Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Cần hành động mạnh hơn để chống biến đổi khí hậu

Ngày phát hành: 24/05/2023 Lượt xem 574

 


Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, dù mùa hè mới chỉ vừa bắt đầu. Liên hợp quốc cảnh báo, nguy cơ hiện tượng El Nino diễn ra trong vài tháng tới ngày càng cao, làm nhiệt độ toàn cầu tăng và dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới. Có thể thấy, các hiện tượng về biến đổi khí hậu đang dồn dập gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi con người cần nhanh chóng hành động để ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng hiện nay.

Dồn dập các hiện tượng thời tiết cực đoan

 
Thực tế những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng liên tục. Gần đây nhất, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan, và vào tháng 2/2022 mực nước biển ở Nam Cực lại xuống mức thấp kỷ lục.


Trong khi đó, năm 2023 cũng đang chứng kiến những tháng “nóng nhất lịch sử” với nhiệt độ phá kỷ lục khắp các châu lục. Vào tháng 3/2023, nhiều vùng của Argentina, nhiệt độ đã tăng tới 10 độ C, trong khi vào tháng 4, nhiệt độ cao đã bao trùm khắp châu Á và Tây Bắc Thái Bình Dương. Riêng tại Mỹ, 13 triệu người có thể buộc phải di dời do mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ này.


Các nhà khí tượng học đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 45 độ C ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và 42 đến 43 độ C ở Bangladesh, Lào, Nepal và Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua. Đây là nhiệt độ mà hầu hết các quốc gia này chưa từng trải qua vào tháng 4/2023 trong nhiều thập niên. Các chuyên gia đánh giá đây là “sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”.
Tiếp đó, trong tháng 5 này, nắng nóng cũng đang bao trùm nhiều thành phố ở Trung Quốc. Đầu tuần vừa qua, nhiều thành phố ở miền Bắc, trong đó có Bắc Kinh, đã trải qua đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay và ở một số nơi, giới chức địa phương phải ban hành cảnh báo nắng nóng ở mức màu cam. Tình trạng nắng nóng cũng đang kéo dài ở các nước như Malaysia, Singapore, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.


Đáng chú ý, nếu như trước đây những đợt thời tiết khắc nghiệt như Ấn Độ và Bangladesh vừa trải qua thường chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ, thì do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tần suất này rút ngắn còn 5 năm/lần. Theo nghiên cứu, đối với Lào và Thái Lan, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C (kịch bản sẽ xảy ra trong 30 năm tới nếu lượng khí nhà kính không giảm nhanh chóng), những đợt thời tiết khắc nghiệt sẽ lặp lại theo chu kỳ 20 năm, chứ không phải mức hai thế kỷ như hiện nay.

Hiện tượng El Nino khiến thế giới “nóng” hơn trong 5 năm tới

 
Có thể khẳng định, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây.


Theo các chuyên gia, nắng nóng không phải là điều lạ trong mùa hè nhưng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang khiến nó trở nên thất thường, nguy hiểm và đáng sợ hơn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của El Nino, các chuyên gia lo ngại không chỉ tháng 4, tháng 5 này mà các tháng mùa hè tiếp theo của năm 2023 hoặc cũng có thể là 2024, thế giới có thể sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới về nắng nóng.


Hồi tháng 4/2023 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một báo cáo đánh giá các hiện tượng khí hậu cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm 2022, năm nóng thứ 5 được ghi nhận. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, các mô hình khí hậu đều cho thấy sau 3 năm hiện tượng thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thế giới sẽ chứng kiến "sự tái xuất" của hiện tượng El Nino vào cuối năm nay.


Mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 17/5 tiếp tục công bố một báo cáo cảnh báo về hiện tượng tự nhiên El Nino và khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể trở thành nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn 2023-2027. Chính vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.


Theo phân tích của WMO, nhiệt độ gần bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm trong giai đoạn 2023-2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850-1900.  Hiện tượng nóng lên ở Bắc cực được dự đoán là cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu trong vòng 5 mùa Đông tới ở khu vực bán cầu Bắc. Giới chuyên gia dự đoán lượng mưa sẽ tăng lên ở Sahel, Bắc Âu, Alaska và Bắc Siberia, trong khi điều ngược lại sẽ xảy ra ở Amazon và một số vùng của Australia.


Theo số liệu phân tích của WMO, thực tế là nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 đã cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. 8 năm gần đây (từ 2015-2022) cũng được coi là nóng nhất từng được ghi nhận, trong đó đỉnh điểm là năm 2016 khi chứng kiến có thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,3 độ C.


Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngoài việc tăng nhiệt độ toàn cầu, khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra đang dẫn đến hiện tượng axit hóa và làm nóng đại dương nhiều hơn, kéo theo hiện tượng bang tan, dẫn tới mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các điều kiện sinh sống trên Trái đất trở nên khó khăn hơn. Theo ông Guterres, chỉ cần mỗi một năm con người thiếu hành động kiềm chế mức độ nóng lên của Trái đất là thế giới sẽ tiến gần hơn tới bờ vực thẳm, đối mặt nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn và có khả năng chống đỡ kém hơn trước các thảm họa khí hậu.


Mới đây, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber đã kêu gọi các bên tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc giục các nước phát triển cung cấp gói tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển. Vấn đề tài chính luôn là điểm tắc nghẽn, gây nhiều tranh cãi trong các cuộc đàm phán khí hậu thời gian qua.


Tuy nhiên, chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và với mức độ nghiêm trọng hơn. Biến đổi khí hậu làm gia tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt, trong khi các kế hoạch hành động để đảo ngược xu hướng này lại được triển khai một cách chậm chạp trên phạm vi toàn cầu. Giới khoa học khuyến cáo ưu tiên kế hoạch chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết nắng nóng bất thường, trong khi vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa hành động ngăn chặn các nhân tố gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.


Cái giá phải trả cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng đắt, với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khắc nghiệt, thường xuyên hơn, đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người. Sau những lời cam kết, hứa hẹn, các quốc gia cần bắt tay vào hành động một cách thực chất, nhanh chóng và có trách nhiệm để chạy đua với thời gian bảo vệ Trái đất trước khi quá muộn.

Vài nét về hiện tượng El Nino

 
"El Nino" (theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là "Cậu bé") vốn là tên do ngư dân Peru và Ecuador đặt ra từ nhiều thế kỷ trước để gọi dòng hải lưu nóng chảy từ Xích đạo dọc theo bờ biển Nam Mỹ xuống phía Nam. Dòng hải lưu này thường đạt cường độ mạnh nhất vào dịp lễ Giáng sinh nên được gọi là El Nino.


Ngày nay, El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển ở vành đai Xích đạo rộng lớn dài gần 10.000 km, từ bờ biển Nam Mỹ đến quần đảo Marshall ở khu vực giữa Thái Bình Dương. Thông thường, gió thổi từ hướng Đông sang hướng Tây do chuyển động tự quay của Trái đất. Do đó, dòng hải lưu nóng chảy theo hướng gió.


Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng El Nino chưa hoàn toàn được làm sáng tỏ. Song số đông các nhà khoa học cho rằng El Nino là một hiện tượng khí hậu xuất hiện theo chu kỳ bắt nguồn từ vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Nó là sự hình thành của những dòng nước ấm hơn bình thường ở trung tâm và phía Đông vùng lòng chảo.


El Nino là một yếu tố góp phần gây ra những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các hiện tượng hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, mưa lớn bất thường và nhiệt độ tăng cao là những hậu quả dễ dàng nhận thấy của El Nino, vốn có thể dẫn đến bất ổn lương thực và suy dinh dưỡng, thiếu nước và tình trạng gián đoạn trong các dịch vụ y tế.
Đặc biệt, những tác động của hiện tượng El Nino tới sức khỏe thường trầm trọng hơn tại các quốc gia đang phát triển ít được trang bị để ứng phó với những hậu quả nặng nề của hiện tượng khí hậu này. Như hậu quả của El Nino năm 1997-1998, WHO đã đánh giá lượng mưa ở Đông Phi lớn bất thường, gây ra lũ lụt nghiêm trọng và nhiều dịch bệnh bùng phát như sốt rét, dịch tả…


Sau 3 năm La Nina liên tiếp xuất hiện, nhiều dự báo cho thấy, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào cuối năm 2023 và có thể mang đến tác động trái chiều đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu. Theo các nhà khoa học, khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 tới là 60% và cuối tháng 9 là 80%. Hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới. Đến nay chưa thể ước tính cường độ hay thời gian mà El Nino sẽ duy trì./.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết