Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh ​

Ngày phát hành: 10/11/2022 Lượt xem 1613

 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đặc biệt, học tập phong cách lãnh đạo bằng nêu gương của Người, nhất là trong việc xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng về phong cách lãnh đạo bằng noi gương
Phong cách được hiểu là cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Còn nêu gương (hay làm gương) là làm mẫu, tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo.

Trong Đảng, nêu gương là việc thực hành để những giá trị của đạo đức và tài năng của người cán bộ, đảng viên, nhất là của lãnh đạo được lan tỏa, truyền cảm hứng; qua đó, dẫn dắt, thúc đẩy mọi hành động của cấp dưới và người dân. Do đó, phát huy trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo trong các tổ chức của hệ thống chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Sớm nhận thức được điều này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cán bộ Đảng viên “phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (1). Người đặc biệt nhấn mạnh nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (2).

Về nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng” (3). Người nhấn mạnh: “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. (4)

Về thực hiện nêu gương theo Bác phải toàn diện trong cả ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình phải không tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư.

Và Bác là một tấm gương sáng về phong cách nêu gương. Điều đó được thể hiện qua cuộc đời phong phú, đầy trải nghiệm và không ngừng vươn tới điều tốt đẹp, chân lý tiến bộ trong cả lời nói và hành động của Người. Cụ thể, trong hoạt động cách mạng, Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên luôn phải “trung với nước, hiếu với dân”, bản thân Bác hy sinh cả đời vì độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Trong sinh hoạt hàng ngày, Bác thường xuyên nhắc nhở đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc, bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến vật dụng, phương tiện phục vụ công việc hằng ngày. Khuyên nhân dân rèn luyện thân thể để có sức khỏe kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì bản thân Bác ngày nào cũng tập thể dục; phát động Tết trồng cây, Bác tiên phong đi đầu; khuyên thanh niên tự học, chính Bác là tấm gương tự học suốt đời…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương lớn về một lãnh tụ yêu nước, thương dân; cần, liệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn lắng nghe tiếng nói của nhân dân; nghiêm khắc với bản thân nhưng lại độ lượng hết mực với đồng chí, đồng bào. Kể cả khi phê bình người khác, Bác bao giờ cũng thấu tình đạt lý, biết trân trọng sĩ diện, nhân cách của họ, giúp họ biết sửa sai, biết sống và dám sống sau mỗi lần phạm sai lầm, khuyết điểm…

 Học tập và làm theo phong cách lãnh đạo bằng nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”.

Đảng cũng ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016, của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

  Các quy định, kết luận này đã kịp thời đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tạo hiệu ứng tích cực. Bước đầu, việc thực hiện các quy định đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về trách nhiệm nêu gương; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ghi nhận: “Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (5).

Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ, “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật” (6). “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng” (7).

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 18/5/2021, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao” (8). Tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cho thấy: Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường và phát huy phong cách lãnh đạo bằng nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong các tổ chức của hệ thống chính trị càng trở nên quan trọng, góp phần tạo dựng niềm tin và động lực, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để làm được điều này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo Bác. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần phát huy vai trò, trách nhiệm làm gương, nêu gương về "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"; nghiêm túc tự phê bình và phê bình; đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện "tránh việc mới, né việc khó", thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân; nêu gương về phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, toàn tâm, toàn ý với công việc; sâu sát thực tiễn, gần dân, trọng dân, tin dân hiểu dân, gắn bó với nhân dân; rèn luyện lối sống giản dị, tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng cần phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, học tập, sinh hoạt trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phẩm chất, uy tín của mình để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ cấp mình gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; kịp thời phát hiện, nhân rộng và tôn vinh, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến trong hoạt động thực tiễn./.

Theo TTXVN
 
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t. 6, tr.16
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 223
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 454
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 174
(6) Kết luận 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 223
(8) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản, số 968, tháng 6-2021, tr. 7

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết