Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Cần một chính sách xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển

Ngày phát hành: 14/09/2018 Lượt xem 5609

1. Hiệu quả của chính sách "khoán 10"
Nông nghiệp Việt Nam trì trệ do cơ chế quan liêu, bao cấp kéo dài. Đất đai khá màu mỡ, lao động dồi dào nhưng vẫn thường xuyên thiếu đói. Sản lượng lương thực giai đoạn 1981 - 1985 chỉ đạt 15,005 - 18,2 triệu tấn. Năm 1988 ở 23 tỉnh, thành phía Bắc có 9,3 triệu người thiếu ăn, Chính phủ phải nhập 199.000 tấn gạo. Trước tình hình đời sống khó khăn, năm 1966, một số hợp tác xã nông nghiệp ở Vĩnh Phúc và Đồ Sơn, Hải Phòng đã "xé rào" "khoán hộ". Tháng 9/1966 tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành nghị quyết 68-NQ/TU về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Hiện tượng tự "cởi trói", "xé rào", "khoán chui" đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực ở các địa phương và doanh nghiệp.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp (gọi tắt là Chỉ thị 100 hay khoán 100). Chỉ thị có ý nghĩa to lớn đối với việc chuyển đổi cơ chế quản lý và phát triển sản xuất. Sau hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW, nông nghiệp Việt Nam đã khởi sắc hơn. Nhằm triệt để giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, bảo đảm lợi ích của người lao động, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Nghị quyết 10 hay khoán 10). Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của sản xuất và đời sống, đáp ứng nguyện vọng của nông dân, hợp lòng dân. Nghị quyết 10-NQ/TW được đánh giá là một bước tiến lớn trong nhận thức của Đảng ta về quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết đem lại những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn, góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước hơn 30 năm qua. Thành tựu nổi bật nhất là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện và tăng trưởng với tốc độ cao, ổn định hơn hẳn các thời kỳ trước đó. Năm 1988 sản lượng lương thực mới đạt 19,58 triệu tấn, năm 2016 đạt 49,3 triệu tấn. Năm 1988 mới đạt 307kg lương thực/đầu người, năm 2016 đã đạt trên 530,0kg/người. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp đã đạt 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với năm 2015, trong đó có 10 sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm là: gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, sắn, quả, tôm, cá tra, đồ gỗ. Số lượng gia súc, gia cầm tăng nhanh, cả nước có trên 2,5 triệu con trâu, trên 5,37 triệu con bò, trên 27,7 triệu con lợn,.v.v… Chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đạt kết quả tốt; đã chuyển từ lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế rừng. Nhiều Doanh nghiệp và nhân dân vùng núi đã làm giàu từ nghề rừng.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập. Việt Nam thuộc vào nhóm nước đất chật, người đông, cả nước hiện nay chỉ còn gần 9 triệu ha đất trồng trọt, chăn nuôi, 1,0 triệu ha đất nuôi trồng thủy sản, 8 triệu ha rừng trồng, đất canh tác chỉ còn bình quân 0,3ha/hộ (cả nước có khoảng trên 11 triệu hộ nông dân). Địa hình lại chia cắt, vùng Tây bắc chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, canh tác khó khăn. Tây nguyên thì quanh năm khô hạn, đồng bằng sông Cửu Long thì vừa có vùng đất quanh năm nhiễm mặn, có vùng đất 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt, lại chịu ảnh hưởng sớm của biến đổi khí hậu nên diện tích khô hạn, diện tích nhiễm mặn tăng lên, dải đất miền Trung thì thường khô hạn, bão lũ,.v.v.. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn manh mún, năng suất lao động nông nghiệp, giá trị trên đơn vị diện tích canh tác rất thấp. Theo Cục trưởng Cục trồng trọt, 1 ha lúa sản xuất 2 vụ, sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động… hết 70%) người nông dân chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt chưa xác định và xây dựng được chiến lược sản phẩm nông nghiệp, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản phẩm lại cao nên rất khó cạnh tranh. Một số ý kiến cho rằng nông nghiệp đang là lĩnh vực trì trệ và tụt hậu nhất, mặc dù vẫn là ngành đem lại 20% GDP mỗi năm cho nền kinh tế. Gạo là sản phẩm hằng năm có số lượng xuất khẩu cao nhất (năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn) nhưng giá gạo Việt Nam chỉ bán được khoảng 400USD/tấn, trong lúc đó gạo Campuchia là 500USD/tấn, gạo Thái Lan là 800-1000USD/tấn. Trong khi xuất khẩu gạo chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm thì 1 năm Việt Nam phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khoảng 5 tỷ USD (chủ yếu ngô, đậu tương, thức ăn bổ sung). Năm 2016 xuất khẩu gạo Việt Nam còn chỉ đạt 4,88 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015 do chất lượng gạo thấp, thị trường bị thu hẹp.
Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được một số kết quả về giống lúa, giống ngô, giống thủy sản,.v.v.. nhưng nhìn chung còn rất hạn chế. Đến nay, ngành chăn nuôi chưa tạo ra được con giống, ngành lâm nghiệp chưa trả lời được ở vùng đồi núi thì trồng cây gì cho doanh thu trên 20 triệu đồng/ha/năm. Các loại quả thì phần lớn chất lượng chưa cao, mẫu mã kém hấp dẫn,… Sản xuất thức ăn công nghiệp thì phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu trong lúc ở nước ta có điều kiện sản xuất được ngô, đậu tương  v.v.
Vì sao nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển khi "khoán 10" sau 28 năm thực hiện gần như hết động lực? Rõ ràng là cần thiết có một chính sách thay thế chính sách "khoán 10" để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
2. Bài học về chính sách nông nghiệp ở một số nước
(1) Israel: là một quốc gia 70% đất đai là sa mạc, còn lại là đồi núi trọc, lượng mưa trung bình rất thấp (khoảng 500mm/năm), nhiệt độ trung bình mùa hè rất cao (từ 25-400C) nhưng hiện nay là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất Thế giới. Chỉ có gần 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm họ xuất khẩu 3,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp. Năng suất một số cây trồng, vật nuôi đứng đầu thế giới như cà chua, bò sữa (11.500 lít sữa/con/năm). Israel dẫn đầu thế giới về công nghệ sạch. Bí quyết thành công của Israel là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm. Nguồn lực này đến từ ngân sách và cộng đồng (50 triệu USD/năm), các hợp tác quốc gia song phương (12 triệu USD/năm), các tổ chức nông nghiệp địa phương và quốc gia (6 triệu USD/năm), khu vực tư nhân đóng góp 25 triệu USD/năm.
Israel khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và xây dựng được mô hình tổ chức công – nông nghiệp – nông thôn độc nhất vô nhị trên Thế giới (mô hình kinh tế nông trang). Nhờ vào thành công của mô hình kinh tế nông trang này mà góp phần đưa Israel trở thành quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới.
(2) Hà Lan: là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, mặc dù điều kiện sản xuất rất khó khăn. 1/4 diện tích đất đai thấp dưới mực nước biển, 1/3 đất chịu uy hiếp của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng, lượng mưa thấp, nhiệt độ bình quân năm chỉ 8,5 – 10,90C, ánh sáng thiếu hụt, số giờ nắng bình quân chỉ 1484 giờ/năm. Khó khăn như vậy nhưng Hà Lan đạt hiệu suất xuất khẩu đứng đầu Thế giới, hằng năm bình quân mỗi người tạo ra giá trị xuất khẩu 14.600USD, cả nước xuất khẩu đạt trên 19 tỷ USD/năm, trong đó có 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là: hoa tươi, cây cảnh, cà chua, khoai tây, hành tây, pho mát, thịt lợn, bia đại mạch, bánh cacao. Hiệu suất sản phẩm của đất năm 1991 đã đạt 2.468USD/ha và hiệu suất lao động đã đạt 44.339 US/người. Bài học kinh nghiệm của Hà Lan là lựa chọn được một chiến lược sản phẩm phù hợp với lợi thế của đất nước. Họ tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực là sản phẩm hoa, rau, cây cảnh, thịt, sữa và trứng, là những ngành đòi hỏi vốn và kỹ thuật cao. Họ chú ý phát triển thủy lợi, giao thông và áp dụng những thành tựu cao và mới về khoa học – công nghệ, đồng thời khuyến khích phát triển trang trại nông nghiệp, chủ yếu là trang trại gia đình và chăm lo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp. Hà Lan có 12 trường đại học nông nghiệp và 5 trường đào tạo, bồi dưỡng chủ trang trại.
(3) Thái Lan: Là nước có nền nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, là nước xuất khẩu gạo lớn nhất Thế giới, chất lượng gạo được đánh giá cao, có thương hiệu trên thị trường Thế giới. Thái Lan cũng là nước xuất khẩu lớn về thực phẩm và có nhiều thành công trong tạo giống ngô, giống rau và cây ăn quả .v.v.
Kinh nghiệm của Thái Lan là Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư công nghệ cao. Đặc biệt Thái Lan xây dựng được một hệ thống khuyến nông hoạt động rất hiệu quả. Trong hoạt động khuyến nông thì họ xây dựng được Quỹ tín dụng nông thôn và giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng này phát triển sản xuất.
(4) Hàn Quốc và Đài Loan: Là hai nền kinh tế đều tập trung cho thâm canh để tăng năng suất cây trồng và tăng giá trị đất đai. Họ đầu tư cao cho thủy lợi và phát triển hệ thống các viện nghiên cứu. Họ lấy các trường đại học làm trọng tâm gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và khuyến nông. Cả hai nền kinh tế đều áp dụng chính sách trợ cấp trực tiếp cho nông dân sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là các ngành sản xuất quan trọng như lương thực, v.v… Đài Loan tập trung vốn tín dụng cho nông nghiệp và loại bỏ các ngành sản xuất tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường như chăn nuôi, trồng lúa và chuyển sang các sản phẩm giá trị cao như hoa, rau sạch, nấm, quả, đánh bắt cá,… 
Qua nghiên cứu tình hình phát triển nông nghiệp trên thế giới, nhất là 5 nước nêu trên, cho thấy để sản xuất nông nghiệp phát triển có hiệu quả một cách bền vững cần quan tâm đến 4 nội dung sau:
Thứ nhất, phải chọn đúng sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư. Ở Việt Nam vấn đề này lại càng quan trọng, vì chúng ta là đất nước có rất nhiều vùng sinh tái và từ đó cũng có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong khi đó nguồn lực của chúng ta rất hạn hẹp không thể đầu tư dàn trãi cho tất cả các sản phẩm;
Hai là, Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao và phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ phù hợp cho từng sản phẩm;
Ba là, khuyến khích để có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là những sản phẩm phải qua chế biến và xuất khẩu. Thực tiễn những năm qua cho thấy nếu có doanh nghiệp mạnh thì họ sẽ lo được cả công nghệ, thị trường và quản trị tốt; khi có sản phẩm tốt và thị trường thuận lợi thì sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu cho người sản xuất với giá tốt hơn và như vậy doanh nghiệp sẽ gắn kết tốt hơn với nông dân;
Thứ tư, Nhà nước cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hệ thống giao thông, điện phục vụ sản xuất, nhất là những vùng ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là phải có chính sách đồng bộ, nhất quán để các doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông nghiệp. 
3. Đề xuất chính sách góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển 
(1) Nghiên cứu, xác định được chiến lược sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Chọn chiến lược sản phẩm là vấn đề rất hệ trọng, quyết định sự thành bại của nông nghiệp. Trên cơ sở dự báo thị trường tiêu thụ lâu dài và lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất để xây dựng chiến lược sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp hiện nay phải là sản xuất hàng hóa để tồn tại và phát triển theo cơ chế thị trường, cả cho nội tiêu và xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn”. Đây là định hướng đúng đắn để đưa nông nghiệp phát triển. Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là chọn lựa, xác định chiến lược sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề nghị nghiên cứu xác định các sản phẩm sau đây:
Lúa gạo: Việt Nam có truyền thống sản xuất lúa từ ngàn đời và hiện nay đang đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, những năm gần đây do chất lượng gạo chưa ngon, nhiều nước giảm nhập khẩu gạo nên giá gạo Việt Nam xuất khẩu giá rất thấp (trên dưới 400 USD/tấn), sản lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh (năm 2016 xuất được 4,88 triệu tấn) và chỉ bán được cho các nước nghèo. Do vậy hiện các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đều kiến nghị giảm diện tích lúa để trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việt Nam chỉ nên sản xuất đủ ăn và có dự trữ đề phòng bất trắc. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng năm 2017 chuyển 500.000 – 700.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Diện tích gạo xuất khẩu phải được quy hoạch và muốn xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng từ giống có chất lượng gạo tốt, cách thu hoạch, cách bảo quản, có công nghệ chế biến sâu, bao bì, mẫu mã đẹp, tiếp thị tốt,… Ngày nay thị trường đang quyết định sản xuất chứ không phải sản xuất quyết định thị trường. Vì vậy, chúng ta phải sản xuất các sản phẩm mà các nước đang cần, chứ không phải sản xuất sản phẩm chúng ta đang có. Hạt gạo Việt Nam muốn cạnh tranh được phải đáp ứng yêu cầu ngon, sạch và rẻ. Để làm được điều đó, nhà nước cần có chính sách cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo như doanh nghiệp Lộc Trời ở An Giang đang làm (năm 2015, tập đoàn xuất khẩu được 163.839 tấn, năm 2016, xuất khẩu được 142.249 tấn gạo chất lượng tốt).
Cây cao su: Là cây có thế mạnh phát triển và xuất khẩu ở nước ta. Hiện nay diện tích gần 1 triệu ha và sản lượng mủ khô 1,0135 triệu tấn. Tuy giá cả thị trường lên xuống thất thường nhưng có thể phát triển ở quy mô lớn hơn nhưng phải thâm canh và chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm, khắc phục việc xuất khẩu mủ khô, giá trị trên đơn vị diện tích thấp như hiện nay.
Cây cà phê: Hiện có có diện tích 640.000 ha, sản lượng 1,458 triệu tấn nhân khô và là cây có lợi thế phát triển ở vùng Tây Nguyên. Đây là cây có điều kiện sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Mặc dù sản lượng xuất khẩu khá lớn (sau Braxin) nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô và chưa có thương hiệu trên thế giới.
Cây hồ tiêu: Là cây có thể mở rộng diện tích vì có thị trường tiêu thụ, có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao. Cần đưa vào nhóm cây nông nghiệp xuất khẩu chiến lược nhưng phải thâm canh và chế biến để có năng suất và hiệu quả cao hơn (hiện nay diện tích mới đạt 110.300 ha, sản lượng 192.900 tấn).
Cây điều: Cũng là cây Việt Nam có lợi thế phát triển, nhất là vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đều có thể mở rộng nếu Việt Nam có sản lượng điều lớn. Chất lượng hạt điều Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng phải đầu tư thâm cạnh để có năng suất cao hơn (diện tích cây điều mới trồng được 287.500 ha, cho sản lượng hạt thô 301.400 tấn).
Cây chè: Là cây thức uống được nhiều nước ưa chuộng và Việt Nam có nhiều vùng trồng chè, có truyền thống như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lâm Đồng,… Hiện nay diện tích chè là 133.400 ha và có thể mở rộng diện tích nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu chè sạch, chè chất lượng và tổ chức được thị trường ổn định như một số doanh nghiệp của Đài Loan, Việt Nam đang thực hiện.
Nhóm cây rau, hoa, quả: Đây là nhóm cây có thể phát triển nhanh vì nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Hoa và quả cho thu nhập từ 1 – 3 tỷ đồng/ha/năm. Với lợi thế về khí hậu nhiệt đới và có nhiều vùng sinh thái nên Việt Nam có thể trồng nhiều cây ăn quả đặc sản như vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, bưởi Năm Roi, thanh long, chôm chôm, vú sữa, cam, xoài. Một số loại trái cây Việt Nam đã xuất sang Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Newzealand,… Dự kiến năm 2016 xuất khẩu rau, củ, quả sẽ đạt 2,5 – 2,6 tỷ USD. Hiện nay cả nước có 700.000 ha cây ăn quả và có thể mở rộng diện tích trên 1 triệu ha. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nếu tập trung phát triển cây ăn quả, chắc chắn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu đến 8 tỷ USD. Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng và thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp là hai thành phố trồng hoa rất thành công và cho thu nhập khá cao trên đơn vị diện tích. Sản xuất rau, cây ăn trái và hoa là ngành sản xuất cần nhiều chất xám và đầu tư công nghệ cao nhất. Để sản xuất có hiệu quả thì phải quan tâm chọn, tạo giống tốt, quy hoạch vùng tập trung và đầu tư công nghệ chế biến sâu, đảm bảo chặt chẽ yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Nhóm cây dược liệu: phát triển cây dược liệu gắn với các sản phẩm chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp là một lợi thế của vùng nhiệt đới như Việt Nam. Việt Nam có nhiều vùng sinh thái nên có thể phát triển được nhiều cây dược liệu như sâm Ngọc Linh ở Tây Nguyên, cây tỏi, cây gừng, cây nghệ, quy, thục, ba kích, cam thảo,… là những thảo dược quý nếu có nhà đầu tư chế biến sâu và tổ chức được thị trường. Đây là lĩnh vực có khả năng cho giá trị trên đất cao nhất, vượt xa sản xuất lúa gạo, cây ăn quả lại chủ yếu được sản xuất ở vùng đồi núi, vùng nghèo. Mỹ, Australia, Newzealand,… là những nước sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp cho doanh thu lớn, kim ngạch xuất khẩu cao (ví dụ chỉ nhau thai con cừu mà Australia, Newzealand đã sản xuất nhiều sản phẩm, đạt doanh thu cao)
Nhóm sản phẩm cá tra và tôm: Diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có là trên 1,3 triệu ha, nhưng có thể mở rộng nếu chuyển một phần dịch tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Thủy sản có thể phát triển cả vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Thị trường tiêu thụ cá tra, tôm còn khá lớn nhưng trở ngại lớn nhất là phòng trừ dịch bệnh mà không để lại tồn dư thuốc trong sản phẩm, đòi hỏi quy trình sản xuất và công nghệ chế biến, bảo quản hết sức khắt khe (sản lượng năm 2016: cá tra đạt 1,15 triệu tấn, tôm đạt 650.000 tấn).
Trên cơ sở phân tích trên đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc xác định chọn 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm chủ lực đưa vào chiến lược sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là: gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, chè, nhóm cây dược liệu, nhóm cây rau, hoa, quả, nhóm sản phẩm cá tra và tôm.
Sau khi có quyết định lựa chọn sản phẩm và nhóm sản phẩm chủ lực cần nghiên cứu kỹ để xây dựng chiến lược cho từng sản phẩm cụ thể; cần tính toán kỹ để xây dựng thương hiệu của các sản phẩm chủ lực. Chẳng hạn đối với sản phẩm gạo, thời gian qua chúng ta đang tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia, nhưng thực sự bước đi chưa phù hợp nên rất khó thành công; chúng ta đang muốn có sản phẩm gạo có chất lượng tốt, mẫu mã đồng nhất, trong khi đó lại sử dụng hàng chục giống lúa, mỗi nơi lại sử dụng quy trình sản xuất, chế biến khác nhau, nếu tiếp tục như vậy thì không thể tạo ra sản phẩm thương hiệu quốc gia được. Do đó cũng như gạo, các sản phẩm khác cũng cần xây dựng chiến lược sản phẩm, thương hiệu sản phẩm cụ thể phù hợp. Để làm được điều đó cần phải thay đổi mạnh mẽ chính sách và một số văn bản pháp luật liên quan.   
(2) Nghiên cứu và ban hành sớm chính sách khuyến khích các chủ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm chiến lược của nông nghiệp Việt Nam 
Thực tiễn đã chứng minh muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải chuẩn bị dài 10 – 15 năm về khoa học vì ngành nông nghiệp có đặc thù riêng và muốn thành công phải gắn kết chặt chẽ giữa nhà doanh nghiệp với nhà nước, nhà nông. Trung tâm gắn kết của mối quan hệ này phải xác định là nhà doanh nghiệp mới thực sự có hiệu quả vì nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư họ phải lấy lợi nhuận làm mục đích chủ yếu. Ngoài đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để chế biến sâu, doanh nghiệp còn phải bỏ vốn xây dựng quy hoạch sản xuất, làm khuyến nông, làm tiếp thị, đầu tư hoặc mua tiến bộ khoa học kỹ thuật, mua phát minh, sáng chế để sản xuất kinh doanh. Người nông dân sẽ tự giác ký kết với doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nếu cây, con mới cho thu nhập cao hơn, hiệu quả cao hơn, có người thu mua, tiêu thụ đầu ra ổn định cho họ.
Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng ban hành một chính sách đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chon đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu một trong 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm nói trên. Chính sách đó bao gồm: Chính sách ưu đãi đầu tư như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dung đất. Hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (hấp dẫn hơn so với chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư tại Luật Đầu tư ngày 26/11/2014).
Để sớm có được một chính sách khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chiến lược nông nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ cho lập một tổ đề án do đồng chí Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo, thành viên tổ đề án có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có quy định rõ thời gian hoàn thành và trước khi ban hành chính thức, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương có tham gia sản xuất vùng nguyên liệu.
Đối với nhà đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chiến lược nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ phải quy định chặt chẽ điều kiện để được hưởng chính sách này là: Có năng lực tài chính, có công nghệ - thiết bị hiện đại, đảm bảo chế biến sâu các sản phẩm trên, tổ chức được thị trường và có chính sách khuyến nông phù hợp được nông dân hưởng ứng trồng nguyên liệu. 
Khi đã có chính sách thu hút thông thoáng thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện chính sách, đề phòng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách của nhà nước mà thực hiện không có hiệu quả.
Nếu có chính sách đúng và thu hút được nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư vào  sản xuất, chế biến và xuất khẩu có hiệu quả 9 sản phẩm và nhóm sản phẩm nói trên thì công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp mới thiết thực và người nông dân mới có cơ hội làm giàu chính trên mảnh đất của mình.
(3) Nhà nước tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược sản phẩm nông nghiệp Việt Nam 
Để các sản phẩm, nhóm sản phẩm chiến lược có thương hiệu, nhà nước cần có chính sách và chỉ đạo thực hiện: quy hoạch vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chiến lược; khuyến khích tích tụ ruộng đất, quan tâm đầu tư cho hoạt động khoa học – công nghệ đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm chiến lược đã xác định; tăng đầu tư cho các hoạt động khuyến nông và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận, ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất; mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm chiến lược. Đồng thời nhà nước cần bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, thuế, quản lý giống, công nghệ,…
Hiện nay, điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn nên phải có bước đi cụ thể, phù hợp để đầu tư có trọng điểm, hiệu quả. Trước mắt nhà nước nên ưu tiên phát triển các sản phẩm chiến lược của nông nghiệp, cả sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu, tạo sự bứt phá để hội nhập và phát triển bền vững./.



                                                                                  Nguyễn Thế Trung
                                                                                Ủy viên Hội đồng Lý luận TW

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết