Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Việt Nam thúc đẩy vai trò ASEAN giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Ngày phát hành: 14/06/2022 Lượt xem 1928

Ảnh minh họa


Trang Moderndiplomacy.eu có trụ sở tại châu Âu đăng bài nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy ASEAN giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.


Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) được thông qua. Việt Nam là một trong 117 quốc gia ký Công ước ngày đầu tiên. Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN năm 1995, Việt Nam tích cực hợp tác với các nước trong ASEAN bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông:


Thứ nhất, Việt Nam nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông trở lại trong các Tuyên bố của Chủ tịch các Hội nghị cấp cao ASEAN sau nhiều năm vấn đề này bị “lãng quên”. Trên thực tế, sau khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã không được đề cập trong Tuyên bố của Chủ tịch các hội nghị cấp cao trong một số năm sau đó. Đối mặt với thách thức, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2010, Việt Nam tích cực thuyết phục và giành được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao.


Thứ hai, Việt Nam tích cực xây dựng và đề xuất nhận thức chung giữa các nước thành viên ASEAN về các nguyên tắc và phương thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Những nguyên tắc và phương pháp duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông được nêu trong Tuyên bố Hà Nội 1998 sau này trở thành yếu tố cốt lõi của vấn đề Biển Đông trong hầu hết các Tuyên bố của Chủ tịch các Hội nghị cấp cao ASEAN tiếp.


Thứ ba, Việt Nam đã và đang nỗ lực đoàn kết ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Sau Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến hiện tại ở Biển Đông được công bố tại Myanmar tháng 5/2014 như một phản ứng của nhóm đối với việc Trung Quốc đặt một giàn khoan trong khu vực EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, tinh thần tập thể của ASEAN phần nào bị ảnh hưởng, ít nhất là thông qua Tuyên bố của Chủ tịch tại Hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác dưới thời Chủ tịch Việt Nam năm 2020. Đến khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 được tổ chức, các nước thành viên ASEAN đã đạt được sự nhất trí cao khi thuật ngữ “chúng tôi” hoàn toàn được sử dụng khi vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên bố của Chủ tịch.


Thứ tư, kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông năm 2016, các Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN giai đoạn 2017 - 2019 vẫn kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc xác định quy chế pháp lý của các khu vực địa lý, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông hoàn toàn không có. Tuy nhiên, dưới sự Chủ tịch của Việt Nam năm 2020, ASEAN với tư cách là một nhóm “tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó tất cả các hoạt động trên đại dương và biển phải được thực hiện”. Nói cách khác, thông qua Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN lần thứ 36, ASEAN với tư cách là một nhóm đã gián tiếp ủng hộ phán quyết năm 2016 của PCA.


Thứ năm, về việc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) gặp trở ngại và khó khăn do các nước ASEAN vì lợi ích riêng có quan điểm khác nhau về cơ chế giải quyết tranh chấp của COC. Chỉ đến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã đạt được những tiến bộ vượt bậc do các nước thành viên ASEAN ủng hộ công khai việc sớm ký kết COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982.


Tóm lại, mặc dù ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận nhưng rõ ràng, các Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN trong những năm gần đây đều đề cập đến các nguyên tắc và phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế hoặc xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Cho đến nay, ASEAN chỉ là một nhóm khu vực mà vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa. Vì vậy, Việt Nam luôn coi ASEAN là cơ chế khu vực quan trọng nhất để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp trên biển./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết