Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Ngày phát hành: 07/03/2023 Lượt xem 1515

Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ ở nước ta. Người đã thức tỉnh phụ nữ Việt Nam tham gia giải phóng dân tộc, cũng là đứng lên giải phóng chính mình. Và cũng chính Người luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. 

Con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cũng là con đường giải phóng phụ nữ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên chỉ ra những căn nguyên kinh tế, xã hội đã khiến phụ nữ Việt Nam chịu sự áp bức, bóc lột dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến trước đây. Người đã thấy: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga…”[1]
Người cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chỉ rõ: “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và phong kiến tay sai là nguyên nhân cơ bản gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”[2] Xuất phát từ nguyên nhân cơ bản ấy, để giải quyết vấn đề giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận: Phụ nữ Việt Nam chỉ được giải phóng chừng nào nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai.


Người không chỉ thấy cần thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi bất công mà còn nhìn ra sức mạnh tiềm tàng ở chính trong phụ nữ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[3] .

Giải phóng phụ nữ trở thành một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt phong trào phụ nữ trong phong trào cách mạng chung. Người luôn đánh giá cao tinh thần, nghị lực của các mẹ, các chị, những người đã hy sinh tình riêng, động viên chồng con tòng quân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, còn bản thân thì trở thành cơ sở trung kiên của cách mạng, che giấu và bảo vệ cán bộ: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng. Nhiều cụ bà ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu. Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình…"[4].

 

 Luôn nhắc nhở phụ nữ phải tự mình vươn lên

 
Ngày 18/9/1949, khi dự khai mạc lớp huấn luyện cán bộ hành chính kháng chiến của Liên khu III và Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ban tổ chức bố trí cho các cán bộ nữ ngồi lên hàng ghế đầu.


Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một lần, khi dự Hội nghị, nhìn suốt Hội trường Bác hỏi: này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu? Rồi Bác hỏi tiếp: các cô có đây không? Có ạ. Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mà phải tự đấu tranh để giành lấy.


Người luôn nhắc nhở phụ nữ phải tự mình vươn lên, phải biết đấu tranh đến cùng cho lý tưởng và con đường mình đã chọn: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[5].

 

 Người chỉ rõ: muốn có bình đẳng thì phụ nữ phải có lực thực sự. Nếu yếu kém và ngại đấu tranh thì không nên nói đến chuyện bình đẳng.


Tại Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III, Bác đã dặn: Phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò chủ quan, sức mạnh nội tại của bản thân phụ nữ. Nếu bản thân phụ nữ không cố gắng, không muốn tiến bộ thì không ai có thể giúp phụ nữ được cả.


Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm cho phụ nữ và căn dặn Đảng và Chính phủ trong Di chúc của Người: "Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[6]. Chỉ thế thôi, nhưng đó vừa là tình cảm tràn đầy, vừa là huấn thị thiêng liêng của Bác.


Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp phụ nữ Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Hình ảnh của họ luôn tỏa sáng khi gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở hậu phương để động viên chồng, con ra tiền tuyến, yên tâm đánh giặc; đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị; nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập… Tất cả đã làm ngời sáng những phẩm cách cao quý “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.


Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác lúc sinh thời, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội.


Đảng và Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ. Vì thế phụ nữ Việt Nam hôm nay đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều chính trị gia; nhà lãnh đạo, quản lý; văn nghệ sĩ tài năng; nhiều nhà khoa học và doanh nhân thành đạt là phụ nữ. Nhiều nữ sĩ quan của Việt Nam đã được Liên hợp quốc dành nhiều lời ngợi khen bởi những nỗ lực và đóng góp của họ cho hòa bình thế giới.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đời nhiều điều quý giá, trong đó có một suối nguồn tình cảm sâu nặng nghĩa tình, nâng niu quý trọng cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Và chính Bác đem tư tưởng dân chủ, tiến bộ của thời đại làm đẹp thêm những phẩm chất, tinh thần và trí tuệ người phụ nữ Việt Nam hiện đại./.

Theo TTXVN



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 2, tr105.

 

[2] Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, trang 15

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 9, tr 523

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 6, tr 431

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 9, tr 524

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tập 12, tr 504

 


 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết