Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Xây dựng, phát huy và phát triển các hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay *

Ngày phát hành: 09/03/2023 Lượt xem 1327

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam

trong thời kỳ mới”

 

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, muốn thành công tất yếu phải phát huy cao độ tất cả các nguồn lực có thể có của dân tộc và thời đại. Trong số đó, nguồn lực con người Việt Nam là nguồn lực quan trọng và quyết định nhất.

 

Thứ nhất, nguồn lực con người tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước nói chung, luôn là chủ thể sử dụng, phối, kết hợp tất cả các nguồn lực khác. Các nguồn lực khác sẽ trở nên vô dụng nếu nhân lực, chủ thể sử dụng các nguồn lực đó không bảo đảm chất lượng[1] [2].

 

Thứ hai, trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây đã có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của các nguồn lực khác nhau đối với sự phát triển quốc gia, dân tộc. Nhưng, càng ngày nhân loại càng tiến đến quan điểm vai trò quyết định của nguồn nhân lực[3] và nhận thức về điều đó một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn.

 

Thứ ba, thực tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy nguồn lực con người đóng vai trò quyết định, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Thứ tư, trong nguồn lực con người thì bộ phận trực tiếp quyết định nhất là nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, tức là lực lượng lao động chất lượng cao đang trực tiếp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là lực lượng quyết định định hướng, quy mô, tốc độ, hiệu quả và sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Thứ năm, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay lực lượng này càng có ý nghĩa quyết định, bởi khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là yếu tố luôn động, là động lực luôn phát triển của lực lượng sản xuất ở quy mô toàn cầu, đang làm biến đổi toàn bộ nền công nghiệp thế giới với tốc độ ngày càng nhanh.

 

Xét từ góc độ con người, trong cấu trúc của nguồn nhân lực và nhân lực, tức là lực lượng đang tham gia lao động trực tiếp, bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau từ thể lực, tâm lực, trí lực đến kỹ lực. Kỹ lực, tức là kỹ năng và kỹ xảo của con người trong lao động, trong học tập và cuộc sống nói chung, xét từ góc độ xã hội, trong cấu trúc của nguồn nhân lực và nhân lực bao hàm số lượng, cơ cấu, chất lượng. Nhưng xét từ góc độ văn hóa thì các hệ giá trị chủ yếu bao gồm: quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng là yếu tố then chốt, cốt lõi và căn bản của nhân lực, của nguồn lực con người nói chung. Các hệ giá trị đó nằm sâu trong tất cả các yếu tố cấu thành nhân lực xét cả từ góc độ con người, cộng đồng, văn hóa, xã hội, quốc gia.

 

Thuật ngữ hệ giá trị vẫn chưa có nội hàm thống nhất trong giới nghiên cứu với tư cách là một khái niệm khoa học chặt chẽ, chính xác như nhiều khái niệm khác trong các ngành khoa học xã hội. Các hệ giá trị Việt Nam, bao gồm nhiều loại giá trị và hệ giá trị khác nhau: như giá trị văn hóa, giá trị cốt lõi, giá trị phổ quát, giá trị chung nhân loại, giá trị quốc gia - dân tộc, giá trị cộng đồng, giá trị tộc người, giá trị cá thể, giá trị xã hội, giá trị con người, giá trị gia đình,... Trong mỗi loại giá trị như vậy lại có nhiều giá trị nhở khác nhau. Bản thân mỗi giá trị phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên sẽ tạo ra một biến số khác nhau. Trong số đó các hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia là những hệ giá trị nền tảng, cốt lõi, quan trọng.

 

Có thể hiểu giá trị là những sự vật, hiện tượng, quá trình, quan hệ xã hội, hay tất cả những thứ được con người xem là có ý nghĩa nhất định, đối với sự tồn tại, vận động, phát triển của con người, xã hội. Nó bao hàm cả mặt chủ quan và khách quan, gắn bó chặt chẽ, không tách rời nhau. Các sự vật, hiện tượng, quá trình, sự biến, tồn tại khách quan, có sự đánh giá của con người, được con người xem là có ý nghĩa đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của họ thì chúng trở nên có giá trị[4]. Giá trị là phần cốt lõi, trục chính, căn bản của văn hóa theo nghĩa rộng, nhưng không thể quan niệm rằng nó là một hình thái tinh thần. Giá trị có khía cạnh khách quan, nó tồn tại khách quan. Đây là điều kiện cần của mọi giá trị. Ở góc độ con người và nhân lực, tất cả các hệ giá trị, từ hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, đến hệ giá trị con người,... đều nằm ngay trong con người, trong nhân lực, tham gia trực tiếp vào quá trình lao động, học tập và sinh sống của con người, của nhân lực và nguồn nhân lực nói chung.

 

Sự vật, hiện tượng, quá trình tồn tại khách quan, nhưng không có ý nghĩa đối với sự tồn tại, vận động, phát triển của con người, cộng đồng và chưa được con người nhận ra ý nghĩa đối với họ thì chúng vẫn chưa có giá trị. Cái khách quan phải được cái chủ quan "đánh giá" thì nó mới hiện hữu giá trị. Nhưng, cái chủ quan lại không phải lúc nào cũng giống nhau ở các chủ thể khác nhau. Chính vì lẽ đó, giá trị còn là sản phẩm của quá trình nhận thức của các chủ thể. Không có sự nhận thức và đánh giá của các chủ thể thì sự vật, hiện tượng vẫn chỉ là sự vật, hiện tượng mà không hề có giá trị. Cái khách quan vẫn là "cái tự nó", chứ chưa phải là "cái cho ta", chỉ khi trở thành "cái cho ta", nó mới trở thành giá trị. Nhận thức càng phát triển thì giá trị càng được khai mở, phong phú, đa dạng hơn. Con người trong xã hội hiện đại đương nhiên sẽ có được, biết đến và hiểu rõ nhiều giá trị hơn con người cổ đại.

Giá trị không thể chỉ là cái quy định mục đích của hoạt động và động cơ thúc đẩy hoạt động đạt được mục đích đó[5]. Bản thân giá trị là một hiện hữu với một người này, thế hệ này, nhưng chưa hẳn đã hiện hữu với người khác, thế hệ khác. Do vậy, giá trị phải được nhận thức thông qua lao động, thực tiễn, qua giáo dục, thông tin, truyền thông,... Theo nghĩa đó, các giá trị còn được "sáng tạo" trong quá trình tồn tại của con người. Các giá trị chỉ gắn với con người, xã hội. Bên ngoài con người, xã hội, các giá trị không tồn tại, dù sự vật, hiện tượng, quá trình, sự biến (việc xảy ra bất ngờ) vẫn tồn tại. Con người và xã hội có thể "cải biến" các sự vật, hiện tượng, quá trình để chúng trở nên có giá trị hoặc có giá trị hơn nữa đối với mình. Các giá trị có liên quan với nhau hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong hiện thực có vô vàn giá trị. Khó ai có thể liệt kê được hết các giá trị cụ thể, dù chỉ là các giá trị trong một giai đoạn lịch sử xác định nào đó. Các giá trị trong xã hội tạo nên hệ thống giá trị, trong đó mỗi giá trị có vị trí thang bậc xác định, được gọi là hệ giá trị. Nhưng vị trí thang bậc đó không phải là nhất thành bất biến mà là thay đổi theo những điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Khi các quan hệ xã hội thay đổi thì trật tự thang bậc, hệ giá trị, cũng sẽ bị thay đổi theo.

 

Theo sự phát triển của lịch sử và sự tiến bộ của con người, xã hội, thì hệ thống các giá trị cũng sẽ có những thay đổi theo xu hướng hội tụ, bổ sung nội dung cho các giá trị cốt lõi, căn bản, nền tảng, phố biến, phổ quát của xã hội và củng cố thêm vị trí của chúng; một số giá trị sẽ biến mất, một số giá trị khác sẽ xuất hiện. Trong xã hội luôn tồn tại các giá trị, hệ giá trị, thang giá trị, định hướng giá trị. Định hướng giá trị được thực hiện theo thang giá trị, hệ giá trị và các giá trị cụ thể. Với mỗi xã hội, con người cụ thể, hệ giá trị thường bao hàm hệ giá trị chung, cốt lõi và hệ giá trị riêng, bộ phận, đặc thù, gắn liền với điều kiện, không gian - thời gian và chủ thể xác định. Thông thường, trên thế giới, khi các nước nêu hệ giá trị hay bảng giá trị của họ thì đều không nêu cụ thể được hết toàn bộ các giá trị của họ mà chỉ nêu một số giá trị có tính cốt lõi nào đó mà thôi[6]. Để thực hiện được các giá trị cốt lõi không thể không thực hiện các giá trị khác trong bảng giá trị tổng thể.

Nhưng quan hệ giữa các giá trị cốt lõi của xã hội, của con người với các giá trị không cốt lõi, đặc thù, bộ phận không chỉ là quan hệ phụ thuộc, mà các giá trị đặc thù, bộ phận, đơn lẻ luôn có tính độc lập tương đối. Có thể có trường hợp thực hiện được các giá trị cốt lõi, nhưng giá trị bộ phận, đặc thù, đơn lẻ lại không thể được thực hiện, hoặc trở nên không còn là giá trị.

 

Hệ giá trị hay bảng giá trị của một cộng đồng được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bở, bổ sung, tiếp diễn và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hệ giá trị dù có biến đổi thường xuyên, liên tục, nhưng cũng có độ trễ so với những biến đổi của các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có tính ổn định tương đối, bền vững, bất biến, "trường tồn" ở những mức độ và phạm vi nhất định. Hệ giá trị được lưu giữ, truyền bá từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành tài sản, hành trang của các thế hệ, mang theo suốt cuộc đời. Nó trở thành thước đo hành vi, hoạt động của mỗi con người, cộng đồng trong xã hội, của từng thời kỳ lịch sử cụ thể, là "khuôn mẫu" để mỗi người và cả cộng đồng định hướng cho các hành vi và hoạt động của mình. Nếu các hành vi, hành động, dù theo đúng khuôn mẫu ấy, nhưng mang lại hệ lụy không tốt, không đáp ứng lợi ích chung hoặc riêng cho hiện tại hoặc tương lai thì những khuôn mẫu cụ thể, những giá trị đơn lẻ, hoặc những nội dung xác định của giá trị đó sẽ bị loại bỏ dần. Lợi ích của các chủ thể xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự định hình hay gạt bở một giá trị cụ thể nào đó, làm thay đổi trật tự và toàn bộ bảng giá trị nói chung ở những thời kỳ lịch sử xác định. Tại những thời điểm cụ thể khi mà đời sống xã hội có những thay đổi mạnh mẽ, thì bảng giá trị lại được kiểm định lại, được bổ sung và được điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Ở những thời kỳ biến đổi cách mạng như vậy, hệ giá trị có những chuyển đổi mạnh mẽ và rõ rệt nhất.

 

Xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị Việt Nam với các hệ giá trị cốt lõi, cơ bản là hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, thực sự đang là những vấn đề lớn cần được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu. Trong thực tế, có rất nhiều các giá trị, hệ giá trị khác nhau. Một cách tương đối, chúng ta có các hệ giá trị cụ thể, bộ phận khác nhau, ví dụ hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị tộc người, V.V.. Mỗi người, mỗi cộng đồng đều có thể liệt kê cho mình một hệ giá trị không giống hoàn toàn với những người khác, cộng đồng khác, cả về số lượng, thành phần và vị trí của từng giá trị, mặc dù chắc chắn trong đó sẽ có những giá trị giống nhau. Việc xác định, khơi dậy, phát triển các hệ giá trị cốt lõi, cơ bản là hệ giá trị con người, gia đình, cộng đồng, văn hóa, quốc gia chung, thống nhất, được đông đảo các thành viên xã hội thừa nhận và lấy đó để định hướng suy nghĩ, hành vi, hoạt động, niềm tin là rất quan trọng. Đó chính là động lực, định hướng, khung khổ, hành lang hoạt động của mỗi người, mỗi chủ thể xã hội trong quá trình phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng và hệ giá trị con người,... của Việt Nam đã tồn tại, hoạt động và chi phối suy nghĩ, hành vi, hoạt động của cả cộng đồng và mỗi con người Việt Nam trong lịch sử. xác định, thiết lập được các hệ giá trị đó một cách chính xác, đầy đủ, ít ra cũng ở những giá trị cốt lõi đó, đủ để định hình được các hệ giá trị đó khác biệt với các hệ giá trị của các dân tộc - quốc gia khác, thể hiện được bản sắc của văn hóa, con người, xã hội, quốc gia Việt Nam thì mới có thể phát huy, khai thác và sử dụng chúng có hiệu quả. Dù chưa được xác định rõ ràng về phương diện lý luận các hệ giá trị Việt Nam, chưa vạch ra được chúng gồm những giá trị cụ thể nào, nhưng trong thực tế chúng vẫn tồn tại, do nhu cầu thực tiễn con người và xã hội vẫn phải sử dụng. Để sử dụng chúng trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể người ta vẫn thống nhất được với nhau về những giá trị cụ thể. Tuy vậy, cũng không thể chỉ dùng phương pháp liệt kê và từ đó chỉ ra hệ giá trị, dù là hệ giá trị của quốc gia, hay hệ giá trị con người Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử cụ thể như hiện nay.

 

Các hệ giá trị Việt Nam chủ yếu như: quốc gia, văn hóa, gia đình, cộng đồng, con người luôn có quan hệ chặt chẽ, không tách rời mà giao thoa vói nhau. Những giá trị cốt lõi trong hệ giá trị con người cũng phải có và thể hiện trong hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và ngược lại. Những giá trị cốt lõi của hệ giá trị văn hóa bao hàm và thể hiện trực tiếp một số những giá trị con người. Những giá trị như dân chủ, công bằng, bình đẳng vừa là giá trị xã hội, giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, lại vừa là giá trị chung nhân loại, không thể không thể hiện trong hệ giá trị con người. Ở mỗi thời kỳ khác nhau chúng được thể hiện khác nhau, thứ bậc, trật tự trong mỗi hệ giá trị của chúng cũng khác nhau, ví dụ, chung thủy là giá trị hàng đầu trong hệ giá trị gia đình sẽ trở thành giá trị trung thực trong hệ giá trị con người và hệ giá trị văn hóa, v.v..

 

Hiện nay, khi nói về hệ giá trị Việt Nam hay về giá trị theo nghĩa chung, trong tâm thức mọi người theo thói quen và tập quán, khía cạnh đạo đức được nhắc đến trước tiên và trong cách hiểu chung luôn nặng về nội dung đạo đức, trách nhiệm đối với con người, cộng đồng. Trong hệ giá trị con người, gia đình cũng luôn có các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, giá trị đạo đức, giá trị chung, phổ quát của nhân loại, khu vực... Nhưng giá trị đạo đức có sức nặng riêng, đặc biệt hơn trong hệ giá trị Việt Nam. Điều này có lẽ không chỉ do tập quán và thói quen truyền thống mà thực chất giá trị đạo đức trong các hệ giá trị Việt Nam có vai trò và ảnh hưởng hết sức to lớn. Sức nặng của hệ giá trị văn hóa trong hệ giá trị Việt Nam là rất to lớn, bởi ảnh hưởng và tác động của nó đến con người và xã hội luôn hiện hữu, quyết định, chi phối sự biến đổi, phát triển và cả sự tồn vong của quốc gia - dân tộc. Một dân tộc nếu đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc, trong đó có hệ giá trị văn hóa, thì không thể tồn tại với tư cách là dân tộc độc lập và dân tộc ấy sẽ mất tất cả[7]. Đây chính là nét đặc thù để xem xét và là điểm cần hết sức lưu ý khi xác định, xây dựng hệ giá trị Việt Nam, cũng như khi sử dụng và phát huy nó để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay và thời kỳ tiếp theo cho đến năm 2045.

 

Trong hiện thực, nếu các hệ giá trị rối loạn thì xã hội đương nhiên là bất ổn, rối ren, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khó có thể diễn ra thuận lợi. Một mặt, sự rối loạn đó có thể phản ánh xã hội và quốc gia đang chuyển đổi sang giai đoạn phát triển mới. Quá trình chuyển đổi đó tạo nên những điều kiện và tiền đề cho việc loại bỏ các giá trị đã lỗi thời, làm xuất hiện các giá trị mới mà thường gắn với các tầng lớp, bộ phận dân cư mới xuất hiện. Mặt khác, sự xung đột giữa các giá trị cũ sắp bị loại bỏ hoặc bị loại bỏ từng phần với các giá trị mới khiến cho xã hội mất định hướng giá trị; các hành vi, hoạt động của những con người, bộ phận dân cư khác nhau sẽ được đánh giá khác nhau. Tình hình đó dẫn đến thậm chí là xung đột trong định hướng, đánh giá và niềm tin, tạo ra sự rối loạn của xã hội. Những thang bậc đúng - sai, tốt - xấu, lợi - hại,... đối với cộng đồng, cá nhân, có thể bị đảo lộn; xã hội hoặc một bộ phân dân cư nào đó, trong những trường hợp cụ thể, có thể sẽ bị mất định hướng giá trị. Trong những thời đoạn như vậy, vai trò của tầng lớp elite của xã hội (tầng lớp tinh hoa, thành phần ưu tú), của truyền thông là rất quan trọng. Nếu họ không đảm đương được trách nhiệm định hình giá trị, củng cố niềm tin vào hệ giá trị và nhanh chóng điều chỉnh định hướng phù hợp với xu thế phát triển thì xã hội sẽ rối ren hơn, hệ lụy nặng nề kéo dài hơn.

 

Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những biến động dữ dội trên phạm vi toàn cầu. Những biến động ấy rất khác nhau, cũng gây ra những hệ lụy khác nhau, tạo nên những giá trị khác nhau đối với các quốc gia khác nhau, đồng thời nó cũng tạo được các thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, của toàn cầu hóa tạo ra, nhân lên, truyền tải nhanh chóng và gia tăng sức mạnh tác động tích cực lẫn tiêu cực đến từng quốc gia, xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân theo những phương thức và mức độ khác nhau. Đất nước ta cũng đang và sẽ tiếp tục có nhiều biến động, do chúng ta chủ động tạo ra để phát triển, có những biến động ngoài ý muốn của chúng ta, có những biến động nảy sinh trong nước, nhưng cũng có những biến động từ bên ngoài đưa đến.

 

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, cũng còn phải nói đến một số chuyển đổi khác mà các nhà nghiên cứu còn có những ý kiến trái chiều như chuyển đổi từ xã hội phong kiến thuộc địa sang xã hội quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình, ổn định,... Song cùng với các quá trình chuyển đổi đó là những tác động của toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ và cách mạng công nghiệp, hội nhập quốc tế, xu hướng hình thành kinh tế tri thức, của giao lưu văn hoá, sự phát triển của mạng Internet và truyền thông số, V.V., cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ đến các hệ giá trị Việt Nam. Tổng hợp quá trình đa chuyển đổi và nhiều tác động như vậy trong thực tế đang làm cho các hệ giá trị Việt Nam có những biến động dữ dội, đến mức mà trong một vài lĩnh vục đã xuất hiện những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng, như khủng hoảng văn hóa (cũng là khủng hoảng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, cộng đồng và con người).

 

Xã hội đang chuyển đổi sâu sắc, toàn diện, với cường độ và tốc độ nhanh chóng khiến cho các hệ giá trị Việt Nam, một mặt, cũng chịu thách thức to lớn, mặt khác, cũng có cơ hội mà chua khi nào có được trong lịch sử, để chuyển đổi, hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Sự biến động của các hệ giá trị đang diễn ra dưới nhiều biểu hiện khác nhau như: sự biến mất, triệt tiêu của các giá trị cũ vì điều kiện đã thay đổi, chúng không còn phù hợp đối với con người và xã hội (ví dụ: trung với vua); sự xuất hiện của các giá trị mới (ví dụ: bình đẳng giới, nhân quyền); sự thay đổi thang bậc, vị thế của các giá trị (ví dụ: tinh thần quốc tế vô sản, tu duy sáng tạo); sự "đổi mới", thay đổi từng phân nội dung các giá trị (ví dụ: giàu có, cần, kiệm); thu nhận và cải biến một số nội dung, giá trị bên ngoài (dân chủ, tự do ngôn luận);... Thậm chí, có sự xung đột giữa các giá trị (mới và cũ, bản địa và du nhập, toàn diện và bộ phận,...); sự tiếp thu, làm giàu thêm hệ giá trị bản địa và có cả sự mở rộng tầm ảnh hưởng của nó ra khỏi phạm vi quốc gia - dân tộc. Những biến động của các hệ giá trị Việt Nam đang diễn ra có ảnh hưởng đến mọi thành phần trong xã hội, đến mỗi con người, đến tiến trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nước nhà. Biến động của hệ giá trị hiện nay là một tất yếu của sự phát triển xã hội Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi với những bối cảnh đặc thù. Điều đáng nói là dù biến động mạnh mẽ nhưng các giá trị cốt lõi của hệ giá trị Việt Nam: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị con người vẫn phát huy vai trò định hướng, đánh giá và làm chuẩn mực, đồng thời tiếp tục được phát huy, bổ sung, phát triển.

 

Quan niệm về hệ giá trị Việt Nam với các hệ giá trị chủ yếu: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người, hiện chưa được thống nhất trong giới học thuật và trong giới lý luận. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, có thể xem các quan điểm về xây dựng con người và xây dựng văn hóa của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa XII (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là cơ sở, là định hướng, là nội dung, là các giá trị cụ thể, trước hết là của hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị con người Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.

 

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã có tổng kết hệ giá trị Việt Nam với những giá trị cốt lõi của các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, con người và gia đình: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù họp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc"[8]. Những giá trị cụ thể, cốt lõi đó thấm đẫm trong tất cả hệ giá trị Việt Nam, gắn bó chặt chẽ với tất cả các giá trị trong các hệ giá trị khác như hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị chính trị, V.V.. Các giá trị và hệ giá trị trong bảng giá trị Việt Nam thống nhất, bổ sung cho nhau tạo nên cốt cách con người, văn hóa, đất nước Việt Nam ngày nay, chúng là bộ "gen di truyền" của Việt Nam được chắt lọc, trao truyền, xây dựng, phát triển qua các thế hệ.

 

Các giá trị cốt lõi, chủ yếu và các hệ giá trị chính trên đây trong bối cảnh hiện nay, vừa giữ vai trò định hướng cho sự phát triển của quốc gia, văn hóa, gia đình, cộng đồng và từng cá nhân, vừa là hành lang vận động, là "khung mẫu" cho hành động, tư duy, hành vi, thậm chí cho cả việc điều hành, hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật của quốc gia, các quy ước, quy chế cộng đồng, cơ quan và các cá nhân trong hệ thống chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng, v.v..

Các giá trị cốt lõi, chủ yếu nói trên vừa mang tính kế thừa - kết tụ, tính "chế định", tính vượt trước. Tính kế thừa - kết tụ bởi chúng là truyền thống, kết tinh các phẩm chất, tinh hoa, là kết quả của sự phát triển quốc gia, văn hóa, các cộng đồng, gia đình, con người Việt từ ngàn xưa tới nay. Tính chế định là bởi chúng luôn là khuôn mẫu, hành lang tích cực, tiến bộ cho hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người, xã hội. Con người, xã hội luôn lấy chúng là mẫu hình, so sánh, đối chiếu, làm theo. Tính vượt trước bởi chúng là định hướng, mục tiêu, tiêu chí mà tất cả mọi người, hay mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng và xã hội luôn phải hướng tới, theo đó vươn lên, hoàn thiện và phát triển.

 

Hơn thế nữa, các giá trị nói riêng, các hệ giá trị trong tổng thể hệ giá trị Việt Nam còn là nguồn lực, động lực của sự phát triển con người, văn hóa, gia đình, cộng đồng và quốc gia. Đó là nguồn lực nội sinh, nguồn lực đặc biệt. Nó luôn tiềm tàng ẩn chứa trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, và luôn cần được khơi dậy, làm bùng lên, phát huy, khai thác, phát triển cho cả hiện tại và tương lai.

 

Khác với các nguồn lực tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên truyền thống, khai thác sử dụng nhiều thì cạn kiệt, nếu chủ thể này sử dụng thì các chủ thể khác không còn để sử dụng. Nguồn lực các hệ giá trị là nội sinh, nếu không dùng sẽ bị lu mờ, bị hao mòn và mất đi sức mạnh, cạn kiệt dần. Nếu càng dùng càng được bổ sung, phát triển, thì càng thêm mạnh mẽ càng có tác động sâu rộng, càng được khơi dậy, càng bùng lên mãnh liệt. Càng nhiều người khai thác, sử dụng, nguồn tài nguyên đó càng trở nên giàu có hơn, các thế hệ dùng không cạn, khai thác không thể hết, ngày càng nảy nở, phồn thịnh, phát triển. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị của các cộng đồng, đều có những đặc trưng chung như vậy. Khía cạnh này của hệ giá trị Việt Nam hiện chưa được chúng ta chủ động, tích cực sử dụng, khai thác, phát huy và phát triển trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu, mục tiêu, bối cảnh, điều kiện phương tiện, tiền đề của những việc khai thác, sử dụng, phát huy và phát triển các hệ giá trị Việt Nam đã rõ ràng. Hơn lúc nào hết trong lịch sử, thời điểm này là thời điểm có thể khai thác tốt nhất nguồn lực nội sinh đặc biệt của quốc gia, của mỗi gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân.

 

Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy, phát triển, khai thác tốt nhất hệ giá trị Việt Nam, mà cốt lõi là các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, cộng đồng, gia đình và con người, ít nhất cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:

 

Một là, đổi mới nhận thức về hệ giá trị của toàn thể cộng đồng, toàn thể xã hội, trước hết là nhận thức của tầng lớp elite của xã hội. Tất cả các chủ thể xã hội từ cá nhân đến tập thể, từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất trong cộng đồng, từ các cấp ủy đảng và chính quyền, từ đội ngũ lãnh đạo các tổ chức đoàn thể cần có sự nhận thức đầy đủ về các hệ giá trị, vị trí, vai trò và tạo được sự đồng thuận về quyết tâm, về các giải pháp phát huy, khai thác và phát triển các hệ giá trị Việt Nam. Để đổi mới nhận thức, tất nhiên phải tổ chức khảo sát nghiên cứu thực trạng của các hệ giá trị cấu phần trong hệ giá trị Việt Nam, phải tập trung nghiên cứu, xác định rõ về hệ giá trị Việt Nam với các cấu phần hệ giá trị và các giá trị cụ thể của chúng trong giai đoạn hiện nay.

 

Hai là, phát huy cao độ, định hướng sát, đúng, trúng vai trò của truyền thông về các hệ giá trị Việt Nam, nhất là về hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và đặc biệt là về các giải pháp xây dựng, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó là rất quan trọng. Điều này có ý nghĩa định hướng, định hình và đồng thuận xã hội về việc khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị Việt Nam. Nếu tầng lớp elite và truyền thông không đảm đương được trách nhiệm định hình giá trị, củng cố niềm tin vào các hệ giá trị và nhanh chóng điều chỉnh định hướng phù hợp với xu thế phát triển thì ý thức xã hội sẽ bất ổn định hơn, đồng thuận, đoàn kết sẽ khó khăn hơn, môi trường xã hội khó "lành mạnh hóa", suy thoái văn hóa và đạo đức, làm lu mờ các hệ giá trị nói chung có nguy cơ trỗi dậy, hệ lụy nặng nề kéo dài hơn. Xã hội, các cộng đồng, cá nhân khó có điều kiện thuận lợi và ổn định để phát triển. Giải pháp này có ý nghĩa then chốt nhất. Tầng lớp elite, các cấp ủy đảng và chính quyền phải đóng vai trò dẫn đường, tổ chức, định hướng trong nhận thức và hành động theo các hệ giá trị thành phần trong hệ thống giá trị Việt Nam.

 

Ba là, trong hiện thực, chúng ta đang khủng hoảng các hệ giá trị trên các khía cạnh khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy hệ giá trị Việt Nam nói chung, các hệ giá trị chủ yếu, các giá trị cốt lõi, là rất cần kíp, rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, xã hội, cộng đồng và với đất nước nói chung. Không thiết lập và phát huy được các hệ giá trị chủ yếu, các giá trị cốt lõi, thì trong thực tế, khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái nói trên một cách vững chắc, lâu dài. Thiết lập, xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, cộng đồng, gia đình, bảo đảm an ninh con người, "giảm sốc" cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng..., giúp con người, cộng đồng và xã hội "vững vàng", bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động bên ngoài.

Bốn là, các cấp ủy đảng và chính quyền các ngành, lĩnh vực, địa phương, trong quản lý, điều hành phải luôn chú ý bám sát, nhắm đúng, nhắm trúng vào thực tiễn hệ giá trị Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, phát triển địa phương, địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực. Mặc dù Đảng ta từ mấy nhiệm kỳ gần đây đã xác định con người là mục tiêu, động lực, trung tâm của sự phát triển; hay công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế đều phải do con người, vì con người. Nhưng trong các chiến lược phát triển từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại mỗi địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực phải được cụ thể hóa bằng các nội dung cụ thể, trong đó có nội dung xây dựng, phát triển các hệ giá trị, nhất là các hệ giá trị trong giai đoạn mới. Trong đó các hệ giá trị phải được xem là một nội dung cực kỳ quan trọng của các chiến lược phát triển.

 

Năm là, gắn kết chặt chẽ hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người, phát triển nhân lực tại từng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, địa phương với việc khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị Việt Nam. Phát triển con người và phát triển nhân lực phải chú trọng nhiều hơn đến phát triển các hệ giá trị Việt Nam. Các hệ giá trị Việt Nam phải thực sự được sử dụng như một nguồn động lực để phát triển con người, kinh tế, xã hội rộng khắp các vùng miền, địa phương. Chỉ có như vậy điểm nghẽn và những bất cập về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đột phá về nguồn nhân lực ở các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cộng đồng mới được giải quyết ở tầm chiến lược chứ không phải là sự chắp vá, ngắn hạn, phiến diện và ít hiệu quả như thời gian qua. Động lực, nội dung cốt lõi của sự nghiệp xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, là thiết lập và phát huy hệ giá trị Việt Nam. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, bỏ quên các hệ giá trị của Việt Nam. Kết nối, gắn kết chúng thành một khối thống nhất các giá trị sẽ trở thành giá trị kinh tế, vật chất, kho tàng giá trị của nước nhà, là kho báu bất tận cho cả muôn đời sau.

 

Trong thực tế, việc sử dụng các giải pháp luôn đòi hỏi nhiều điều kiện kèm theo, phù hợp và thường thay đổi. Nhưng việc sử dụng các giải pháp đồng bộ và phù hợp với điều kiện cụ thể cũng quan trọng không kém so với việc xác định nội dung giải pháp. Kho tàng hệ giá trị Việt Nam là rất lớn, đa dạng, vô cùng quý báu và tiềm ẩn sức mạnh lớn lao. Hiện nay, việc khơi dậy, phát huy, phát triển và sử dụng nó một cách tốt nhất đã có đầy đủ điều kiện và tiền đề. Đây cũng là nhiệm vụ chung, là trách nhiệm, là điều kiện phát triển của tất cả các chủ thể xã hội khác nhau trong giai đoạn hiện nay.


PGS.TSKH. Lương Đình Hải **

 



* Bài viết dựa trên các nghiên cứu của Chương trình trọng điểm cấp Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" do PGS.TSKH. Lương Đình Hải làm chủ nhiệm.

** Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[2]         Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu nguồn lực con người không bảo đảm về chất lượng thì tất cả những thành tựu của văn minh nhân loại đã đạt được có thể trở thành công cụ hủy diệt sự tồn tại của chính nhân loại và các thành tựu đó.

[3]         Gần đây quan điểm của Daron Acemoglu và James A. Robinson (trong sách Tại sao các quốc gia thất bại) đã nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế. Nhưng, về thực chất, thể chế cũng do con người tạo ra, duy trì và thay đổi theo mục đích và nhu cầu của họ. Con người quyết định thể chế, nhưng thể chế không quyết định con người dù thể chế có ảnh hưởng cực kỳ to lớn.

[4] Vàng đã tồn tại từ lâu, nhưng với người nguyên thuỷ vàng không có giá trị như với con người sau này; "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là ví dụ cho thấy giá trị thay đổi tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể (TG).

[5] Xem Phạm Minh Hạc (Chủ biên): Nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI-R cải biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.46.

[6] Trong thực tế, tôi đã cố tìm tài liệu để xem có nước nào đã xác lập được một bảng giá trị xã hội hay giá trị con người của quốc gia mình chưa. Nhưng chưa thấy có. Một số quốc gia (như Xingapo) mói chỉ nêu 5 giá trị có thể xem như là những giá trị cốt lõi; Tổng thống Barack Obama đã nói đến các giá trị Mỹ và kêu gọi đưa các giá trị đó vào các nước khác và bảo vệ chúng, nhưng đó không hẳn hoàn toàn là giá trị Mỹ, hệ giá trị Mỹ cũng không chỉ có các giá trị như vậy (TG).

[7] Lương Việt Hải: Hiện đại hóa xã hội - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr. 265.

[8] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Nội, ngày 24/11/2021.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết