Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

COP16 không đạt được kỳ vọng

Ngày phát hành: 04/11/2024 Lượt xem 100

 

Mặc dù được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy việc thực hiện các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học đã được đưa ra tại Hội nghị COP15 ở Montreal (Canada) năm 2022 nhưng Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16), diễn ra tại Cali (Colombia) từ ngày 21/10 - 2/11/2024, đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về lộ trình tăng cường tài trợ cho hoạt động bảo vệ các loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.


Theo nhận định của các nhà chuyên môn, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đó là tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.


Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố tháng 10/2024 cho thấy quần thể các loài động vật hoang dã thuộc động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm hơn 70% trong vòng nửa thế kỷ qua. Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài, phản ánh tình trạng suy giảm đa dạng sinh học diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nhấn mạnh thế giới đang phải trải qua tổn thất lớn nhất kể từ thời khủng long, với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong khi đó, báo cáo hai năm một lần Living Planet của Tổ chức Hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London công bố tháng 10/2024 chỉ ra rằng quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm trung bình 73% trong 50 năm. Khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận mức giảm trung bình 95% về số lượng động vật hoang dã. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do hoạt động của con người như phá rừng, săn bắn, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái đất, đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Việc mở rộng diện tích canh tác, xây dựng đường sá, cháy rừng và hạn hán đã đẩy nhiều loài động thực vật đến bờ vực tuyệt chủng. Một nghiên cứu khác thì khẳng định hơn 1/4 thực vật và động vật hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ có 17,6% đất liền và vùng nước nội địa, và 8,4% đại dương và vùng ven biển được ước tính là được bảo vệ và bảo tồn.

 


Tại Hội nghị COP15  ở Montreal (Canada) năm 2022, 196 quốc gia đã ký một hiệp ước lịch sử, thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF). Kế hoạch này đưa ra lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. Nội dung chính của GBF đặt ra 23 mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, trong đó có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030 và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra. GBF cũng kỳ vọng huy động 200 tỷ USD/năm vào năm 2030 để thực hiện các mục tiêu. Số tiền trên bao gồm 20 tỷ USD/năm vào năm 2025 và 30 tỷ USD/năm vào năm 2030 quyên góp từ các nước giàu để chuyển sang cho các nước nghèo.


Được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 23.000 đại biểu đăng ký, mục đích của COP16 là đánh giá và tăng tốc tiến độ đạt được 23 mục tiêu vào năm 2030 được đặt ra tại COP15 để ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên mà con người gây ra. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về tài trợ cho đa dạng sinh học đã bị đình trệ và không đạt được thỏa thuận về lộ trình tăng cường tài trợ cho hoạt động bảo vệ các loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà đàm phán bị chia rẽ phần lớn giữa các khối quốc gia nghèo và giàu về việc tăng tài trợ và các cam kết khác. Chủ tịch COP16, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad, đã đưa ra đề xuất thành lập một quỹ đa dạng sinh học chuyên biệt, nhưng đã bị Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ và Nhật Bản bác bỏ. Các quốc gia đang phát triển muốn thành lập một quỹ mới, vì họ không được đại diện đầy đủ trong các cơ chế hiện có như GBFF (Quỹ khung đa dạng sinh học toàn cầu).


Mặc dù vậy, COP16 cũng đã nhất trí thiết lập “Quỹ Cali” từ các khoản thanh toán mà các công ty phải trả cho việc sử dụng dữ liệu tài nguyên di truyền của thực vật và động vật, hay còn được gọi là thông tin trình tự kỹ thuật số về tài nguyên di truyền (DSI), và sau đó chia sẻ một phần quỹ với cộng đồng địa phương nơi sở hữu nguồn đa dạng sinh học này. Quỹ sẽ phân phối 1/2 số tiền thu được cho cộng đồng địa phương nhằm duy trì công tác bảo tồn thiên nhiên. Hội nghị cũng đã thông qua quyết định thành lập một cơ quan thường trực để người bản địa tham vấn về các quyết định của Liên hợp quốc liên quan đến bảo tồn thiên nhiên. Việc thành lập cơ quan tham vấn này được coi là một bước đột phá, công nhận vai trò của người bản địa trong việc bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu, bao gồm một số khu vực có đa dạng sinh học nhất trên hành tinh. Cơ quan tham vấn, cũng sẽ mở rộng đến các cộng đồng địa phương, giúp đưa kiến thức và thực hành truyền thống vào các nỗ lực bảo tồn.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết