Thứ Sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024

Mặt trái của trí tuệ nhân tạo

Ngày phát hành: 02/05/2024 Lượt xem 199

 

Nhật báo Les Echos của Pháp dẫn nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sẽ có nhiều quốc gia có khả năng hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo (AI) trong 10 năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, AI cũng tạo ra những bất bình đẳng về mức độ phát triển và cơ hội việc làm.

 

Trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập và tác động đến mọi lĩnh vực của kinh tế toàn cầu, góp phần tạo ra những thay đổi và tiến bộ đáng kể. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF khẳng định trí tuệ nhân tạo tạo sinh là một yếu tố quan trọng có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất toàn cầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia sẽ hưởng lợi từ công nghệ này với cùng một mức độ và kết quả như nhau. Vậy quốc gia nào sẽ hưởng lợi nhiều hơn?

 

Các chuyên gia kinh tế của IMF đã xây dựng khung chỉ số để xác định quốc gia nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của AI trong 10 năm tới. Nghiên cứu dựa vào kết quả phân tích cấu trúc các công việc ở 174 quốc gia bằng cách đánh giá mức độ ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tạo sinh đối với các công việc và ngành nghề khác nhau, cũng như sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau đối với sự phát triển và sử dụng của trí tuệ nhân tạo.

 

Kết quả cho thấy, AI có thể thay thế những công việc dễ được tự động hóa, hoặc thực hiện hiệu quả hơn bằng AI, cũng có thể giúp cải thiện năng suất của những công việc mà AI không thể hoàn toàn thay thế, góp phần nâng cao hiệu suất công việc. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để hỗ trợ và tối ưu hóa các nhiệm vụ mà một thẩm phán thường phải thực hiện, nhưng không thay thế hoàn toàn vai trò của thẩm phán. Trong khi công việc của một thư ký có thể dễ dàng thay thế bởi các công nghệ tự động hoá và trí tuệ nhân tạo trong quá trình thực hiện.

 

* Bùng nổ về năng lực sản xuất và hiệu suất lao động

 

Trên toàn cầu, AI tạo sinh có thể giúp tăng hiệu suất lao động từ 0,1-0,8% mỗi năm. Nhưng ở một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển nhất, mức tăng này có thể lớn hơn nhiều. Ở các nước giàu, 30% công việc được hưởng lợi nhờ tận dụng AI, tức là có tiềm năng lớn để tăng năng suất lao động. Tất nhiên, tiềm năng này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực và chính sách thị trường lao động, sự sáng tạo đổi mới và tích hợp kinh tế, và cuối cùng là các quy định quản lý và các nguyên tắc giá trị đạo đức.

 

Ví dụ, theo báo cáo của IMF, Vương quốc Anh có thể tăng năng suất lên đến 4% trong vòng 10 năm nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, do họ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh và ổn định, lực lượng lao động chất lượng cao, hệ sinh thái đổi mới và hệ thống các quy định quản lý. Tổng sản lượng khi đó có thể tăng 16% trong một thập kỷ nhờ công nghệ này. Trong 10 năm tới, thu nhập của tất cả người lao động ở Anh đều tăng từ 2% đối với người lao động có thu nhập thấp đến gần 14% đối với người lao động có thu nhập cao.

 

Nhưng xét về chỉ số tổng thể, Vương quốc Anh chỉ đứng ở vị trí thứ 14. Singapore, quốc gia châu Á nhỏ bé với 5,6 triệu dân, lại đang đang chiếm ưu thế đứng đầu so với phần còn lại của thế giới. Theo bà Marina Mendes Tavares, chuyên gia phân tích của IMF, Singapore đã đầu tư mạnh cho giáo dục và nguồn nhân lực, với một tỷ lệ rất cao lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã được chuẩn bị tốt hơn so với nơi khác, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt, với mạng internet có thể truy cập rộng rãi và tốc độ kết nối tuyệt vời. Đây là những điểm thực sự nổi bật của Singapore so với các quốc gia khác.

 

Sau Singapore là Đan Mạch và sau đó là Mỹ. Pháp đứng ở vị trí thứ 24, với điểm số thấp hơn so với các nước láng giềng về nguồn nhân lực (giáo dục, thị trường lao động) và đổi mới sáng tạo.

 

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước mới nổi và thu nhập thấp phần lớn bị tụt lại phía sau. Quốc gia mới nổi có hướng phát triển tốt nhất là Trung Quốc, đứng ở vị trí thứ 32. Nhìn chung, các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối internet và giáo dục để bắt kịp phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, những quốc gia này có thể không phải đối mặt với mức độ tác động lớn từ tiến bộ của công nghệ AI và ít người lao động bị ảnh hưởng từ sự phát triển của AI hơn, ít bị đe dọa hơn bởi tình trạng mất việc làm trong 10 năm tới.

 

* Bất bình đẳng gia tăng

 

Trong kịch bản lạc quan, IMF chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng năng suất lao động, dẫn đến tăng nhu cầu, tăng việc làm và cuối cùng là tăng thu nhập cho toàn bộ dân số. Tuy nhiên, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng dự kiến gây ra sự gia tăng của bất bình đẳng.

 

Trên thực tế, AI có thể nới rộng sự chênh lệch về thu nhập, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực tới  các tầng lớp trung lưu, trong khi những người lao động đã có thu nhập cao có thể thấy mức lương của họ ‘‘tăng nhiều hơn’’ so với sự tăng năng suất trung bình mà trí tuệ nhân tạo mang lại. "Với sự tăng của lợi nhuận từ lao động, những người hưởng lợi thường là những người ở đỉnh của bậc thang thu nhập", một nhà kinh tế nêu ý kiến.

 

Ngoài ra, nền kinh tế của quốc gia càng phát triển thì số lượng việc làm bị ảnh hưởng bởi AI càng lớn. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, cho biết: “Trên toàn thế giới, 40% việc làm sẽ bị ảnh hưởng. Người làm một công việc có trình độ càng cao thì càng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đối với các nền kinh tế phát triển và một số quốc gia mới nổi, 60% việc làm sẽ bị ảnh hưởng. Trong các quốc gia có thu nhập thấp, con số này giảm xuống còn 26%’’, bà Kristalina Georgieva phát biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng AI cũng có khả năng giúp ‘‘tăng thu nhập cho một số người lao động’’.

 

Sự bất bình đẳng có thể xảy ra cả trong các nền kinh tế khác nhau trên toàn cầu và giữa những người lao động trong cùng một quốc gia. AI có thể làm tăng sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu có và nghèo khó, gây ra tác động tiêu cực đặc biệt đối với những quốc gia và nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

 

AI, chỉ trong một vài năm nữa, có thể dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp đối với những công việc có thể dễ dàng bị thay thế hoặc tự động hóa bởi công nghệ AI, hoặc những việc không có sự tương hợp với AI trong cải thiện hiệu suất làm việc. "Dựa trên sự phát triển quan sát được tại Vương quốc Anh từ năm 1980 đến 2014, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ lực lượng lao động giảm 5,5 điểm phần trăm sau khi AI được đưa vào ứng dụng", theo báo cáo nhận xét của IMF.

 

Vậy làm thế nào để xử lý vấn đề của những người bị ảnh hưởng và làm thế nào để chia sẻ những lợi ích từ tăng năng suất? Theo người đứng đầu IMF: "Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng, để ai cũng có thể tận dụng những cơ hội mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Điều quan trọng là phải bỏ qua những lo ngại liên quan đến AI và tập trung tìm cách để tận dụng lợi ích tốt nhất từ nó cho tất cả mọi người”.

 

Đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, “chúng ta rất cần” những yếu tố có khả năng giúp tăng năng suất.

 

* Tác động tiêu cực ít được xem xét

 

Chung quan điểm của IMF, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs đánh giá rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể giúp tăng năng suất lao động khoảng 15% trong vòng 10 năm tới ở Mỹ. Các chuyên gia tư vấn của McKinsey cho rằng AI có thể giúp tăng GDP của các nước phát triển thêm 1,5-3,4% mỗi năm trong thập kỷ tới. Chuyên gia Cathie Wood, người sáng lập công ty ARK Invest, cũng kỳ vọng vào "một sự tăng trưởng theo cấp số nhân” nhờ AI.

 

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia lại tỏ ra hoài nghi về khả năng giúp tăng năng suất của AI. Nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho rằng mọi người đánh giá quá cao khả năng này, trong khi, các tác động tiêu cực của công nghệ mới lại ít được tính đến. Đặc biệt, ông cảnh báo rằng hiệu quả của AI trong việc tăng năng suất sẽ dẫn đến sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng, tin tức giả mạo và các hình thức tương tự.

 

Những nguy cơ này sẽ tạo ra những khoản chi phí đáng kể để đối phó với những rủi ro hoặc đe dọa do AI tạo ra.

Chuyên gia Marc Darmon, Phó Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Thales, cũng tin rằng AI tạo sinh sẽ "cho phép tạo ra các kịch bản tấn công và giúp những kẻ tấn công trở nên sáng tạo hơn". Do đó, các nước cần dự trù những khoản chi phí lớn để đối phó với các tội phạm mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo, thường được hậu thuẫn bởi một tổ chức hoặc một quốc gia.

 

Với nhà kinh tế và Chủ tịch Cơ quan Cạnh tranh tại Brussels Benoît Coeuré, còn có một nguy cơ khác, đó là các rào cản ngăn chặn doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ rất cao, chỉ một số ít các tập đoàn siêu lớn mới có đủ tài chính và nguồn lực để tham gia vào lĩnh vực này.

 

“Việc bảo vệ sự cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể thúc đẩy việc áp dụng AI vào cuộc sống cá nhân và doanh nghiệp, và từ đó, tạo điều kiện cho sự lan rộng nhanh chóng hơn của các lợi ích về năng suất’’, ông lập luận. Cơ quan này đang tiến hành một nghiên cứu liên quan đến chủ đề này và dự kiến sẽ công bố kết quả vào cuối tháng Sáu./.

 

 

Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết