Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong hoạch định và thực thi chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Ngày phát hành: 05/11/2022 Lượt xem 912


                                                                    

Đất nước ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí kiên cường bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu, đã đem máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc ta, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, dân tộc ta đã phải chịu những hy sinh, tổn thất nặng nề. Ngày nay trong xây dựng hòa bình, vẫn có những người con của dân tộc ta phải hy sinh hoặc chịu thương tật để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phồn vinh của đất nước.

 

Mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, những quan điểm tư tưởng của Đảng về công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công đã được Nhà nước thể chế thành văn bản, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác này. Quan điểm đó được chế định thành pháp luật, được ghi trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều chính sách ưu đãi khác. Hàng năm ngân sách Nhà nước đã dành nhiều ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; tìm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng. Chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong những năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục. Cuộc sống của một số người có công với cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, điều trị thương tật do chiến tranh, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có công và thân nhân người có công chưa được chu đáo; vẫn còn một số người có công chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước; còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời,… Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, chỉ đạo về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Thực tiễn cách mạng Việt Nam, trải qua các thời kỳ, theo các giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn thể hiện rất rõ quan điểm, chủ trương ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), Đảng ta đã khẳng định: “Săn sóc và giúp đỡ chu đáo anh, chị, em thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là một nhiệm vụ to lớn của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, của các ngành, các cấp và của toàn dân,… Chăm lo tốt việc chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khoẻ của thương binh, cung cấp đầy đủ những phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức chu đáo việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho anh chị em. Tận tình săn sóc đời sống vật chất và tình thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, các chính sách chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ phải được thực hiện đầy đủ. Những người và gia đình có công với cách mạng cần được nêu gương và khen thưởng thích đáng, được giúp đỡ chu đáo khi gặp khó khăn...”.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V thể hiện: “Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ công lao các liệt sĩ, thương binh… Trong thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể phải có sự quan tâm thường xuyên và chấp hành đầy đủ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI xác định: “Nước ta vừa trải qua cuộc chiến đấu lâu dài và hiện nay vẫn phải làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và quốc tế, số lượng thương binh, cựu binh, gia đình liệt sĩ rất lớn… Tổ chức nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng già yếu không nơi nương tựa…”

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng được quan tâm khá toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng có công với nước. Để tạo điều kiện cho việc quy tập mộ liệt sĩ và xây dựng các nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho các liệt sĩ, ngày 05-5-1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 20-CT/TW về công tác mộ nghĩa trang liệt sĩ, yêu cầu các cấp, các ngành cần có những biện pháp tích cực để trong vài năm tới giải quyết một bước cơ bản việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ. 

 

Trong định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu, mục Chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội, Nghị quyết Đại hội VIII chỉ rõ: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ...”[1]. Nghị quyết Đại hội VIII đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương tới địa phương đã làm tốt công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, qua đó góp phần tạo được sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội. 

Để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, khắc phục những khó khăn, bất cập trong cuộc sống của một bộ phận người có công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến và những địa phương có nhiều đối tượng hưởng chính sách ưu đãi; khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa ở một số địa phương, ngày 14-12-1996, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 09-CT/TW về việc mở đợt vận động kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công khác; thực sự đổi mới việc chăm lo giáo dục, đào tạo các thế hệ con em của người có công với cách mạng, có chính sách bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho con của liệt sĩ, anh hùng, thương binh, bệnh binh được học tập, làm việc để tham gia tốt các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

 

Đại hội IX của Đảng, khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”[2]. Nhấn mạnh quan điểm này, Đại hội X một lần nữa chỉ rõ: “Chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội. Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội”[3].

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và X, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt. Kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Kết quả đó là sự tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là nội dung mang ý nghĩa quan trọng. Phát huy kết quả đạt được, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, ngày 01-03-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 80-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới; tiếp đó, ngày 14/12/2006, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 07-CT/TW, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là những chỉ thị quan trọng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta trong việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hơn nữa, đó còn là sự thể hiện trách nhiệm, tình cảm của thế hệ hôm nay đối với những thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng thông qua, khẳng định “Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”[4].

 

Căn cứ tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa tiếp tục thể chế hóa bằng các quan điểm, chủ trương cụ thể hơn về ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết trong đó xác định những định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn...

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII Đảng ta tiếp tục xác định rõ chủ trương và nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi nguời có công với cách mạng, nâng cao mức sống người có công; Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú.

 

Việc xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng tùy theo từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

 

Chính sách ưu đãi người có công trong thời kì chống thực dân Pháp

 

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL đặt chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Theo đó đặt ra “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân Tử sĩ”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ, đặt nền móng cho việc xây dựng một hệ thống chính sách ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng.

 

Chính sách ưu đãi đối với người có công trong giai đoạn này đã góp phần chăm lo giúp đỡ người và gia đình có công ổn định về cuộc sống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của hậu phương quân đội, khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận. Chế độ ưu đãi được ghi nhận bằng chế độ trợ cấp, phụ cấp theo mức và sự đáp ứng của nền tài chính quốc gia lúc bấy giờ. Đặc biệt hình thức chi trả bằng tiền theo quý (tam cá nguyệt) hoặc trả trợ cấp bằng gạo. Thương binh, bệnh binh vì lý do sức khoẻ được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại các trại an dưỡng (an dưỡng đường) hoặc các trường dạy nghề. Thân nhân của tử sĩ (liệt sĩ) được chi trả trợ cấp hàng tháng.

 

Tuy nhiên, do đặc thù hoàn cảnh kháng chiến, chế độ trợ cấp còn giản đơn, chỉ mang hình thức đãi ngộ đơn thuần, còn hạn chế về phạm vi đối tượng, mới tập trung vào 3 diện đối tượng là: Tử sĩ (sau gọi là liệt sĩ), thương binh, bệnh binh (còn đựơc gọi là quân nhân vì mắc bệnh phải nghỉ dài hạn).

 

Chính sách ưu đãi người có công trong thời kì chống Mỹ cứu nước

 

Chính sách ưu đãi người có công trong giai đoạn này được xây dựng, sửa đổi, mở rộng về phạm vi đối tượng và các chế độ ưu đãi nhằm thực hiện đầy đủ, chu đáo, kịp thời cho các đối tượng chính sách. Người có công thụ hưởng chính sách trên các mặt của đời sống xã hội: Chế độ trợ cấp, phụ cấp; chế độ ưu đãi trong sản xuất và đời sống; chế độ nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh tại các cơ sở. Hoạt động quản lý nhà nước góp phần thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội làm ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Chính sách ưu đãi người có công thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chế độ ưu đãi người có công thời kỳ này tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiêu chuẩn xác nhận được mở rộng, nhất là những trường hợp bị thương bị chết được xác nhận là thương binh, liệt sĩ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Người có công được thụ hưởng chế độ ưu đãi trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị vẫn chưa thực hiện thấu đáo, kịp thời, đầy đủ, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nên việc xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công vẫn còn chậm, còn thiếu sót; một số trường hợp ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên vẫn còn tồn đọng, chưa được xác nhận là người có công.

 

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển

Từ năm 1986 đến năm 2006, ưu đãi đối với người có công, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thời kỳ đổi mới. Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (năm 1994) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (năm 1994). Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công. Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan chức năng ban hành nhiều Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Trong thời kỳ này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh để mở rộng phạm vi, đối tượng, bổ sung chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công. Cụ thể:

- Năm 1998, năm 2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 08/1998/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh số 01/2000/PL-UBTVQH10 sửa đổi bổ sung chế trợ cấp ưu đãi kháng chiến đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc xây dựng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng chuyển sang chế độ trợ cấp một lần.

- Năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 19/2002/PL-UBTVQH11, sửa đổi bổ sung chế độ ưu đãi đối với người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng.

- Năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH12, bổ sung chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Diện đối tượng người có công với cách mạng mới và quy định chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công được điều chỉnh tướng ứng với mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội.

- Năm 2012, sau khi tổng kết 10 năm thực thi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005.

 

Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Pháp lệnh đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

 

Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai việc xác nhận, công nhận người có công và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân người có công với cách mạng. (1) Pháp lệnh đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng như: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; (2) Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao chính phủ quy định cụ thể; (3) Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng như: Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975;  Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc; người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; Bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; (4) Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; (5) Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể theo từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

 

Triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đã thu được nhiều kết quả tích cực từ việc xem xét, công nhận người có công đến việc quy định nhiều chính sách mới tương ứng với từng diện đối tượng. Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2  triệu người có công, trong đó: Người  hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: trên 9.000 người; Người hoạt động cách mạng từ 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày khởi nghĩa19/8/1945: gần 16.500 người; Liệt sĩ: trên 1,2 triệu người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: gần 140.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh: gần 800.000 người; Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: trên  320.000 người; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: trên 111.000 người, Người có công giúp đỡ cách mạng trên 4,3 triệu người; Thân nhân  người có công: trên 500.000 người…

 

Cùng với việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả: hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân và thân nhân liệt sĩ truy cập với hàng nghìn lượt truy cập/ngày, qua đó hàng trăm thân nhân liệt sĩ tìm được mộ liệt sĩ…

 

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng. Từ năm 2012-2020, các phong trào đã được thực hiện rộng khắp và hiệu quả như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã tiếp nhận được sự ủng hộ hơn 6.997 tỷ đồng; xây mới hơn 98.100 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 78.000 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 13.500 tỷ đồng; tặng gần 143.600 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 1.013 tỷ đồng; cả nước có 3.625/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tập thể, cá nhân nhận phụng dưỡng; 98,6% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99,03% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.

 

Như vậy, đến nay hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung, kế thừa qua nhiều thời kỳ lịch sử, dần được hoàn thiện, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của người có công và gia đình. Chính sách ưu đãi người có công đã phản ánh vai trò, trách nhiệm chủ đạo của Nhà nước, phát huy được sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương và huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội; khuyến khích tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống của người có công và gia đình, góp phần ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước.


 Đào Ngọc Lợi

                                                    Cục trưởng Cục Người có công,

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 115.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 301.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 104.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr 79.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết