Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Kinh nghiệm về chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi ở Thái Lan

Ngày phát hành: 16/09/2021 Lượt xem 1963

 

1. Vấn đề chính sách

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ dân số già đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Singapore) với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh chóng. Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số Thái Lan ở mức dưới 1%/năm, trong khi tốc độ gia tăng nhóm dân số cao tuổi là hơn 3%/năm [1]. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên được dự đoán tăng gấp đôi từ 15,7% năm 2015 lên tới 35,8% năm 2050. Bên cạnh đó, việc gia tăng tuổi thọ cũng đi kèm với nhiều vấn đề về sức khỏe dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc. Tỷ lệ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên có nhu cầu chăm sóc dài hạn sẽ tăng gần năm lần, từ 2,2% năm 2015 lên 10,7% năm 2050 [2]

Trong vòng 6 thập kỷ gần đây, tỷ lệ sinh của Thái Lan đã giảm rất mạnh và tình trạng di cư cũng là nguyên nhân chính làm hạn chế sự chăm sóc cha mẹ vốn có bởi thế hệ con cháu trong gia đình. Chính phủ Thái Lan đã phải xây dựng, phát triển một hệ thống chăm sóc dài hạn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại quốc gia này.

 

2. Quan điểm, mục tiêu chính sách

Chương trình chiến lược quốc gia lần thứ hai về người cao tuổi giai đoạn 2002 – 2021 đã xác định người cao tuổi không phải là nhóm dễ bị tổn thương hay gánh nặng của xã hội mà được coi là một nguồn lực để phát triển xã hội. Vì vậy, người cao tuổi cần phải được chăm sóc và phát huy vai trò nhằm đảm bảo một cuộc sống giá trị, khỏe mạnh; được thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của tuổi già. Việc chăm sóc người cao tuổi là công việc được chia sẻ bởi gia đình, cộng đồng xã hội và Nhà nước. [3]

Chương trình chiến lược quốc gia lần thứ hai về người cao tuổi của Thái Lan cũng nêu rõ định hướng chăm sóc tại gia đình và chăm sóc dựa trên cộng đồng là những nhân tố chính trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Đầu những năm 2000, quan điểm của xã hội Thái Lan về chăm sóc người cao tuổi vẫn còn không rõ ràng và khá mơ hồ. Việc chăm sóc người cao tuổi thường được hiểu là chăm sóc tại các trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi chuyên nghiệp, như nhà dưỡng lão [1]. Do đó, chính phủ Thái Lan muốn duy trì và khuyến khích việc chăm sóc người cao tuổi phi chính thức (tại gia đình và dựa trên cộng đồng) là nền tảng trong hoạt động chăm sóc người cao tuổi.

Ngoài ra, chăm sóc người cao tuổi ở Thái Lan được hiểu là việc chăm sóc toàn diện về xã hội, sức khỏe, kinh tế và môi trường cho người cao tuổi. Và đối tượng được chăm sóc là những người cao tuổi gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc do mắc phải các bệnh mãn tính hoặc bị tàn tật, là những người phụ thuộc một phần hoặc phụ thuộc hoàn toàn bởi những người chăm sóc trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày [3].

 

3. Giải pháp chính sách

Nhóm giải pháp chính sách chung về phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn

- Sự phối hợp trong phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn

Cho đến nay, Chính phủ Thái Lan không uỷ nhiệm cho bất kỳ một cơ quan, Bộ ngành nào được giám sát toàn bộ Dự án phát triển của hệ thống Chăm sóc dài hạn. Để tiến hành dự án phải dựa trên sự phối hợp giữa nhiều đầu mối khác nhau, mỗi Bộ ngành được phân công chịu trách nhiệm một phần nội dung theo chức năng, thẩm quyền. Theo đó, đạo luật Người cao tuổi của Thái Lan đã giao sự trợ giúp và bảo vệ người cao tuổi cho Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người. Tuy nhiên, Bộ này cần phải phối hợp với Bộ Y tế Công cộng trong việc điều hành phần lớn các cơ sở y tế công cộng; Bộ Nội Vụ chịu trách nhiệm các tổ chức điều hành địa phương để điều hành, phát triển và phân phối các dịch vụ tại đại phương. Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia có trách nhiệm trong chương trình chăm sóc dài hạn dựa vào cộng đồng... Mỗi Bộ ngành đều đóng vai trò then chốt trong các thí điểm ban đầu về hệ thống chăm sóc sức khoẻ dài hạn, đã đặt nền móng cho những dự án sau đó. Ngoài những Bộ ngành chủ chốt trên, còn có những Bộ khác có thể có vai trò trong hệ thống Chăm sóc dài hạn trong tương lai, đó là: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo Dục, Bộ Công nghiệp…

- Sự phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi

Chính quyền trung ương ban hành các tiêu chuẩn thành lập và hoạt động cho các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; các tiêu chuẩn nghề nghiệp, đạo đức cho người chăm sóc chính thức. Năm 2009, Ủy ban quốc gia Thái Lan về phúc lợi xã hội đã ban hành hệ thống quy chuẩn về phúc lợi xã hội bao gồm những chỉ báo và tiêu chí đánh giá về hoạt động của các tổ chức phúc lợi xã hội, những nhân viên và tình nguyện viên phúc lợi xã hội. Đối với việc triên khai cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, chính quyền trung ương phân quyền cho chính quyền địa phương, đặc biệt là những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và dựa trên cộng đồng. Các chương trình, dự án thúc đẩy việc chăm sóc người cao tuổi được giám sát và đánh giá thường xuyên nhằm liên tục nâng cao và cải thiện chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi.

- Thúc đẩy chăm sóc y tế cho người cao tuổi, thông qua việc thúc đẩy sự phát triển ngành lão khoa.

Để thúc đẩy việc chăm sóc y tế cho người cao tuổi, chính phủ Thái Lan đã thúc đẩy xây dựng hệ thống quản lý cho sự phát triển của ngành lão khoa, đào tạo nhân sự cho ngành lão khoa, cũng như đầu tư nghiên cứu về lão khoa.

- Các biện pháp hỗ trợ tài chính từ chính phủ đối với chăm sóc người cao tuổi

Nguồn tài chính cho việc chăm sóc người cao tuổi ở Thái Lan phụ thuộc vào ngân sách của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được tài trợ chủ yếu bởi quỹ y tế của chính quyền địa phương, quỹ này được cấp từ cơ quan y tế quốc gia và chính quyền địa phương. [1]

Chính phủ Thái Lan còn đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho người chăm sóc người cao tuổi (bao gồm giảm trừ chi phí chăm sóc bố mẹ, giảm trừ chi phí mua bảo hiểu cho bố mẹ), cũng như các ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. [4]  

Nhóm giải pháp chính sách tăng cường chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và dựa trên cộng đồng

Với quan điểm chăm sóc tại gia đình và chăm sóc dựa trên cộng đồng đóng vai trò chính trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn, Thái Lan đã đưa ra nhiều giải pháp chính sách nhằm tăng cường hai loại hình dịch vụ chăm sóc này. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các giải pháp bao gồm; chương trình tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi, chương trình chăm sóc y tế tại nhà, câu lạc bộ người cao tuổi và hỗ trợ tiếp cận kiến thức và kỹ năng cho người chăm sóc.

- Chương trình tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi

Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người Thái Lan đã đưa ra chương trình này vào năm 2003 nhằm thúc đẩy sự chăm sóc tại nhà và chăm sóc dựa trên cộng đồng. Một trong những nhiệm vụ chính của các tình nguyện viên là phân loại người cao tuổi vào 2 nhóm đối tượng: người phụ thuộc và người không phụ thuộc. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn hỗ trợ người cao tuổi trong các công việc hàng ngày khi cần thiết, theo dõi và cảnh báo về sức khỏe của người cao tuổi, cung cấp các dịch vụ và phúc lợi cho người cao tuổi. Theo số liệu thống kê đến năm 2013, Thái Lan có 51,853 tình nguyện viên, hỗ trợ cho 568,966 người cao tuổi.

  • Chương trình chăm sóc y tế tại nhà

Năm 2005, Bộ Y tế công cộng Thái Lan đưa ra chương trình chăm sóc y tế tại nhà. Đến năm 2011, có tới 95,6% chính quyền địa phương thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà. Chương trình này nhằm giúp đỡ những người cao tuổi với các vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc bị tàn tật, những người đã kết thúc điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn cần chăm sóc tại nhà. Chương trình này sẽ cung cấp các dịch vụ thăm khám chăm sóc sức khỏe tại nhà bởi một đội ngũ bác sĩ, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý, cán bộ phát triển xã hội và cán bộ y tế cộng đồng. [1]

- Câu lạc bộ người cao tuổi

Dự án câu lạc bộ người cao tuổi nhằm thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cao tuổi. Những người cao tuổi độc lập, có khả năng tự chăm sóc có thể giúp đỡ những người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, phải phụ thuộc vào người khác. [4]

- Hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho người chăm sóc phi chính thức tại cộng đồng

Chính quyền hỗ trợ người chăm sóc người cao tuổi phi chính thức, thông qua việc hỗ trợ tiếp cận kiến thức và kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, cũng như đưa ra các tư vấn liên quan đến quá trình chăm sóc người cao tuổi. [1]

Nhóm giải pháp đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở

Tại Thái Lan, hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi được phát triển đa dạng với 5 loại hình chính, bao gồm: (i) Nhà cho người cao tuổi; (ii) Cơ sở chăm sóc hỗ trợ hoạt động đời sống hàng ngày; (iii) Viện dưỡng lão; (iv) Bệnh viện; (v) Cơ sở chăm sóc cho người sắp qua đời.

- Nhà cho người cao tuổi là cơ sở chăm sóc cho những người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc. Những người sống ở đây không cần y tá hay sự trợ giúp trong các hoạt động đời sống hàng ngày. Nhìn chung, các cơ sở này được cung cấp bởi chính phủ, và hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận, dành cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, không có người thân, hay không thể sống hạnh phúc trong gia đình của họ. Nhìn chung, tiêu chí cho việc được vào ở trong nhà cho người cao tuổi là những người có quốc tịch Thái Lan, trên 60 tuổi, không mắc các bệnh mãn tĩnh, tàn tật, không có vấn đề về trí não, tự nguyện vào sống và gặp phải các vấn đề sau: nghèo đói, vô gia cư, và không nghề nghiệp.

- Cơ sở hỗ trợ chăm sóc hỗ trợ đời sống hàng ngày là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi không thể tự chăm sóc bản thân hoặc bị tàn tật, những người cần hỗ trợ trong hoạt động đời sống hàng ngày. Các cơ sở này phù hợp cho những người muốn sống độc lập nhưng không thể sống an toàn một mình. Những người sống ở đây không yêu cầu về chăm sóc y tế, nhưng dịch vụ cấp cứu luôn sẵn sàng.

- Viện dưỡng lão là cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi mắc các bệnh kinh niên, và các cơ sở này cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế 24/24h mỗi ngày. Tuy nhiên, những người vào các viện dưỡng lão chủ yếu là những người đến từ những gia đình có điều kiện kinh tế và họ sẽ phải tự chi trả các khoản chi phí cho việc sinh hoạt ở đây. Không có các tiêu chí cứng cho việc được vào sống trong các viện dưỡng lão, kể cả những người chưa đến 60 tuổi cũng có thể sinh sống ở đây. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc lây nhiễm chéo, những người cao tuổi phải đảm bảo điều kiện không mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, hầu hết các viện dưỡng lão đều được đăng ký với Bộ Y tế Thái Lan như là những bệnh viện chăm sóc các bệnh kinh niên, do đó, chưa có các tiêu chí rõ ràng cho việc quản lý, chưa có các quy chuẩn chi tiết về việc cung cấp dịch vụ và chưa có cách phân loại rõ ràng về các dịch vụ cung cấp.

- Bệnh viện cung cấp những dịch vụ chăm sóc y tế và các dịch vụ chăm sóc cho các hoạt động thường ngày khác cho những bệnh nhân có nhu cầu. Thời gian chăm sóc y tế dài hạn trong bệnh viện thường kéo dài từ 3 tháng trở lên.

- Cơ sở chăm sóc cho người sắp qua đời là cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người cao tuổi sắp qua đời. Những cơ sở này tập trung vào các biện pháp giảm đau, các dịch vụ chăm sóc tạo sự thoải mái và tạo điều kiện để gia đình và bạn bè của người cao tuổi có nhiều thời gian ở bên cạnh họ hơn. Nhìn chung, các cơ sở này giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống trong những ngày tháng cuối cùng. [5]

Các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở này rất đa dạng, thiết kế phù hợp với nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi từ cơ bản đến toàn diện. Chủ thể cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi bao gồm khối Nhà nước (vì mục tiêu phi lợi nhuận) và khối tư nhân (vì mục tiêu lợi nhuận). Trong đó:

Chăm sóc cơ bản tập trung vào chăm sóc xã hội và phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi trong các hoạt động đời sống hàng ngày và không tập trung vào chăm sóc y tế bởi các bác sĩ. Mức độ chăm sóc này thường ở các nhà cho người cao tuổi, các trung tâm chăm sóc hàng ngày, hầu hết những cơ sở này thì không có bác sĩ. Những người chăm sóc chính ở đây là những nhân viên xã hội, những chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, có một hoặc hai y tá, những nhân viên chăm sóc, và có thể có chuyên gia vật lý trị liệu. [5]

Chăm sóc toàn diện là việc chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi mắc các bệnh mãn tĩnh đòi hỏi sự chăm sóc y tế, được theo dõi bởi các bác sĩ. Các cơ sở cung cấp dịch vụ này bao gồm các viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc cho người sắp qua đời. Các dịch vụ cung cấp bao gồm phục hồi chức năng, duy trì chức năng hoạt động của cơ thể, chăm sóc giảm đau… [5]

 

4. Một số gợi ý cho Việt Nam trong phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi

Với truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam về quý trọng và tôn vinh người cao tuổi, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi. Các chính sách này đã tạo nên khuôn khổ pháp lý cần thiết nhằm mục tiêu đảm bảo quyền thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; đồng thời nâng cao tuổi thọ, chất lượng cuộc sống cho nhóm thế hệ này.

Chính sách đầu tiên đối với người cao tuổi được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc người cao tuổi; trong đó xác định chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Quan điểm, chủ trương này vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục khẳng định trong các chính sách, pháp luật hiện nay như: Luật Người cao tuổi 2009, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020… Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm làm “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Đây là dịp kêu gọi sự hưởng ứng của toàn xã hội tích cực tham gia chăm sóc người cao tuổi; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân tổ chức tốt các hoạt động vì người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2030 bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được quản lý khám sức khỏe, khám chữa bệnh và chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”. [6]

Thực tiễn cho thấy, hệ thống chăm sóc người cao tuổi Việt Nam hiện có 3 mô hình chính: chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở tập trung. Trong đó, vai trò chủ đạo và phổ biến nhất là chăm sóc người cao tuổi tại nhà, được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. [7] Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Đồng thời, Nhà nước đầu tư kinh phí và ban hành những chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài công lập tham gia các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc, trợ giúp. Tuy nhiên, mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng còn hạn chế về hình thức và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai do thiếu nguồn lực thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiện nay với số lượng khoảng 50 cơ sở công lập và ngoài công lập, mới chỉ đáp ứng được số lượng người cao tuổi hạn chế so với nhu cầu do mức phí tương đối cao so với mức thu nhập trung bình của người cao tuổi và phân bố tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này đang dần phát triển thành một kênh chăm sóc chuyên nghiệp, hướng đến đối tượng người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc và tự nguyện sống tại cơ sở tập trung.

Trong bối cảnh tốc độ già hóa nhanh chóng, sự biến đổi xã hội và xu hướng độc lập trong cách sắp xếp cuộc sống của người cao tuổi hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với những mục tiêu chính sách về người cao tuổi nói chung và hệ thống chăm sóc người cao tuổi nói riêng tại Việt Nam. Bởi vậy, kinh nghiệm về chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi của những quốc gia có điều kiện tương đồng như Thái Lan mang lại một số gợi ý cho Việt Nam như sau:

Một là, Định hướng chính sách cho việc xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi là xác định chăm sóc tại nhà và chăm sóc dựa trên cộng đồng làm nền tảng; dịch vụ chăm sóc tại cơ sở là bổ sung. Định hướng phát triển này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đang phát triển của Việt Nam; cũng như hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống gia đình của các nước Á Đông.

Hai là, Khuyến khích xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nhằm đa dạng hóa các chủ thể cung ứng, huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài hạn. Sự tham gia của khu vực tư nhân làm giảm áp lực cho Nhà nước và khai thác được những lợi thế của thị trường, của sự cạnh tranh lành mạnh, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi.

Ba là, Phân cấp, phân quyền nhằm phát huy thế mạnh của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện triển khai hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm ban hành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định đối với hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và mức độ thụ hưởng của từng nhóm đối tượng. Chính quyền địa phương chủ động trong việc huy động các nguồn lực để triển khai cung ứng dịch vụ một cách hiệu quả.

Bốn là, Chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Năm là, Xây dựng Quỹ bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi dài hạn nhằm giảm bớt những áp lực tài chính lên ngân sách nhà nước và đảm bảo cho người cao tuổi có đủ khả năng chi trả các dịch vụ chăm sóc khi về già.

Sáu là, Thúc đẩy sự phối kết hợp giữa hệ thống chăm sóc y tế với hệ thống chăm sóc người cao tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc hàng ngày và chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Đồng thời, hạn chế sự trùng lặp hay lãng phí nguồn lực giữa hai hệ thống này.

 
ThS Nguyễn Thị Hoài Thu[1]
 

[1] Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Prachuabmoh, V. (2015). A lesson learned from community-based integrated long-term care in Thailand. Asia Pacific Journal of Social Work Development, 25(4), 213-224.
  2. ADB (2020). Aging Asia and The Pacific: Lessons from Thailand’s National community-based long-term care program for older persons
  3. Knodel, J. T., Bussarawan; Pothisiri, Wiraporn (2018). Caring for Thai older persons with long-term care needs. Journal of aging health, 30(10), 1516-1535.
  4. Suwanrada, W. (2014). National experiences from Thailand regarding long-term care of older persons. 9-10.
  5. Sasat, S., Choowattanapakorn, T., Pukdeeprom, T., Lertrat, P., & Aroonsang, P. (2013). Long-term care institutions in Thailand. Journal of Health Research, 27(6), 413-418.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, trang 271.
  7. Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2019), Phát triển dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam, Bản tin chắt lọc chính sách số 5.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết