Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên không gian mới do tư nhân dẫn dắt

Ngày phát hành: 26/05/2023 Lượt xem 652

 Tên lửa Nuri được phóng từ Trung tâm không gian Naro, phía Tây Nam Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap


Với thành công của lần phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri thứ 3 do nước này tự chế tạo ngày 25/5, Hàn Quốc đã thực hiện được bước đầu tiên hướng tới kỷ nguyên không gian mới. Đó là phát triển không gian do lĩnh vực tư nhân dẫn dắt.

Theo báo Hankuk Ilbo, so với các cường quốc không gian như Mỹ, tiến trình này có thể nói là còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng khi các công ty tư nhân tham gia vào quá trình phóng và cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh tư nhân, khu vực tư nhân của Hàn Quốc đã mở đường cho những tiến bộ vượt bậc trong tương lai khi tiến vào chinh phục không gian.

Theo kế hoạch, vào năm 2025, sau lần ra mắt thứ 4 của tên lửa vũ trụ Nuri do tập đoạn Vũ trụ Hanwha (Hanwha Aerospace) dẫn đầu, phong trào Không gian mới của Hàn Quốc dự kiến sẽ có những bước bứt tốc mới.

Đặc điểm lớn nhất của tên lửa đẩy Nuri được phóng ngày 25/5 là mang theo vệ tinh thực nghiệm với sứ mệnh cụ thể. Đây là lần đầu tiên một phương tiện phóng do Hàn Quốc tự chế tạo mang theo vệ tinh thực tế.

Mặc dù trong các vụ phóng trước đây, tên lửa đẩy Nuri đã mang các vệ tinh nhưng đều là các vệ tinh mô phỏng có kích thước và trọng lượng như các vệ tinh thực nghiệm. Trong lần phóng thứ hai vào năm 2022, vệ tinh mô phỏng có trọng lượng khoảng 1,3 tấn và vệ tinh xác minh hiệu suất có trọng lượng 200 kg đã được đưa lên quỹ đạo.

Khi Hàn Quốc đã khẳng định thành công trong lĩnh vực chế tạo phương tiện phóng, mục tiêu tiếp theo sẽ chuyển sang tính năng và công nghệ của vệ tinh. Vệ tinh chính được lắp trên tàu lần này là vệ tinh nhỏ thế hệ thứ 2 (NEXTSAT-2) có thể quan sát mặt đất bất kể ngày đêm.

Vệ tinh quan sát thế hệ thứ nhất được phóng lên vào tháng 12/2018 nhờ tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Tuy nhiên, trong lần phóng này, tên lửa hoàn toàn do Hàn Quốc sản xuất đã thành công trong việc đưa vệ tinh thế hệ thứ 2 vào quỹ đạo.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Vũ trụ Quốc gia Ahn Hyeong-joon, cho biết từ lần phóng tên lửa KSR-1 vào năm 1993 đến lần phóng thứ hai của Nuri vào năm 2022, Hàn Quốc đã hoàn thiện quá trình phát triển và thử nghiệm các phương tiện phóng.

Mặc dù còn nhiều nhiệm vụ phải giải quyết như nâng cấp phương tiện phóng và giảm chi phí phóng, nhưng giới chuyên môn đánh giá rằng lần phóng thứ ba của Nuri đã đặt nền móng cho việc thiết lập hệ thống dịch vụ đưa vệ tinh theo hợp đồng vào vũ trụ.

Trong vụ phóng ngày 25/5, ngoài vệ tinh nhỏ thế hệ thứ 2 và Toyosaat 4, ba vệ tinh lập phương do ba đơn vị tư nhân gồm Justek, Lumir, Kairo Space phát triển. Điều này là một bước tiến lớn so với việc tất cả các vệ tinh khối lập phương đều được chế tạo tại các trường đại học trong lần phóng thứ hai.

Chuyên gia Park Eung-sik, Trưởng phòng Kế hoạch và Điều phối của Viện nghiên cứu vệ tinh thuộc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết 3 vệ tinh của 3 công ty tư nhận được lựa chọn thông qua cuộc tuyển chọn công khai do viện tổ chức.

Dù chưa đạt đến giai đoạn thương mại hóa như quy trình với SpaceX, nhưng lợi ích mà các công ty vũ trụ tư nhân trong nước sẽ thu được khi có dịch vụ phóng vệ tinh tại Hàn Quốc là không thể bỏ qua.

Theo giới chuyên môn, nếu lọt vào danh sách doanh nghiệp khởi nghiệp vệ tinh, các công ty không chỉ mở ra khả năng kinh doanh trong lĩnh vực nhiều tiềm năng, có thế bán vệ tinh cho các nước mà còn là động lực cho các dự án lớn hơn. Nói cách khác, vụ phóng thành công tên lửa đẩy Nuri, giúp nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian của Hàn Quốc có được hồ sơ tốt.

Shin Kyung-ho, Giám đốc điều hành của Cairo Space, người có kinh nghiệm về các vụ phóng vào không gian thông qua lần phóng thứ ba của Nuri nhận định sự kiện này đã mở ra cơ hội tuyệt vời cho các công ty khởi nghiệp không gian để xây dựng và vận hành các vệ tinh trong không gian.

Cairo Space là một công ty có đủ kỹ năng được công nhận để tham gia sản xuất máy ảnh phân cực trường rộng cho Danuri, tàu quỹ đạo Mặt Trăng đầu tiên của Hàn Quốc được phóng vào năm 2022, nhưng công ty này vẫn chưa có kinh nghiệm phóng một vệ tinh tự phát triển vào không gian. Đó là thử thách không dễ dàng vì nó đòi hỏi vốn đầu tư lớn và phụ thuộc vào lịch trình của các vụ phóng vệ tinh lớn. Tuy nhiên, Cairo Space đã nắm bắt cơ hội để lên Nuri 3 và có được lịch sử phóng và vận hành vệ tinh.

Cơ hội cho các công ty tư nhân tham gia dự kiến sẽ tăng tỷ lệ thuận với số lần ra mắt các đợt phóng của Nuri. Cho đến năm 2027, tên lửa đẩy Nuri dự kiến sẽ được phóng thêm 3 lần. Trong lần phóng thứ 4 vào năm 2025, Công ty Hanwha Aerospace sẽ chủ trì toàn bộ tiến trình phóng.

Ahn Hyeong-joon, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, giờ đây các vệ tinh nhân tạo như video, thông tin liên lạc và điều hướng đã trở thành cơ sở hạ tầng cốt lõi của quốc gia. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu Hàn Quốc đã bắt đầu làm chủ việc vận hành một phương tiện đi vào vũ trụ bằng công nghệ của chính mình.

Ngày 25/5, Hàn Quốc thông báo vụ phóng tên lửa đẩy vũ trụ Nuri do nước này tự chế tạo đã thành công. Tên lửa Nuri đã hoàn thành sứ mệnh đưa 8 vệ tinh thực nghiệm vào quỹ đạo. Với kỳ tích mới này Hàn Quốc gia nhập Nhóm 7 cường quốc vũ trụ cùng với Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là những nước đã thành công trong việc đưa một vệ tinh nội địa lên quỹ đạo bằng một tên lửa nội địa./.


Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết