Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Nguồn cội gây ra tình trạng bất bình đẳng và cách giải quyết

Ngày phát hành: 10/08/2021 Lượt xem 1250

 

Project Syndicate (9/8): Tác giả Kenneth Rogoff, Giáo sư về Kinh tế và Chính sách công tại trường Đại học Harvard và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong một bài viết được đăng trên tạp chí Project Syndicate đã nhận định rằng chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương là động lực làm trầm trọng thêm tình trạng bình đẳng thu nhập. 

Theo chuyên gia này, việc các ngân hàng trung ương ngày nay liên tục nhắc đến những cụm từ như “tăng trưởng công bằng” hay “dấu ấn phân bổ của chính sách tiền tệ” cho thấy giới hoạch định chính sách đang cảm thấy quan ngại về sự gia tăng bất bình đẳng ngày một nới rộng trên thế giới. 

Tuy nhiên, liệu chính sách tiền tệ có phải là nguyên nhân gây ra vấn đề này và liệu đây có phải là công cụ phù hợp để giúp phân phối lại thu nhập xã hội hay không vẫn là điều cần được thảo luận.

* Chính sách tiền tệ nới lỏng không phải lý do duy nhất khiến lãi suất giảm

Gần đây, một loạt bình luận đã chỉ ra rằng chính sách của ngân hàng trung ương là động lực chính gây ra sự bất bình đẳng. Nói một cách đơn giản, mọi người thường nghĩ rằng môi trường lãi suất siêu thấp đã đẩy giá các loại tài sản như cổ phiếu, nhà cửa, đồ mỹ nghệ, du thuyền… lên cao. Điều này khiến những người khá giả, và đặc biệt là giới siêu giàu, được hưởng lợi một cách không cân xứng. Lập luận này thoạt đầu có vẻ hợp lý, nhưng khi tiến hành phân tích sâu hơn, các chuyên gia lại nhận thấy cơ sở cho những lập luận này không vững. 

Trước tiên, việc các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế là động lực chính đẩy lãi suất xuống thấp. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, yếu tố chính khiến lãi suất có xu hướng giảm không chỉ là chính sách tiền tệ mà còn là tỷ lệ dân số già, tốc độ tăng trưởng năng suất thấp, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và nỗi sợ hãi kéo dài của việc sống trong một thời đại mà khủng hoảng xảy ra thường xuyên hơn. 

Tất nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (hoặc bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác) có thể bắt đầu lộ trình tăng lãi suất chính sách. Điều này về cơ bản có thể giúp cải thiện tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo song lại tàn phá thị trường chứng khoán. 

Ngoài ra trong dài hạn, quyết định này gần như chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc suy thoái lớn hơn với tỷ lệ thất nghiệp cao ở những người lao động có thu nhập thấp. Cùng với đó, tầng lớp trung lưu có thể nhận thấy giá trị ngôi nhà hoặc quỹ lương hưu của họ giảm mạnh.

Trong khi đó, sự thống trị toàn cầu của đồng USD khiến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển cực kỳ dễ bị tổn thương trước các quyết định tăng lãi suất của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Hậu quả là 1% các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu sẽ bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, trong khi hàng trăm triệu người ở các nền kinh tế nghèo và thu nhập trung bình thấp sẽ phải chịu thiệt thòi.

* Giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập: Một cách tiếp cận khác

Giới chuyên gia cho rằng, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và việc các chính sách quản lý giờ đây đang trở nên tinh vi hơn nhiều, các nhà kinh tế học có thể sẽ tìm ra những thước đo tốt hơn để đánh giá các đặc tính ổn định của chính sách tiền tệ.

Ngày nay, với vai trò điều tiết của mình, các ngân hàng trung ương có thể phần nào giải quyết được tình trạng bất bình đẳng. Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, các ngân hàng về cơ bản được yêu cầu cung cấp các tài khoản cơ bản miễn phí hoặc với chi phí rất rẻ cho hầu hết công dân có thu nhập thấp.

Tại Mỹ, vấn đề này có thể được giải quyết một cách dễ dàng nếu Fed phát hành một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, Washington đã không làm vậy.

Theo chuyên gia Kenneth Rogoff, việc điều chỉnh lãi suất như một công cụ của chính sách tiền tệ đã trở thành một “con dao quá cùn” để cải thiện tình trạng bất bình đẳng. Trong khi đó, chính sách tài khóa - bao gồm các chính sách thuế, chuyển nhượng và chi tiêu chính phủ có mục tiêu - sẽ hiệu quả và mạnh mẽ hơn nhiều.

Một giải pháp phổ biến cho vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, được các nhà kinh tế học Emmanuel Saez và Gabriel Zucman của Đại học California ủng hộ là thuế tài sản. Mặc dù vậy, đây là ý tưởng rất khó thực hiện một cách công bằng và lịch sử cho thấy cách tiếp cận này chưa từng mang lại kết quả tích cực tại các nền kinh tế tiên tiến. Do đó, những cách tiếp cận đơn giản hơn, chẳng hạn như cải cách thuế bất động sản và tăng thuế lợi tức vốn, có thể mang lại kết quả tương tự.

Một ý tưởng khác sẽ là chuyển sang hệ thống thuế tiêu dùng lũy tiến, một phiên bản phức tạp hơn của thuế giá trị gia tăng hoặc thuế bán hàng đánh vào những người nắm giữ của cải khi họ tiêu tiền. Ngoài ra, thuế carbon cũng là ý tưởng giúp làm tăng thu khổng lồ, nguồn thu này sau đó có thể được dùng để “rót tiền” vào túi đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Một số chuyên gia có thể lập luận rằng sự phức tạp của các nền tảng chính trị có nghĩa là các đề xuất tái phân phối tài sản xã hội kể trên sẽ không thể được thực hiện một sớm một chiều, và do đó các ngân hàng trung ương cần đứng ra giải quyết. 

Tuy nhiên, quan điểm này dường như quên rằng mặc dù các ngân hàng trung ương có một sự độc lập nhất định trong quá trình hoạt động, họ không được trao quyền ra các quyết định liên quan đến chính sách tài khóa.

Khi tình trạng nghèo cùng cực đã giảm ở nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây, bất bình đẳng lại trở thành thách thức xã hội hàng đầu. Mặc dù vậy, suy nghĩ cho rằng chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương là động lực chính thúc đẩy sự gia tăng bình đẳng thu nhập cho thấy sự phi thực tế.

Theo chuyên gia Kenneth Rogoff, các ngân hàng trung ương không phải là không thể làm gì để cải thiện tình trạng này, nhưng họ không thể đứng ra thay các cơ quan quản lý làm tất cả mọi thứ./. 


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết