Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị
Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan.
Đặc biệt, từ năm 2019 đến tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020… Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…
Với hệ thống pháp luật và các thiết chế về quyền con người đồng bộ, từng bước hoàn thiện, việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.
Quyền làm chủ của người dân Việt Nam được thể hiện rõ ở quyền bầu cử và ứng cử; quyền tự do báo chí, biểu đạt; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng… Quyền làm chủ của người dân trước hết được thể hiện rõ ở quyền bầu cử và ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2011-2025) đã cho thấy điều này với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao (99,60%). Ngoài ra, quyền tham gia quản lý Nhà nước của người dân được thể hiện ở tiếng nói của những đại biểu đại diện của mình tại Quốc hội.
Cùng với đó, người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo. Tự do ngôn luận, báo chí, internet… ngày càng được phát huy. Đặc biệt, báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực.
Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước đã xây dựng “Chính phủ điện tử”, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tháng 8/2020, Việt Nam đã khởi động Cổng dữ liệu quốc gia để làm điểm đầu mối trên internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. Hiện Cổng dữ liệu quốc gia Việt Nam đã công khai hơn 10.590 bộ dữ liệu mở, tăng cường minh bạch dữ liệu và quyền của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng dữ liệu cơ quan nhà nước phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa.
Bảo đảm các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội
Phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng cho việc thực thi dân chủ và quyền con người. Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, chính là thực hiện quyền con người về kinh tế, văn hoá và xã hội.
Trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người trong các lĩnh vực này.
Về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đáng chú ý là ngay cả khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, thậm chí suy thoái, thì kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong top những nước tăng trưởng tốt nhất.
Trong đó Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 2,23%. Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ở lĩnh vực giáo dục, đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, người dân được tạo điều kiện để học tập liên tục, học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đứt gãy các hoạt động giáo dục và việc thụ hưởng giáo dục của học sinh, sinh viên, trẻ em như chuyển sang hình thức học trực tuyến để thích nghi với điều kiện mới, tạo thuận lợi cho việc học tập, bảo đảm tiến độ và chất lượng chương trình giáo dục, triển khai hỗ trợ máy tính và các thiết bị công nghệ cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng dân tộc thiểu số.
Lĩnh vực y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp, Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tại Việt Nam đã đạt từ 95-100%, đạt mục tiêu mà Lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đề ra. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,85% năm 2020. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người hơn 80 tuổi … được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế). Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa; Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại…
“Không ai bị bỏ lại phía sau”
Nói đến thành tựu bảo đảm quyền con người không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật.
Trong số đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm…
Những thành tựu Việt Nam đạt được trong đại dịch COVID-19 cũng chính là những thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đáng ghi nhận. Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”. Do đó, cùng với quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho mọi người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi đại dịch lan nhanh ở Việt Nam, người mắc COVID-19 được điều trị miễn phí...
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nổi bật nhất là 2 gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021), trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho lao động bị mất việc, lao động tự do, hộ nghèo, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, các đối tượng chính sách…
Vừa qua, trước sự ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Noru), Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo sát sao, từ sớm, từ xa, huy động cả hệ thống chính trị của các địa phương vào cuộc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão. Nhờ đó, thiệt hại đã được giảm thiểu ở mức tối đa.
Có thể khẳng định, dù trong thiên tai, dịch bệnh hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng bảo vệ, bảo đảm cả về tính mạng, tài sản và điều kiện sống.
Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có sự tăng tiến rất mạnh về chỉ số phát triển con người (HDI) và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới. Đặc biệt, trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, HDI đã giảm trên toàn cầu hai năm liên tiếp, nhưng giá trị HDI của Việt Nam về cơ bản không thay đổi so với năm 2019. Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia trong năm 2021. Điều này cho thấy sự tiến bộ và ổn định của Chỉ số con người tại Việt Nam./.
Theo TTXVN