Phổ cập số hóa cho người lớn tuổi Nhật Bản: Nhiệm vụ bất khả thi?
Trang Nikkei Asia nhận định các công ty Nhật Bản đang thất bại trong việc “số hóa” thế hệ người già và chìa khóa để giải quyết vấn đề này là các chương trình giáo dục kỹ thuật số.
Tháng 9/2024, Nhật Bản một lần nữa thiết lập một cột mốc mới về tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội. Khoảng 29,3% dân số nước này hiện đã trên 65 tuổi - độ tuổi mà mọi người đủ điều kiện hưởng lương hưu. Với tỷ lệ sinh cũng đang trong tình trạng trì trệ và số lượng người nộp thuế trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi. Con số đó báo hiệu những thách thức mới cho tương lai kinh tế của Nhật Bản. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người quan sát chiến dịch số hóa đang diễn ra của Tokyo.
Phần lớn công việc số hóa xã hội của Chính phủ xoay quanh ý tưởng “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là một phần quan trọng của khái niệm Xã hội 5.0 được phát triển ban đầu dưới thời Chính phủ của cố Thủ tướng Shinzo Abe và dựa trên các ý tưởng một phần được vay mượn từ Liên minh châu Âu (EU). Ý tưởng cơ bản của Xã hội 5.0 là sử dụng các công cụ kỹ thuật số để kết nối và tích hợp toàn bộ xã hội, trong đó có khoảng 2 triệu “hikikomori” (người sống cô lập với xã hội) ở Nhật Bản vào năm 2024 và số lượng ngày càng tăng của những công dân cao tuổi nghỉ hưu.
Ý tưởng là khi được kết nối hoàn toàn và trực tuyến, những cộng đồng và nhóm người lớn tuổi có thể tái tham gia vào nền kinh tế quốc gia, không chỉ hưởng lợi mà còn đóng góp theo nhiều cách mới và có lợi nhuận thông qua những tiến bộ trong công nghệ số. Chính phủ sẽ cung cấp tài trợ cho các công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ vũ trụ ảo (metaverse), thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ số khác để thúc đẩy quá trình số hóa này. Nhưng những sáng kiến, liên quan đến các công nghệ và đổi mới tiên tiến, nhất thiết phải có trình độ hiểu biết về kỹ thuật số mà nhiều cộng đồng mục tiêu đang già đi không có.
Trong một cuộc thăm dò do Nội các tiến hành, hơn 50% số người Nhật Bản trên 70 tuổi cho biết điện thoại thông minh và máy tính bảng là không cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của họ. Thống kê này không liên quan chính xác đến khả năng hiểu biết về kỹ thuật số, nhưng ít nhất nó cũng cung cấp một dấu hiệu về tỷ lệ thấp đến mức đáng kinh ngạc của những công dân Nhật Bản lớn tuổi sử dụng các công cụ kỹ thuật số.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thuyết phục một cá nhân lớn tuổi về những lợi ích của các công nghệ tiên tiến hơn, ngay cả khi các công cụ cơ bản của số hóa vẫn còn xa lạ với họ? Điều này không có nghĩa là người lớn tuổi không thể học cách sử dụng các công cụ tiên tiến mưới. Nhưng nó cho thấy mức độ thách thức mà những người cố gắng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ “analog” sang kỹ thuật số ở một quốc gia đang già hóa nhanh chóng phải đối mặt.
Thách thức chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số đã làm bối rối các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong suốt quá trình số hóa cho đến nay: Đáng chú ý nhất là cựu Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono và những khó khăn của ông với thẻ My Number, một dạng tài liệu an sinh xã hội được số hóa kết hợp thuế, giấy phép lái xe, bảo hiểm và các hình thức thông tin nhận dạng tích hợp khác. Bất chấp những nỗ lực của ông Kono trong việc triển khai thẻ điện tử tích hợp trên toàn quốc, nhiều cuộc thăm dò cho thấy một bộ phận đáng kể dân số phản đối chương trình này. Nhiều người từ chối đăng ký thẻ, với lý do không tin tưởng vào các phương pháp kỹ thuật số mà họ cảm thấy làm tăng nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, rò rỉ và các hình thức gian lận khác.
Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với các công ty viễn thông bao gồm nhà cung cấp điện thoại di động NTT Docomo để cung cấp các lớp học nhằm mục đích hướng dẫn người cao tuổi về lợi ích của điện thoại thông minh và cách sử dụng thẻ My Number, cùng với các công nghệ kỹ thuật số khác. Vào năm 2021, Bộ này đã đặt mục tiêu 5 năm là cung cấp đào tạo công nghệ cho 10 triệu người, đặc biệt nhắm đến các cộng đồng người cao tuổi không quen với các dịch vụ kỹ thuật số. Số liệu tham gia cho thấy mục tiêu của Bộ đã không đạt được, trong khi các quan chức cảm nhận khó khăn đặc biệt trong việc thu hút các nhóm người không có sự quan tâm tích cực trong việc nâng cao trình độ kỹ năng kỹ thuật số của họ.
Điều này đặt ra 2 thách thức chính cho động lực số hóa của Nhật Bản. Thứ nhất, đó là quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Mặc dù là một mục tiêu đáng ngưỡng mộ, nhưng có nghĩa là các sáng kiến số ưu tiên khả năng tiếp cận hơn là tiến bộ công nghệ, làm chậm tốc độ phát triển. Sau cùng, các sáng kiến chỉ có thể phát triển nhanh như trình độ kỹ năng số của người dùng. Thứ hai, như Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và cựu Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono đã phát hiện ra, hiện không có cách nào để buộc người lớn tuổi và những người khác thiếu kỹ năng số tại Nhật Bản chấp nhận số hóa.
Giáo dục thực sự là con đường duy nhất để nâng cao kỹ năng số cho những cộng đồng này. Ý chí để làm như vậy nằm trong khu vực công. Chiến dịch số hóa toàn quốc đòi hỏi ít nhất là trình độ hiểu biết cơ bản về kỹ thuật số ở công dân để có thể thực hiện được. Nhưng giờ đây cũng có thể đến lượt khu vực tư nhân, và đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, chủ động đảm bảo trình độ hiểu biết về kỹ thuật số trước khi nghỉ hưu ở mức cần thiết.
Không có cách nào mà trong một nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, phần lớn người lao động sẽ nghỉ hưu mà không nắm vững các công cụ kỹ thuật số cơ bản như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Phần lớn đời sống xã hội hiện đại đều xoay quanh việc sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh, cũng như quyền truy cập vào nhiều phúc lợi và dịch vụ xã hội. Sẽ là một thất bại về phía người sử dụng lao động nếu một người lao động nghỉ hưu mà không có các kỹ năng kỹ thuật số để truy cập vào các dịch vụ này.
Với tuổi thọ trung bình vào tốp hàng đầu thế giới, một người Nhật Bản có thể sống được một phần tư thế kỷ hoặc hơn sau khi họ nghỉ hưu. Nếu không có các kỹ năng hiểu biết số cơ bản, có khả năng là hàng thập kỷ họ sẽ không được tiếp cận với nhiều nền tảng cơ bản của cuộc sống hiện đại - các công cụ tạo nên một xã hội số hóa không chỉ hiệu quả, tiện lợi và nhanh chóng mà còn vui vẻ, hòa đồng và hòa nhập. Nếu không có những kỹ năng đó, mà các cuộc thăm dò cho thấy tất cả những người trẻ tuổi ở Nhật Bản đều được hưởng ở mức độ cao, thì “khoảng cách số” ngày càng tăng sẽ chỉ cô lập các cộng đồng lớn tuổi khỏi xã hội rộng lớn hơn.
“Nâng cao kỹ năng” đã trở thành một từ thông dụng dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Fumio Kishida, người đã cam kết 1.000 tỷ yen (6,7 tỷ USD) trong 5 năm cho những người lao động muốn nâng cao kỹ năng và đảm nhận những vai trò mới. Các công ty ngày càng đầu tư nhiều thời gian và công sức để nâng cao kỹ năng cho những người lao động trung niên, những người sau đó có thể áp dụng những kỹ năng mới tìm thấy này trong những thập kỷ tới. Những cân nhắc tương tự cũng nên được cung cấp cho những người lao động lớn tuổi đã cam kết phát triển kỹ năng của họ trong nhiều thập kỷ qua.
Các nhà tuyển dụng, bằng cách kết hợp các chương trình đào tạo kỹ năng số vào quy trình nghỉ hưu, có thể ngăn chặn tình trạng nhân viên bị tụt hậu so với một xã hội số hóa hoàn toàn. Họ phải làm như vậy để đảm bảo tất cả nhân viên rời khỏi lực lượng lao động với các công cụ số cần thiết để tồn tại và thậm chí phát triển trong những năm nghỉ hưu sau này./.
Theo TTXVN