1. Mối quan hệ giữa giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội.
Hiện nay đang còn có những nhận thức khác nhau về mối quan hệ giữa hệ giá trị con người với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị xã hội. Có ý kiến cho rằng ba loại hệ giá trị này mang cùng một bản chất, chỉ là xét theo các giác độ tiếp cận khác nhau, chủ thể khác nhau; lại có những ý kiến cho rằng đây là những phạm trù khác nhau (tuy có liên quan đến nhau). Ở đây xin nêu lên mối quan hệ giữa ba hệ giá trị này theo cách tiếp cận con người là chủ thể trung tâm của văn hóa và xã hội. Từ bản chất và đặc trưng của giá trị con người mà hình thành giá trị văn hóa và giá trị xã hội (giá trị văn hóa được xét ở đây theo nghĩa rộng như quan niệm của Hồ Chí Minh, chứ không theo nghĩa hẹp thuộc lĩnh vực tinh thần). Và giá trị văn hóa, giá trị xã hội cũng là những phương diện biểu hiện (thể hiện) giá trị con người ở những lát cắt khác, bình diện khác mà thôi. Trên thế giới, ở tất cả các nước, chính giá trị con người (và giá trị công dân) là nền tảng gốc rễ cơ bản đề hình thành giá trị văn hóa và giá trị xã hội. Nhưng điều này không có nghĩa là giá trị văn hóa và giá trị xã hội được quy định đơn nhất và một chiều từ hệ giá trị con người. Khi nói đến hệ giá trị con người thường nói đến những giá trị mang bản chất con người - bản chất công dân (quyền con người - quyền công dân) của một xã hội cụ thể. Còn khi nói đến hệ giá trị văn hóa thường nói đến các giá trị mà con người sáng tạo ra (cả về đời sống vật chất và tinh thần) trong nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội, đương nhiên các giá trị văn hóa phải phản ánh các bản chất cơ bản của giá trị con người về phương diện văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Còn các giá trị xã hội lại thể hiện các giá trị con người trong sự liên kết thành một xã hội có tổ chức, một chế độ xã hội cụ thể, một Nhà nước cụ thể, với những chế định quan phương (và phi quan phương) mà nỗi cá nhân, chủ thể riêng biệt phải tôn trọng và tuân theo. Như vậy, chính hệ giá trị con người là hạt nhân cốt lõi của hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị xã hội. Nhưng khi hệ giá trị văn hóa và đặc biệt là hệ giá trị xã hội được định hình, sẽ có một vai trò chi phối quan trọng (có thể mang tính quyết định) đối với sự thay đổi và phát triển hệ giá trị con người. Nói một cách hình ảnh, có thể mô tả mối quan hệ giữa hệ giá trị con người với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị xã hội như ba vòng tròn đồng tâm, mà vòng trong cùng là hệ giá trị con người, tiếp theo vòng thứ hai là hệ giá trị văn hóa, còn vòng thứ ba ngoài cùng là hệ giá trị xã hội. Sẽ là siêu hình và không đúng bản chất khi nhìn nhận tách biệt máy móc giữa các hệ giá trị này trong sự phát triển của xã hội. Như vây, trong mối quan hệ biện chứng mang tính bản chất đó, trên thực tế, ở tầm quốc gia (dân tộc) sẽ là các giá trị tổng hợp chứa đựng cả giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đặc trưng của một quốc gia (dân tộc) trong một giai đoạn phát triển nào đó. Đối với nước ta, có thể gọi đó là hệ giá trị Việt Nam đặc trưng của thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa.
2. Cấu trúc của hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội
Xét một cách tổng quát, trong mỗi giai đoạn phát triển, hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội được cấu trúc bởi ba cấu phần chủ yếu: những giá trị truyền thống được lưu giữ lại từ quá khứ; những giá trị hiện tại do điều kiện khách quan quy định; và những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới (mà hiện thời chưa đóng vai trò chủ đạo chi phối sự phát triển). Ở đây cần lưu ý rằng cả ba cấu phần đó, theo quan điểm phát triển, đều có thể chứa đựng những giá trị tích cực hoặc những giá trị tiêu cực, điều chỉnh hành vi của con người và tất cả các chủ thể trong xã hội. Các giá trị đó đều có chức năng chung là tác động tới sự phát triển của xã hội; tuy nhiên, mỗi cấu phần giá trị đó lại có những định hướng vận động khác nhau. Trong các giá trị truyền thống, những giá trị tích cực là những giá trị còn mạng lại động lực phát triển, mang lại lợi ích (vật chất và tinh thần) cho đa số các chủ thể trong xã hội. Các giá trị này có thể và cần phải thay đổi nội dung và hình thức thể hiện cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện hiện tồn (ví dụ như giá trị tính cộng đồng làng xã). Còn có những giá trị truyền thống tiêu cực tồn tại như những “tàn dư” trong nhận thức, quan niệm, lối sống, dù có thể đã mất đi cơ sở kinh tế, xã hội khách quan để tồn tại. Các giá trị hiện tại là những giá trị hình thành chủ yếu do điều kiện khách quan hiện tại quy định, các giá trị này cũng có thể có những giá trị tích cực, cũng có thể có những giá trị tiêu cực, phản ánh thực tế khách quan bản chất đa dạng của sự phát triển hiện tại, đóng vai trò chủ đạo chi phối sự phát triển thực tại của xã hội. Những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới là những giá trị mới hình thành nhằm đáp ứng với những đòi hỏi (điều kiện) phát triển của giai đoạn mới, mà hiện thời chưa đóng vai trò chủ đạo định hướng sự phát triển. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng những giá trị mới được hình thành không phải tất cả đều là những giá trị tích cực, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, có không ít các giá trị được coi là tích cực đối với nước khác, nhưng khi “du nhập” vào Việt Nam lại mang tác động tiêu cực. Sự phân định ba loại này chỉ mang tính tương đối, vì bản thân các giá trị có sự vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn nhau do các điều kiện khách quan cũng như nhân tố chủ quan tác động, và sự phát triển của xã hội như thế nào là sự tác động tổng hợp của cả ba loại gí trị đó.
Trong quá trình hình thành, biến đổi và phát triển hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội, có một vấn đề mang tính quy luật là khi đã được hình thành các giá trị đó tồn tại độc lập tương đối với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Và sự vận động, thay đổi của các giá trị này trong các điều kiện bình thường thường có “độ trễ” nhất định so với sự thay đổi điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện thay đổi đột biến, mang tính bước ngoặt về thể chế phát triển, và trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, sẽ xuất hiện (hoặc yêu cầu phải có) các giá trị mới “vượt trước” so với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện tại của một quốc gia. Các giá trị này có thể tác động tích cực đối với sự phát triển, cũng có thể có tác động tiêu cực. Sự đấu tranh, xung đột, chuyển hóa về giá trị tất yếu nảy sinh giữa các giá trị truyền thống, các giá trị hiện tại và các giá trị mới, giữa các giá trị quốc gia với các giá trị quốc tế, ngoại lai. Đây chính là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi phải chủ động xây dựng và phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (vốn đang cần phải xây dựng, hiện chưa là cơ sở đầy đủ và vững chắc ở nước ta) trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội hập quốc tế. Các giá trị “chiến thắng” và phát triển sẽ là các giá trị có cơ sở kinh tế - xã hội làm nền tảng, có cơ sở pháp lý để vận động, phát triển và có cơ sở đạo đức để tồn tại.
3. Hình thức thể hiện của các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội
Các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội thường được khái quát dưới dạng trừu tượng (ví dụ như giá trị yêu nước…), nhưng trong đời sống hiện thực các giá trị thường được hiện thực hóa dưới các phạm trù khác nhau. Có thể nêu lên khái quát các phạm trù chủ yếu sau :
- Phạm trù đạo đức (đạo đức hóa),
- Phạm trù phong tục - tập quán (phong tục - tập quán hóa),
- Phạm trù tâm linh (tâm linh hóa)
- Phạm trù pháp luật (pháp luật hóa, ví dụ như các quyền con người, quyền công dân được chế định trong Hiến Pháp 2013…),
- Phạm trù thiết chế (được thiết chế hóa bằng các thiết chế xã hội),
- Phạm trù lợi ích (lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần)…
Trong mỗi phạm trù cụ thể đó, các giá trị lại được cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực khác nhau để điều tiết họat động của con người và mọi chủ thể, tổ chức trong xã hội. Các phạm trù trên thường có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không phải khi nào cũng thống nhất với nhau khi biểu hiện bản chất của một giá trị cụ thể nào đó. Chẳng hạn, tính cộng đồng “lá lành đùm lá rách” là một giá trị tốt đẹp, nhưng khi thể hiện thành sự “tốt bụng”, xuê xoa, bỏ qua, bao che cho những hành vi sai, làm việc không hiệu quả trong một cộng đồng thì nó không còn mang giá trị tích cực nữa.
Trong các phạm trù hiện thực hóa các giá trị nêu trên, có ba phạm trù giá trị cơ bản nhất, đó là : giá trị lợi ích, giá trị đạo đức, và giá trị pháp lý. Giá trị lợi ích (vật chất và tinh thần) đóng vai trò động lực trung tâm của sự phát triển của con người, mọi chủ thể trong xã hội và cả quốc gia. Giá trị đạo đức đóng vai trò điều tiết hành vi của con người, cộng đồng và xã hội theo những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, của mỗi chủ thể trong xã hội. Gía trị pháp lý đóng vai trò điều chỉnh cả giá trị đạo đức, giá trị lợi ích và các giá trị khác theo chuẩn mực pháp lý, là “ranh giới” pháp lý để tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực hiện tất cả các giá trị khác trong cuộc sống. Giá trị pháp lý thể hiện rõ giá trị nào được phép tồn tại, được khuyến khích phát triển, giá trị nào không được phép tồn tại, không được khuyến khích phát triển; thể hiện rõ phạm vi và mức độ (giới hạn) tồn tại và phát triển của các giá trị trong xã hội. Giá trị pháp lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo khung pháp lý để thúc đẩy hình thành các giá trị mới, như giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội trong gia đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, xã hội hóa đất nước.
Cần thấy rằng, cả giá trị lợi ích, giá trị đạo đức, giá trị pháp lý (và các giá trị khác) dều sẽ có sự thay đổi trong quá trình phát triển. Ở những nước có sự thay đổi thể chế phát triển mang tính bước ngoặt, có sự phát triển rút ngắn, thì giá trị pháp lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển các giá trị mới (vốn đang hình thành, thậm chí chưa có) đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển nhanh và bền vững, đồng thời hạn chế sự lan tỏa, tác động, phát triển của những giá trị tiêu cực hiện tồn. Điều này có vẻ như “ngược” với quy luật thông thường, là trong điều kiện phát triển bình thường và tuần tự thì các giá trị đạo đức, giá trị phong tục tập quán được hình thành trước, rồi đến giá trị chung của xã hội, khi đó mới được “hợp thức” bằng các giá trị pháp lý. Còn trong điều kiện phát triển rút ngắn, đột biến thì trong không ít trường hợp, vai trò của giá trị pháp lý lại vượt trước (ví dụ để đẩy nhanh việc hình thành các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo phương thức rút ngắn). Điều này đặt ra vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của đảng cầm quyền và Nhà nước trong việc nhận thức và tuyên ngôn về những giá trị phát triển, chế định khung pháp lý để thúc đẩy hình thành và phát triển các giá trị mới tạo động lực cho sự phát triển (phù hợp và đáp ứng với yêu cầu phát triển tới mức nào). Điều này được thể hiện rất rõ trong vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan…đã chế định các khung pháp lý mạnh để tạo cơ sở hình thành các giá trị phù hợp với lối sống của xã hội công nghiệp (ví dụ như các nước dã chế định các hình thức mạnh để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng; Singapore đã chế định hình phạt “đánh bằng roi” đối với bất kỳ ai nhổ bẩn kẹo cao su ra đường và nơi công cộng …).
4. Về sự hình thành và phát triển hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Về phương diện nhận thức và cách tiếp cận, ở đây không phải chỉ đề cập đến sự hình thành và phát triển hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội chung của nước ta trong quá trình phát triển, mà là sự chủ động xây dựng và phát triển hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nghĩa là xây dựng các hệ giá trị đó mang “tính vượt trước” để không chỉ đáp ứng, mà còn là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh và có hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng “tính vượt trước” không thể duy ý trí, yêu cầu đặt ra là hệ giá trị này phải một mặt phải phát huy được các giá trị truyền thống tích cực thông qua việc đổi mới nội dung thích ứng với đòi hỏi của sự phát triển, đồng thời phát huy cao nhất các giá trị tích cực hiện tại (đang đóng vai trò chủ đạo); mặt khác phải chứa đựng những giá trị tiên tiến sẽ phải xây dựng để làm nền móng (chủ đạo) cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Xét một cách khái quát, có thể phân ra làm hai quá trình hình thành và phát triển các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội : i) Quá trình thụ động, đó là từ nền tảng phát triển nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội, từng bước hình thành các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội tương thích; ii) Quá trình chủ động, đó là quá trình các chủ thể có ý thức chủ động xây dựng các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng với những yêu cầu phát triển cụ thể (có thể mang tính vượt trước). Các quá trình chủ động thường được thể hiện ở quá trình giáo dục trong các môi trường gia đình, nhà trường, các thiết chế xã hội, và trong xã hội nói chung; được thể hiện ở các giá trị được chế định trong hệ thống luật pháp. Trên thực tế, hai quá trình đó luôn có quan hệ mật thiết với nhau, tương tác với nhau (có thể đồng chiều với nhau, có thể ngược chiều nhau, mâu thuẫn với nhau, nghĩa là có sự mâu thuẫn giữa mong muốn chủ quan và sự phát triển khách quan) để tạo nên thực trạng hiện thực về các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội. Ví dụ khá điển hình là trong thể chế phát triển cũ, với mô hình HTX tập thể hóa (không còn sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất của hộ nông dân, hộ nông dân không còn là đơn vị kinh tế tự chủ), chúng ta mong muốn xây dựng được các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội theo tinh thần làm chủ tập thể. Nhưng thực tế đã thất bại, HTX tập thể hóa biến thành “cha chung không ai khóc”, ruộng đất và tư liệu sản xuất trở thành vô chủ, tinh thần làm chủ tập thể biến mất và co lại ở giá trị phát triển cô đúc trên phần đất 5%; đất nước rơi vào khùng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Buộc chúng ta phải phá bỏ mô hình HTX tập thể hóa, xác lập lại vai trò đơn vị kinh tế tự chủ của hộ nông dân, và trao cho nông dân quyền làm chủ ruộng đất. Trên thực tế là chúng ta đã xác lập lại nền tảng kinh tế - xã hội để hình thành hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội ở nông thôn phù hợp với bản chất của sự phát triển khách quan. Đây là bài học xương máu đề chúng ta có nhận thức đúng, tiếp cận đúng, định hướng đúng khi xây dựng và phát triển hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Như vậy, khi định hình hệ giá trị hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội trong giai đoạn mới, thì cần đặt trọng tâm vào các giá trị để thúc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện hóa. Ở đây có vai trò của những giá trị truyền thống (được đổi mới về nội dung, tiêu chí, hình thức thể hiện để đáp ứng với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chắng hạn như giá trị cộng đồng truyền thống được đổi mới phát triển lên thành giá trị liên kết); có vai trò của những giá trị hiện tại do điều kiện khách quan quy định; và vai trò của những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới (mà hiện thời mới đang hình thành chưa đóng vai trò chủ đạo chi phối sự phát triển).
Vì công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một quá trình lâu dài, cho nên, một cách khách quan, đặt ra vấn đề xây dựng hệ giá trị tổng quát về giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng yêu cầu cho cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, rất quan trọng là phải cụ thể hóa được hệ giá trị tổng quát đó trong từng giai đoạn cụ thể, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Giữa hệ giá trị tổng quát và hệ giá trị cụ thể trong từng giái đoạn có sự thống nhất nhau về bản chất, nội dung cơ bản; nhưng sẽ có thể khác nhau về cấu trúc nội dung cụ thể, thứ tự ưu tiên…do điều kiện khách quan của từng giai đoạn đặt ra.
Để đáp ứng yêu cầu của cả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước trong bối cảnh quốc tế hiện nay, có thể nêu lên những yêu cầu cơ bản về xây dựng hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội như sau: i) các giá trị thúc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ii) các giá trị thúc đẩy xây dựng xã hội công nghiệp - xã hội thông tin, tiên tiến, dân chủ, văn minh; iii) các giá trị thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế hiệu quả (bao gồm cả hội nhập, hợp tác, cạnh tranh, đẩu tranh); xây dựng giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Sẽ có hai cách tiếp cận cần được tích hợp với nhau là : xác định rõ những giá trị cần có để đáp ứng ba yêu cầu trên; đồng thời làm rõ những giá trị đang cản trở quá trình thực hiện ba yêu cầu trên. Tích hợp lại chúng ta sẽ có hệ giá trị tổng quát về giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng yêu cầu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở đây xin không đi vào “thiết kế” hệ giá trị này, mà từ ba yêu cầu trên, xin gợi ý một số giá trị cơ bản cần xây dựng để thúc đẩy quá trình công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xin nêu một số giá trị sau : i) giá trị sáng tạo (tri thức khoa học - công nghệ kết nối với các giá trị quyền con người, quyền công dân, tự chủ, trách nhiệm xã hội, tự do sáng tạo…). Có thể coi đây là giá trị trung tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là hiện nay quá trình công nghiệp hóa không thể theo phương thức và mô hình cổ điển như trước; ii) giá trị liên kết - chia sẻ. Sự phát triển trong mỗi quốc gia cũng như trên toàn thế giới hiện nay, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể là thành quả và sự nỗ lực của mỗi chủ thể, mỗi quốc gia đơn lẻ, tách biệt như trước. Giá trị liên kết - chia sẻ thể hiện cả về lợi ích, trách nhiệm, rủi ro… Các chuỗi liên kết trong mỗi quốc gia cũng như trên thế giới, các hiệp định đa phương, song phương, các khối nước, các tổ chức quốc tế, quá trình toàn cầu hóa…đã nói lên điều này; iii) giá trị pháp quyền. Đối với Việt Nam đây là một giá trị then chốt, bởi vì nước ta đi vào xây dựng xã hội mới từ một nước phong kiến nửa thuộc địa, nông nghiệp là chủ yếu; lại trải qua hàng chục năm chiến tranh, hàng chục năm trong thể chế kế hoạch hóa hành chính quan liêu bao cấp nặng nề…Thực tế cho thấy chuyển từ một xã hội thần dân sang xã hội công dân thật không dễ dàng và nhanh chóng (trải qua bao nhiêu năm, cho đến Hiến pháp 2013 mới chế định tương đối đầy dủ và rõ ràng quyền con người và quyền công dân, nhưng để hiện thực hóa trong cuộc sống đâu có phải một sớm một chiều). Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng sự bất cập của hệ thống pháp luật cũng như thiếu kỷ cương trong thực thi pháp luật đang là một trở ngại lớn đổi với sự phát triển sáng tạo, nhanh và bền vững; iv) Giá trị về lòng tự hào - tự tôn dân tộc - đồng thuận dân tộc. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có quốc gia nào có thể phát triển mạnh và bền vững nếu thiếu (hoặc yếu) giá trị này. Vì đây là giá trị kết nối ý chí và khát vọng của mọi chủ thể trong xã hội thành giá trị của dân tộc, kết nối các giá trị truyền thống của dân tộc với các giá trị của thời đại, đưa dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên. Ở những nước có quá trình phát triển rút ngắn thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…đã cho thấy rõ điều này. Đặc biệt đối với Nhật Bản, thương hiệu “Made in Japan” không còn chỉ là thương hiệu của sản phẩm hàng hóa, mà đã trở thành giá trị dân tộc, trong đó chứa đựng và kết nối giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị gia đình, giá trị doanh nghiệp, giá trị cộng đồng, giá trị của thể chế nhà nước. Mỗi con người, mỗi chủ thể trong xã hội và cả nhà nước đều có trách nhiệm bảo vệ. Việt Nam, với truyền thống lịch sử, đã xây dựng được giá trị dân tộc về chống giặc ngoại xâm và bảo vệ chủ quyền đất nước, được thế giới thừa nhận. Còn trong xây dựng và phát triển đất nước, mặc dù đạt nhiều thành quả lớn, nhưng có thể nói, chúng ta chưa thực sự thành công trong kết nối xây dựng giá trị dân tộc, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Đây là vấn đề lớn đặt ra trong việc xây dựng hệ giá trị phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Điều rất quan trọng là phải cụ thể hóa được hệ giá trị tổng quát (sau khi xây dựng được) theo yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho giai đoạn hiện nay. Ngoài một số giá trị nêu trên, có thể kể đến các giá trị quan trọng sau : kiên quyết chống tham nhũng và tiêu cực xã hội; tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản chính đáng; lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại; coi trọng hiệu quả; dân chủ, công khai, minh bạch; trung thực, dũng cảm bảo vệ công lý, lẽ phải; công bằng và bình đẳng xã hội…Đó đều là những giá trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Để các giá trị trên được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, thì rất quan trọng là các giá trị đó phải được cụ thể hóa phù hợp đối với từng chủ thể theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể trong xã hội : cá nhân (trong tư cách con người và công dân), gia đình, doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư, nhà trường, tổ chức xã hội, hệ thống của Đảng, hệ thống nhà nước... Hệ giá trị của mỗi chủ thể sẽ đóng vai trò điều tiết hoạt động của các chủ thể đó trong xã hội. Ở đây xin nhấn mạnh hệ giá trị của Đảng và hệ giá trị của Nhà nước. Với tư cách là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì về nguyên tắc hệ giá trị của Đảng và Nhà nước phải là sự kết tinh và tiêu biểu cao của các giá trị phát triển xã hội. Tuy nhiên, do chức năng xã hội của Đảng khác với chức năng của Nhà nước, cho nên dù cùng về bản chất, nhưng hệ giá trị của Đảng có những nội dung khác so với hệ giá trị của Nhà nước. Xuất phát từ vai trò, chức năng của Đảng cầm quyền, có thể nêu lên các giá trị chủ yếu của Đảng như sau : Trí tuệ - bản lĩnh tiền phong; đức hy sinh vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân; lãnh đạo khoa học - dân chủ - gắn bó với dân; đạo đức - văn minh…Đối với Nhà nước, cán bộ công chức hầu hết đều là đảng viên, cho nên, một mặt phải thể hiện được các giá trị của Đảng trong mỗi vị trí công tác của mình, đồng thời phải thể hiện được những giá trị đặc trưng của Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân” (trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp). Xuất phát từ vai trò, chức năng của Nhà nước, từ yêu cầu và điều kiện hiện nay để xây dựng hệ giá trị cần thiết của hệ thống cơ quan nhà nước. Đây là việc cần được nghiên cứu kỹ. Ở đây xin nêu tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo : “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”, có thể coi đây là một phương án thể hiện hệ giá trị cần xây dựng của Chính phủ - nền hành chính, hành pháp nước ta hiện nay. Đó cũng là những giá trị đặt ra cần xây dựng và thực hành đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Có thể thấy rằng nội dung 5 giá trị nêu trên, cũng như thứ tự xắp xếp các giá trị đó đã phản ánh khá sát đúng yêu cầu xây dựng nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
5. Vấn đề hình thành thể chế - thiết chế thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Xây dựng được hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã là một kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hệ giá trị đó vẫn sẽ chỉ dừng ở nhận thức lý luận, ở phổ biến tuyên truyền, nếu không xây dựng được đồng bộ thể chế - thiết chế để hiện thực hóa các giá trị đó trong xã hội. Để hiện thực hóa quá trình này, cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau :
(1) Trên cơ sở hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội định hướng chung, cần phải cụ thể hóa thành hệ giá trị của từng chủ thể đáp ứng với yêu cầu phát triển hiện nay và trong giai đoạn tới. Từ đó xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, các tiêu chuẩn, chuẩn mực giá trị đối với từng chủ thể trong cuộc sống và lao động của mọi người, mọi chủ thể trong xã hội, trở thành thước đo giá trị sống trong xã hội.
(2) Hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế (bao gồm cả các thể chế, thiết chế chính thức và phi chính thức) để làm giá đỡ cho sự hình thành và phát triển các giá trị tích cực tạo động lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế là giải pháp mang tính nền tảng vì sẽ tạo nên cơ sở pháp lý để các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội được hiện thực hóa trong cuộc sống, được bảo vệ và tôn vinh, trở thành những giá trị chung mà mọi người và mọi chủ thể phải tôn trọng và thực hiện; Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để chống lại các giá trị tiêu cực, các thói hư, tật xấu. Trong hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế cần tập trung vào những lĩnh vực cơ bản sau:
- Hoàn thiện đồng bộ thể chế, mô hình, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, minh bạch, văn minh, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả...làm cơ sở để hình thành và khẳng định các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội của một xã hội công nghiệp tiến tiến văn minh.
- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp theo tinh thần và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền: thượng tôn pháp luật, dân chủ và pháp quyền, bảo vệ và phát huy cao quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây sẽ là cơ rất quan trọng để hiện thực hóa và phát triển những giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội trở thành động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, trong đó mỗi con người đều được tôn trọng và có điều kiện phát triển toàn diện mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội.
- Cần nhận thức rõ và chế định tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội phải là những thiết chế văn hóa - xã hội gắn liền với những yêu cầu và tiêu chí về giá trị con người, giá trị công dân, giá trị công chức - công vụ...Cần đặc biệt coi trọng xây dựng thể chế - thiết chế đối với các chủ thể: gia đình, nhà trường, các tổ chức và đơn vị trong hệ thống chính trị, xã hội, doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư.
Sự hình thành và phát triển bền vững các giá trị tốt đẹp, tích cực phải bắt đầu trước hết từ gia đình và nhà trường, ngay từ tuổi mẫu giáo. Giáo dục giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội phải trở thành nội dung chính trong nhà trường; phải trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo và sử dụng nhân lực. Do đó, phải đổi mới căn bản nội dung, chương trình và phương thức giáo dục, tuyên truyền về phát triển con người, phát triển văn hóa, lối sống, có chiều sâu, có sức thuyết phục, gắn với đời sống hiện thực, khắc phục tình trạng lý thuyết hóa - lý tưởng hóa, xa rời cuộc sống.
- Khuyến khích xây dựng và phát triển các thể chế - thiết chế phi chính thức lành mạnh, tích cực, như : hương ước, dòng tộc, cộng đồng dân cư, các giá trị tích cực và lành mạnh của tôn giáo...
- Sử dụng có hiệu quả công cụ quan trọng là hệ thống truyền thông, thông tin điện tử trong tuyên truyền, đấu tranh, giáo dục, phát triển giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội.
(3) Cần rất coi trọng xây dựng các thể chế - thiết chế để liên kết các giá trị tích cực. Một trong những hạn chế (bất cập) hiện nay là thiếu sự liên kết - kết nối các giá trị tích cực giữa các chủ thể trong xã hội để hình thành các giá trị quốc gia - dân tộc, tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Ngược lại, hiện nay, trong không ít trường hợp còn cản trở, làm suy yếu, triệt tiêu lẫn nhau (ví dụ tình trạng ”bẻ kèo”, phá vỡ hợp đồng giữa các hộ nông dân và các doang nghiệp sảy ra khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp...); mặt khác lại hình thành các liên kết giá trị ”ma quỷ”, phi đạo đức trong xã hội (như tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm nghiêm trọng; sản xuất hàng hóa giả, thuốc giả, độc hại...có giấy chứng nhận và đóng dấu của các cơ quan công quyền liên quan). Cần phải xây dựng các thể chế - thiết chế để liên kết được các giá trị tích cực, kết hợp hài hòa, hiệu quả các giá trị của các chủ thể trong xã hội ( giá trị các nhân với giá trị gia đình, với giá trị từng tổ chức, với giá trị xã hội, quốc gia - dân tộc, với giá trị nhân loại - quốc tế) theo chiều ngang và chiều dọc thành những giá trị chung, tạo nên sự đồng thuận xã hội cao, làm nên biểu tượng và sức mạnh lớn lao của đất nước trong quá trình phát triển. Cốt lõi xuyên suốt cơ chế liên kết các giá trị này là lợi ích (tinh thần và vật chất, phẩm giá con người và vị thế quốc gia - dân tộc...). Các giá trị này được tích hợp lại với nhau thành một hệ thống và khi hiện thực hóa tạo được động lực phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời cho phép khắc phục các tật xấu trầm trọng hiện nay.
(4) Đảng và Nhà nước phải trở thành nhân tố then chốt - quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ở đây có hai vấn đề lớn :
- Đảng và Nhà nước (và từng tổ chức, từng thành viên) phải xây dựng được hệ giá trị của chính mình, tiêu biểu cho những giá trị của dân tộc và giá trị tốt đẹp của nhân loại; phải xây dựng được thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các giá trị đó trong thực tiễn lãnh đạo và quán lý phát triển đất nước. Tạo lập niềm tin của nhân dân và của xã hội vào tấm gương sự lãnh đạo - quản lý của mình.
- Đảng và Nhà nước phải đổi mới - tăng cường sự lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới, thông qua hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách và phương thức lãnh đạo, quản lý.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội mang tính tổng hợp rất cao, là sự nghiệp rất cấp thiết nhưng lại mang tính lâu dài, thường xuyên; không thể là công việc chuyên trách riêng của một bộ ngành nào, dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được trao là bộ quản lý Nhà nước về văn hóa. Đây là sự nghiệp của cả dân tộc, của mọi chủ thể, của mỗi con người, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Điều này đòi hỏi tất cả các cấp ủy đảng, các bộ ngành, các cấp chính quyền phải vào cuộc, coi đây là một nội dung quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền trong quá trình lãnh đạo, quản lý./.
PGS.TS. Trần Quốc Toản
Hội đồng Lý luận Trung ương