Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Xây dựng bản lĩnh người Công an Nhân dân theo sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới

Ngày phát hành: 10/03/2023 Lượt xem 1997

 

 

1. Bản lĩnh người Công an Nhân dân giữ vai trò nền tảng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Vấn đề này luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, rèn luyện trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và Công an Nhân dân nói riêng, từ những năm đầu của sự nghiệp cách mạng thành công cho đến ngày nay. Xây dựng bản lĩnh cách mạng cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt để hình thành đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, là công bộc của dân trong Nhà nước của dân, do dân và vì dân - Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ở nước ta, tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực, tính chất công việc mà có những đặc điểm, yêu cầu khác nhau trong bản lĩnh chính trị của người cán bộ cách mạng. Theo Từ điển tiếng Việt, một số Từ điển Oxford, Cambridge..nội hàm của bản lĩnh cũng có chung một cách giải thích, bản lĩnh tiếng Anh là “ Bravery” là phẩm chất, đức tính cá nhân gắn liền với ý chí, tài năng, đức hy sinh, dũng cảm, nghị lực, kiên trì vượt qua trở ngại, khó khăn để thực hiện mục tiêu xác định.

 

Về phương diện lý luận, trong từng lĩnh vực hoạt động, mức độ thể hiện bản lĩnh cá nhân được biểu hiện ra ở thái độ, khả năng hoạt động độc lập của cá nhân trước những yếu tố tác động bên ngoài để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra. Có hai yếu tố bên trong và bên ngoài tác động tới việc hình thành bản lĩnh, đó là yếu tố bên trong, nội tại của cá nhân, do quá trình rèn luyện trên cơ sở nhận thức, tính tự giác và yếu tố tác động từ bên ngoài như các thiết chế, quy định về tổ chức, kỷ luật, các hoạt động, phong trào tập thể rèn luyện ý chí, nghị lực, sự kiên trì vượt khó, các phẩm chất hình thành bản lĩnh con người. Trong các yếu tố trên, tính tự giác, rèn luyện cá nhân giữ vai trò quyết định. Có bốn nhân tố hình thành nên bản lĩnh cá nhân, trước hết, những yếu tố tâm, sinh lý của bản thân từng cá nhân, được gọi là tố chất bên trong; thứ hai, thông qua tự giáo dục, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội về bổn phận, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, đất nước; thứ ba, thông qua sự rèn luyện bản thân dựa trên nhận thức cá nhân về mục tiêu hướng tới, trên nền tảng giáo dục, truyền thống và môi trường xã hội; thứ tư, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để hình thành các phẩm chất tạo nên bản lĩnh cần có ở mỗi con người.

 

Về bản lĩnh cách mạng của người cán bộ nói chung, được hiểu đó là tổng hợp các phẩm chất tích cực, tiến bộ của con người để hướng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cụ thể của cá nhân, tập thể trong từng giai đoạn. Từ đó hướng tới thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị chung của đất nước là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là dân giầu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Trong trường hợp này, bản lĩnh cách mạng cũng chính là bản lĩnh chính trị thể hiện khả năng, ý chí, nghị lực để cán bộ, đảng viên vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên từng lĩnh vực. Bản lĩnh chính trị của cá nhân thể hiện ở những đặc điểm cụ thể như: Sự kiên định quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị; sự nhạy bén, khôn khéo trước những diễn biến tình hình phức tạp, không dao động, biến chất, không nghị ngờ mục tiêu, lý tưởng đã xác định; sự chín chắn, độc lập, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có ý chí, thái độ quyết liệt, tích cực, rõ ràng và hành động cụ thể để bảo vệ quan điểm, mục tiêu, không giao động, không lùi bước…

 

Một tập thể, đội ngũ mạnh được cấu thành từ những cá nhân với những bản lĩnh chính trị kiên cường, cùng chí hướng. Điều này càng đúng với lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và lực lượng Công an nói riêng, đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Cần khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trong Sáu điều dạy Công an Nhân dân, là sự thống nhất về quan điểm, coi trọng yếu tố con người trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, là bản lĩnh, phẩm chất cách mạng, sự giác ngộ chính trị của người chiến sĩ, từ nhân dân mà ra. Sức mạnh của lực lượng vũ trang là từ nhân tố con người, quan điểm đó được hình thành từ rất sớm, ngay sau Hội nghị Trung ương 8 và việc thành lập Mặt trận Việt Minh tháng 12 năm 1941 tại Cao Bằng. Từ các đội cứu quốc, Hồ Chí Minh đã thành lập Đội vũ trang Cao Bằng, để hướng tới xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân theo hướng chính quy, soạn thảo “ Mười điều kỷ luật” và những nguyên tắc cơ bản xây dựng quân đội. Tháng 12 năm 1944, Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập ”Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, xác định rõ yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng là đội quân công tác, đội quân chiến đấu, coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng. Người đưa ra quan điểm “ người trước, súng sau” và luôn quan tâm công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ, bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần yêu nước, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, sự gắn bó máu thịt giữa Quân đội, Công an với Nhân dân.

 

Nhất quán với quan điểm đó, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, cần có định hướng cụ thể trong xây dựng lực lượng vũ trang khi chúng ta đã có chính quyền, đặc biệt là công an nhân dân. Ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nội dung về "Tư cách người công an cách mệnh"(1), đó là: 

  • Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
  • Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. 
  • Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
  • Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
  • Ðối với công việc, phải tận tụy.
  • Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo.

          Sáu điều dạy của Bác là nhiệm vụ, thái độ, trách nhiệm và cũng chính là bản lĩnh chính trị cần được rèn luyện của công an nhân dân trong thực thi công việc, cũng là sáu mối quan hệ chủ yếu, thường xuyên trong chức trách của từng cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

 

 2. Trong suốt 75 năm qua, sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân thực sự là kim chỉ nam, là định hướng có ý nghĩa to lớn trong xây dựng lực lượng Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại nói chung và rèn luyện bản lĩnh chính trị của người công an nhân dân nói riêng. Điều đáng lưu ý là, ngay sau khi nêu sáu điều cần lưu ý đối với công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, làm rõ yêu cầu, cách thức để làm sao cho những nội dung này đi vào cuộc sống, đặc biệt trong mối quan hệ với Nhân dân. Cũng trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc công an khu 12, tháng 3 năm 1948, Người căn dặn: “ Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24 đến 32 trang thì quá dài. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”(2).

 

 Từ nội dung trên cho thấy, những tư tưởng của Bác thể hiện trong sáu điều dạy với Công an Nhân dân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về nội dung, cô đọng, xúc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cho đến nay, đã 75 năm trôi qua, không chỉ đối với lực lượng Công an mà ngay mỗi người dân Việt Nam ai cũng nhớ, cũng hiểu, càng tạo ra sự gắn bó, tin cậy giữa Công an và Nhân dân. Nhờ đó, những điều Bác dạy không chỉ là nền tảng, định hướng đúng đắn, xây dựng lực lượng Công an Nhân dân vững mạnh, mà còn là cơ sở khẳng định sự đóng góp to lớn của Công an Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước cho đến ngày nay, quan trọng nhất là giữ vững ổn định xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển. Đồng thời, Sáu điều dạy của Bác đối với Công an Nhân dân sẽ còn có ý nghĩa lâu dài trong xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, mà còn là cơ sở để rèn luyện bản lĩnh người công an trong tình hình mới.

 

Cho đến nay, công cuộc đổi mới đất nước đã bước sang năm thứ 36 với nhiều thời cơ, thách thức đan xen. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, thế và lực, tiềm năng, vị thế, uy tín và sức mạnh như ngày nay. Mặc dù tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá, làm mất ổn định chính trị, chia rẽ Nhân dân với lực lượng vũ trang, Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với mỗi con người trong đó có cán bộ, chiến sĩ công an càng trở nên phức tạp, nếu không có bản lĩnh vững vàng, rất dễ suy thoái, biến chất.

Bởi vậy, khi phân tích giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Sáu điều Bác dạy  với Công an Nhân dân, cho ta thấy nổi lên sáu mối quan hệ, cũng là những phẩm chất cơ bản mà người Công an trong thực thi nhiệm vụ, từ đó phải rèn luyện để trở thành bản lĩnh, thành nguyên tắc bất di bất dịch. Trong các mối quan hệ đó, có thể thấy, được chia làm 2 nhóm quan hệ chính, thể hiện sự khác biệt trong các phẩm chất cần rèn luyện bản lĩnh, đó là các nhóm vấn đề bên trong, đối với riêng mỗi người, đối với đồng sự, đối với chính phủ và đối với Nhân dân; nhóm vấn đề thứ hai là đối với địch. Việc phân loại này cho thấy tính đặc thù của ngành Công an là công việc “nội trị”, tính chất công việc này hoàn toàn khác với Quân đội. Do đó, để ổn định nội trị phải đảm bảo thực hiện tốt hai nhóm quan hệ lớn đó.

 

Nhóm vấn đề thứ nhất, trong điều kiện mới:

 - Người Công an đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính, điều này là yêu cầu chung với mỗi người cán bộ cách mạng và cán bộ, chiến sĩ Công an nói riêng, trước kia cần và ngày nay càng đặc biệt cần thiết hơn bao giờ hết. Lực lượng Công an trước hết là công cụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong thực thi pháp luật, nến cán bộ, chiến sĩ không rèn luyện bản lĩnh, giữ được các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính thì chắc chắn không thực thi được công việc, đây là đòi hỏi trước hết, nghiêm khắc, là điều kiện và tiền đề để xây dựng lực lượng Công an Nhân dân vững mạnh, chính quy, hiện đại.

 - Nhấn mạnh tính thần đoàn kết, thân ái, giúp đỡ là yêu cầu cốt lõi để đảm bảo sự phối hợp, tinh thần đồng đội, đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh tập thể của Công an Nhân dân. Một tập thể mạnh không chỉ dựa trên từng cá nhân riêng lẻ mà phải là sự gắn kết hữu cơ của những cá nhân mạnh, lời dạy này của Bác đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an phải có tinh thần tập thể, tính đồng đội trong công việc, phải thân ái, giúp đỡ nhau như những người anh em cùng chí hướng, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.       

- Đối với chính phủ, lực lượng Công an là công cụ của bộ máy công quyền, đảm bảo giữ gìn sự ổn định, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trấn áp tội phạm. Điều này đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối, tin cậy, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào. Đối với chính phủ, ngoài lòng trung thành tuyệt đối, Công an Nhân dân còn phải có tính kỷ luật cao, do vậy cán bộ, chiến sĩ công an phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trên các lĩnh vực, với mục tiêu là lực lượng nòng cốt giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường và điều kiện để đất nước phát triển.

-  Lời dạy của Bác đối với lực lượng Công an trong phục vụ Nhân dân là sự khái quát mẫu mực toàn bộ hình ảnh, thái đô và trách nhiệm của đội quân cách mạng từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Với trọng trách bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người dân, bảo đảm pháp luật được thực thi, trên mọi phương diện, đó là trực tiếp chăm lo, phục vụ Nhân dân, vì thế bản lĩnh người Công an phải rèn luyện ở đây là trong thực thi nhiệm vụ, thực thi pháp luật với dân phải kính trọng, lễ phép, không phải là đứng trên, hách dịch với dân, làm được như vậy mới thực sự là Công an Nhân dân.

 

    Nhóm quan hệ thứ hai:

  Công an Nhân dân trong thực thi nhiệm vụ chống địch- kẻ thù của đất nước, dân tộc với nhiều mưu mô, thủ đoạn nham hiểm để bảo vệ đất nước, bảo vệ Nhân dân, giữ gìn sự ổn định chính trị, lời Bác nhắn nhủ trong Sáu điều dậy, chính là phải kiên quyết, khôn khéo. Trong các giai đoạn cách mạng của đất nước, khi có chiến tranh cũng như lúc hòa bình, thống nhất được xác lập, Việt Nam luôn phải đối mặt với rất nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch nhằm phá hoại nền độc lập dân tộc, gây mất ổn định, phá hoại công cuộc đổi mới, chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và cuối cùng là lật đổ chế độ, xóa bỏ CNXH trên đất nước ta. Vì vậy, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ địch phải cương quyết, khôn khéo đó là bài học kinh nghiệm quý báu cần được quán triệt, rèn luyện bản lĩnh đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân.

 

Trong điều kiện mới, Sáu điều Bác Hồ dậy Công an Nhân dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục là kim chỉ nam trong xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của người Công an cách mạng trong tương lai. Tư tưởng của Bác được kế thừa, phát triển, như  Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ, “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân”[3]. Từ những nội dung được trình bày ở trên cho thấy, Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Công an Nhân dân cũng là những bài học sâu sắc cho hiên nay và mai sau trong xây dựng, phát triển lực lượng Công an Nhân dân:

 

Một là, sức mạnh của lực lượng Công an chỉ được duy trì, bồi đắp và phát triển khi quan triệt quan điểm Công an từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, đối với dân phải kính trọng, lễ phép. Từ đó trực tiếp phê phán quan điểm sai trái, thù địch đối lập Công an, Quân đội với Nhân dân, rằng, Công an chỉ tuân thủ pháp luật, Công an đứng ngoài chính trị.

 

Hai là, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ công an là cơ sở để xây dựng đội ngũ tinh, gọn, mạnh tiến tới chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Điều này là tiếp tục quan điểm luôn con trọng yếu tố con người trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Thực tế ngày nay càng khẳng định tính đúng đắn của quan điểm này, vũ khí dù hiện đại đến đâu nhưng cốt lõi vẫn là con người, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tính chuyên nghiệp.

 

Ba là, từ lời dạy của Bác, Công an phải tuyệt đối trung thành với chính phủ, phát triển tư tưởng này, trong điều kiện mới, Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phù hợp với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới và quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên./.

 

PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch HĐLLTW

 

          Tài liệu tham khảo

1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1, NXb CTQG ST.H – 2021

 2. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần 1, Nxb CTQGST. H 2019

3. Hội đồng Lý luận Trung ương, Niên giám khoa học năm 2019. NxbCTQGST. H 2019

 

(1, 2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG-ST, 2011, T 5, tr 498-499

3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1, NXb CTQG ST.H – 2021. Tr158

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết