Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Cạnh tranh Mỹ-Trung về đào tạo nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Ngày phát hành: 15/08/2021 Lượt xem 1231


Theo báo Liên hợp buổi sáng, báo cáo nghiên cứu mới nhất cho thấy số lượng tiến sỹ chuyên ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 5 năm tới. Tình hình này, nếu tiếp tục kéo dài, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng thực tế trên nên gióng lên hồi chuông cảnh báo với Mỹ. Các trường đại học của nước này cần duy trì môi trường học thuật cởi mở, tự do, tiếp tục chào đón sinh viên quốc tế khắp toàn cầu tham gia nghiên cứu và đóng góp cho lĩnh vực khoa học và công nghệ của Mỹ.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất do Trung tâm nghiên cứu an ninh và công nghệ mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown công bố cho thấy, năm 2000, số lượng bằng tiến sỹ do các trường đại học Mỹ cấp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) nhiều gấp đôi so với các trường đại học Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2007, số lượng tiến sỹ trong ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.

Trong 10 năm qua, số lượng tiến sỹ khoa học, công nghệ và kỹ thuật do Trung Quốc đào tạo luôn tăng ổn định. Một số chuyên gia phân tích cho rằng căn cứ vào quy mô tuyển sinh hiện nay, ước tính đến năm 2025, số lượng tiến sỹ tốt nghiệp chuyên ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật hàng năm của Trung Quốc sẽ cao gần gấp đôi so với Mỹ.

Stephen Ezell, Phó Chủ tịch “Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin” (ITIF), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ cho rằng đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo đối với Mỹ. Ông Stephen Ezell nhấn mạnh Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo với Mỹ. Một vấn đề then chốt khác là Trung Quốc đang tích cực rút ngắn khoảng cách về phương diện đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) so với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia thiết kế chương trình giảng dạy đại học của Mỹ cho rằng quan điểm cho rằng thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo với Mỹ dường như hơi cường điệu, song quả thực sự thay đổi về lượng thường dẫn đến sự thay đổi về chất. 

Theo tiến sỹ Berlin Fang, Giám đốc thiết kế chương trình giảng dạy của Đại học Abilene Christian, chỉ cần Mỹ duy trì sức mạnh cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học ở trong nước, đồng thời cung cấp môi trường nghiên cứu thân thiện cho các nhân tài hàng đầu thế giới, thì ngay cả khi số lượng tiến sỹ do Trung Quốc đào tạo nhiều hơn, Mỹ cũng không cảm thấy lo ngại.

Tiến sỹ Berlin Fang nhấn mạnh, Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc đào tạo nhân tài khoa học, công nghệ và kỹ thuật của mình. Do đó, tại sao Mỹ không tập trung nhiều nguồn lực hơn để nâng cao chất lượng giáo dục trong nước? Mỹ nên căn cứ vào tiềm lực bồi dưỡng sáng tạo và tiến bộ của mình để đánh giá sức cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật.

Báo cáo nghiên cứu của CSET đưa ra kết luận rằng xuất phát từ việc Trung Quốc dự kiến sẽ đào tạo số lượng tiến sỹ khoa học, công nghệ và kỹ thuật gấp đôi so với Mỹ vào năm 2025, cộng thêm quy mô đầu tư của Trung Quốc đối với giáo dục đại học, cũng như sự cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khoảng cách về nhân tài trong các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật của hai nước có thể sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Jack Corrigan, một trong những tác giả của bản báo cáo này nhận xét, sở dĩ báo cáo đưa ra kết luận này là do các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học tổng hợp (SynBio) và máy tính lượng tử… sẽ định hình lại cục diện kinh tế và an ninh của một quốc gia. Do đó, các nước muốn cạnh tranh trong những ngành công nghiệp mới nổi này cần phải bồi dưỡng lực lượng nhân tài khoa học, công nghệ và kỹ thuật hùng hậu.

Theo ước tính trong báo cáo của CSET, đến năm 2025, các trường đại học của Trung Quốc sẽ đào tạo hơn 77.000 tiến sỹ tốt nghiệp chuyên ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật mỗi năm. Con số này của Mỹ chỉ vào khoảng 40.000. Nếu trừ đi số lượng tiến sỹ người Trung Quốc theo học ở Mỹ trong số đó, thì tỷ lệ tiến sỹ đào tạo tại Trung Quốc sẽ cao gấp 3 lần so với Mỹ.

Tuy nhiên, việc chấn chỉnh, khôi phục và đẩy nhanh phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc diễn ra khá muộn, chỉ thực sự bắt đầu cách đây khoảng 20 năm. Trong thời gian này, rất nhiều trường đại học chạy theo xếp hạng số lượng luận văn, cơ cấu hóa nghiêm trọng việc đào tạo nhân tài hàng đầu, cũng như các hiện tượng gian lận trong học thuật như sao chép luận văn, thuê người viết luận văn… diễn ra tương đối phổ biến. Vì vậy, một số chuyên gia phân tích hoài nghi, liệu chất lượng đào tạo tiến sỹ khoa học, công nghệ và kỹ thuật của Trung Quốc có thể so sánh với chất lượng đào tạo tiến sỹ khoa học, công nghệ và kỹ thuật của các trường đại học của Mỹ hay không?./.


Theo TTXVN tại Hong Kong

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết