Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính để thực hiện bảo trợ xã hội ở Trung Quốc và một số gợi ý cho Việt Nam ​

Ngày phát hành: 12/04/2023 Lượt xem 1648


1. Quá trình phát triển hệ thống bảo trợ xã hội tại Trung Quốc

 

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên thế giới với hơn 1,4 tỷ người năm 2021, tương đương với 17,9% tổng dân số thế giới[1]. Tuy nhiên, do tỷ lệ sinh thấp, chủ yếu bởi ảnh hưởng của chính sách một con được thực hiện trong gần bốn mươi năm (1979-2016), trong thập kỷ vừa qua, tháp dân số phân theo độ tuổi của Trung Quốc cho thấy quốc gia này đang có xu hướng dịch chuyển nhanh chóng sang tháp dân số già hoá. Năm 2022, khoảng 68,2% dân số đang trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi, và khoảng 14,9% dân số nằm ở nhóm tuổi từ 65 trở lên. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới dự báo, đến năm 2050, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia có tỉ lệ dân số thuộc nhóm tuổi trên 65 nhiều nhất trên thế giới[2].

 

Hình 1: Tháp tuổi của dân số Trung Quốc giai đoạn 2012-2022

 

 

Nguồn: Statista, 2023[3]

 

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 45 năm mở cửa đã kéo theo sự chuyển dịch sâu sắc trong cơ cấu ngành, cơ cấu lực lượng lao động, sự phân bổ ở khu vực nông thôn và thành thị... Tỉ lệ đô thị hoá cao cũng đặt ra những thách thức cho hệ thống bảo trợ xã hội trong nước. Do đòi hỏi của hệ thống đăng ký hộ khẩu hành chính, lượng lớn những người lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì bảo hiểm y tế và hỗ trợ xã hội.

 

Bên cạnh quy mô dân số lớn, cũng như đa số các nước đang phát triển khác, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển như sự mất cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, trình độ học vấn của người dân thấp, thiếu nguồn lực chăm sóc y tế và nhà ở... Những vấn đề này đòi hỏi Trung Quốc phải thiếp lập một hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.

Sự phát triển của hệ thống bảo trợ xã hội Trung Quốc có thể được chia thành hai giai đoạn chính: giai đoạn trước đổi mới kinh tế (1949-1978) và sau đổi mới kinh tế (1978 cho đến nay).

 

* Giai đoạn thứ nhất: Trước đổi mới kinh tế (1949-1978)

Hệ thống bảo trợ xã hội của Trung Quốc bắt đầu được thực hiện từ những năm 49-50 của thế kỷ trước, với sự ra đời của Điều lệ bảo hiểm xã hội năm 1951. Hệ thống bảo hiểm lao động được xem là biểu tượng của việc thành lập hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại của Trung Quốc do phạm vi bao phủ rộng, bảo vệ toàn diện và cung cấp nhiều quyền lợi cho gia đình người lao động[4]. Sau đó, một loạt các chính sách bảo trợ xã hội với chế độ đơn vị nhà nước điển hình được thiết lập, trong đó bảo trợ xã hội chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn ngân sách công và người dân được hưởng lợi ích chung bất kể những đóng góp của họ. Giai đoạn kinh tế kế hoạch hoá này, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc cung cấp bảo trợ xã hội do nắm giữ các nguồn lực xã hội lớn và có tính tập trung, tổ chức cao.

 

Trên cơ sở sử dụng hệ thống hộ khẩu để phân chia dân cư nông thôn và thành thị, Trung Quốc thiết lập hai hệ thống bảo trợ xã hội riêng biệt, thể hiện rõ đặc trưng của thuyết nhị nguyên trong khuôn khổ bảo trợ xã hội[5]. Trong đó, Nhà nước cung cấp các dịch vụ và phúc lợi tương đối toàn diện cho cư dân thành thị, đặc biệt là những người lao động trong các tổ chức việc làm và hệ thống các doanh nghiệp nhà nước. Mỗi tổ chức trở thành một đơn vị thực hiện bảo trợ xã hội, hoạt động khép kín và phụ thuộc vào nhà nước. Mặt khác, nhà nước cung cấp và hỗ trợ khá hạn chế cho cư dân thành thị và nông thôn không thuộc hệ thống các cơ quan tổ chức.

 

Ở khu vực nông thôn, sự hình thành và phát triển của hệ thống phúc lợi tập thể chủ yếu được đánh dấu bằng Hệ thống Hỗ trợ Năm Đảm bảo và Hệ thống Y tế Hợp tác. Trong đó, hệ thống hỗ trợ năm bảo đảm là một loại hệ thống trợ giúp xã hội cho những người nông dân già yếu, mồ côi, góa bụa, tàn tật không nơi nương tựa. Hệ thống này giúp bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành viên xã hội dễ bị tổn thương nhất ở khu vực nông thôn, và đồng thời làm nổi rõ tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa.[6]

 

Tóm lại, trong thời kỳ này, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống bảo trợ xã hội dựa trên tập thể, tuy có sự chênh lệch lớn giữa mức độ phúc lợi của thành thị và nông thôn, nhưng không tạo ra bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng. Trước cuộc cải cách kinh tế cuối thập kỷ 70, chính phủ Trung Quốc đã đảm bảo thành công các nhu cầu cơ bản của người dân mặc dù nền kinh tế không phát triển, với hệ thống xã hội thậm chí còn phát triển hơn hệ thống kinh tế[7]. Có thể nói, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhà nước xã hội chủ nghĩa non trẻ Trung Quốc giai đoạn này đã tiến hành nhiều chính sách bảo trợ xã hội tiến bộ, trong đó, nhà nước là chủ thể duy nhất thực hiện việc cung cấp bảo trợ xã hội. Thị trường hoặc các tài trợ phi chính phủ đều không hề tồn tại.

 

* Giai đoạn thứ hai: Sau đổi mới kinh tế (1978 cho đến nay)

Kể từ khi bắt đầu chính sách cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chuyển đổi kinh tế xã hội trên quy mô lớn, trong đó, nhà nước tập trung vào phát triển kinh tế và tạo ra các chính sách kinh tế. Giai đoạn 1978-2019, tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là khoảng 8.4%, GDP bình quân đầu người tăng từ 333 đô-la năm 1991 lên 10,217 đô la năm 2019[8]. Các chính sách bảo trợ xã hội được điều chỉnh để phục vụ nền kinh tế, hướng tới việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng trưởng kinh tế. Do đó, giai đoạn này Trung Quốc đã tiến hành một loạt cải cách đối với hệ thống bảo trợ xã hội để phù hợp hơn với yêu cầu cải cách doanh nghiệp nhà nước. Quá trình chuyển đối và phát triển kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã đồng thời tạo ra một hệ thống bảo trợ xã hội trong đó nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân cùng chia sẻ trách nhiệm.[9]

 

Giữa thập kỷ 80, Trung Quốc tiến hành nhiều cải cách hướng tới khu vực doanh nghiệp nhà nước nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế định hướng thị trường. Hệ thống việc làm và tiền lương cứng nhắc, vì vậy, bị phá vỡ cùng với sự ra đời của hệ thống hợp đồng lao động năm 1986. Nhằm bảo vệ những người lao động khi hợp đồng lao động kết thúc, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và đưa vào cải cách hệ thống bảo hiểm hưu trí. Tại khu vực nông thôn, việc phi tập thể hoá sản xuất nông nghiệp và sự khai tử của hệ thống công xã đã tạo ra động lực lớn cho sản xuất và phát triển của khu vực này. Tuy nhiên, việc phá bỏ các tổ chức kinh tế tập thể nông thôn và thiếu hụt trong tích luỹ tập thể cho mục đích phúc lợi đã tạo ra nhiều suy thoái xã hội, điển hình là sự sụp đổ của hệ thống y tế hợp tác từng được ca ngợi là ưu việt của nhà nước chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, thập kỷ đầu tiên sau công cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế chính là thời kỳ suy giảm của hệ thống bảo trợ xã hội tập thể và chức năng xã hội của đơn vị hành chính sự nghiệp.

 

Xuất phát từ thực tế đó, Trung Quốc bắt đầu đề xuất phát triển các dịch vụ đô thị cộng đồng, khuyến khích các thành viên cộng đồng cung cấp các dịch vụ xã hội trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương. Những năm 1990 ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ với việc hình thành một hệ thống bảo trợ xã hộ, mà “xương sống” chính là các chương trình bảo hiểm xã hội, thay thế cho cơ chế bảo hộ xã hội bao trùm dựa trên tập thể. Đồng thời nhà nước cũng rút khỏi các dịch vụ phúc lợi xã hội và thị trường hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và các lĩnh vực chính sách xã hội khác ngày càng gia tăng. Các cá nhân và hộ gia đình được yêu cầu chia sẻ chi phí bảo trợ xã hội với nhà nước và đơn vị làm việc... Có thể nói, giai đoạn 1992-2002, tất cả các lĩnh vực chính của chính sách bảo trợ xã hội đều trải qua quá trình tái cấu trúc lớn.

 

 

Bất ổn xã hội gia tăng cùng với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội mất cân đối, đặc biệt là với sự bùng phát của dịch SARS năm 2003 đã khiến chính phủ Trung Quốc nhận thức lại tầm quan trọng của bảo trợ xã hội và phát triển xã hội. Năm 2004, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất ý tưởng về việc xây dựng một “xã hội hài hoà” và phát triển xã hội chính thức được liệt kê là một nhiệm vụ chính của Đảng vào năm 2005, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng trong việc quan tâm hơn nữa đến công bằng xã hội và chia sẻ lợi ích của cải cách và phát triển đến tất cả mọi người. Nghị quyết về một số vấn đề lớn trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hoà được ban hành tháng 10 năm 2006 đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của hệ thống bảo trợ xã hội[10].

 

Từ giữa những năm 2000, các chương trình bỏ hiểm xã hội mới, bao gồm bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế được triển khai cho người dân khu vực thành thị và nông thôn, người có việc làm linh hoạt, nông dân và người lao động nhập cư. Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế toàn dân, nhờ vậy có độ bao phủ tương đối lớn. Đến cuối năm 2020, khoảng 1 tỷ trên 1,4 tỷ dân của Trung Quốc tham gia chế độ hưu trí và 1,36 tỷ tham gia bảo hiểm y tế xã hội.

Chi tiêu xã hội của chính phủ cũng gia tăng đáng kể. Tổng chi tiêu cho an sinh xã hội của Trung Quốc, bao gồm cả bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội, đã tăng từ 744 tỷ nhân dân tệ năm 2007 lên hơn 5,2 nghìn tỉ năm 2020. Giai đoạn 2007-2020 cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của khoản chi tiêu này là 16,1%. Tỷ lệ chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội của quốc gia tỷ dân trong tổng chi tiêu của ngân sách chính phủ cũng tăng mạnh, từ 14,7% năm 2007 lên 21,1% năm 2020, tương ứng với 2.5% GDP lên 5.1% GDP.

 

Hình 2: Chi tiêu của chính phủ Trung Quốc cho y tế và an sinh xã hội, giai đoạn 2007-2020

 

 

Nguồn: Jiwei Qian, 2021

 

2. Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc trong huy động nguồn lực tài chính thực hiện bảo trợ xã hội và ý nghĩa cho Việt Nam

 

Sau hơn 45 năm cải cách và mở cửa, cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc đã trải qua nhiều lần chuyển đổi sâu sắc và toàn diện. Từ một hệ thống đã, đang phục vụ và là đối tượng của cải cách kinh tế, hệ thống an sinh xã hội đã dần phát triển hướng tới trở thành một hệ thống độc lập, có ảnh hưởng gián tiếp, hỗ trợ và thúc đẩy cho phát triển kinh tế.

 

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá, các chức năng an sinh xã hội đã được thực hiện bởi các đơn vị sự nghiệp, bao gồm một loạt các cơ quan chính phủ, tổ chức công cộng và doanh nghiệp nhà nước. Các chương trình phúc lợi, chẳng hạn như lương hưu, chăm sóc y tế và nhà ở, do các đơn vị này tổ chức và duy trì, được Chính phủ trợ cấp. Chính phủ chỉ phụ trách các công việc liên quan đến cứu trợ thiên tai và xóa đói giảm nghèo. Do đó, hệ thống bảo trợ xã hội bị phân mảnh và phân đoạn rất nhiều, vận hành với các ranh giới riêng biệt giữa các cơ quan và tổ chức trong nền kinh tế.

Tới những thập niên gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực mở rộng hệ thống an sinh xã hội, với mục tiêu đạt được bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế toàn dân. Một mạng lưới an sinh xã hội ngày càng có độ phủ rộng lớn được xây dựng không chỉ giúp xoa dịu các rủi ro xã hội do cạnh tranh thị trường, thiên tai hay thảm họa do con người gây ra, mà còn tiến tới cải thiện công bằng xã hội[11]. Tuy nhiên, chỉ dựa vào nguồn lực hữu hạn là ngân sách nhà nước như thời kỳ trước cải cách và mở cửa để vận hành mạng lưới an sinh xã hội này là không đủ. Để thực hiện được mục tiêu, Trung Quốc đã xây dựng và sử dụng nhiều cách thức, phương pháp nhằm kêu gọi, tập hợp và sử dụng đa dạng các nguồn lực tài chính cho hoạt động an sinh xã hội. Có thể khẳng định, quỹ an sinh xã hội tại Trung Quốc là bộ phận hết sức quan trọng, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội thông qua các quy trình thu, vận hành và giám sát.

Về quỹ bảo hiểm, Nhà nước Trung Quốc huy động quỹ bảo hiểm xã hội thông qua nhiều kênh, hỗ trợ các hoạt động bảo hiểm xã hội thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và thực hiện giám sát chặt chẽ quỹ bảo hiểm xã hội. Chính quyền từ cấp huyện trở lên sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho các tổ chức bảo hiểm xã hội và thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ mọi thành phần xã hội tham gia giám sát quỹ. Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội dựa trên đóng góp đáng kể của xã hội cũng ngày càng giữ vai trò trung tâm trong việc phát triển các hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc. Cụ thể, ở đây, đóng góp của bảo hiểm xã hội vào doanh thu thuế của quốc gia là 24,2% năm 2020, cao hơn nhiều so với đa số các nước đang phát triển và rất gần so với mức trung bình của các nước OECD là 26%[12]. Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2011, đóng góp bảo hiểm xã hội cho quỹ hưu trí, chăm sóc y tế, thất nghiệp, thương tật liên quan đến công việc và bảo hiểm thai sản là bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động tại Trung Quốc. Tỷ lệ đóng góp là rất cao và không cân xứng giữa hai nhóm đối tượng này (xem bảng 1)

 

Bảng 1: Đóng góp cho bảo hiểm xã hội tại Trung Quốc và Việt Nam, 2018

Bảo hiểm

Trung Quốc

Việt Nam

 

Người lao động

Người sử dụng lao động

Người lao động

Người sử dụng lao động

Lương hưu

8%

14%

8%

14%

Y tế (bao gồm thai sản)

2%

6.35%

1.5%

6%

Thất nghiệp

0.2%

0.32-0.8%

1%

1%

Thương tật lao động

-

0.1-0.7%

-

0.5%

Tổng

10.2%

20.77-21.85%

10.5%

21.5%

Nguồn: Jake Lin, Jingyu Mao (2022)[13]

 

Việc kết hợp cơ chế đóng góp xã hội và không đóng góp ở Trung Quốc đã cho thấy đây là một cách thức hiệu quả để mở rộng phạm vi cũng như ngân sách của quỹ bảo trợ xã hội. Trước những năm 1990, chương trình hưu trí nông thôn tự nguyện phát triển trì trệ do thiếu động cơ, động lực khuyến khích người dân tham gia. Song kể từ khi Luật bảo hiểm xã hội mới ra đời năm 2011 với nhiều thay đổi mạnh mẽ, lực lượng lao động trẻ cũng được thu hút tham gia bảo hiểm xã hội. Những thay đổi mới có thể kể đến như: đưa ra hạn ngạch nghiêm ngặt cho chính quyền địa phương; bao gồm cả tài khoản được tài trợ bởi thuế và tài khoản cá nhân đóng góp; có thang đo linh hoạt, đa dạng cho các mức đóng góp; trợ cấp cho các nhóm và khu vực dễ bị tổn thương... Ở một số tỉnh thực hiện thí điểm giai đoạn đầu, những người không tham gia đóng góp vẫn có thể nhận được trợ cấp xã hội nếu con cái của họ đóng góp tối thiểu 100 nhân dân tệ mỗi năm[14]. Đây được xem là công cụ mạnh mẽ thu hút khu vực lao động trẻ tham gia vào hệ thống bảo hiểm hưu trí. Có thể thấy rõ hiệu quả của những thay đổi này trong số lượng người tham gia hệ thống bảo hiểm hưu trí cơ bản tại Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ năm 2011.

 

Hình 3: Số người tham gia hệ thống hưu trí cơ bản tại Trung Quốc, giai đoạn 1998-2017

 

Nguồn: Zheng Gongcheng, Wolfgang Scholz, 2019[15].

 

Ngoài ra, để thực hiện và thúc đẩy quá trình gây quỹ từ nguồn xã hội này, một công cụ quan trọng, có đóng góp đáng kể chính là hệ thống thanh toán. Từ năm 2019, cơ quan thuế thực hiện thu tất cả các loại tiền đóng bảo hiểm xã hội, bao gồm lương hưu cơ bản, chăm sóc y tế cơ bản, bảo hiểm thất nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu và quản lý các loại quỹ này. Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thai sản và ba loại bảo hiểm an sinh xã hội khác trong tương lai đều sẽ do các cơ quan thuế thu và chi trả.

 

Bên cạnh việc mở rộng nguồn vốn, Trung Quốc còn nỗ lực trong việc điều tiết dòng chảy vốn thông qua việc tái phân bổ vốn nhà nước, đầu tư chuyển nguồn và vốn dư quỹ thặng dư, nhằm tận dụng tối đa nguồn quỹ bảo trợ xã hội trong nước. Một mặt, chính phủ giám sát và chỉ đạo công tác chuẩn bị uỷ thác đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí cơ bản; đồng thời, căn cứ vào tình hình thu chi quỹ bảo hiểm hưu trí, Chính phủ kêu gọi các tỉnh có quy mô chuyển nguồn và dự phòng lớn ứng trước khoản uỷ thác đầu tư... Với cách làm này, quỹ bảo trợ xã hội có thể thiết lập danh mục đầu tư, tăng tỷ trọng các công cụ đầu tư có tỷ suất sinh lời cao hơn và phòng tránh rủi ro thông qua đa dạng hoá đầu tư. Năm 2000, Quỹ An sinh xã hội quốc gia được thành lập, do chính phủ điều hành với mục đích cung cấp quỹ dự trữ cho hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc và dần phát triển thành nguồn dự phòng vốn mạnh nhất. Số liệu năm 2018 cho thấy quỹ dự trữ chiến lược này chiếm tới 7,7% GDP của Trung Quốc[16].

 

Đồng thời, nhằm đảm bảo hiệu lực hiệu quả của việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, trong quá trình hoạt động, Hội đồng Nhà nước và chính quyền các tỉnh trực thuộc trung ương thiết lập và hoàn thiện hệ thống giám sát và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội. Cơ quan tài chính của Quốc vụ viện và cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội của Quốc vụ viện, theo trách nhiệm của mình, giám sát việc thu chi, quản lý, đầu tư và hoạt động của quỹ an sinh xã hội. Uỷ ban Kiểm toán quốc gia sẽ kiểm toán quỹ an sinh xã hội quốc gia mỗi năm một lần và sẽ công bố rộng rãi kết quả kiểm toán[17].

 

Nhờ những nỗ lực trong cải cách hệ thống bảo trợ xã hội, cũng như huy động và mở rộng đa dạng các nguồn lực tài chính tham gia đóng góp, gây quỹ và thực hiện các chính sách xã hội, số lượng người tham gia hay độ bao phủ của các chương trình bảo trợ xã hội tại Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ thập niên đầu của thế kỷ 21.

 

Hình 4: Số người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội ở Trung Quốc, giai đoạn 2000-2021

 

Nguồn: Statista, 2022[18]

 

3. Một số gợi ý cho Việt Nam

 

Với nhiều nét tương đồng về chính trị, văn hoá, địa lý... những bài học về cải cách và phát triển hệ thống bảo trợ xã hội tại Trung Quốc trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa tham chiếu đối với Việt Nam.

 

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách xã hội trong phát triển toàn diện con người và thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện  Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội”[19]. Mục tiêu cơ bản của các chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Và một hệ thống an sinh xã hội đa tầng có sự tham gia của các chủ thể khác nhau với trách nhiệm được xác định rõ ràng là hết sức cần thiết nhằm đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững ấy.

 

Song, để huy động đa dạng nguồn lực tài chính cũng như quản lý và sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, từ bài học của Trung Quốc, cần chú ý:

 

Thứ nhất, kết hợp đa dạng các công cụ và nguồn lực khác nhau. Sử dụng song hành cơ chế đóng góp và không đóng góp nhằm mở rộng phạm vi người được hưởng lợi cũng như giảm áp lực tài chính đối với ngân sách quốc gia.

 

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá và số hoá hệ thống thanh toán nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thu và nộp thuế, quỹ bảo hiểm xã hội, ...

 

Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân trong đóng góp vào quỹ an sinh xã hội. Muốn làm được điều đó, cần tạo sự thuận lợi, tiết giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khác nhau và đảm bảo tính minh bạch và ổn định. Đồng thời, cần hình thành các cơ chế phù hợp để nâng cao tính định hướng của ngân sách nhà nước trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài để phát triển các lĩnh vực sự nghiệp công, nhất là sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ...

 

Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách xã hội hoá trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao...

 

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống chính sách thu, đi đôi với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý.

 

Thứ sáu, xây dựng các thể chế giám sát và kiểm soát tính hiệu quả của việc thực hiện các chính sách xã hội với sự tham gia của nhiều bên./.

 

Hà Thị Vân Anh – Viện Kinh tế chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
  2. James Midgley and David Piachaud (2013), Social Protection, Economic Growth and Social Change. Goals, Issues and Trajectories in China, India, Brazil and South Africa.
  3. Jake Lin, Jingyu Mao (2022), Taxation and welfare provision in China and Vietnam, https://uni-bielefeld.de/fakultaeten/soziologie/forschung/projekte/welfarestruggles/pdf/policy-brief-3.pdf
  4. Jiwei Qian (2021), The Political Economy of Making and Implementing Social Policy in China, Social policy and development studies in East Asia
  5. OECD (2022), Revenue Statistics in Asia and the Pacific 2022 ─ China, https://www.oecd.org/tax/tax-policy/revenue-statistics-asia-and-pacific-china.pdf
  6. Statista (2022), Number of people covered by social insurance in China in selected years between 2000 and 2021, by type of insurance, https://www.statista.com/statistics/1168852/china-number-of-people-covered-by-different-types-of-social-insurance/
  7. Statista (2023), Twenty countries with the largest population in mid 2022, https://www.statista.com/statistics/262879/countries-with-the-largest-population/
  8. UN (2023), Leaving no one behind in an aging world, World Social Report 2023
  9. Statista (2023), Age distribution in China from 2012 to 2022, https://www.statista.com/statistics/270163/age-distribution-in-china/
  10. UNDESA, ILO (2021), Coordination and implementation of social protection systems in China, https://www.un.org/development/desa/dspd/wp-content/uploads/sites/22/2021/04/Research-on-Coordination-and-Implementation-of-Social-Protection-Systems-in-China.pdf
  11. UNDESA (2021), Global research on governance and social protection, https://www.un.org/development/desa/dspd/wp-content/uploads/sites/22/2021/04/Global-overview_SP-Governance.pdftr.67
  12. UNDESA (2022), Research on Coordination and Implementation of Social Protection Systems in China.
  13. Zheng Gongcheng, Wolfgang Scholz (2019), Global social security and economic development: Retrospect and prospect, The transition of social protection in china

 

 



[1] Statista (2023), Twenty countries with the largest population in mid 2022, https://www.statista.com/statistics/262879/countries-with-the-largest-population/

[2] UN (2023), Leaving no one behind in an aging world, World Social Report 2023, tr.22

[3]Statista (2023), Age distribution in China from 2012 to 2022, https://www.statista.com/statistics/270163/age-distribution-in-china/

[4] UNDESA, ILO (2021), Coordination and implementation of social protection systems in China,https://www.un.org/development/desa/dspd/wp-content/uploads/sites/22/2021/04/Research-on-Coordination-and-Implementation-of-Social-Protection-Systems-in-China.pdf

[5] James Midgley and David Piachaud (2013), Social Protection, Economic Growth and Social Change. Goals, Issues and Trajectories in China, India, Brazil and South Africa, tr.29-43.

[6] UNDESA, ILO (2021), Sđd.

[7] James Midgley and David Piachaud (2013), Sđd.

[8] Jiwei Qian (2021), The Political Economy of Making and Implementing Social Policy in China, Social policy and development studies in East Asia, tr.1

[9] James Midgley and David Piachaud (2013), Sđd.

[10] James Midgley and David Piachaud (2013), Sđd.

 

[11] Zheng Gongcheng, Wolfgang Scholz (2019), Global social security and economic development: Retrospect and prospect, The transition of social protection in china

[12] OECD (2022), Revenue Statistics in Asia and the Pacific 2022 ─ China, https://www.oecd.org/tax/tax-policy/revenue-statistics-asia-and-pacific-china.pdf

[13] Jake Lin, Jingyu Mao (2022), Taxation and welfare provision in China and Vietnam, https://uni-bielefeld.de/fakultaeten/soziologie/forschung/projekte/welfarestruggles/pdf/policy-brief-3.pdf

[14] UNDESA (2021), Global research on governance and social protection, https://www.un.org/development/desa/dspd/wp-content/uploads/sites/22/2021/04/Global-overview_SP-Governance.pdftr.67

[15]Zheng Gongcheng, Wolfgang Scholz (2019), Global social security and economic development: Retrospect and prospect, Tr.50

[16] UNDESA (2022), Research on Coordination and Implementation of Social Protection Systems in China, tr.74.

[17]UNDESA (2022), tr.45

[18] Statista (2022), Number of people covered by social insurance in China in selected years between 2000 and 2021, by type of insurance, https://www.statista.com/statistics/1168852/china-number-of-people-covered-by-different-types-of-social-insurance/

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.147-148

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết