Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Dư luận xung quanh hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học lớn nhất thế giới

Ngày phát hành: 05/09/2021 Lượt xem 1559

 

Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học lớn nhất thế giới của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Marseille (Pháp) ngày 3/9 là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Hội nghị diễn ra giữa bối cảnh sự đổ vỡ trong các hệ sinh thái với hệ quả là các trận bão lũ lịch sử, hạn hạn, cháy rừng quy mô lớn đang đe dọa kinh tế toàn cầu.


Ba chuyện sống còn đằng sau thuật ngữ « Đa dạng sinh học »


Tờ Le Monde chạy trang nhất với tiêu đề: “Đa dạng sinh học: Một hội nghị để giới hạn thảm họa”. Tiêu đề trang nhất của nhật báo La Croix viết: “Đa dạng sinh học, một tài sản sống”. Nhật báo Le Figaro cũng đăng bài: “Hội nghị tại Marseille để cứu thiên nhiên”. Báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tiêu đề: “Đa dạng sinh học: Chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ cùng chung một trận tuyến”.

Chủ đề chính của hội nghị lần này - do IUCN tổ chức 4 năm một lần (bị hoãn lại 1 năm do đại dịch COVID-19) - là về đa dạng sinh học, trong đó trước tiên bàn về các nỗ lực nhằm bảo vệ tương lai của các hệ động-thực vật trước nguy cơ diệt vong, trong bối cảnh khoảng một triệu giống loài đã bị tuyệt chủng trong những thập niên qua. Theo La Croix, đằng sau thuật ngữ hơi trừu tượng và mang tính chuyên ngành này là các mệnh lệnh hành động khẩn thiết, với ba vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại là khí hậu, y tế và thực phẩm.

Các hệ sinh thái tự nhiên không chỉ là những “giếng cất giữ carbon” quý giá, góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng Trái đất, mà các hệ sinh thái còn là giải pháp cần thiết cho các thách thức khí hậu, giúp cho các xã hội thích nghi được tốt hơn với biến đổi khí hậu. Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên hoang dã, bảo vệ rừng cũng có nghĩa là ngăn ngừa được sự xuất hiện của rất nhiều bệnh truyền nhiễm, các đại dịch, mà đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là một ví dụ. Có đến 75% các bệnh truyền nhiễm tấn công xã hội con người xuất phát từ động vật. Bảo vệ đa dạng sinh học cũng góp phần quan trọng cho an ninh thực phẩm của "hành tinh xanh".

 

Gần 50% GDP toàn cầu có đóng góp cơ bản của « Thiên nhiên »

 

Trong khi đó, theo Le Monde, vấn đề chủ yếu trong các cuộc thảo luận tại hội nghị ở Marseille lần này là tài trợ như thế nào cho việc bảo tồn thiên nhiên. Ai trả tiền để bảo vệ thiên nhiên? Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos) năm 2020 ước tính hơn một nửa tổng sản phẩm toàn cầu có sự góp phần căn bản hoặc rất căn bản của thiên nhiên, bởi vậy đa dạng sinh học và sự suy thoái của các hệ sinh thái gây tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế thế giới.

Ông Gilles Kleitz thuộc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhận định từ hai ba năm trở lại đây, có một sự lo lắng thực sự từ phía giới tài chính khi các doanh nhân có xu hướng đưa rủi ro do đa dạng sinh học gây ra vào các tính toán chiến lược kinh doanh. Để có chiến lược đúng, cần điểm lại tổng thể tình hình để cân nhắc thiệt hơn.

 

Thiên nhiên: 69 tỉ đô để bảo vệ, 4.000 tỉ để phá

 

Theo một kết quả nghiên cứu dài 600 trang, do Bộ Tài chính Anh đặt hàng, nếu như mỗi năm các quốc gia chi ra trung bình 68 tỷ USD để bảo vệ thiên nhiên, thì ngược lại, có đến 4.000 tỷ USD được chi để tài trợ cho các hoạt động hủy diệt thiên nhiên, trong đó có các hoạt động như khai khoáng, hay nông nghiệp thâm canh. Riêng về việc bảo vệ thiên nhiên, báo cáo độc lập Waldron đưa ra số tiền ước tính để bảo vệ thiên nhiên từ 722-976 tỷ USD/năm từ nay đến 2030, trong đó ba phần tư là để hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình kinh tế hiện nay sang hướng đưa bảo tồn thiên nhiên trở thành một mục tiêu của nền kinh tế. Và một phần tư của khoản tiền này sẽ được dành để trực tiếp đầu tư cho các khu bảo tồn.


« Bảo tồn thiên nhiên » tạo hàng chục triệu việc làm

 
Câu hỏi được đặt ra là lấy đâu ra khoản kinh phí khổng lồ trên? Theo Le Monde, chỉ riêng việc phát triển và mở rộng các khu bảo tồn đã góp phần ra tạo nguồn tài chính. Hiện tại, các không gian bảo tồn trên Trái đất chiếm 16% diện tích đất liền và 7,4% diện tích biển. Mục tiêu đang được thúc đẩy hiện nay là nâng diện tích bảo tồn lên 30%. Theo văn phòng McKinsey, nếu tăng đầu tư cho bảo tồn lên từ 24 tỷ USD hiện nay lên 124 tỷ USD, sẽ tạo thêm được 30 triệu việc làm trong các ngành du lịch sinh thái và đánh cá bền vững cùng khoảng nửa triệu việc làm trong ngành bảo tồn.

Riêng về bảo vệ thiên nhiên ở khu vực Địa Trung Hải, đầu tư từ chính quyền các nước và các nhà tài trợ hiện tại chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu, theo người sáng lập Vertige Lab. Để thu hút thêm các nguồn đầu tư, các không gian được bảo vệ phải phát triển các chiến lược thu hút tài chính riêng, trong đó đặc biệt quan trọng là phần đóng góp của du khách, những người được thụ hưởng tài sản thiên nhiên bảo tồn này.


Tạo cơ chế để doanh nghiệp « trả tiền » cho Thiên nhiên

 
Bên cạnh đó là trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp. Cần phải đưa các ảnh hưởng đến đa dạng sinh học vào việc đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, để đo lường và xác định phần đóng góp của doanh nghiệp. Theo nhà kinh tế môi trường Harold Levrel, Giáo sư tại AgroParisTech, việc xây dựng hệ quy chiếu và các chỉ báo để theo dõi, đánh giá và kiểm soát tác động môi trường của các hoạt động doanh nghiệp hiện là một mảng trống trong hiện tại. Đây là điều thế giới đã làm được trong lĩnh vực khí hậu và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Một khi các tiêu chuẩn này được xác lập, chính phủ các nước có nghĩa vụ phải xác lập các hành lang pháp lý để chuyển các luồng đầu tư tài chính hướng về các hoạt động có lợi cho môi trường và đa dạng sinh học.

Le Monde cũng đăng tải bài viết "Các trái phiếu xanh còn quá mơ hồ" của phóng viên Joel Morio chuyên về tài chính, trong đó cho biết cụ thể hơn về thực trạng đầu tư tài chính cho bảo vệ đa dạng sinh học hiện nay. Theo tác giả, nhiều công cụ khuyến khích đầu tư đang dần được xác lập, cho dù những lợi hại về mặt kinh tế gắn với đa dạng sinh học là điều vẫn còn khá xa lại với giới đầu tư./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết