75 năm trước, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z, đã viết bài "Dân vận" đăng trên báo Sự thật. 75 năm đã trôi qua, nhưng bài viết của Người vẫn còn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng. Tác phẩm không chỉ bao quát các nguyên lý cơ bản về công tác dân vận, mà còn khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Chính tư tưởng "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" đã tạo nền tảng cho mọi thắng lợi của đất nước.
Bốn vấn đề chính liên quan đến công tác dân vận
Bài báo “Dân vận” ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cầm cự, sẵn sàng cho những chiến dịch quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc. Mở đầu bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại” (1). Từ đây, Người đã đề cập đến bốn vấn đề chính liên quan đến công tác dân vận, bao gồm: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?
Trước hết, Bác khẳng định “Nước ta là nước dân chủ”, sau đó đưa ra sáu nội hàm, rồi tóm lại: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong đoạn này, chữ “dân” được Bác nhắc lại đến bảy lần nhằm nhấn mạnh: trong Nhà nước này, lợi ích, quyền hành, trách nhiệm, lực lượng đều ở nơi dân, có dân là có tất cả. Trong lịch sử dân tộc, quan điểm “Nước lấy dân làm gốc” đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước. Năm 1010, Thái Tổ Hoàng đế trong “Chiếu dời đô” đã viết: “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân...”. Đến thời Hưng Đạo Vương cũng chủ chương dựa vào sức dân để xây dựng và bảo vệ đất nước: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”; và Nguyễn Trãi - Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới cũng đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ sự kế thừa truyền thống của dân tộc, nghiên cứu lịch sử thế giới và sự trải nghiện sâu sắc trong suốt 30 năm bôn ba xứ người, Bác đã tổng kết và đưa ra một chân lý: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Sau khi khẳng định vai trò to lớn, quan trọng của Nhân dân, ở phần thứ hai, Bác đã lý giải cụ thể khái niệm “Dân vận là gì?”. “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho” (2). Khái niệm này cũng thống nhất với tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế đã chứng minh, trải qua các giai đoạn cách mạng, sự đoàn kết của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi. Do đó, tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân.
Trong phần tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Ai phụ trách dân vận?”. Bác khẳng định rằng trách nhiệm dân vận không chỉ thuộc về một cá nhân hay tổ chức nào mà là của “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận” (3). Người nhấn mạnh vai trò của cán bộ chính quyền trước tiên, vì cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội để làm tốt công tác dân vận. Cùng với đó, cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội đều phải phụ trách dân vận. Cán bộ phải sâu sát, gắn bó với Nhân dân, phải gương mẫu trước Nhân dân, giúp Nhân dân phát triển sản xuất.
Ở nội dung lớn thứ tư, Bác viết về phương pháp làm dân vận - “Dân vận phải thế nào?”. Bác đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (4). Sáu tiêu chí mà Bác đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận, vừa là phương pháp làm dân vận có hiệu quả. Bác nhắc nhở cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” mà phải “thật thà nhúng tay vào việc”. Nghĩa là phải khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, mà phải quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác cũng thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (5), cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho Nhân dân noi theo.
Kết thúc bài viết, Bác đưa ra một tổng kết vô cùng quan trọng về cả lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (6). Đó là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc: tất cả từ dân, vì dân và cho dân, có dân là có tất cả. Do đó, nơi nào làm dân vận tốt thì nhiệm vụ khó mấy cũng hoàn thành, nơi nào làm dân vận không tốt thì khó mà có được thành công.
Chỉ với khoảng 600 chữ và cách thức đặt câu hỏi cùng trả lời ngắn gọn, Bác đã đề cập một cách đầy đủ các nguyên lý cơ bản trong công tác dân vận của Đảng. Chính vì tầm vóc to lớn đó của bài viết, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15/10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là Ngày Dân vận của cả nước.
Phát huy hiệu quả công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta quán triệt và thực hiện quan điểm “Lấy dân làm gốc” và tư tưởng về “dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, tập hợp, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, sẵn sàng hy sinh để tuyên truyền, giác ngộ Nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng “đem sức ta mà giải phóng cho ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc chính cũng chính là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc; là thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân…”.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới công tác dân vận, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”. Nghị quyết là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân trong tình hình mới, phát huy khả năng to lớn của Nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Những năm sau đó, Đảng ta tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định công tác dân vận là phương thức đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu mà Đảng đã đặt ra, coi đây là sự nghiệp của toàn dân và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Ngoài ra, nhiều nghị quyết về công tác dân tộc, tôn giáo, về nông dân, thanh niên, phụ nữ, công nhân... cũng được ban hành nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện tốt hơn công tác dân vận.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nội dung và phương thức thực hiện công tác dân vận ngày càng được đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, hướng đến chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống Nhân dân, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm, nhưng các chính sách kinh tế, xã hội hướng đến chăm lo cuộc sống của Nhân dân ở nước ta thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực; kinh tế-xã hội từng bước phát triển vững chắc; đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm; đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao... Những thành tựu to lớn đó chính là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Và công tác dân vận đã có đóng góp quan trọng vào việc phát huy đầy đủ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộ, qua đó đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Như vậy, dù 75 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là ánh sáng soi đường cho công tác dân vận của Đảng. Những tư tưởng sâu sắc về việc “lấy dân làm gốc” và “dân vận khéo” mà Người để lại không chỉ là kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên, mà còn là động lực gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mọi giai đoạn của cách mạng. Học tập và vận dụng những tư tưởng này trong thực tiễn là cách để Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh của Nhân dân, vượt qua mọi thử thách, xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường./.
Theo TTXVN
(1), (2), (3), (4), (6): Trích “Dân vận”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232-234
(5): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.284