Học sinh Ha-i-ti tham gia một buổi học giữ gìn vệ sinh để phòng, chống dịch. Ảnh Liên hợp quốc
Hố sâu ngăn cách giàu-nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn và đang đe dọa tương lai nhân loại. Đó là chủ đề chính được báo Le Monde đề cập đến sau khi kết quả điều tra của Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu (WIR) do tổ chức World Inequality Lab (WIL) thực hiện tại hơn 100 quốc gia được công bố hôm 7/12.
Theo đó, Le Monde nhấn mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là con đường mà nhân loại buộc phải tiến hành trong những thập niên tới và thách thức lớn nhất là bảo đảm được công bằng xã hội trong tiến trình gian nan này.
Nhật báo cánh trung Pháp với tựa đề “Bất bình đẳng hủy hoại hành tinh như thế nào” đã giới thiệu kết quả điều tra chưa từng có của WIR, trong đó tổng kết tình trạng “bất bình đẳng thu nhập và tài sản” từ hai thế kỷ nay, để định vị xem xã hội đương đại đang đứng ở đâu trong lĩnh vực này.
* Bất bình đẳng trong thu nhập
Với COVID-19, các đại gia đã giàu sẽ càng giàu hơn, trong khi người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn. Bài xã luận của Le Monde giải thích rằng hố sâu ngăn cách giàu nghèo không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều với đại dịch COVID-19.
Trong đại dịch, nhóm những người giàu nhất đang trở nên ngày càng giàu hơn, trong khi tình trạng của nhóm những người nghèo khổ bấp bênh nhất lại càng trở nên tệ hại.
Năm 2020, trong khi phải đối mặt với các diễn biến khó khăn của đại dịch, các tỷ phú vẫn kiếm thêm được hơn 3.000 tỷ USD nhờ giá bất động sản và cổ phiếu gia tăng. Hơn 10% dân số giàu nhất thế giới sở hữu đến hơn 3/4 tài sản của nhân loại, trong lúc 50% dân số thế giới, gồm những người nghèo nhất, chỉ sở hữu 2%.
Le Monde nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là nhân tố khoét sâu thêm khoảng cách giàu-nghèo, khác hẳn với nhiều cuộc đại khủng hoảng khác từng khiến khoảng cách này giảm bớt như hai cuộc đại chiến thế giới, hay khủng hoảng kinh tế 1929.
Tại các nước phát triển, chính quyền đã rót những khoản tiền trợ cấp khổng lồ để bảo vệ doanh nghiệp, duy trì thu nhập của người dân và tránh để tình trạng nghèo đói bùng phát. Tuy nhiên, bên hưởng lợi lại phần lớn là các đại gia. Điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh hơn.
Theo Le Monde, có “ba sự thật hiển nhiên” mà chính quyền các nước phải thực hiện. Thứ nhất là không thể tránh khỏi việc tăng thuế nhắm vào các tài sản lớn được hưởng lợi nhờ đại dịch để bù lấp hố ngăn cách giàu-nghèo. Việc cộng đồng quốc tế thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15% các công ty đa quốc gia chỉ là bước đầu.
Thứ hai là cần phải có chính sách thu hẹp bất bình đẳng thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế - hai lĩnh vực vốn được nhiều nơi coi là gánh nặng ngân sách. Về điểm này, việc Mỹ bắt đầu hướng sang học tập mô hình châu Âu, nơi dịch vụ công được coi là phát triển nhất thế giới, là một dấu hiệu tích cực.
Điều hiển nhiên thứ ba là phải bảo đảm gánh nặng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là công bằng. Những gia đình có tài sản lớn nhất phải đóng góp nhiều hơn. Le Monde nhắc lại bài học của phong trào phản kháng “Áo Vàng” tại Pháp, khi gánh nặng “chuyển đổi sinh thái” bị chính quyền đặt chủ yếu lên vai những người nghèo nhất.
Nhật báo cánh trung Pháp khép lại với lời cảnh báo rằng “cuộc khủng hoảng hiện nay bắt buộc thế giới phải tính đến ba sự thật hiển nhiên này trước khi quá muộn”.
* Bất bình đẳng trong vấn đề khí hậu
Cũng về chủ đề bất bình đẳng nhưng ở góc nhìn khác, nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài viết về bất bình đẳng trong trách nhiệm với môi trường, Libération tố cáo các chuyến bay du lịch lên không gian là thủ phạm gây ô nhiễm trầm trọng.
Đây được cho là minh chứng rõ ràng cho tình trạng bất bình đẳng khủng khiếp giữa những người giàu nhất với xã hội. Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa có chuyến bay lên trạm không gian quốc tế ngày 8/12. Ngày 9/12, đến lượt tỷ phú Mỹ Jeff Bezos có chuyến bay lên không gian với 6 người khác. Mỗi chuyến bay như thế xả ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn CO2, trong khi theo yêu cầu thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, để Trái đất không tăng quá 1,5°C, mỗi người dân không được phép phát thải quá 2 tấn CO2/năm.
Libération cho biết, tình hình sẽ càng trở tồi tệ hơn trong những năm tới, khi dịch vụ du lịch không gian phát triển mạnh. Nhật báo này điểm mặt các “thủ phạm” chính của những “hành động điên rồ” này (xét về mặt xã hội và sinh thái) đó là Space X, Blue hay Virgine Galactic.
Libération nhấn mạnh số 10% người giàu nhất thế giới phải chịu trách nhiệm về một nửa số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
* Bất bình đẳng trong tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19
Trang nhất Libération cũng một bài phân tích về bất bình đẳng với tựa lớn “Hãy cấp thật nhanh vaccine cho các nước nghèo nhất”. Libération nhấn mạnh rằng đúng một năm sau khi mũi vaccine ngừa COVID-19 được tiêm lần đầu tiên tại châu Âu, đến nay mới chỉ có 8% dân số ở các nước nghèo nhất nhận được liều vaccine đầu tiên.
Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 65%. Bài xã luận của Libération có tựa đề “Ích kỷ” lưu ý là không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới của virus SARS-CoV-2 đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng mới chỉ là khoảng 25%.
Tờ báo nhắc lại là xác suất cao cho việc virus lan truyền mạnh, dẫn đến các biến thể mới, thường xảy ra ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tờ Libération cảnh báo “sự ích kỷ” của một số nước giàu và tập đoàn dược phẩm có thể dẫn đến hệ quả là trong tương lai xuất hiện một biến thể “kháng được tất cả các vaccine”.
Trong khi đó, các nước nghèo không có đủ vaccine vì rào cản bằng sáng chế. Libération có bài phỏng vấn Chủ tịch tổ chức Bác sỹ Không Biên giới bà Carine Rolland với tựa đề “Chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt cho các sai lầm trong nhiều năm”.
Chủ tịch Carine Rolland kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Bà Carine Rolland cũng chỉ rõ lý do dẫn đến sự bế tắc. Ví dụ cụ thể là công ty BioNtech (Đức) sở hữu vaccine Pfizer chống lại việc dỡ bỏ bằng sáng chế, bởi họ sẽ thu được nhiều lãi nhất khi bán vaccine cho các nước giàu với giá cao, hơn là bán vaccine với giá thấp cho các nước nghèo./.
Theo TTXVN