Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nhận thức về các mối quan hệ lớn trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam 50 năm qua từ thực tế Hà Nội (1975 - 2025)

Ngày phát hành: 07/10/2024 Lượt xem 425


         

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển. Những giá trị của văn hóa có sức sống bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn cho mỗi quốc gia, dân tộc. Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Hà Nội với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ Thành phố luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập, thích ứng với xu hướng văn hóa của khu vực và thế giới.

 

Trong những năm qua, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng và xác định xây dựng, phát triển văn hóa là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm, các chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô luôn nhất quán, không ngừng hoàn thiện trong suốt tiến trình phát triển của Thủ đô, một trong những khâu trọng yếu chính là sự chuyển biến về nhận thức ngày một rõ nét về mối quan hệ lớn giữa xây dựng, phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển văn hóa phải được đặt trong tính tổng thể, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị, vì sự tiến bộ hạnh phúc của con người, có như thế sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô mới hiệu quả bền vững.

 

Từ Đề cương văn hóa năm 1943, Đảng ta đã xác định văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) và chủ trương phát triển văn hóa theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, “xây dựng đời sống mới”; những đóng góp của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật với nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước đã được Đảng ta đánh giá: Nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào “Vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay”. Trong hành trình đổi mới, Đảng ta càng đề ra nhiều chủ trương, sáng tạo để phát triển văn hóa. Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người với trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta nhấn mạnh: Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 

Trải qua quá trình vận động, phát triển nhận thức, tư duy lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng bộ Hà Nội đã có những bước phát triển tích cực qua mỗi kỳ đại hội. Điểm nhấn trọng tâm chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức toàn diện, đầy đủ, thấy rõ vai trò, vị trí của văn hóa trong mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội, con người, mối quan hệ giữa văn hóa đối với chính trị, văn hóa với kinh tế, văn hóa với hoàn thiện nhân cách con người, văn hóa như một nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của Thủ đô,…Nhận thức của các ngành các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của văn hóa từng bước hoàn thiện và nâng cao. Văn hóa dần thấm sâu, trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, trong các hoạt động của người dân Thủ đô, từng bước thực hiện nhiệm vụ gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và nhu cầu phát triển xã hội, phát triển văn hóa trong chính trị gắn chặt với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội theo hướng văn minh, thanh lịch, nghĩa tình, trách nhiệm, sáng tạo, đóng góp chung vào sự phát triển của Thủ đô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân Thủ đô.

 

Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, của kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội. Văn hóa là bảo đảm nhân văn của phát triển chính trị và phát triển kinh tế vì con người, vì sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Do đó, Thành phố tiến hành đồng thời và đồng bộ việc xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế, với sự nhất quán của định hướng văn hóa và mục tiêu phát triển con người Thủ đô.

 

 

Nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị

 

Văn hóa với chính trị được Đảng ta khẳng định có mối quan hệ mật thiết, là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng. Ba mặt trận văn hóa, kinh tế, chính trị đều có vai trò nhất định, nếu kinh tế bảo đảm cho quá trình sản xuất lưu thông, gia tăng sức mạnh, tiềm lực kinh tế cho quốc gia dân tộc, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Văn hóa đảm đương kiến tạo nền tảng tinh thần của xã hội, chính trị có sứ mệnh định hướng cho sự phát triển, dẫn dắt tập hợp quần chúng thông qua các chủ trương, đường lối, quyết sách nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

 

Khẳng định về vai trò của văn hóa với chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính trị và văn hóa luôn song hành”. Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính trị - văn hóa và ngược lại văn hóa - chính trị còn được thể hiện, quán xuyến trong hành xử chính trị, trong quan niệm và ứng xử chính trị, đối xử với những con người - dù là cá nhân hay một giai cấp, tầng lớp, dù là đồng chí, đồng bào hay phía đối phương… nó thể hiện tập trung trong tính nhân văn - nhân bản của những quyết sách chính trị. Đó là mối quan hệ biện chứng theo cả hai chiều. Nếu chính trị định hướng và tạo môi trường cho sự phát triển của văn hóa, thì văn hóa cũng phải đi cùng, tham gia tích cực vào chính trị và phổ nét văn hóa vào tư tưởng, tổ chức, cấu trúc và hành xử chính trị, thậm chí điều chỉnh tư tưởng và hành xử chính trị, góp phần tối ưu hóa các quyết sách chính trị, tạo nên "văn hóa chính trị".

 

Đối với nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, để đưa văn hóa thẩm thấu vào trong các hoạt động chính trị, trong tinh thần, trách nhiệm, thái độ, cung cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khi thực hành công vụ Đảng bộ Hà Nội đã xác định; Xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhận thức và hành động của mỗi người trong hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực khác nhau trong tổng thể xã hội, phải thống nhất để nhận diện đúng, cụ thể về văn hóa với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm" gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong triển khai, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng,

Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh",…Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) trong đó nhấn mạnh: Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng văn hóa trong chính trị nhằm khẳng định hình ảnh, vị thế của Đảng, củng cố niềm tin yêu và mối quan hệ khăng khít giữa Đảng, chế độ với nhân dân. Đảng bộ Hà Nội đã thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở; trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; các địa phương, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với việc sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ.

 

Điểm nổi bật trong xây dựng văn hóa chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ này là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 08/7/2024 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội" với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; tập trung nâng cao văn hóa công vụ, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành cương, kỷ luật công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

 

Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc tự soi, tự sửa, liên hệ bản thân với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa để kịp thời có giải pháp khắc phục. Việc Hà Nội ban hành Quyết định số 1841, ngày 20/10/2021 về quy định đánh giá xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử Thành phố đã đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đánh giá cán bộ của thành phố đang ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

 

Có thể thấy, xây dựng văn hóa trong chính trị một mặt đã khẳng định được vai trò, sứ mệnh của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển, bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”. Đồng thời, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị là mối quan hệ mang tính tất yếu khách quan, giữa văn hóa với các lĩnh vực khác luôn có sự thẩm thấu, hòa quyện, bổ sung và tác động qua lại lẫn nhau. Nhận diện bản chất của những mối quan hệ này góp phần giúp Đảng bộ Hà Nội tiếp tục nhất quán quan điểm về phát triển văn hóa, khẳng định vị trí của văn hóa đối với tiến trình vận động, phát triển của lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội và sự ổn định, trong sạch, vững mạnh của thể chế chính trị.

 

 

Nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế

 

Trong suốt 50 năm qua, nhiều định hướng lớn, quan trọng của Đảng trong đó có các quan điểm về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế đã được Đảng ta chỉ rõ, bổ sung và hoàn thiện qua từng giai đoạn. Văn hóa cùng với kinh tế, chính trị được Đảng ta khẳng định là ‘một trong ba mặt trận[1] quan trọng, việc hiện thực hóa các quan điểm phát triển văn hóa được Đảng quan tâm, chú trọng. Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định; “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị[2]. Điều này khẳng định văn hóa không đứng ngoài, không tách rời ra khỏi đời sống xã hội, mà phải ở trong kinh tế, văn hóa phải thẩm thấu, hòa quyện, hiện diện trong kinh tế. Từ quan điểm của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn về phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng.

 

Trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, trong hệ thống giải pháp lớn xây dựng văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đảng ta nhấn mạnh phải quan tâm cả chính sách kinh tế trong văn hóa lẫn chính sách văn hóa trong kinh tế, tại Đại hội XIII, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định “…phải gắn kết chặt chẽ văn hóa với kinh tế, đưa văn hóa vào mọi lĩnh vực, chương trình, dự án phát triển, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị và cộng đồng, tạo nên sức mạnh và độ bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô…”. Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế tiếp tục được Hà Nội làm rõ hơn tại đại hội XV với quan điểm “phát triển kinh tế nhanh và bền vững hài hòa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội’, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm đầu tư toàn diện nguồn lực tài chính và con người để sự nghiệp phát triển văn hóa chuyển biến rõ nét, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội Thủ đô”.

 

Định hướng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa tiếp tục được Đảng bộ Hà Nội kế thừa, bổ sung sau 15 năm tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội đã xác định: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của Thủ đô, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Thủ đô vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế mang tính thiết yếu, trong đó xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

 

Trên cơ sở nhận thức được giá trị của những di sản văn hóa, đồng thời xác định mối quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết giữa văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội luôn đề cao vị trí, vai trò và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Thủ đô; coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu quý giá, vô tận, là chất liệu, là nguồn vốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trở thành một trong những lợi thế so sánh để thành phố Hà Nội có thể phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế...- những ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh, tạo động lực phát triển Thủ đô.

 

Thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội (mà trọng tâm là hoạt động du lịch), các giá trị văn hóa được thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo dựng và củng cố nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ; đồng thời các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô sẽ có cơ hội được lan tỏa và quảng bá rộng rãi đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần định vị thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế - xã hội không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, mà còn tạo ra việc làm, sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội ở cả thành thị và nông thôn. Lợi ích đó cũng được chia sẻ cho việc tái đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, quản lý, tôn vinh, và phát huy giá trị các di sản văn hóa Thủ đô. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và người dân Thủ đô biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị quý báu của các di sản văn hóa. Đồng thời, thông qua đó, cả người dân địa phương và khách du lịch sẽ cùng tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng văn hóa, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa vùng, miền và quốc gia khác, hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch, giữa người dân và du khách với các di sản văn hóa.

 

Trong thời gian qua, Đảng bộ Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn kết hiệu quả, hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch văn hóa. Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, Đảng bộ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597 “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.

 

Ngày 26-6-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” với mục tiêu mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế thông qua du lịch văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác; xác định mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; thân thiện với môi trường. Nhờ đó, trong những năm qua, thành phố Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới, Hà Nội được đánh giá là một trong 10 thành phố năng động nhất thế giới tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước, Hà Nội tiếp tục được công nhận là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á và thế giới”. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô, xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, là nền tảng để đưa Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước.

 

Cùng với việc ban hành Nghị quyết số 06, năm 2022, để tiếp tục tạo bước đột phá trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô theo định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu sớm đưa ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045).

 

 

Việc ban hành Nghị quyết 09 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện sự đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong và ngoài nước và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Trong đó, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có sức hút trên cơ sở phát huy được giá trị của di sản văn hóa đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, như; không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng gắn với việc khám phá các di sản văn hóa khu phố cổ; chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn; điểm du lịch thưởng thức Trà sen Quảng An,…. Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương), trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như; huyện Thường Tín với làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm với làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Ðông với làng nghề lụa Vạn Phúc,... Xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, thành phố Hà Nội chủ trương tái đầu tư cho sản phẩm văn hóa, chỉ đạo các công ty du lịch điều hành các tua, tuyến đến các điểm di tích, đầu tư mẫu mã quà tặng mang bản sắc Thủ đô một cách bài bản.

 

Năm 2022, du lịch Thủ đô đã tạo được điểm nhấn quan trọng là xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng trên cơ sơ phát huy giá trị di sản văn hóa, như khai thác trở lại tua đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; ra mắt sản phẩm tua xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”; tua du lịch văn học; khai trương các tuyến phố đi bộ mới ở Thành cổ Sơn Tây, tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội,…Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh khai thác giá trị di sản văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị; thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức thường niên, như Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản, Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, Ngày chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội, Lễ hội bơi chải truyền thống Hà Nội mở rộng, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo,...qua đó, thành phố Hà Nội vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế...

 

Kết quả cho thấy, riêng ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội), từ năm 2016 đến năm 2021, doanh thu của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn là 270,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (chưa bao gồm phần doanh thu gián tiếp do khu vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian tạo ra), với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt cũng 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội). Tính đến năm 2023, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6.7%/năm, gấp 1,43 lần so với cả nước. Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3.5 lần so với năm 2022 và 17.1 triệu lượt khách nội địa, tăng 19,1%. GRDP phục hồi và tăng trưởng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6000USD/người/năm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,… Kết quả này cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Thành phố.

 

Từ những kết quả đạt được đã cho thấy, Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao. Việc gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa với kinh tế, từng bước phát huy những tiềm năng, thế mạnh văn hóa để chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô đã bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, việc thực hiện tốt các chính sách văn hóa trong kinh tế sẽ góp phần khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp với những giá trị nhân văn, có sức lan tỏa.

 

 

Nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa và xã hội, con người Thủ đô

 

Thấm nhuần quan điểm, định hướng của Đảng về vai trò, vị trí tầm quan trọng của phát triển văn hóa, kể từ năm 1975, bước vào giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi đổi mới đến nay, trải qua 8 kỳ Đại hội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã kế thừa và từng bước có sự phát triển tư duy lý luận về văn hóa, nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội Thủ đô, đặc biệt là nhân thức về việc chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa gắn với hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô ngày một được quan tâm. Từ thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa của Thủ đô, quán triệt quan điểm phát triển văn hóa của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nghiêm túc tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ, với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp Đảng bộ Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, liên tục xây dựng và ban hành các Chương trình[3] công tác lớn toàn khóa về văn hóa. Trọng tâm là tạo bước đột phá về văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

 

Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), sự hòa nhập giữa văn hóa Thăng Long - Hà Nội với một số vùng văn hóa, như văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng… tạo nên sự đặc sắc, phong phú của văn hóa Thủ đô; đồng thời thu hút tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc. Đảng bộ Hà Nội đã phát huy vốn văn hóa đa dạng, phong phú, chuyển hóa thành nguồn sức mạnh nội sinh góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô. Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa gắn với các lĩnh vực của đời sống, trong nhưng năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hóa các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Trong nhiều năm, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn, 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách Thành phố. Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được Đảng bộ Hà Nội triển khai nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về nhận thức đó là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30, ngày 19/02/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” để tạo sự thống nhất hành động, quan điểm về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội gắn với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển Thủ đô theo hướng bền vững. Cùng với đó, Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,… Thủ đô Hà Nội là nơi có tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhất, giảm mạnh từ 7,52% đầu năm 2011 xuống còn 0,21% cuối năm 2020, đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,03%, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

 

 

Đảng bộ Hà Nội đã phát huy tốt vai trò của văn nghệ sỹ, trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Xác định đây là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật chất lượng cao của Thủ đô, góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Hà Nội. Vì thế hàng năm, Thành phố luôn có những chính sách, chế độ đãi ngộ, quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô, ban hành nhiều văn bản, có cơ chế chính sách riêng nhằm động viên về cả vật chất và tinh thần khuyến khích họ tiếp tục cống hiến.

 

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được quan tâm, đầu tư và triển khai có lộ trình bài bản. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến nay, Hà Nội đã có 5.922 di tích, trong đó có 2.669 di tích được xếp hạng.

 

Công tác phân cấp phân quyền giữa các cấp trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố được thể chế hóa.

 

 Việc phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe cho người dân đến nay có nhiều chuyển biến rõ nét. Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu trong việc phát triển nền khoa học và công nghệ Thủ đô, xứng tầm với vị trí là một trung tâm lớn về khoa học và công nghệ của cả nước.

 

Thực hiện đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

 

Công tác phát triển hoạt động thể dục thể thao quần chúng và nâng tầm phát triển thể thao thành tích cao được quan tâm. Hà Nội duy trì tốt và mở rộng phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao, Đại hội thể dục thể thao trong nước, khu vực và quốc tế, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân trên địa bàn Thủ đôCông tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng, đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân.

 

Một số tồn tại, hạn chế

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong 50 năm qua đang đặt ra cho Thủ đô Hà Nội nhiều vấn đề thách thức như:

 

Việc ban hành các cơ chế, chính sách còn chậm và chưa đồng bộ nên nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô; xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo quan điểm, chỉ đạo định hướng của Đảng trong những năm qua còn chưa đảm bảo, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.

 

Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, việc xây dựng văn hóa trong chính trị nhiều nơi còn bỏ ngỏ.

 

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, xã hội mặc dù đã được quan tâm nhưng mức đầu tư còn chưa được đúng mức. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

 

Nhân lực cho ngành văn hóa còn thiếu và chưa cao. Phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với vốn tài nguyên hiện có; công tác quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả chưa cao. Văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn sức mạnh, nguồn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Thủ đô.

 

Việc tổ chức, đăng cai tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa thể thao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế còn hạn chế, chưa thường xuyên. Đóng góp của văn hóa, của công nghiệp văn hóa và du lịch, nhất là du lịch văn hóa còn khiêm tốn. Việc ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo còn chậm.

 

Một số định hướng trọng tâm mang tính chiến lược nhằm xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa văn hóa với các lĩnh vực khác trên địa bàn Thủ đô thời gian tới

 

Qua gần 50 năm xây dựng, phát triển văn hóa, từ kinh nghiệm thực tiễn của Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng nâng cao tư duy, nhận thức, năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm phát huy cao độ tinh thần, sức sáng tạo của nhân dân, xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm “là trung tâm văn hóa lớn đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình” góp phần xây đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước những vấn đề mới, phức tạp từ bối cảnh, tình hình khách quan trong nước và quốc tế cũng như những nhu cầu nội tại xuất phát từ chính đời sống văn hóa của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nhận thức, tư duy, hành động cụ thể, nhất là việc xây dựng, ban hành và thực thi thể chế, chính sách, huy động nguồn lực, khắc phục những “điểm nghẽn”, khơi thông “mạch nguồn” để dòng chảy văn hóa ngày càng lưu thông, phát triển.

 

Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội và con người là mối quan hệ tất yếu, mang tính khách quan, giữa các lĩnh vực luôn có sự thẩm thấu, hòa quyện, đan xen, bổ sung, tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi lĩnh vực có vai trò riêng. Việc nhận diện đúng bản chất của những mối quan hệ này góp phần giúp Đảng bộ thành phố Hà Nội khẳng định rõ vai trò, vị trí to lớn mang tính thống nhất, xuyên suốt của văn hóa đối với tiến trình vận động, phát triển của lịch sử với sự phát triển kinh tế, xã hội và sự ổn định, trong sạch, vững mạnh của thể chế chính trị. Kinh tế, chính trị cũng là những yếu tố nền tảng định hướng, tạo xung lực mới để văn hóa ngày càng phát triển.

 

Từ nhận thức đó, Đảng bộ Thành phố Hà Nội luôn xác định văn hóa giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị và xã hội; phát triển văn hóa luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hóa chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai. Trong thời gian tới, Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực, vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Đảng nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con Thủ đô trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

 

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của Thành phố. Đồng thời, thống nhất quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân, khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô.

 

 Hai là, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình, đề án nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Tăng cường đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người theo tinh thần Chỉ thị số 30 vừa được ban hành ngày 19/02/2024 của Đảng bộ Thành phố về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người Thủ đô với các mục tiêu , nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số về phát triển văn hóa, xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô với các tiêu chí tiêu biểu, mang đặc trưng văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.

 

Ba là, quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển để Thủ đô xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

 

Bốn là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn, chú ý xây dựng văn hóa trong toàn xã hội. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII,  XIII)... Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp; thực hiện nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa.

 

Năm là, hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa. Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thủ đô hướng tới xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo bao phủ và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa… của cộng đồng; đầu tư kiến tạo các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô thời kỳ mới…

 

Sáu là, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa. Đưa văn hóa trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội, là nhiệm vụ căn bản của hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên, tình yêu Hà Nội của mỗi người dân Thủ đô.

 

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội văn hóa Thủ đô trong bối cảnh mới.

 

Tám là, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nhằm sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật. Chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô.

 

Chín là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển công cụ đo lường, giám sát việc hoạch định, triển khai chính sách và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu văn hóa và tăng cường chia sẻ thông tin phối hợp liên ngành, liên khu vực, liên chủ thể về phát triển văn hóa.

 

Mười là, phát triển quan hệ ngoại giao của Thủ đô với các tỉnh thành trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên lĩnh vực văn hóa. Triển khai tích cực các hoạt động văn hóa, tham gia các diễn đàn văn hóa toàn cầu trong các chương trình do Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO tổ chức.

 

TS. Nguyễn Văn Phong

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-----

1. Nguyễn Phú Trọng: “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Sđđ, tr.168.

2. Kết Luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020).

3. Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2022.

4. Bài Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Báo Hà Nội mới, ngày 24-11-2021.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.102, 73-74.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđđ t.II,tr.330.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

8. Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Văn hóa và phát triển, Nxb Lý luận Chính trị, HN 2021, tr. 32.

9. Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển Văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2023.

10. Nguyễn Văn Phong: “Định hướng chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”” tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia:  Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển Văn hóa, năm 2023.

11. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia ''Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới'', Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2022.

12. Nguyễn Văn Phong: “Phát triển văn hóa, con người trên địa bàn Thủ đô trong gần 40 năm đổi mới - thực trạng, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra” tại Hội thảo lý luận lần thứ 10 giữa ĐCS Việt Nam và ĐNDCM Lào, năm 2023.

13. Một số báo cáo: Báo cáo tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, Báo cáo tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận và các văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa trên địa bàn Thủ đô,….

14. Báo cáo tổng kết 30 năm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô.

15. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô.

16. Báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, ngày 17/03/2020 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 - 2025”.



[1] Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t7, tr 246

[3] Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Chương trình số 04-CTr/TU) và nay là Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về nâng mức đầu tư với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025. Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố về “Chương trình phát triển thanh niên Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030”…

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết