Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Trọng trách của báo chí và truyền thông Việt Nam trong tình hình mới

Ngày phát hành: 14/09/2018 Lượt xem 6948

Lịch sử báo chí, truyền thông Việt Nam tính từ năm 1865 khi tờ “Gia Định báo” ra đời đến nay đã được 152 năm. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã khởi nguồn cho dòng chảy báo chí, truyền thông cách mạng. Hơn 90 năm qua, báo chí, truyền thông Việt Nam trở thành một bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, với dân tộc Việt Nam. Đồng hành và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam có đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi vẻ vang của đất nước như Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến trưởng kỳ chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, sự nghiệp đổi mới đầy sáng tạo hơn 30 năm qua.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; báo chí, truyền thông là công cụ đắc lực của Đảng với thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, phản ánh một cách chủ động và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội; thông tin cập nhật tình hình trong nước và quốc tế. Báo chí, truyền thông là diễn đàn của nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và góp phần giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra; đấu tranh hằng ngày, hằng giờ chống những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chống các khuynh hướng sai trái trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần quan trọng trong việc tổ chức, tuyên truyền, phát động phong trào cách mạng của nhân dân. Gắn bó mật thiết với nhân dân, báo chí, truyền thông Việt Nam không chỉ thực hành chức năng phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, luận cứ hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe mà còn phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Báo chí, truyền thông luôn là lực lượng hữu hiệu nhất trong thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa và cao cả của Việt Nam. Báo chí, truyền thông thực sự là vũ khí sắc bén, hiệu quả trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Báo chí, truyền thông như tấm gương phản chiếu thực tế muôn hình, muôn vẻ của đời sống xã hội và cốt vật chất để báo chí, truyền thông phản ánh chính là tình hình thế giới và trong nước. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi hết sức lớn lao, nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới đã nhận định: “Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghệ có khả năng thay đổi một cách căn bản lối sống, lối làm việc và lối tương tác của chúng ta. Sự thay đổi này chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều thay đổi về chất đối với phương thức sản xuất ở mỗi nước và ở cấp độ toàn cầu. Trong đời sống quốc tế, một số trào lưu và xu hướng mới đang xuất hiện, như trào lưu dân túy, xu hướng bảo hộ, sự chuyển dịch quyền lực giữa các nước lớn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng… đang là những nhân tố tác động nhiều chiều đến đời sống quốc tế.
Ở trong nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới. Thời cơ mới đang rộng mở cho sự phát triển. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển đang là những vấn đề nổi lên cần phải giải quyết. Đó là nguy cơ tụt hậu về kinh tế; là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.
Tình hình mới đặt ra đối với báo chí, truyền thông Việt Nam trọng trách lớn với những nhiệm vụ chính yếu sau:
1. Báo chí, truyền thông Việt Nam là vũ khí sắc bén của Đảng, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quảng đại quần chúng
Là phương tiện thông tin tuyên truyền đắc lực của Đảng, báo chí, truyền thông Việt Nam được Đảng lãnh đạo trực tiếp trên nhiều phương diện. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động báo chí ở Việt Nam. Chính trong điều kiện mới của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí càng cần thiết. Xã hội càng phát triển, thông tin báo chí càng có vai trò to lớn. Với nội dung thông tin có định hướng đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục, báo chí có khả năng hình thành dư luận xã hội hướng tới đồng thuận xã hội phù hợp với vận động của hiện thực theo chiều hướng có chủ đích. 
Những người làm báo Việt Nam xác định: Báo chí cách mạng nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng sẽ không còn sự sáng tạo, ngòi bút sẽ lạc lõng, mất phương hướng. Mọi hoạt động của báo chí phải tuân theo định hướng của Đảng, không chạy theo khuynh hướng thương mại, thật sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, giữ vai trò phản ánh và hướng dẫn dư luận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, ủng hộ và thúc đẩy công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
Là phương tiện trọng yếu đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí, truyền thông làm tròn sứ mệnh động viên toàn xã hội phấn đấu thực hiện đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nắm vững tinh thần và quyết tâm chính trị mà Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, báo chí, truyền thông Việt Nam đang tích cực thực hiện những nội dung tuyên truyền trọng yếu là: Thứ nhất, phản ánh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thứ hai, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ năm, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ sáu, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Là diễn đàn quan trọng của nhân dân, thông qua việc phản ánh một cách sát thực, sâu sắc những tâm tư nguyện vọng và những đóng góp của nhân dân với Đảng, Nhà nước, báo chí, truyền thông góp phần đưa hơi thở của cuộc sống đến các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước để từ đó hình thành những nghị quyết mới, chính sách mới nhằm giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội. Chỉ có như vậy báo chí, truyền thông mới có động lực và điều kiện để không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo, phát triển.
2. Báo chí thực hiện tốt chức năng biểu dương và phê phán 
Bám sát tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, báo chí, truyền thông phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, những người tốt, việc tốt, những biểu hiện tích cực nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Bản chất của sự nghiệp đổi mới là hình thành và hoàn thiện cái mới, cái tiêu biểu. Cái mới được phản ánh trên báo chí, truyền thông có thể là một nhân tố mới, một sự kiện mới, một phẩm chất mới, một kinh nghiệm mới, một phương hướng mới xuất hiện trong đời sống xã hội. Cái mới được thông tin có thể lúc đầu còn là cái riêng, cái cá biệt, song trong tương lai, nếu được nuôi dưỡng, khuyến khích nó sẽ là cái chung, cái phổ biến. Cái mới trong công tác xây dựng Đảng càng được phản ánh khách quan, chân thật bao nhiêu, thì chất lượng xây dựng Đảng càng trong sạch và lành mạnh bấy nhiêu. Cái mới, cái tiến bộ do Đảng đề xướng và lãnh đạo càng tiêu biểu cho sự vận động đi lên của sự vật, hiện tượng của đời sống xã hội thì càng có giá trị, càng có ý nghĩa thuyết phục lớn lao. Cái mới có tác dụng rất quan trọng trong việc cổ vũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời có sức cảm hóa và lôi cuốn quần chúng noi theo. Hiện nay, nhiều chuyên mục trên các cơ quan truyền thông đại chúng như: “gương sáng đảng viên”, “việc tử tế”, “những bông hoa đẹp”… được công chúng rất quan tâm và đánh giá cao.
Báo chí, truyền thông kiên định cổ vũ nhân tố mới, nhưng đồng thời kiên quyết chống tiêu cực và chống tiêu cực cũng là để cho nhân tố mới thật sự được tôn vinh trong đời sống xã hội. Trong điều kiện hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức diễn biến phức tạp thì việc đấu tranh chống những biểu hiện trên lại càng cần thiết. Báo chí truyền thông cùng với sự giám sát của nhân dân, là tai mắt tinh nhạy phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận những biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất đó. 
Trong việc thực hiện chức năng biểu dương và phê phán, báo chí, truyền thông Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và nhất là trong những năm qua, báo chí truyền thông đã tham gia tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với những nội dung thiết yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thông qua việc biểu dương cái tốt, đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực, báo chí góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, làm lành mạnh quan hệ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Qua hoạt động của báo chí, truyền thông trong nhiệm vụ này, nhân dân càng tin vào Đảng với việc nghiêm túc tự đổi mới, tự chỉnh đốn để làm trong sạch và tăng cường sức mạnh, xứng đáng là Đảng trí tuệ, Đảng của niềm tin.
3. Báo chí tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng và tiêu cực là những hành vi xấu xa mà nhân dân Việt Nam coi là “quốc nạn”, là một trong những nguy cơ làm tổn hại đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi chống tham nhũng, tiêu cực như một nhiệm vụ cấp bách để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện chỉ thị của Đảng, báo chí, truyền thông Việt Nam đã tích cực đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng xã hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn thời gian qua, nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ các nhà báo mà đã phanh phui được hơn một nửa số vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Để phát hiện được các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn, khám phá và phát hiện những hiện tượng làm cản trở sản xuất, những “con sâu” đang đục khoét vào đời sống của người lao động, những kẻ làm giàu bất chính, những nguyên nhân kìm hãm tài năng của quần chúng, chỉ đích danh, đồng thời nêu các biện pháp ngăn chặn và khắc phục những trở ngại đó. Báo chí, truyền thông đã tạo dư luận mạnh mẽ lên án những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội; thói lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối, những biểu hiện thờ ơ vô trách nhiệm, vô tổ chức. Báo chí, truyền thông còn kiên quyết đấu tranh chống thái độ và hành vi trì trệ, chống lối phô trương, ba hoa, làm ăn kém hiệu quả. Đây chính là cuộc đấu tranh cho cái tốt thắng cái xấu xa, đấu tranh cho phương hướng đúng, cho hành vi tốt ngày càng được nhân rộng và phát triển vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
4. Báo chí, truyền thông đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch
Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một phần quan trọng trong đấu tranh tư tưởng, có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng Đảng cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Trong cuộc đấu tranh đặc biệt nhạy cảm và khó khăn này, báo chí, truyền thông Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích quan trọng. Là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể, trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, báo chí, truyền thông Việt Nam đã tập trung vào những nội dung cụ thể. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí, truyền thông đã nhận dạng các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; chỉ rõ các dạng quan điểm sai trái, đồng thời từng bước đưa ra những giải pháp để đấu tranh chống các quan điểm đó. Trước hết, báo chí, truyền thông coi việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là tuyên chiến trên báo chí với những đối tượng đó, mà điều chính yếu nhất, quan trọng nhất lại là tuyên truyền để giữ vững lập trường, quan điểm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, để ai ai cũng thấy lẽ phải, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc với những mục đích xấu. Trên cơ sở nhận thức như vậy, báo chí tuyên truyền, giải thích đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bằng những tác phẩm báo chí đa dạng giàu sức thuyết phục, báo chí truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam; giúp cho toàn xã hội nhận thức đúng để thống nhất tư tưởng, hành động, không có khoảng trống để các luận điệu thù địch lung lạc. Tất cả những thông tin quan trọng của thế giới và trong nước được các phương tiện báo chí cung cấp đầy đủ mang tính định hướng dư luận để không có sự hiểu biết sai lệch.
Có thể khẳng định những hoạt động của báo chí, truyền thông Việt Nam trong gần thế kỷ qua, đặc biệt hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã có những đóng góp khá nổi bật. Bên cạnh đó, những hạn chế của báo chí trong khi thực hiện những trọng trách của mình cũng khá rõ. Đó là, khi thực hiện chức năng biểu dương và phê phán, vẫn có những tình trạng phản ánh quá mức, hoặc tô hồng, hoặc bôi đen. Cũng có trường hợp phản ánh gương điển hình đáng để công chúng học tập nhưng một thời gian sau lại thấy đó không phải là gương sáng. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội cũng có những nhà báo “nhanh nhảu đoảng” hoặc “thật thà hư”, vô tình làm tiết lộ thông tin, ảnh hưởng đến công tác điều tra phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng. Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cũng còn nhiều vướng mắc, những lập luận để đấu tranh chưa thật sắc bén, chưa có sức thuyết phục. 
Với những thành công và ngay cả còn những mặt hạn chế nhất định trong hơn 90 năm qua, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, báo chí, truyền thông Việt Nam đã xứng đáng là một công cụ đắc lực và hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhất định sẽ được lực lượng hùng hậu báo chí truyền thông Việt Nam tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để báo chí, truyền thông Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ./.


GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết