ hộ DTTS sinh sống trong các căn nhà tranh/tre/nứa/lá vẫn còn chiếm tới gần 15%. Trong khi tỷ lệ này ở nhóm người Kinh chỉ là 2,3%. Mặt khác tỷ lệ hộ DTTS có nhà cao tầng hay mái bằng chỉ chiếm hơn 15%. Trong khi đó, nhóm người Kinh lại có tới gần 62% hộ đã có nhà cao tầng hoặc mái bằng.
Về vấn đề tiếp cận với các dịch vụ xã hội, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều khác biệt về tỷ lệ hưởng thụ các dịch vụ XH giữa nhóm người Kinh và người DTTS. Vì thế, có thể thấy tình trạng bất bình đẳng về cơ hội truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đánh giá, người Kinh được đánh giá là nhóm đối tượng được hưởng nhiều hơn cơ hội về tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là về y tế và giáo dục.
2. Khái quát chung về bất bình đẳng, phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay
1) Bất bình đẳng, phân tầng xã hội về kinh tế
Nông nghiệp là sinh kế phổ biến của các hộ nghèo và cận nghèo (với khoảng 71,8% hộ nghèo và 53,2% hộ cận nghèo đang sinh sống bằng nghề nghiệp này, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm điều kiện kinh tế từ mức trung bình trở lên chỉ khoảng 36,7%).
Bất bình đẳng về kinh tế giữa các nhóm dân cư không chỉ dựa trên yếu tố thu nhập mà còn thể hiện rõ qua chi tiêu của các nhóm. Theo điều tra mức sống dân cư năm 2014, chi tiêu nhóm hộ giàu nhất cao gấp 3,8 lần nhóm hộ nghèo nhất. Nhóm hộ nghèo nhất thường chi tiêu nhiều cho ăn uống. Tuy nhiên, tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống càng nhiều thì mức sống càng thấp. Tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống nói chung của Việt Nam năm 2014 lên tới 52,6% cơ cấu chi tiêu. Ngoài chi tiêu ăn uống chiếm tỷ trọng cao hơn, các khoản chi tiêu khác cho cuộc sống của nhóm nghèo đều thấp hơn rất nhiều so với nhóm giàu.
Khảo sát cho thấy, nhà của người nghèo là những ngôi nhà tranh/tre/nứa lá tạm bợ hay những ngôi nhà mái ngói/tôn/cấp 4. Gần ½ hộ nghèo tham gia khảo sát đang sống trong những căn nhà tranh/tre/nứa lá; 1/3 số hộ khác đang sinh sống tại các nhà mái ngói/tôn/cấp 4. Tỷ lệ này thấp hơn ở nhóm cận nghèo (chỉ khoảng 11,3% ở nhà tranh tre, nứa lá; và 51,6% ở các ngôi nhà mái ngói/tôn/cấp 4) và thấp hơn đáng kể ở nhóm hộ có mức sống từ trung bình trở lên (tương ứng 2,2% và 41,2%).
Tương tự, các nhóm nghèo còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Hiện tại, theo kết quả khảo sát tại 7 tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đang sử dụng nước máy trong sinh hoạt hàng ngày chỉ chiếm khoảng 46,2%. Tỷ lệ này ở nhóm hộ cận nghèo là 67,7% và cao hơn rất nhiều 79,5% ở nhóm hộ có mức sống từ trung bình trở lên.
2) Bất bình đẳng phân tầng xã hội về giáo dục và y tế
Trong lĩnh vực giáo dục, mức chi tiêu bình quân của nhóm hộ giàu trên 1 người/1 tháng năm 2014 cao gấp 5,4 lần so với nhóm hộ nghèo. Con cái của các nhóm giàu thường học ở các trường dân lập, tư thục, hệ thống trường quốc tế so với trường công lập của các nhóm nghèo. Giữa nhóm giàu với nhóm nghèo, khác biệt về học vấn là rất rõ rệt, đặc biệt là ở các bậc học cao khi mà chi phí về giáo dục lớn hơn và khả năng nghỉ học để tham gia lao động của trẻ em nghèo gia tăng. Một trong những chính sách giáo dục nổi bật của Việt Nam thời gian qua liên quan tới giảm bất bình đẳng là chính sách cử tuyển cho DTTS. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, chính sách này đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, tình trạng con em đồng bào dân tộc đi học theo chế độ cử tuyển không xin được việc ngày càng phổ biến.
Trong lĩnh vực y tế, bất bình đẳng giữa nhóm giàu với nhóm nghèo không thể hiện rõ do nhóm nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ thông qua thẻ BHYT. Tuy nhiên, chi tiêu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trung bình của 1 người/1 tháng là khoảng 96 nghìn đồng, chiếm khoảng 5,4% tổng chi tiêu của người dân. Trong đó, với nhóm hộ giàu nhất, chi tiêu bình quân gấp 2,8 lần nhóm hộ nghèo nhất. Điều này có nghĩa, mức độ tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao hơn của nhóm giàu so với nhóm nghèo rõ ràng vẫn cao hơn nhiều.
3. Một số kết quả và hạn chế trong QLPTXH về giải quyết phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng, phân tầng xã hội
1) Quản lý phát triển xã hội về phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng, phân tầng xã hội
Trong lĩnh vực giảm nghèo, kết quả đã đạt được của Việt Nam là hết sức ấn tượng, dù theo chuẩn nghèo nào. Đây là minh chứng cho những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong QLPTXH nói chung và trong lĩnh vực giảm nghèo nói riêng. Bên cạnh đó, các kết quả giảm nghèo diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước, ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Điều này cho thấy, hệ thống chính sách vĩ mô về QLPTXH đã phát huy được hiệu quả đáng kể trong quá trình thực thi. Tốc độ giảm nghèo ở các khu vực thành thị và nông thôn diễn ra nhanh, nhất là ở các huyện nghèo, trung bình từ 3-4%/năm.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong kết quả giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua chính là mức giảm nghèo ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Năm 2006, tỷ lệ nghèo chung ở khu vực này là 47%, đến 2010, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 28%. Đối với các huyện 30a, tỷ lệ nghèo cũng giảm nhanh từ hơn 58% năm 2010 xuống 43,89% năm 2012. Tính trung bình hàng năm, mức giảm tỷ lệ nghèo ở các khu vực khó khăn cao gấp 2 lần mức giảm tỷ lệ nghèo chung.
Năm 2016, để thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, Nhà nước đã chi khoảng 9.000 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho khoảng 14 triệu người thuộc các nhóm đối tượng nghèo, đồng bào DTTS, người dân ở các khu vực đặc biệt khó khăn, hải đảo. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã chi 1.172 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hơn 1,8 triệu người thuộc diện hộ cận nghèo.
Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2016, cả nước cũng đã có hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP với mức hỗ trợ lên tới hơn 5,6 nghìn tỷ. Chính nhờ vào hỗ trợ này, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ tới trường đạt mức cao.
Ngoài các chính sách nói trên, Việt Nam cũng thực hiện hàng loạt các chính sách quan trọng khác với trọng tâm là giảm nghèo như các nhóm chính sách về tín dụng, chính sách hỗ trợ sản xuất, chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà ở…Các chính sách này đóng góp một phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, qua đó giúp giảm phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng và phân tầng xã hội.
2) Quản lý phát triển xã hội để giải quyết vấn đề phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng và phân tầng xã hội
- Chồng chéo về hệ thống chính sách
Tình trạng chồng chéo không chỉ diễn ra giữa các chính sách khác nhau mà còn diễn ra trong cùng một hệ thống chính sách. Ngoài chính sách giảm nghèo chung, Việt Nam còn xây dựng và thực thi ít nhất 3 nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù quy mô lớn là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 135 và chương trình 30a. Trong đó, đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, lại bao gồm nhiều chương trình, dự án và chính sách khác nhau. Chính vì sự phân chia nhỏ lẻ này nên các chính sách bị chồng chéo, nguồn lực đầu tư giảm nghèo bị phân tán, từ đó hiệu quả giảm nghèo bị ảnh hưởng.
Việc chồng chéo về hệ thống chính sách sẽ phức tạp hơn nhiều nếu liên kết các chính sách này lại với nhau bởi ngoài giảm nghèo là nhóm chính sách trung tâm, Việt Nam còn có hàng loạt các chính sách khác có liên quan như: (i) nhóm chính sách về bảo hiểm; (ii) nhóm chính sách lao động, việc làm; (iii) nhóm chính sách trợ giúp đột xuất; (iv) nhóm chính sách dành cho người có công; …Trong mỗi chính sách này lại có nhiều sự chồng chéo về đối tượng và nội dung thụ hưởng. Cũng vì thế, nhiều khi dẫn tới tình trạng một đối tượng được hưởng nhiều chế độ khác nhau, mỗi chế độ lại theo một định mức khác nhau và có những yêu cầu về thủ tục khác nhau…Tất cả những điều này làm gia tăng sự lãng phí trong quản lý điều hành và làm phân tán các nguồn lực hỗ trợ. Đồng thời làm giảm đi tính chủ động và tăng thêm tính ỷ lại cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm nghèo.
- Nguồn lực và bố trí nguồn lực hạn chế
Bên cạnh sự chồng chéo, một trong những hạn chế đáng kể khác trong QLPTXH về giảm nghèo là vấn đề nguồn lực hạn chế. Rất nhiều chính sách giảm nghèo được xây dựng và áp dụng trong thực tiễn nhưng mức hỗ trợ quá thấp, không phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, các chính sách tín dụng, hỗ trợ tiền điện…Phân bổ vốn thấp cũng diễn ra ở các chương trình giảm nghèo đặc thù, ví dụ chương trình 30a. Không chỉ bố trí nguồn lực hạn chế, nguồn lực giảm nghèo còn thường xuyên bố trí chậm và bất hợp lý. Theo UNDP, theo kế hoạch tỷ lệ giải ngân cuối năm 2008 của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 60% nhưng thực tế chỉ đạt 33%. Cả giai đoạn 2006-2010, dù đã bố trí đạt 99% vốn như kế hoạch nhưng suốt giai đoạn 2006-2009 chỉ bố trí được 57% kinh phí, còn lại là bố trí vào năm 2010. Thiếu vốn nên các mô hình giảm nghèo ở các tỉnh đa số chỉ thành công ở mức thí điểm vì khi mở rộng lại không có vốn. Điều này có nghĩa, hiệu quả giải ngân hạn chế và hiệu quả giảm nghèo cũng hạn chế theo.
- Thiếu sự phân cấp trong quản lý
Mặc dù ngày càng có nhiều địa phương có các chính sách giảm nghèo riêng nhưng nhìn chung việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế. Sự khác biệt giữa các địa phương là rất lớn nên các chính sách phải xuất phát từ thực tế địa phương, tăng cơ chế cho địa phương. Thiếu sự phân cấp dẫn tới việc phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng tới thực hiện chính sách.
Cơ sở của việc phân cấp, trao quyền về giảm nghèo, ASXH...cho địa phương chính là cung cấp tài chính trọn gói. Điều này sẽ giúp giảm bớt thời gian và thủ tục triển khai chính sách. Đặc biệt giúp các chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bên. Từ đó, khắc phục được nhiều hạn chế của việc thực thi các chính sách giảm nghèo và các chính sách khác.
4. Một số khuyến nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả QLPTXH hội về bất bình đẳng, phân tầng xã hội ở nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế
1) Giải pháp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
Thứ nhất, thống nhất nhận thức cao độ trong toàn Đảng đối với việc thực hiện các mục tiêu về QLPTXH giải quyết vấn đề bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội. Trên cơ sở đó, quán triệt tới từng Đảng viên về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các vấn đề này.
Thứ hai, Đảng chỉ đạo tiếp tục tăng cường tìm kiếm, huy động, phân bổ thêm các nguồn lực để tập trung giải quyết các vấn đề QLPTXH…Trong đó, cần đảm bảo việc phân bổ nguồn lực dựa trên các nguyên tắc ưu tiên. Cần phải tuyệt đối tránh tình trạng ban hành hệ thống các chính sách vượt quá khả năng đáp ứng về nguồn lực hoặc ban hành các chính sách mang tính cào bằng, dàn trải, chia đều…dẫn tới phân tán về nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực giảm nghèo.
Thứ ba, phải đẩy mạnh tối đa việc lồng ghép các mục tiêu giảm bất bình đẳng, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội vào các mục tiêu phát triển KTXH trung và dài hạn. Cần phải thấy rằng, việc phát triển về kinh tế không thuần túy chỉ nhằm mục tiêu ở phạm vi kinh tế mà còn gắn với giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ tư, Đảng cần chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, các địa phương áp dụng các phương pháp lập kế hoạch phát triển theo mô hình từ dưới lên. Việc lập kế hoạch từ dưới lên nếu được làm chặt chẽ, khoa học chắc chắn sẽ giúp giải quyết tốt hơn, nhanh hơn các vấn đề về giảm nghèo, bất bình đẳng, phân tầng xã hội với những nguồn lực ít hơn.
Thứ năm, vấn đề bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội…đều là những vấn đề mang tính thời đại của bất kỳ quốc gia và các hình thái xã hội từ xưa tới nay. Do đó, để QLPTXH đối với vấn đề này, Đảng phải không ngừng nâng cao nhận thức, hoàn thiện các quan điểm để chỉ đạo, lãnh đạo.
Thứ sáu, bên cạnh các yếu tố cũ, các yếu tố truyền thống có liên quan tới vấn đề giảm nghèo, giảm bất bình đẳng và phân tầng xã hội, Đảng ta cũng cần phải xác định thêm những biểu hiện mới, những vấn đề mới phát sinh trong của chính các vấn đề nói trên từ đó mới có thể kịp thời đưa ra các chỉ đạo, định hướng trong QLPTXH.
2) Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước
Thứ nhất, phải nâng cao được hiệu quả thực hiện chính sách thông qua xây dựng một khung kế hoạch/chiến lược tổng thể về QLPTXH. Trong đó, đối với tình lĩnh vực sẽ có các giải pháp tương ứng đi kèm với các bộ chỉ số theo dõi, đánh giá để đảm bảo việc thực hiện đúng các mục tiêu đặt ra.
Thứ hai, Nhà nước cần phải quyết liệt đẩy mạnh việc rà soát hệ thống chính sách có liên quan để giảm chồng chéo, tăng tính thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thứ ba, Nhà nước cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm chính sách vĩ mô thông qua việc tinh giảm bộ máy và thu hút nhân tài. Cần tạo ra cơ chế để khuyến khích nhân tài trong việc đưa ra các giải pháp đột phá, các ý tưởng hay để giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ tư, Nhà nước phải lồng ghép được các mục tiêu vào các chính sách QLPTXH nói chung cũng như trong từng nhóm chính sách cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tối đa hóa được các nguồn lực khác nhau để cùng giải quyết vấn đề xã hội.
Thứ năm, Nhà nước cần căn cứ theo định hướng của Đảng để xác định rõ mục tiêu ưu tiên cần giải quyết trong QLPTXH. Việc xác định rõ các mục tiêu ưu tiên cũng là cơ sở để xác định được nguồn lực cần tập trung đầu tư để giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Thứ sáu, Nhà nước cần phải duy trì nguyên tắc đảm bảo đầy đủ nguồn lực đầu tư để thực hiện các chính sách có hiệu quả. Trong nhiều lĩnh vực, việc thiếu nguồn lực hoặc nguồn lực không được cung cấp đầy đủ, kịp thời chính là yếu tố đã ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện chính sách, điển hình như giảm nghèo hay các chính sách đối với đồng bào DTTS.
Thứ bảy, Nhà nước cần tiến tới việc thay đổi các nguyên tắc trong quản trị điều hành. Việc phân cấp và trao quyền và cần áp dụng rộng rãi trong QLPTXH giai đoạn tới khi các cơ quan ở Trung ương chỉ đóng vai trò ban hành chính sách khung và thực hiện theo dõi, giám sát trong khi các cơ quan ở địa phương đóng vai trò là các đơn vị xây dựng, thực hiện các chính sách cụ thể phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
3) Giải pháp nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức liên quan
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục mở rộng hành lang pháp lý để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan trong việc tham gia giải quyết các vấn đề QLPTXH.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan cần tăng cường sự phối hợp lẫn nhau và phối hợp với các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách để giải quyết các vấn đề QLPTXH.
Thứ ba, cần có thêm các cơ chế để các tổ chức có liên quan khác (khu vực tư nhân) có thể tham gia sâu rộng vào các hoạt động phối hợp thực hiện các giải pháp về QLPTXH.
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan cũng cần phát huy vai trò trong việc giám sát các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi các chính sách để giải quyết các vấn đề phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng, phân tầng xã hội.
4) Giải pháp nâng cao hiệu quả sự tham gia của người dân
Thứ nhất, cần coi người dân ở đúng vị thế của một chủ thể trong QLPTXH về giảm bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội.
Thứ hai, hệ thống chính sách về QLPTXH về giảm bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội phải loại bỏ được tâm lý trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người dân vốn đã quen vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo.
Thứ ba, hệ thống các chính sách về giảm bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội chỉ có thể phát huy được hiệu quả và sự tham gia của người dân nếu có sự phù hợp với thực tiễn ở các địa phương, các nhóm dân tộc...
Thứ tư, để huy động được sự tham gia của người dân đối với việc thực hiện các chính sách QLPTXH về giảm bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội việc công khai minh bạch về thông tin là một yêu cầu vô cùng quan trọng.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính sẽ là cơ sở để giúp người dân tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các chính sách QLPTXH về giảm bất bình đẳng, thiếu đồng bộ giữa các vùng miền, giai tầng xã hội, phân cực giàu nghèo và phân tầng xã hội./.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà[4]
ThS. Nguyễn Văn Thục[5]
[1] Theo chuẩn của WB và TCTK
[2] Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra mức sống dân cư 2014, Nxb Thống kê, 2016, tr14 [3] Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo tình hình thực hiện công tác giảm nghèo đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 1992-2016
[4] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
[5] Viện Tư vấn và Nghiên cứu phát triển