Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Nhà nước pháp quyền

Ngày phát hành: 06/02/2022 Lượt xem 1972

                                           

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với điểm cầu chính tại Phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội (Hà Nội) và các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương _Ảnh: TTXVN


1. Thống nhất nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; nhận thức rõ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN


Trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đấu tranh chống lại các luận điệu thù địch, và khắc phục những nhận thức, quan điểm mơ hồ, lệch lạc. Đảng lãnh đạo là yếu tố tiên quyết, là nguyên tắc bảo đảm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, làm cho cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đạt hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.


Bồi dưỡng để các cấp ủy, tổ chức đảng nắm chắc nội dung, phương thức lãnh đạo Nhà nước và có kỹ năng thành thạo trong lãnh đạo chính quyền địa phương.

Nhận thức rõ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước đều là những tổ chức thực hiện các ủy quyền quyền lực của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho Đảng quyền lãnh đạo chính trị với ba thẩm quyền cơ bản: Xây dựng và quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển của đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; Đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú đủ tiêu chuẩn để nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước, giới thiệu để các cơ quan nhà nước bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo; thực hiện việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.


Nhân dân ủy quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện quyền quản lý, điều hành đất nước với ba thẩm quyền cơ bản: Xây dựng và ban hành luật pháp (quyền lập pháp); tổ chức thực hiện luật pháp để duy trì và thúc đẩy tự do, dân chủ, an ninh của mỗi người dân và toàn bộ xã hội (quyền hành pháp); bảo đảm trật tự, kỷ cương và duy trì công lý (quyền tư pháp).
Việc phân định trách nhiệm, quyền của Đảng và của Nhà nước với các thẩm quyền phổ biến nêu trên là cơ sở quan trọng để phân định sự lãnh đạo chính trị của Đảng và quyền quản lý, điều hành đất nước của bộ máy nhà nước.


2. Tiếp tục  phân định rõ và cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối  với Nhà nước ở từng cấp, với từng tổ chức, từng lĩnh vực


Tập trung lãnh đạo Nhà nước thể chế hoá các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước phù hợp với yêu cầu mới; lãnh đạo sắp xếp, tinh gọn biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức công vụ tốt, lối sống lành mạnh, không tham nhũng; có năng lực và phong cách làm việc chuyên nghiệp; lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. 


Đảng lãnh đạo Nhà nước trên tư cách Đảng cầm quyền. Quan hệ giữa Đảng với Nhà nước đòi hỏi phải phân biệt rõ và phân định đúng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm giữa Đảng với Nhà nước để Đảng thực sự lãnh đạo và Nhà nước thực sự quản lý, không lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không chồng chéo, trùng lắp tổ chức bộ máy, không song trùng quyền lực trong mô hình tổ chức, trong phương thức hoạt động. 


Xây dựng và thực hiện đúng quy chế về nội dung, phương thức Đảng lãnh đạo các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

 


3. Kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch


Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.


Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao


Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; sáp nhập các bộ quản lý các ngành, lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhau. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.


Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân.


4. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và giữa các tổ chức của hệ thống chính trị; thể chế hóa vai trò của nhân dân kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức


Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, quy định của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm ngăn ngừa, phát hiện, loại bỏ những việc làm sai trái của cơ quan, cán bộ, công chức trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực được giao, bảo đảm cho quyền lực được thực hiện đúng. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. 


Tập trung kiểm soát quyền lực trong những lĩnh vực, những cơ quan có nhiều quyền lực, dễ xảy ra lạm quyền, bảo đảm ngăn chặn, loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.
Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng quyền lực. Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ cơ quan kiểm soát quyền lực tương xứng, ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.


Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thành nền nếp quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 


Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải đổi mới phong cách làm việc thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời, đồng thời thông qua đó mà kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới, khắc phục tình trạng chỉ nghe báo cáo một chiều.


5. Hợp nhất những cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; mở rộng thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện


Tổng kết việc thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước trong thời gian vừa qua để triển khai mở rộng thực hiện hợp nhất những cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Cần tiến hành kiên quyết nhưng thận trọng, đồng bộ, đúng nguyên tắc, lấy kết quả tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện nhiệm vụ làm mục tiêu và tiêu chí đánh giá hiệu quả; tránh cách làm vội vàng, hấp tấp, chưa nghiên cứu kỹ, chưa chuẩn bị tốt.


Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh ở những cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước chức năng, nhiệm vụ quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau. Mở rộng thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.


6. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng


Kiên quyết, kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.


Tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Cán bộ, đảng viên là công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tuỵ với công việc, nói đi đôi với làm để quần chúng tin tưởng, noi theo.


Tăng cường biểu dương những đảng viên gương mẫu, xử lý nghiêm những phần tử thoái hoá, biến chất, tham nhũng, ức hiếp quần chúng; lợi dụng chức quyền vi phạm lợi ích của nhân dân, dù người đó ở cấp nào và cương vị công tác nào.

 

 PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn
                         Viện Trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện CTQGHCM


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết