Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong lực lượng Công an: Thực trạng và giải pháp

Ngày phát hành: 16/11/2022 Lượt xem 895


 

1. Việc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X trong lực lượng Công an nhân dân

 

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên cơ sở xác định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức Công an nhân dân (CAND) trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh; Đảng ủy Công an Trung ương (CATW) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) ngày 20-01-2010 về "Xây dựng đội ngũ trí thức CAND thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11)) và nhiều kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức hội thảo khoa học[2]; yêu cầu các cấp ủy Đảng thuộc Đảng ủy CATW, các Đảng ủy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) và tổ chức hội nghị để quán triệt đến cán bộ chủ chốt, đảng viên trong đơn vị, địa phương;... Bên cạnh đó, Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an còn thực hiện nhiều đề án, dự án, ban hành thông tư, quyết định để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành các quy định nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới[3].

 

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an, các cấp ủy đảng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an (sau đây viết tắt là Công an đơn vị, địa phương) đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11) bằng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động[4] với chỉ tiêu cụ thể để xây dựng đội ngũ trí thức và tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, địa phương mình. Các quan điểm chỉ đạo, quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về xây dựng đội ngũ trí thức được các cấp ủy đảng Công an đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu, thảo luận dân chủ nhằm thống nhất phương pháp, biện pháp, nội dung triển khai thực hiện và đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc đến từng cán bộ, chiến sĩ bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt; hội nghị sơ kết, tổng kết; phổ biến, quán triệt trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, giao ban đơn vị; sao gửi tài liệu.... Công an đơn vị, địa phương đều lập hồ sơ chuyên đề theo dõi, định kỳ báo cáo đánh giá việc thực hiện theo các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

 

Nhìn chung, Đảng ủy CATW, Bộ Công an đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đến toàn bộ đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND một cách nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả; đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CAND. Nhận thức của Công an đơn vị, địa phương về vai trò, vị trí của trí thức CAND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) được nâng lên. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy Công an đơn vị, địa phương đều nhận thức rõ việc xây dựng đội ngũ trí thức CAND đóng vai trò quan trọng, là khâu đột phá và có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ nhận thức đó, Công an đơn vị, địa phương đã tăng cường cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trình độ tin học, ngoại ngữ nhằm tăng cường, bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực cho đội ngũ trí thức CAND; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, chỉ huy, chức danh nghiệp vụ chuyên môn và khung tiêu chuẩn, tiêu trí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an để bố trí cán bộ theo đúng chuyên môn, trình độ đào tạo, nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ trí thức CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

 

2. Thực trạng xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong lực lượng Công an nhân dân

 

Công tác Công an là một lĩnh vực lao động đặc biệt; sản phẩm, chất lượng kết quả lao động của cán bộ, chiến sĩ CAND là thành quả bảo vệ vững chắc ANQG, bảo đảm TTATXH, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân... Do vậy, đội ngũ trí thức CAND mang một số nét đặc thù, khác với đội ngũ trí thức của các ngành, lực lượng khác. Trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW, đặc điểm riêng của công tác Công an, Đảng ủy CATW đã đưa ra khái niệm trí thức CAND trong Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11), đó là "Trí thức trong CAND là những cán bộ có trình độ đại học trở lên, có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cao, có tư duy độc lập để nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, truyền bá lý luận CAND; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND và góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".

 

Trên cơ sở khái niệm trí thức trong CAND, Đảng ủy CATW xác định mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức CAND là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng CAND; đã quan tâm, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức CAND ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp Công an, giữa các lực lượng, các chuyên ngành khoa học, lĩnh vực hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới.

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 09-NQ/ĐUCA(X11), đội ngũ trí thức trong CAND đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng (số lượng cán bộ, chiến sĩ có trình độ Đại học Công an tăng 22,66%, Thạc sĩ Công an tăng 2,22% và Tiến sĩ Công an tăng 0,17%; trong đó, số cán bộ, chiến sĩ có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư tăng 130; cán bộ, chiến sĩ có trình độ Trung cấp lý luận chính trị tăng 16,29%, trình độ Cao cấp lý luận chính trị tăng 0,76%), riêng số lãnh đạo, chỉ huy do kiện toàn về tổ chức có giảm số lượng (giảm 15,41%) nhưng chất lượng được nâng lên (Thạc sĩ Công an tăng 1,47%; Tiến sĩ Công an tăng 0,14%). Đội ngũ trí thức CAND được bố trí, sắp xếp, điều chỉnh tỷ lệ hợp lý đảm bảo cân đối giữa các cấp Công an, nhất là Công an cấp xã đã được tăng lên nhiều so với trước (tăng 14,69% từ 7,8% lên 22,49%) và các lực lượng, đảm bảo thành phần dân tộc và giới tính...; trở thành lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH. Đa số trí thức CAND đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhiệt tình, hăng say với công việc. Trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ ở Công an các cấp đã được nâng lên về mọi mặt; trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tư duy nghiệp vụ và kiến thức xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới. Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an luôn chú ý sử dụng toàn diện, đồng bộ các biện pháp từ giáo dục đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng đến cơ chế tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức CAND; ưu tiên bố trí cán bộ có trình độ cao cho các đơn vị tham mưu chiến lược, xây dựng lực lượng, các viện nghiên cứu, các học viện, trường CAND... nhằm nâng cao chất lượng, phát huy cao nhất khả năng công tác, cống hiến của đội ngũ trí thức CAND.

 

Trong những năm qua, đội ngũ trí thức CAND đã phát huy năng lực, sở trường; chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng kiến thức, thành tựu khoa học vào công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Trực tiếp hoặc gián tiếp đề xuất Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về chiến lược, sách lược trong bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH.

 

Từ năm 2008 đến nay, đội ngũ trí thức CAND đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học[5], đề án, dự án, chuyên đề lý luận, chuyên đề tổng kết thực tiễn, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học,... góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh, trật tự; cung cấp những luận cứ khoa học, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật làm cơ sở định hướng, thống nhất quản lý và chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, nâng cao hiệu quả các mặt công tác công an, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện ở những đóng góp chính, cụ thể: (1) Tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự[6]; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh, trật tự và góp phần nâng cao hiệu quả các mặt công tác Công an[7]; Nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ CAND[8]; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ CAND góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự[9].

 

Bên cạnh kết quả đạt được như trên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong lực lượng Công an thời gian qua còn gặp phải một hạn chế sau:

 

Thứ nhất, tiêu chí, tiêu chuẩn như nghị quyết đưa ra chưa giúp cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị nhận diện rõ trí thức trong CAND, dẫn đến khó khăn trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong lực lượng CAND, chưa chủ động trong triển khai thực hiện, chưa tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ trí thức CAND phát triển, phát huy tối đa trí tuệ và công sức.

 

Thứ hai, việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ còn chậm, thiếu tập trung và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; nhiều công trình, đề tài khoa học chưa sát với thực tiễn và ít được ứng dụng trong thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng; chưa hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu.

 

Thứ ba, chất lượng của một bộ phận trí thức CAND chưa cao, đặc biệt là trí thức ở các cơ quan tham mưu, nghiên cứu khoa học; còn thiếu chuyên gia đầu ngành, tập thể khoa học mạnh, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực chưa thật sự gắn sát với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND; chưa có nhiều trí thức CAND có đủ năng lực nổi trội, khả năng tham mưu, phản bác những thông tin trái chiều, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; một bộ phận trí thức CAND còn hạn chế về năng lực, tính chuyên nghiệp, sự chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có kiến thức xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, tin học, ngoại ngữ... chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; một số có tư tưởng trung bình chủ nghĩa bằng lòng với những gì đang có, ngại tư duy, thụ động trong công việc...; kết quả cống hiến của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực chưa tương xứng với chính sách đãi ngộ.

 

Thứ tư, chính sách thu hút, động viên trí thức cống hiến trí tuệ cơ bản đã đảm bảo nhưng còn chưa mang tính hệ thống, đồng bộ, liên thông, thống nhất; thiếu cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, động viên, khuyến khích trí thức yên tâm cống hiến, làm việc; việc thu hút cán bộ, trí thức có trình độ cao vào công tác trong lực lượng CAND còn nhiều khó khăn.

 

Những khó khăn, vướng mắc đó, xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Một là, cấp ủy đảng, lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; đánh giá, sử dụng trí thức chưa đúng với năng lực, trình độ, coi nhẹ vai trò của trí thức dẫn đến hạn chế sự cống hiến của trí thức.

 

Hai là, do đặc thù tính chất công tác của lực lượng Công an, yếu tố đảm bảo bí mật công tác nghiệp vụ được đặt lên hàng đầu, nên nhiều hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế bị hạn chế, không có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức khoa học một cách tối đa như các ngành nghề khác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng trí thức có lúc, có nơi chưa gắn kết chặt chẽ, vẫn còn tình trạng đào tạo để giải quyết chính sách, chưa phù hợp với lĩnh vực đang công tác; còn có cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thiếu ý thức phấn đấu học tập, rèn luyện, dẫn đến kết quả đào tạo thấp, không phát huy được trình độ, năng lực gây lãng phí nguồn nhân lực.

 

Ba là, một bộ phận trí thức trong CAND chưa có ý thức vươn lên, chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; chưa thường xuyên cập nhật, trau dồi kiến thức chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ nên hạn chế trong giao lưu, tiếp thu những tri thức tiên tiến trên thế giới.

 

Bốn là, việc sử dụng biên chế và thực hiện cơ chế trả lương theo cấp bậc hàm, theo niên hạn như hiện nay chưa phù hợp; cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ của một số lực lượng đặc thù chưa thật sự hấp dẫn; chính sách khuyến khích lao động sáng tạo chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về điều kiện làm việc, nhà ở, phương tiện trang bị phục vụ cho công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chưa tạo ra được động lực thúc đẩy mạnh mẽ để khuyến khích cán bộ say mê sáng tạo và tích cực học tập, nghiên cứu khoa học...

 

3. Một số giải pháp và kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong lực lượng Công an nhân dân

 

 Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường, các yếu tố an ninh truyền thống ngày càng hiện hữu, gây ra nhiều nguy cơ đối với ANQG, các xu hướng phát triển khoa học công nghệ tác động lớn tới môi trường giao tranh giữa ta và địch; tình hình ở trong nước cũng chứa đựng nhiều yếu tố tiềm ẩn đe dọa ANQG và TTATXH.

 

Với chức năng, nhiệm vụ được giao; trước những khó khăn và thách thức trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi lực lượng CAND phải tiếp tục đổi mới về nhận thức, tư duy, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, sách lược, phương châm công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ trí thức CAND ngày càng vững mạnh, toàn diện, có năng lực, trình độ cao, kiến thức chuyên môn sâu rộng trên mọi lĩnh vực; đồng thời tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành những đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, các đề án, dự án thành phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, xây dựng đội ngũ trí thức CAND đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung công việc sau:

 

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức CAND. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn về đội ngũ trí thức CAND. Cấp ủy đảng các cấp phải có nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức CAND; xác định rõ trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức CAND lớn mạnh, có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND; đồng thời, tạo môi trường, điều kiện làm việc để khuyến khích trí thức CAND lao động, sáng tạo, cống hiến trong lĩnh vực công tác được giao.

 

Hai là, đổi mới căn bản công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ ở bốn cấp Công an; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học... 

 

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung, đội ngũ trí thức CAND nói riêng. Xây dựng đội ngũ trí thức CAND có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật; nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học công nghệ, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện, vũ khí được trang bị; được rèn luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu. Tổ chức tốt việc phát hiện, quy hoạch, luân chuyển trí thức CAND có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ ở tất cả các khâu, các cấp Công an, đảm bảo công tâm, khách quan, dân chủ, đúng quy định...

 

Bốn là, quan tâm, động viên, khuyến khích trí thức CAND đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu; xây dựng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng có chiều sâu, ngày càng hiện đại, tự chủ, có trình độ khoa học và công nghệ cao.

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức CAND trong thời gian tới, Đảng ủy CATW, Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước một số nội dung sau:

 

Một là, cần nghiên cứu, xác định, hoàn thiện tiêu chí, nhận diện rõ, cụ thể hơn về đội ngũ trí thức để đưa ra khái niệm trí thức đầy đủ, chính xác. Chỉ khi xác định được đúng đối tượng, thì mới có một cơ chế chính sách phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ trí thức.

 

Hai là, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ trí thức trên tất cả các lĩnh vực, có chính sách, cơ chế đặc biệt trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành, cán bộ được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, cán bộ trẻ tài năng; có chính sách đối với đội ngũ trí thức công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và số trí thức là người dân tộc thiểu số, trí thức công tác trong lĩnh vực công tác đặc thù như lực lượng vũ trang nhân dân...

 

Ba là, tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng cơ chế đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đội ngũ trí thức với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ; xác định phát triển đội ngũ trí thức là điều kiện đảm bảo thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ.

 

Bốn là, tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện, kinh phí cho các hoạt động chuyên môn của đội ngũ trí thức; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ Công an. Tăng cường đầu tư hơn nữa cả về vật chất và các điều kiện thuận lợi khác cho các học viện, trường đại học nói chung, các học viện, trường đại học CAND nói riêng trở thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ trí thức.

 

Năm là, thực hiện tốt các chế độ khen thưởng về vật chất, tinh thần đối với đội ngũ trí thức khi có công trình khoa học, đề tài, phát minh, sáng chế... có giá trị lý luận và thực tiễn.

 

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ vốn, trang bị phương tiện kỹ thuật, kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức./.

 

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ[1] 


[1] Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

[2] Kế hoạch số 42-KH/ĐUCA(X11) ngày 29-10-2009 của Đảng ủy CATW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ của lực lượng CAND đến năm 2020; Kế hoạch số 202/KH-BCA-X01 ngày 07/5/2020 của Bộ Công an về thực hiện Kết luận số 52-KL/TW trong CAND; Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 20/10/2020 của Bộ Công an về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28-10-2014 của Đảng ủy CATW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong CAND; Hướng dẫn số 05/HD-BCA-X11 ngày 27/02/2013 của Bộ Công an về xây dựng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND giai đoạn 2016-2021; tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ  "Xây dựng đội ngũ trí thức CAND trong tình hình mới" (năm 2009); Hội thảo khoa học cấp Bộ "Xây dựng đội ngũ trí thức CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới" (năm 2019)...

[3] Đề án số 1229 về quy hoạch tổng thể nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020; Đề án quy hoạch đào tạo cán bộ CAND đến năm 2030; Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND giai đoạn 2021-2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Đề án thí điểm tuyển sinh tuyển mới đào tạo trình độ đại học đối với người đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong các học viện, trường CAND; Đề án đổi mới tuyển sinh vào các học viện, trường CAND; Thông tư số 34/2008/TT-BCA (X11) ngày 04/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định  về tuyển chọn và quản lý cán bộ, học viên CAND đi học ở nước ngoài; Thông tư số 49/2009/TT-BCA (X11) ngày 01/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc xét chọn và quản lý sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên và công nhân viên CAND đi học ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài ngành Công an;...

[4] Nghị quyết: 61, Kế hoạch: 193, Chương trình hành động: 70.

[5] 34 đề tài khoa học cấp nhà nước, 671 đề tài khoa học cấp Bộ, 121 đề tài khoa học cấp tỉnh, 2.550 đề tài cấp cơ sở

[6] Trong 10 năm gần đây, đội ngũ trí thức CAND còn nghiên cứu, tham gia soạn thảo và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Trình Quốc hội các khóa XIII, XIV thông qua 16 luật[6], Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 pháp lệnh, 01 nghị quyết, Chính phủ ban hành 48 nghị định, 15 quyết định; 08 nghị quyết; 26 thông tư liên tịch, 389 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch nước ký kết, phê chuẩn 01 công ước, 23 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, phòng chống tội phạm, bảo vệ tin mật với các quốc gia và các cơ quan an ninh, cảnh sát, nội vụ của các nước.

[7] Từ năm 2008 đến nay, Công an đơn vị, địa phương đã nghiên cứu 12 đề tài khoa học cấp nhà nước, 200 đề tài khoa học cấp Bộ, 110 đề tài khoa học cấp tỉnh và 349 đề tài khoa học cấp cơ sở... Các học viện, trường CAND đã nghiên cứu 22 đề tài khoa học cấp nhà nước, 471 đề tài khoa học cấp Bộ, 11 đề tài khoa học cấp tỉnh và 2.101 đề tài khoa học cấp cơ sở; biên soạn 970 giáo trình, 2.228 chuyên đề phục vụ đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục, cấp Phòng. Ngoài ra, còn biên soạn 4.779 tài liệu dạy học, sách tham khảo, chuyên khảo khác và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Campuchia.

[8] Các bộ KIT dùng để giám định gen, khẳng định tính chất pháp lý trong các vụ án cũng như các vụ kiện dân sự; thiết bị kỹ thuật chèn phá sóng cục bộ cũng như trên diện rộng, góp phần đấu tranh ngăn chặn các thế lực phản động sử dụng làn sóng phát thanh, truyền hình để thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình"; vô hiệu hóa các hoạt động khủng bố, kích nổ bằng sóng vô tuyến; tiếp cận công nghệ mới; hệ thống điện tử chuyên dụng, hệ thống ghi âm, ghi hình cố định/cơ động phục vụ công tác hỏi cung bị can; hệ thống soi gầm xe cố định/cơ động; hệ thống giám sát thăm gặp tại cơ sở giam giữ; một số loại quả nghiệp vụ (cay, rít, khói...); 07 loại súng; quả cay CS di động, thiết bị bắn lưới, dây trói sử dụng bình khí nén C02, khóa tay chân kết hợp, thiết bị phát tín hiện cho xe ưu tiên sử dụng đèn LED

[9] Trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 6/2021, trong lĩnh vực ANQG, Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã điều tra khám phá 3.245 vụ án, với 7.190 bị can phạm các tội xâm phạm ANQG và các tội khác thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra; trung bình mỗi Điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra các cấp thụ lý 0,98 vụ án/năm; trong đó, cấp Bộ là 0,29 vụ/năm, cấp tỉnh là 1,13 vụ/năm. Riêng lĩnh vực TTATXH, trong 10 năm trở lại đây, công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội đã đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra; kiềm chế gia tăng tội phạm, triệt xóa nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, cụ thể: Đã điều tra, khám phá 378.064 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 77,58%, bắt giữ 714.857 đối tượng, triệt phá 23.751 băng, ổ nhóm tội phạm; bình quân mỗi năm khám phá gần 38.000 vụ; phát hiện và xử lý 132.021 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bình quân mỗi quan phát hiện, xử lý hơn 13.000 vụ; phát hiện 2.820 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, bình quân mỗi năm phát hiện hơn 280 vụ; phát hiện, xử lý 145.883 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, làm rõ 151.124 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý hành chính 109.135 vụ, với số tiền 1.618 tỷ đồng; đã phát hiện, bắt giữ 177.371 vụ với 268.249 đối tượng phạm tội ma túy; thu giữ 7.690,7 kg heroin, 11.896,76 kg và 5.279.347 viên ma túy tổng hợp...

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết