Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Xứng đáng với danh hiệu Công an nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Ngày phát hành: 10/03/2023 Lượt xem 1570

Kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 - 2023)

 


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát, cụ thể đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND). Đáp lại tình cảm đó, lực lượng CAND không ngừng rèn luyện, trưởng thành và có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng và rèn luyện Công an nhân dân Việt Nam

 
Về hệ tư tưởng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, CAND phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả” (1).  Do đó, ngay từ khi được thành lập, CAND Việt Nam luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, thực sự là đội quân tiên phong, là nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng, chống gián điệp, phản động, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, chế độ, chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng Công an nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

 
Về bản chất, công an Việt Nam là “công an nhân dân” - dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ. Đây là yếu tố quyết định, là cội nguồn sức mạnh của công an Việt Nam: “công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn lực lượng CAND phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết “Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân” (3).


Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên dày công xây dựng tổ chức bộ máy CAND. Sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND ngày nay bắt đầu từ sự quan tâm chăm lo đặc biệt ấy của Người. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ những tổ chức tiền thân như “Đội Tự vệ đỏ”, “Đội tự vệ công nông cách mạng”, “Đội danh dự Việt Minh”... CAND Việt Nam đã ra đời và phát triển. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của CAND không ngừng kiện toàn, hoàn thiện theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.


Cùng với việc xây dựng CAND về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Trong đó, 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tư cách người công an cách mệnh thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam. Là một chỉnh thể thống nhất về hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ Công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện.


 Đó là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo” (4).


Trong mọi hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. CAND phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người chỉ rõ: “... phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn” (5).
Đặc biệt, Người căn dặn lực lượng CAND, trong công tác, chiến đấu phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác là, “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”; Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật” (6); “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”; “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng” (7)... Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 

 Đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc

 
Với sự quan tâm, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, lực lượng CAND không ngừng trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, vững vàng về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ và đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.


Ngay từ năm 1948, lực lượng CAND đã tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào thi đua, mở đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt, thực hiện tốt những lời dạy của Bác, mưu trí, dũng cảm, đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của "thù trong, giặc ngoài"; bảo vệ an toàn các căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các cán bộ, chiến sĩ Công an đã kiên cường "bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm", bảo vệ Ðảng, chính quyền và phát huy sức mạnh của nhân dân trong "diệt ác, trừ gian", "bảo mật, phòng gian", góp phần quan trọng đấu tranh làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Bước vào thời bình, lực lượng CAND tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo đảm an ninh trật tự, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống của nhân dân; luôn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Ðảng, Nhà nước đổi mới các chủ trương, quyết sách chiến lược; đấu tranh ngăn chặn làm thất bại nhiều âm mưu hoạt động chống phá và phá thế bao vây, cấm vận, hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn, lật đổ, bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội… qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.


Ðặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, thời đại internet, cách mạng khoa học, công nghiệp 4.0, lực lượng CAND đã quán triệt lời Bác dạy: "Ðối với địch phải cương quyết, khôn khéo", áp dụng phương châm "chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động chống phá từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia", không để hình thành tổ chức phản động, tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra khủng bố trong nước; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp về an ninh trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc.


Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tổ chức đạt hiệu quả: hằng năm đã phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tập trung triệt phá những chuyên án lớn về ma túy theo phương châm "không đánh khúc giữa, bắt giữ cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu", phòng, chống ma túy theo ba lớp (bên kia biên giới, khu vực biên giới, trong nội địa); tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", trong đó, đã tập trung điều tra, khám phá nhiều đại án kinh tế; nhiều vụ án lớn về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao; đánh mạnh, triệt phá nhiều băng ổ nhóm tội phạm.


Công tác xây dựng lực lượng CAND cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Bộ Công an đã chủ động tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 về "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở"; gắn với điều chỉnh phân công, phân cấp nghiệp vụ, cơ cấu cán bộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí ở bốn cấp công an; quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm đột phá xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; xây dựng thí điểm "Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị", góp phần giải quyết hiệu quả tình hình an ninh trật tự từ cơ sở với phương châm "Công an tìm đến dân", "gần dân, hiểu dân", "lúc dân cần, lúc dân khó có công an". Ðặc biệt, Ðảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 về "Ðẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng lực lượng CAND tinh, gọn, mạnh, các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2030, xây dựng toàn lực lượng CAND hiện đại.
Đã có rất nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công xuất sắc; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã được huy động tăng cường giải quyết những vụ việc gây phức tạp về an ninh trật tự, như: Các vụ bạo loạn, phá rối an ninh tại Tây Nguyên (năm 2001, 2004, 2008), tại Mường Nhé, Ðiện Biên (năm 2011); vụ việc liên quan Formosa, Hà Tĩnh (năm 2016-2018)...; có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ không quản ngại hy sinh, gian khổ tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh (dịch COVID-19), tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân các tỉnh miền trung, miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia Ðoàn cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia giữ gìn hòa bình tại Liên hợp quốc, tại Nam Sudan...; tổ chức các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, hiến máu, cứu trợ các hộ nghèo, những người gặp khó khăn, thăm hỏi gia đình chính sách, người có công...
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đã có hơn 14.800 liệt sĩ CAND, gần 6.000 thương binh, bệnh binh và hàng nghìn tấm gương chiến sĩ CAND dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ an ninh Tổ quốc... xây dựng nên hình ảnh người CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".


Những thành tích, chiến công của lực lượng CAND đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, tặng thưởng 16 Huân chương Sao vàng, 102 Huân chương Hồ Chí Minh; hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều phần thưởng cao quý khác./.


Theo TTXVN


(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-2011, tập15, tr.140
(2), (3),(4): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 5, tr.498
(5): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 7, tr.270
(6): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 12, tr. 638
(7): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 10, tr. 259

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết