1. Chính sách xã hội của Việt Nam
Chính sách xã hội được hiểu là bộ phận cấu thành chính sách chung của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết và quản lý các vấn đề xã hội bên cạnh các vấn đề chính trị, kinh tế. Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt đời sống của người dân. Quan điểm về chính sách xã hội được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển” và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 cũng đặt ra mục tiêu “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.
Hiến pháp 2013 quy định “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” - điều 58, Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước (khoản 1 Điều 59); Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác (khoản 2 Điều 59); Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (khoản 3 Điều 59);...Sau hơn 35 năm đổi mới, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019 và có thể cải thiện tiếp vào năm 2021). Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
2. Một số kết quả thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022
2.1. Thành tựu
Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng. Công tác chăm sóc người có công được thực hiện toàn diện và luôn là chính sách được thực hiện tốt nhất trong các chính sách xã hội. Đặc biệt, đã quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công được đảm bảo không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đối tượng được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được nâng lên để đảm bảo mức sống của gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tạo thành phong trào sâu rộng, được xã hội ghi nhận và nhân dân ủng hộ.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa thực hiện sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng bản, thôn xóm, 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; giai đoạn 2012-2022 cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sỹ, thẩm định gần 63.000 hồ sơ thương binh. Hiện nay có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng, mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 10 đến 12 nghìn trường hợp, 512.000 lượt người có công được điều dưỡng luân phiên. Từ năm 2013 đến năm 2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước đạt tỷ lệ 96,7%. Các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng cho người có công được quan tâm đầu tư vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu, nhất là thương binh nặng; mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ trên khắp cả nước.
Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Hệ thống chính sách, pháp luật đã được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội hoạt động hiệu quả để hỗ trợ kịp thời các cá nhân và hộ gia đình vượt qua các cú sốc, rủi ro trong cuộc sống đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. Các quan điểm hiện đại về thiết kế hệ thống, các kinh nghiệm quốc tế, cách tiếp cận về đo lường nghèo đa chiều, các tiêu chuẩn về an sinh xã hội, các tiêu chí về phát triển bền vững đã được nghiên cứu áp dụng phù hợp thực tiễn. Vai trò, trách nhiệm tham gia, đóng góp và thụ hưởng của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân trong hệ thống được xác lập theo xu hướng tiến bộ.
Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân lần đầu tiên được hiến định tại Điều 34, Hiến Pháp năm 2013. Các chính sách xã hội được ban hành và thực hiện trong giai đoạn này cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Một số địa phương, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội đã ban hành một số chính sách riêng (cùng với chính sách chung của nhà nước) mở rộng diện đối tượng thụ hưởng và nâng mức thụ hưởng, chú trọng tính hiệu quả và bền vững, hỗ trợ tích cực, kịp thời cho các nhóm yếu thế, cụ thể:
Về Việc làm, thu nhập: Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả được thực hiện; hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm; năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên 3,22%, ở khu vực thành thị là 4,42%. Hiện nay có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ Đô la Mỹ/năm.
Về giảm nghèo: Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%. So với năm 2010, thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2015 tăng 1,5 lần, năm 2020 tăng 3,5 lần.
Về Bảo hiểm: (1) Bảo hiểm xã hội: Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng đều hàng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021. Từ năm 2019, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống đại lý đến cấp xã/phường, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia qua các năm. Đến năm 2021, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,5 triệu người, bằng 6 lần số lượng của 10 năm (2008-2018). Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. (2) Bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm, trong giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt là khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa những người tham gia; tạo sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp. Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng, từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hàng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021. (3) Bảo hiểm y tế: Việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư của ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2020, có 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 90,85% dân số; năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%-98%.
Về Trợ giúp xã hội: Chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Quy trình và công tác xác định đối tượng được hoàn thiện, tổ chức triển khai minh bạch. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, trên cơ sở ban hành chính sách riêng, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.
Về cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản: (1) Giáo dục: Hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến trung học cơ sở. Trẻ em đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015; cấp trung học cơ sở đạt trên 95% năm 2020; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,25%. (2) Y tế: Hệ thống y tế cơ sở được hoàn thiện bao gồm cả hạ tầng trạm y tế, bệnh viện và nhân lực y tế; ưu tiên các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, giảm từ 16,2% năm 2012 xuống 12,5% năm 2020. Y tế dự phòng được tăng cường, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đạt trên 90%; ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch trên quy mô lớn, thành công ngăn ngừa các đợt bùng phát đại dịch Covid-19. (3) Nhà ở tối thiểu: Đến hết năm 2020 đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 17.200 hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung; 52.000 hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn xã hội hóa. Điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên… từng bước được cải thiện. (4) Chính phủ đã tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong giai đoạn 2012-2021, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% lên 90% và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% lên 54%. (5) Tiếp cận thông tin: Từ năm 2016, 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã. Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở được ưu tiên đầu tư; đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và nhà nước đến với người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền.
Thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam suốt 2 năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, làm tiền đề để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Năm 2020 đã hỗ trợ trên 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các lao động tự do với tổng kinh phí thực hiện là 12.293 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ gần 37,06 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí thực hiện là 42.740 tỷ đồng. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.
Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả. Thực hiện các chương trình đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo bền vững, “Ngày vì người nghèo” và phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau; đặc biệt các phong trào chăm lo cho nạn nhân chất độc hóa học, dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật, bảo hiểm y tế cho người nghèo… thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân vào đảm bảo an sinh xã hội toàn dân. Các mục tiêu xã hội đã được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; phát huy tốt hơn sự tham gia, ý chí vươn lên của người dân và các đối tượng; thu hút ngày càng tăng sự tham gia và đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân vào các chương trình xã hội.
Hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách xã hội. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh cả về trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật. Các công ước, điều ước và khuyến nghị quốc tế về lao động, việc làm và an sinh xã hội được nghiên cứu và nội luật hóa. Các Bộ, ngành đã tăng cường hợp tác song phương, đa phương, hợp tác khu vực và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ cả về kỹ thuật và nguồn lực, góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội.
2.2. Hạn chế
Thứ nhất, Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm nhưng đầu tư cho chính sách xã hội chưa tương xứng. Chuẩn trợ cấp xã hội thấp so với nhu cầu sống tối thiểu và chậm điều chỉnh. Các trụ cột chính sách được thiết kế và triển khai thực hiện hầu hết theo ngành dọc, chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công.
Bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng ở những vùng kém phát triển. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng chênh lệch giàu nghèo không giảm nhiều. Nhóm dân tộc thiểu số có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn đáng kể và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với nhóm Kinh/Hoa. Số lượng và chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp hơn đáng kể so với các vùng khác, còn nhiều khó khăn cho người dân tiếp cận và thụ hưởng.
Thứ hai, Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều và còn hiện tượng tái nghèo. Các chính sách, chương trình thị trường lao động đã được thực thi song hiệu quả chưa cao, đặc biệt còn bỏ sót nhóm lao động ở khu vực phi chính thức. Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động ứng phó với các cú sốc trên diện rộng khi xảy ra khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai, ứng dụng công nghệ cao - tự động hóa…
Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt được so với tiềm năng của nhóm dân số mục tiêu. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia, dẫn đến nguy cơ một tỷ lệ lớn người cao tuổi không có lương hưu trong bối cảnh già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ tới lao động trong khu vực phi chính thức; chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn kéo dài; lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp. Phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp, trợ cấp hưu trí xã hội mới áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên, nhóm dân số từ hết tuổi lao động đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, không thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội chưa được hưởng chính sách; mức chuẩn trợ cấp còn thấp.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn Quốc gia còn thấp; chương trình phát triển nhà ở xã hội mới đạt
41% so với mục tiêu đến năm 2020 do thiếu nguồn lực thực hiện và thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Bạo lực gia đình, bạo hành, đuối nước, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội.
Thứ ba, Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chủ yếu là chăm sóc nội trú, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quản lý theo trường hợp và công tác chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng; năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu. Các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực tại cộng đồng, hỗ trợ hòa nhập xã hội đối với nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về…chưa được bao phủ toàn diện. Các dịch vụ hỗ trợ cũng chưa được quan tâm, tiếp cận trên cơ sở giới. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế xã, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nhiều nơi còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Thứ tư, Hệ thống quản trị còn bất cập, chưa hiện đại. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo; quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của một số tổ chức, cá nhân tính tuân thủ chưa cao dẫn đến hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều nơi chưa được coi trọng. Quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách xã hội còn chậm; cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia. Bước đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhưng chưa đồng bộ, thống nhất giữa các bộ/ngành, giữa trung ương và địa phương; thiếu cơ chế quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin. Hệ thống tổ chức thực hiện chưa hoàn thiện, việc theo dõi, quản lý các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội chưa đảm bảo tính liên tục, liên thông và theo dõi được biến động của đối tượng theo thời gian và địa bàn. Cơ chế thực thi chưa hiệu quả; mức độ tuân thủ pháp luật chưa cao trong khi chế tài chưa đủ mạnh. Công tác quản lý đối tượng còn phân mảng; phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan, giữa trung ương và địa phương đôi lúc còn chưa kịp thời dẫn đến chậm trễ trong giải quyết, xử lý các vụ việc. Tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng lạm dụng chính sách, bỏ sót đối tượng, hoặc hưởng trùng chính sách.
Thứ năm, Nguồn lực còn hạn chế và thiếu chủ động. Các chính sách xã hội thường gắn với bảo đảm từ ngân sách nhà nước, vì vậy việc thực hiện nhiều chính sách xã hội (nhất là các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người nghèo, người có công với cách mạng....), phụ thuộc rất lớn vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước; chưa tạo được cơ chế đầy đủ động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội và khuyến khích người thụ hưởng chính sách tự vươn lên. Chưa liên kết được các nguồn lực của chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nguồn lực xã hội hóa để đáp ứng một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội của người dân; chưa có cơ chế điều phối linh hoạt để thích ứng với các biến động lớn như dịch bệnh, thiên tai trên diện rộng.
2.3. Nguyên nhân
Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan như thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh, sinh kế của người dân, thành quả của công tác giảm nghèo; xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa cũng ảnh hưởng đến tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ quan tác động đến quá trình thực hiện chính sách xã hội được coi là chủ yếu, bao gồm: (1) Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp về vai trò, vị trí của chính sách xã hội chưa phù hợp với thực tiễn và chưa theo kịp xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế. (2) Hệ thống chính sách pháp luật được ban hành nhiều nhưng tích hợp chậm, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa kịp thời, thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện; chế tài xử lý sai phạm chưa đủ mạnh. (3) Tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới; phương thức quản lý, quản trị nhà nước trong các lĩnh vực xã hội chưa hiện đại, chậm được hiện đại hóa, chưa bảo đảm tính liên thông, linh hoạt và kịp thời; một số lĩnh vực phân cấp, phân quyền chưa tạo điều kiện để các địa phương chủ động xử lý chính sách. (4) Nghiên cứu, thống kê cơ bản trong quản lý và phát triển xã hội chưa có nhiều đột phá, ứng dụng công nghệ chậm; thiếu các dự báo dài hạn. (5) Chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân.
3. Bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chính sách xã hội
Một là, việc xây dựng lý luận phải đi trước một bước và cần cụ thể hoá trong Nghị quyết, văn kiện đại hội, là kim chỉ nam cho xây dựng và hoạch định chính sách.
Hai là, xây dựng chính sách xã hội phải lấy con người làm trung tâm; đảm bảo an sinh xã hội là quyền cơ bản của công dân; quán triệt quan điểm “tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”.
Ba là, xây dựng CSXH phải dựa trên đánh giá, khoa học, đảm bảo tính kế thừa, liên tục, xuyên suốt, bảo đảm tính hội nhập quốc tế, phù hợp thực tiễn, vừa làm vừa tổng kết, nhất là vấn đề mới.
Bốn là, bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai và minh bạch trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội.
Năm là, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.
Sáu là, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thêm kinh nghiệm, nguồn lực và cơ sở tham khảo trong hoạch định chính sách phù hợp với xu thế hội nhập.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI được coi là sự khẳng định của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tầm quan trọng của phát triển chính sách xã hội trong phát triển đất nước, đã cơ bản định hình hệ thống chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội với các trụ cột chính làm căn cứ để hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều thành tựu, quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân./.
TS. Bùi Tôn Hiến
Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Các báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 15/NQ-TW một số vấn đề về chính sách xã hội của: Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, MTTQ, 63 Tỉnh/thành phố.