Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2024

Giải pháp chống cô đơn trong xã hội hiện đại của Hàn Quốc

Ngày phát hành: 27/11/2024 Lượt xem 85

   


Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bối cảnh số người cảm thấy cô đơn gia tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) vừa công bố sáng kiến mang tính đột phá mang tên “Dự án Đối thoại Văn hóa”. Mục tiêu của dự án này là thúc đẩy sự tham gia văn hóa trong cộng đồng, sử dụng sức mạnh của văn hóa để giảm bớt cảm giác cô đơn và tạo dựng các kết nối xã hội bền vững.


Theo khảo sát của MCST năm 2023, 70% số người dân Hàn Quốc được hỏi thừa nhận rằng họ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Đây là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy tình trạng cô đơn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở đất nước này, đe dọa sức khỏe tinh thần và xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, tình trạng cô đơn có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường, như trầm cảm và cô lập xã hội, làm tổn hại không chỉ cá nhân mà cả nền kinh tế, với chi phí lên đến 7.500 tỷ won (5,4 tỷ USD) mỗi năm.


Nhận thấy tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề này, MCST đã đặt niềm tin vào văn hóa như một phương tiện mạnh mẽ để tạo ra sự kết nối và nâng cao hạnh phúc trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Yu In Chon nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng văn hóa có thể làm tăng sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống của người dân, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách".


Dự án Đối thoại Văn hóa sẽ khởi động bằng các sự kiện văn hóa kết nối cộng đồng, nơi nghệ thuật và nhân văn trở thành cầu nối giữa những người cô đơn.


Ngày 27/11, Thư viện quốc gia Hàn Quốc sẽ tổ chức sự kiện "Mind Walking", nơi các nhà thơ đọc tác phẩm và chia sẻ câu chuyện của những người đã trải qua cảm giác cô lập. Đây không chỉ là dịp để thưởng thức nghệ thuật mà còn là không gian mở để những ai cảm thấy lạc lõng tìm thấy sự đồng cảm và kết nối.


Tiếp đó, trong tháng 12, MCST sẽ tiếp tục tổ chức một hội thảo đặc biệt về "Vai trò của chính sách văn hóa trong thời đại cô đơn", với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như tâm lý học, nhân văn và tôn giáo. Song song với đó, một không gian pop-up tại phố Seongsu ở thủ đô Seoul sẽ là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc, hội thảo và chương trình nghệ thuật để khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp cộng đồng vượt qua nỗi cô đơn.


Đặc biệt, chương trình "Con tàu nhân văn" sẽ được triển khai thí điểm tại các khu vực như Uljin, Andong và Yeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, nhằm kết nối trái tim mọi người qua các hoạt động văn hóa và giúp họ trải nghiệm không khí cộng đồng ấm áp tại địa phương.


Không chỉ hướng đến thế hệ trẻ, dự án cũng đặc biệt chú trọng đến nhóm người trung niên, tổ chức các chương trình giúp họ vượt qua nỗi cô đơn tại các không gian văn hóa dành riêng cho người cao tuổi. Rạp chiếu phim Gwangju cũng sẽ tổ chức liên hoan phim tài liệu với chủ đề "nỗi cô đơn trong xã hội hiện đại", mở ra không gian giao lưu, chia sẻ.


Dự án Đối thoại Văn hóa đang tạo ra cơ hội quý giá để người dân tìm lại niềm vui, sự kết nối và cảm giác thuộc về cộng đồng trong một thế giới đầy biến động. Những hoạt động này không chỉ giúp giảm bớt nỗi cô đơn, mà còn góp phần xây dựng một xã hội gắn kết hơn trong tương lai./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết