Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Hội Báo toàn quốc năm 2023: Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ là vấn đề sống còn của báo chí

Ngày phát hành: 16/03/2023 Lượt xem 1730


Với chủ đề "Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo", Hội Báo toàn quốc năm 2023 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17 đến 19/3/2023, tại Bảo tàng Hà Nội. Hội báo toàn quốc là một trong những sự kiện quan trọng nhất của những người làm báo Việt Nam trong năm. Đây là ngày hội lớn của những người làm báo, là dịp để các nhà báo, cơ quan báo chí giới thiệu những thành quả hoạt động của mình trong năm qua. Hội báo cũng sẽ giới thiệu một số công nghệ, phương thức làm báo mới phù hợp với xu thế hiện nay.

 

Sự phát triển mạnh mẽ của Báo chí Việt Nam

 
Hội Báo toàn quốc năm 2023 là sự kiện lớn của báo giới cả nước chào mừng những thành tựu to lớn của đất nước trong tiến trình đổi mới, nêu bật những đóng góp và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.


Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, đã trải qua thời gian gần một thế kỷ. Trong suốt chặng đường vẻ vang đó, thấm nhuần sâu sắc quan điểm báo chí cách mạng của Người, các thế hệ người làm báo đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.


Hơn 90 năm qua, lịch sử báo chí cách mạng gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc: Vận động thành lập Đảng; huấn luyện cán bộ; chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng ngày 3/2/1930; cổ vũ nhân dân làm cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị-tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Bước vào thời kỳ đổi mới, hơn 35 năm qua, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.


Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Báo chí góp công lớn trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới; đóng góp tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời là cầu nối quan trọng giúp bạn đọc trong nước hiểu biết nhiều hơn về tình hình khu vực và thế giới.


Những năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng. Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. 


Nội dung thông tin ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn. Với thế hệ nhà báo trẻ được đào tạo hệ thống, cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, ngoại ngữ tốt, báo chí nước ta đã chủ động bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới. Các thiết bị và công nghệ làm báo tiên tiến trên thế giới đều sớm có mặt tại nhiều cơ quan báo chí Việt Nam, nhất là lĩnh vực truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Trong bối cảnh khó khăn chung của báo in, nhiều tờ báo đã tự trang trải được chi phí, một số cơ quan báo chí có lãi, đầu tư tăng cường thiết bị, công nghệ, góp phần nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại cho phóng viên.

 

 

Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ là vấn đề sống còn của báo chí


Điểm nhấn của Hội Báo toàn quốc năm nay là chuỗi sự kiện về nghiệp vụ báo chí. Người làm báo trong cả nước và công chúng có cơ hội phân tích và học hỏi thông qua tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, từ đó góp phần gia tăng hơn nữa báo chí chất lượng cao.


Đặc biệt, Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” đề cập đến vấn đề “nóng” của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số. Đây là cơ hội để các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cùng nhận diện xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó định hướng sáng tạo và ứng dụng trong quản trị sáng tạo nội dung ở mỗi cơ quan báo chí Việt Nam.


Theo Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Nếu không áp dụng công nghệ mới thì chúng ta không thể tồn tại được, các cơ quan báo chí không thể tồn tại được. Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí”. “Gần đây, chúng ta thấy dư luận quan tâm nhiều đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong làm báo và sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung. Rõ ràng, sự xuất hiện của AI đã tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí. Việc nhận diện, định hướng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này như thế nào là vấn đề nhiều cơ quan báo chí và nhà báo quan tâm”.


Hiện ở nước ta, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), VOV, VTV hay VnExpress, Zing... TTXVN đầu tư rất sớm cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Hiện tại toàn bộ các đơn vị sản xuất tin nguồn của TTXVN được trang bị hệ thống phần mềm tác nghiệp dùng chung do TTXVN đầu tư phát triển và giữ bản quyền. Các đơn vị tòa soạn của TTXVN cũng đã thực hiện tin học hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Nhiều công nghệ về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại TTXVN (dù quy mô còn nhỏ) như Chatbot thông minh, nhận dạng tiếng nói, tổng hợp tiếng nói, nhận dạng hình ảnh... Còn Báo Nhân Dân đã và đang có nhiều thay đổi như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Quan điểm “Digital First” đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức “đa nền tảng”, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok…


Hay như báo điện tử VnExpress ngay từ khi thành lập đã xác định vai trò không thể tách rời, có tính chất quyết định của công nghệ trong hoạt động đặc thù của loại hình báo chí điện tử. Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu, ngữ cảnh và Machine Learning (máy tự học) đã giúp tối ưu hóa nhân lực, tăng tốc độ xuất bản nội dung, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, trực quan...


Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Thanh Hóa... Tuy nhiên, số lượng những đơn vị thực sự ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phát hành trên cả nước vẫn còn khá khiêm tốn.


Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, không ít lần khẳng định chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo ông, chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Và cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…


Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân của mình. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.


Hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.


Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.


Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo) cũng nhấn mạnh 6 quan điểm đối với báo chí Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, gồm: phát triển và quản lý tốt nội dung báo chí trên các nền tảng số, làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển kinh tế-xã hội; thiết lập chủ quyền trên không gian mạng, giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin và định hướng dư luận xã hội; nền tảng là công nghệ là động lực đột phá; người đọc, người xem làm trung tâm; cải cách toàn diện, phát triển hệ sinh thái truyền thông số ở Việt Nam; phát triển mô hình truyền thông số, tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới.


Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng TrisAI để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết