Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tiến bộ của khoa học trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu

Ngày phát hành: 03/08/2021 Lượt xem 1406


Từ lâu, giới khoa học đã hiểu về biến đổi khí hậu. Trong một nghiên cứu vào năm 1856, nhà khoa học nữ Eunice Foote từng kết luận khí CO2 hấp thụ mạnh mẽ nhiệt trong khí quyển. Nếu tỷ lệ CO2 trong không khí cao hơn so với mức thông thường, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science and Arts này sau đó nhanh chóng bị lãng quên.
Công trình của nhà khoa học Foote đã được nghiên cứu lại trong những năm gần đây và hiện được xem như một phần trong cuộc nghiên cứu đa thế hệ kéo dài khoảng 200 năm để làm sáng tỏ những bí ẩn về khí hậu và các hoạt động gần đây của con người tác động ra sao đến khí hậu.
Đề cập đến nghiên cứu của bà Foote, tác giả Alice Bell của cuốn sách mới xuất bản gần đây về cuộc khủng hoảng khí hậu – "Our Biggest Experiment" (tạm dịch: Cuộc thử nghiệm lớn nhất của chúng ta) cho rằng nhà khoa học người Mỹ và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ này hẳn không biết được toàn bộ ý nghĩa kết quả nghiên cứu phi thường của mình.
Nghiên cứu của bà Foote ra đời vào thập kỷ mà Mỹ bắt đầu khai thác dầu mỏ và cũng là giai đoạn mà giới khoa học ngày nay dùng làm cơ sở để nghiên cứu về sự nóng lên toàn cầu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Bà Foote đã tiến hành một thí nghiệm đơn giản. Bà lần lượt bơm vào 3 xi lanh khí thông thường, không khí ẩm và CO2 rồi đặt chúng dưới ánh Mặt Trời và bóng râm để so sánh. Bà Foote nhận ra rằng xi lanh chứa CO2 nóng hơn nhiều so với 2 xi lanh còn lại và mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt. Dù nhà nghiên cứu này chưa thể phân biệt được giữa bức xạ hồng ngoại phát ra từ bề mặt Trái Đất và bức xạ Mặt Trời đến Trái Đất, nhưng đây có lẽ là thí nghiệm đầu tiên được ghi nhận về khả năng khí CO2 khiến hành tinh của chúng ta nóng lên.
Vài năm sau, năm 1861, nhà khoa học nổi tiếng người Ireland John Tyndall đã tiến hành một thí nghiệm chặt chẽ hơn cho thấy hơi nước và khí CO2 hấp thu bức xạ hồng ngoại – cơ chế hiệu ứng nhà kính. Ông cho rằng “mọi biến thể” của hơi nước hoặc CO2 chính là yếu tố gây ra sự biến đổi khí hậu và lưu ý đến những khí hydrocarbon khác như metan cũng có thể gây ra biến đổi khí hậu.
Tháng 12/1882, một bức thư gửi tới tòa soạn được xuất bản trên tạp chí Nature trích dẫn công trình nghiên cứu của ông Tyndall. Trong thư được ký tên H. A. Phillips, tác giả viết rằng: “Từ đây, chúng ta có thể kết luận mức độ ô nhiễm ngày càng tăng của khí quyển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến khí hậu của thế giới”. Đây là một trong những ấn phẩm sớm nhất cho thấy mối liên hệ giữa khí thải do con người gây ra và biến đổi khí hậu.
Nhà khoa học Thụy Điển từng đoạt giải Nobel, Svante Arrhenius, là người đầu tiên thực hiện các ước tính định lượng về tác động của CO2 với biến đổi khí hậu. Năm 1896, ông tính toán rằng nhiệt độ ở một số khu vực tại Bắc Cực sẽ tăng 8 hoặc 9 độ C nếu CO2 tăng lên 2,5 hoặc 3 lần mức hiện tại lúc bấy giờ. Con số mà nhà khoa học này đưa ra có phần thận trọng: Trên thực tế, kể từ năm 1900, do các hoạt động của con người, nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng từ khoảng 300 ppm (parts per million – đơn vị đo nồng độ của CO2 trong không khí) lên khoảng 417 ppm, và Bắc Cực đã ấm lên khoảng 3,8 độ C.
Năm 1975, nhà khoa học Wallace Broecker đã viết một bài báo đặt ra câu hỏi: “Liệu chúng ta  đang ở bên bờ vực của sự nóng lên toàn cầu đã được báo trước” và từ đó cụm từ “nóng lên toàn cầu" trở thành một khái niệm phổ biến.
Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao kỷ lục, năm 1988, nhà khoa học James Hansen phát biểu trước phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng “hiệu ứng nhà kính đã được phát hiện và hiện tượng này đang làm thay đổi khí hậu”.
Cùng năm đó, Liên hợp quốc đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Kể từ đó, khoa học nghiên cứu về khí hậu trở nên phát triển hơn. Các báo cáo của IPCC trình bày chi tiết về tốc độ nóng lên toàn cầu cũng như mức độ khẩn cấp của tình trạng này trong khi các nhà khoa học ngày nay có thể đưa ra cảnh báo nắng nóng, mưa bão hoặc cháy rừng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Tác giả Alice Bell cho rằng: “Không có khoảnh khắc lóe sáng của thiên tài vĩ đại trong khoa học nghiên cứu biến đổi khí hậu. Khoa học nghiên cứu về khí hậu là một câu chuyện của con người qua nhiều thế kỷ và các quốc gia, các ngành khác nhau hành động cùng nhau, từng bước học hỏi nhiều hơn nữa”.  
Bà Bell nhấn mạnh với bằng chứng về biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao kỷ lục, giờ đây chúng ta không thể phớt lờ. Qua hàng thập kỷ, các công trình khoa học đã trang bị cho con người ngày nay cả kiến thức và công nghệ, giúp con người có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, lúc này các xã hội phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn những tác động “thảm khốc nhất” do biến đổi khí hậu./.


Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết