Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Từ Đề cương văn hóa 1943: Nhận diện rõ những vấn đề đặt ra về phát triển các giá trị con người - văn hóa trong tình hình hiện nay (phần 1)

Ngày phát hành: 21/03/2023 Lượt xem 2232

                      

 

I. Cách tiếp cận

 

1. Trong Đề cương văn hóa 1943 đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng, mang tính bản chất xuyên suốt của quá trình phát triển con người - văn hóa, đó là: “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội”, quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị cũng nằm trên nền tảng ấy. Điều này có nghĩa các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội được hình thành một cách khách quan, phụ thuộc một cách quyết định vào thể chế phát triển xã hội hiện thực với lao động - nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội hiện thực; không thể chỉ xem xét sự phát triển của “văn hóa từ văn hóa”, từ tư duy tư biện, mong muốn chủ quan (dù là tốt đẹp), duy ý chí, tách rời với xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội. Trong Đề cương văn hóa cũng nêu rõ “Hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc”.

 

2. Trong Đề cương văn hóa nêu ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn đó, là: i) - Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); ii) - Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); iii) - Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay, ba nguyên tắc có thể được diễn giải lả: Xây dựng một nền văn hóa của chính dân tộc mình, thể hiện đặc trưng bản chất của con người và xã hội Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa; Xây dựng một “nền văn hóa nhân văn của mọi người, cho mọi người và vì mọi người”; Xây dựng một nền văn hóa thúc đẩy phát triển xã hội hiện đại, văn minh hơn. Đồng thời, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, cần bổ sung thêm nguyên tắc thứ tư là: Xây dựng nền văn hóa hội nhập quốc tế, gắn với những giá trị chung của nhân loại; tạo động lực cho sự phát triển.

 

3. Để nhận thức rõ hơn về bản chất của văn hóa trong quá trình vận động và phát triển, cần tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng, như quan niệm của Hồ Chí Minh: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa[1] . Như vậy, văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử bằng lao động của mình trên cả hai lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Điều đó cho thấy văn hóa không chỉ đơn thuần là lĩnh vực tinh thần, mà chính là toàn bộ các giá trị do con người tạo nên gắn với toàn bộ quá trình hoạt động của con người, trong đó cốt lõi nhất là quá trình lao động sản xuất và sáng tạo, phát triển từ thấp lên cao, từ thủ công lên công cụ hiện đại, từ cá nhân và gia đình lên xã hội, quốc gia và ngày nay là quốc tế hóa. Như vậy văn hóa ra đời và phát triển từ trong bản chất và song hành với quá trình phát triển lao động sản xuất xã hội, và đi liền với đó là sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sự phát triển của xã hội và các thiết chế xã hội. Không có quá trình lao động sản xuất xã hội cũng không có cả kinh tế và văn hóa. Quan niệm trên của Hồ Chí Minh về văn hóa rất phù hợp với một trong những khái niệm “cổ xưa” nhất về văn hóa, nhưng có thể là khái niệm phản ánh đúng bản chất nhất quả trình hình thành và phát triển văn hóa là: “Văn hóa là gieo trồng, sự gieo trồng (Trong tiếng Anh từculture (văn hóa) có xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại nghĩa là gieo trồng”).  Khái niệm này thể hiện rõ mối quan hệ giữa con người (xã hội con người) với tự nhiên, với chính quá trình hoạt động của con người (xã hội con người), trước hết là hoạt động sản xuất xã hội, và gắn với đó là toàn bộ các hoạt động khác của mỗi con người, gia đình, cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc, quốc gia, giữa các quốc gia, tạo ra bản chất của con người và xã hội loài người, và do đó tạo ra bản chất và nền tảng cốt lõi của văn hóa. Chính vì vậy, khi lực lực lượng sản xuất thay đổi, phát triển cao hơn, hiện đại hơn, làm thay đổi quan hệ sản xuất, đặc biệt là thay đổi mô hình và thể chế phát triển kinh tế - xã hội sẽ đưa đến (và đặt ra yêu cầu) phải thay đổi các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội tương ứng.

 

4. Nhận thức rõ bản chất mối quan hệ biện chứng giữa giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội trong quá trình phát triển. Hiện nay đang có những nhận thức khác nhau về mối quan hệ này. Ở đây xin nêu lên mối quan hệ giữa ba hệ giá trị này theo cách tiếp cận con người là chủ thể trung tâm của văn hóa và xã hội. Từ bản chất và đặc trưng của giá trị con người mà hình thành giá trị văn hóa và giá trị xã hội (văn hóa được xét ở đây theo nghĩa rộng như quan niệm của Hồ Chí Minh); chính giá trị con người là hạt nhân cốt lõi của giá trị văn hóa và giá trị xã hội. Giá trị văn hóa, giá trị xã hội cũng là những phương diện biểu hiện (thể hiện) giá trị con người ở những lát cắt khác, bình diện khác, quan hệ khác nhau. Nhưng điều này không có nghĩa là giá trị văn hóa và giá trị xã hội được quy định đơn nhất và một chiều từ hệ giá trị con người. Khi hệ giá trị văn hóa và đặc biệt là hệ giá trị xã hội được định hình, sẽ có một vai trò chi phối quan trọng (có thể mang tính quyết định) đối với sự thay đổi và phát triển hệ giá trị con người.

 

5. Cách mạng công nghiệp 4.0 (với nền tảng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, thông tin mạng…) đang và sẽ tác động sâu sắc làm thay đổi rất nhiều vấn đề mang tính bản chất về thể chế và cấu trúc phát triển của thế giới và mỗi nước; đặt ra nhiều vấn đề về giá trị con người, giá trị văn hóa và giá trị xã hội (mà cho đến nay chưa nhận thức hết được). Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu, nhận thức và dự báo được đầy đủ, sâu sắc các tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới xây dựng và phát triển các giá trị con người - văn hóa - xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

6. Văn hóa không thể chỉ tồn tại ở những tuyên ngôn, triết lý về đạo đức, lối sống…, mà quan trọng nhất là được hiện thực hóa ở những hoạt động, hành động, thể chế, thiết chế hướng tới phát triển những giá trị tốt đẹp trong đời sống hiện thực.

 

II. Những vấn đề đặt ra về xây dựng nền văn hóa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất trong giai đoạn mới

 

1. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về phát triển con người - phát triển văn hóa

 

(1). Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thực chất là một quá trình “phát triển rút ngắn” về rất nhiều phương diện; để thành công phải có cách tiếp cận phù hợp. Đối với phát triển các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội cũng vậy, hơn thế nữa còn bị chế định bởi chính quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta đã xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh - bền vững, phát triển bao trùm và hội nhập quốc tế, để “không ai bị bỏ lại phía sau” là những nội dung cốt lõi của quá trình phát triển trong giai đoạn mới. Điều này đặt ra là phải chủ động xây dựng và phát triển hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nghĩa là, về một số phương diện, cần xây dựng các giá trị mang “tính vượt trước” để không chỉ đáp ứng, mà còn là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh và có hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, “phát triển rút ngắn” của đất nước. Nhưng “tính vượt trước” đó không thể duy ý trí; yêu cầu đặt ra là các giá trị này phải, một mặt phát huy được các giá trị truyền thống tích cực thông qua việc đổi mới nội dung thích ứng với đòi hỏi của sự phát triển, đồng thời phát huy cao nhất các giá trị tích cực hiện tại (đang đóng vai trò chủ đạo); mặt khác phải xây dựng và phát triển những giá trị tiên tiến mới để làm nền móng (chủ đạo) cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

 

(2). Xét một cách khái quát, về mặt nhận thức, có thể phân ra làm hai quá trình hình thành và phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội : i) - Quá trình “thụ động”, tuần tự, đó là từ nền tảng phát triển nền sản xuất xã hội - đời sống xã hội, từng bước hình thành các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội tương thích; ii) - Quá trình chủ động, đó là quá trình các chủ thể có ý thức chủ động xây dựng các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với những yêu cầu phát triển mới (có thể mang tính vượt trước). Các quá trình chủ động thường được thể hiện ở quá trình giáo dục trong các môi trường gia đình, nhà trường, các thiết chế xã hội, và trong xã hội nói chung; được thể hiện ở các giá trị được chế định trong hệ thống luật pháp. Trên thực tế, hai quá trình đó luôn có quan hệ mật thiết với nhau, tương tác với nhau (có thể đồng chiều với nhau, có thể ngược chiều nhau, mâu thuẫn với nhau, nghĩa là có sự mâu thuẫn giữa mong muốn chủ quan và sự phát triển khách quan) để tạo nên thực trạng hiện thực về các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội[2].

 

Như vậy, khi xây dựng giá trị hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội trong giai đoạn mới, thì cần đặt trọng tâm vào các giá trị có vai trò thúc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ở đây có vai trò của những giá trị truyền thống (được đổi mới về nội dung, tiêu chí, hình thức thể hiện để đáp ứng với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chắng hạn như giá trị cộng đồng truyền thống được đổi mới phát triển lên thành giá trị liên kết); có vai trò của những giá trị hiện tại do điều kiện khách quan quy định; và vai trò của những giá trị định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn mới (mà hiện thời mới đang hình thành chưa đóng vai trò chủ đạo chi phối sự phát triển).

 

Vì công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một quá trình lâu dài (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định đến năm 2030 mới cơ bản thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; còn đến năm 2045 mới xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, tiên tiến), không chỉ là phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, mà còn là phát triển toàn bộ đời sống xã hội theo hướng hiện đại, văn minh. Cho nên, một cách khách quan, đặt ra vấn đề xây dựng các giá trị tổng quát về giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng yêu cầu cho cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, rất quan trọng là phải cụ thể hóa được các giá trị tổng quát đó trong từng giai đoạn cụ thể, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, đối với từng lĩnh vực, từng chủ thể trong xã hội.

 

(3). Để đáp ứng yêu cầu của cả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay, có thể nêu lên những yêu cầu cơ bản đối với việc xây dựng giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội như sau : i) - các giá trị thúc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ii) - các giá trị thúc đẩy xây dựng xã hội công nghiệp - xã hội thông tin, tiên tiến, dân chủ, văn minh; iii) - các giá trị thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế hiệu quả (bao gồm cả hội nhập, hợp tác, cạnh tranh, đẩu tranh); xây dựng giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Sẽ có hai cách tiếp cận cần được tích hợp với nhau là: xác định rõ những giá trị cần có để đáp ứng ba yêu cầu trên; đồng thời làm rõ những giá trị đang cản trở quá trình thực hiện ba yêu cầu trên. Tích hợp lại chúng ta sẽ có yêu cầu về xây dựng hệ giá trị tổng quát về giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở đây xin không đi vào “thiết kế” các giá trị này, mà từ ba yêu cầu trên, xin gợi ý một số giá trị cơ bản cần xây dựng để thúc đẩy quá trình công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xin nêu một số giá trị sau: i) - giá trị sáng tạo (tri thức khoa học - công nghệ kết nối với các giá trị quyền con người, quyền công dân, tự chủ, trách nhiệm xã hội, tự do sáng tạo…). Có thể coi đây là giá trị trung tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là hiện nay quá trình công nghiệp hóa không thể theo phương thức và mô hình cổ điển như trước, mà phải đón nhận, ứng dụng và phát triển có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ii) - giá trị liên kết - chia sẻ. Sự phát triển trong mỗi quốc gia cũng như trên toàn thế giới hiện nay, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể là thành quả và sự nỗ lực của mỗi chủ thể, mỗi đơn vị, mỗi quốc gia đơn lẻ, tách biệt như trước. Giá trị liên kết - chia sẻ thể hiện cả về lợi ích, trách nhiệm, rủi ro… Các chuỗi liên kết trong mỗi quốc gia cũng như trên thế giới, các hiệp định đa phương, song phương, các khối nước, các tổ chức quốc tế, quá trình toàn cầu hóa…đã nói lên điều này; iii) - giá trị pháp quyền. Đối với Việt Nam đây là một giá trị then chốt, bởi vì nước ta đi vào xây dựng xã hội mới từ một nước phong kiến nửa thuộc địa, nông nghiệp là chủ yếu; lại trải qua hàng chục năm chiến tranh, hàng chục năm trong thể chế kế hoạch hóa hành chính quan liêu bao cấp nặng nề…Thực tế cho thấy chuyển từ một xã hội “thần dân” sang xã hội “công dân” thật không dễ dàng và nhanh chóng (trải qua bao nhiêu năm, cho đến Hiến pháp 2013 mới chế định tương đối đầy đủ và rõ ràng quyền con người và quyền công dân, nhưng để hiện thực hóa trong cuộc sống đâu có thể một sớm một chiều); do đó xây dựng nhà nước pháp quyền gắn hữu cơ giữa thượng tôn pháp luât với dân chủ, với trách nhiệm xã hội đối với mọi chủ thể trong xã hội – là một giá trị văn hóa cốt lõi; iv) - Giá trị về lòng tự hào - tự tôn dân tộc - đồng thuận dân tộc. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có quốc gia nào có thể phát triển mạnh và bền vững nếu thiếu (hoặc yếu) giá trị này. Vì đây là giá trị kết nối ý chí và khát vọng của mọi chủ thể trong xã hội thành giá trị của dân tộc, kết nối các giá trị truyền thống của dân tộc với các giá trị của thời đại, đưa dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên[3]. Việt Nam, với truyền thống lịch sử, đã xây dựng được giá trị dân tộc về chống giặc ngoại xâm và bảo vệ chủ quyền đất nước, được thế giới thừa nhận. Còn trong xây dựng và phát triển đất nước, mặc dù đạt nhiều thành quả lớn, nhưng có thể nói, vẫn có mặt chúng ta chưa thực sự thành công trong kết nối xây dựng giá trị dân tộc về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Ngoài một số giá trị nêu trên, có thể kể đến các giá trị quan trọng sau: liêm chính, kiên quyết chống tham nhũng và tiêu cực xã hội; tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản chính đáng; lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại; coi trọng hiệu quả; dân chủ, công khai, minh bạch; trung thực, dũng cảm bảo vệ công lý, lẽ phải; công bằng và bình đẳng xã hội…Đó đều là những giá trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây là những vấn đề lớn đặt ra trong việc xây dựng con người, văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

(4). Quá trình đổi mới, xét về phương diện giá trị, là quá trình đổi mới hệ giá trị phát triển phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được Đảng đưa ra tại Đại hội lần thứ VI (1986), xét về phương diện văn hóa, thì vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi nhất chính là xác định lại hệ giá trị phát triển, trong đó cơ bản nhất là giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị lợi ích, giá trị pháp lí, giá trị đạo đức… của tất cả các chủ thể trong xã hội, phù hợp với đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong giai đoạn mới. Đó là quá trình chuyển từ giá trị hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị; từ Nhà nước chuyên chính vô sản sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; từ thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần kinh tế; từ con người làm chủ tập thể sang đề cao quyền con người - quyền công dân; từ xã hội làm chủ tập thể sang xã hội pháp quyền, dân chủ, xã hội công dân…

Bước đột phá trong quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa được nêu trong  Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đã khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa trong xây dựng nhân cách, xây dựng lối sống cho con người trong công cuộc đổi mới. Nhưng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp, mà chính các giá trị thể hiện trong các nghị quyết đổi mới như Khoán 100, Khoán 10, Luật Đất đai 1993, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, dân chủ hóa xã hội... là những giá trị nền móng mới về sự phát triển các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội,... tạo động lực cho sự phát triển đất nước. Xét theo góc độ văn hóa, quá trình Đổi mới chính là quá trình đổi mới căn bản hệ thống giá trị phát triển, được thể hiện trong những nội dung chính sau:

  • Xác lập các giá trị của mô hình và thể chế phát triển mới đối với đất nước; xác lập các giá trị mới của mối quan hệ mới giữa nhà nước, thị trường và xã hội;
  • Xác lập cấu trúc (giá trị) đa sở hữu gắn với đó là cấu trúc đa chủ thể (đa thành phần) phát triển kinh tế, cả quốc doanh và ngoài quốc doanh, trong đó có việc xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ;
  • Xác lập các giá trị của nền kinh tế thị trường (hiệu quả, cạnh tranh, quy luật giá trị…);
  • Xác lập giá trị về quyền tự do - tự chủ sản xuất kinh doanh;
  • Xác lập các giá trị con người và công dân trong điều kiện kinh tế thị trường;
  • Xác lập các giá trị xã hội, quan hệ xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường;
  • Xác lập các giá trị của Việt Nam trong hội nhập quốc tế...

Các giá trị đó, được Đảng và Nhà nước thể hiện trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương, hiến pháp, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực đất nước. Mặt khác, các giá trị con  người - văn hóa - xã hội lại được hình thành một cách khách quan (cả tích cực và tiêu cực) dưới tác động tổng hợp của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Việc hình thành hệ giá trị mới thực sự là một quá trình đấu tranh cam go cả về nhận thức lí luận và thực hiện trong thực tiễn, “cởi bỏ” các giá trị không phù hợp và xác lập các giá trị mới phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển, để từng bước nhận thức và chế đinh đúng đắn hơn trong quá trình phát triển. Chính vì xây dựng được các giá trị phát triển phù hợp với đòi hỏi khách quan của thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mà đất nước đã ra khỏi cuộc khủng hoảng, có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng, hiện nay, đất nước ta đang đứng trước bước ngoặt mới của sự phát triển, đó là phải chuyển từ thể chế phát triển theo chiều rộng (gắn liền với đó là hệ các giá trị về con người, văn hóa, xã hội theo chiều rộng), sang thể chế phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sang tạo, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới, “nâng cấp” các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội lên một nấc thang mới về chất. Đồng thời, Đảng ta xác định xây dựng thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới (Đại hội XIII) đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái; phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đưa ra[4]. Thực chất phát triển bền vững là một giá trị văn hóa tổng hợp của sự phát triển trong thời đại ngày nay, và trở thành một giá trị cốt lõi của nhân loại.

 

(5). Để các giá trị trên được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, thì rất quan trọng là các giá trị đó phải được cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp đối với từng chủ thể theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể trong xã hội: cá nhân (trong tư cách con người và công dân), gia đình, doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư, nhà trường, tổ chức xã hội, hệ thống của Đảng, hệ thống nhà nước... Hệ giá trị của mỗi chủ thể sẽ đóng vai trò điều tiết hoạt động của các chủ thể đó trong xã hội. Ở đây xin nhấn mạnh hệ giá trị của Đảng và hệ giá trị của Nhà nước. Với tư cách là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội, thì về nguyên tắc hệ giá trị của Đảng và Nhà nước phải là sự kết tinh và tiêu biểu cao của các giá trị phát triển xã hội. Tuy nhiên, do chức năng xã hội của Đảng khác với chức năng của Nhà nước, cho nên dù cùng về bản chất, nhưng hệ giá trị của Đảng có những nội dung khác so với hệ giá trị của Nhà nước. Xuất phát từ vai trò, chức năng của đảng cầm quyền, có thể nêu lên các giá trị chủ yếu của Đảng như sau : Trí tuệ - bản lĩnh tiền phong; đức hy sinh vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân; lãnh đạo khoa học - dân chủ - gắn bó với dân; đạo đức - văn minh; chịu trách nhiệm trước nhân dân…Đối với Nhà nước, cán bộ công chức hầu hết đều là đảng viên, cho nên, một mặt phải thể hiện được các giá trị của Đảng trong mỗi vị trí công tác của mình, đồng thời phải thể hiện được những giá trị đặc trưng của Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân” (trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp). Xuất phát từ vai trò, chức năng của Nhà nước, từ yêu cầu và điều kiện hiện nay để xây dựng hệ giá trị cần thiết của hệ thống cơ quan nhà nước. Đây là việc cần được nghiên cứu kỹ. Hiện nay, Chính phủ đang hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả - Trách nhiệm”, có thể coi đây là những giá trị văn hóa - xã hội quan trọng. Đó cũng là những giá trị đặt ra cần xây dựng và thực hành đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Điểm chung nhất trong giá trị của cán bộ, đảng viên, công chức là “công bộc - liêm chính”, “nói đi đôi với làm”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

(còn tiếp)

 PGS.TS Trần Quốc Toản

                           Chuyên gia cao cấp,

                             Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

                            Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia,  Hà Nội, 1996, tr.431

 

[2] Ví dụ khá điển hình là trong thể chế phát triển cũ, với mô hình HTX tập thể hóa (không còn sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất riêng của hộ nông dân, hộ nông dân không còn là đơn vị kinh tế tự chủ), chúng ta mong muốn xây dựng được các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội theo tinh thần làm chủ tập thể. Nhưng thực tế đã thất bại, HTX tập thể hóa biến thành “cha chung không ai khóc”, ruộng đất và tư liệu sản xuất trở thành vô chủ, tinh thần làm chủ tập thể biến mất và co lại ở giá trị phát triển cô đúc trên phần đất 5%; đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Buộc chúng ta phải phá bỏ mô hình HTX tập thể hóa, xác lập lại vai trò đơn vị kinh tế tự chủ của hộ nông dân, và trao cho nông dân quyền làm chủ ruộng đất. Trên thực tế là chúng ta đã xác lập lại nền tảng kinh tế - xã hội để hình thành hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội ở nông thôn phù hợp với bản chất của sự phát triển khách quan. Đây là bài học xương máu đề chúng ta có nhận thức đúng, tiếp cận đúng, định hướng đúng khi xây dựng và phát triển hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

[3] Ở những nước có quá trình phát triển rút ngắn thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…đã cho thấy rõ điều này. Đặc biệt đối với Nhật Bản, thương hiệu “Made in Japan” không còn chỉ là thương hiệu của sản phẩm hàng hóa, mà đã trở thành giá trị dân tộc, trong đó chứa đựng và kết nối giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị gia đình, giá trị doanh nghiệp, giá trị cộng đồng, giá trị của thể chế nhà nước. Mỗi con người, mỗi chủ thể trong xã hội và cả nhà nước đều có trách nhiệm bảo vệ.

 

[4] Mục tiêu phát triển bền vững (SDG - Sustainable Development Goals) được các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã đống ý, với 17 mục tiêu nhằm hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn vào năm 2030. 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết