(HĐLL)Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển và thậm chí cả các quốc gia không có biển. Nhật Bản là quốc gia ven biển, vì thế nước này coi trọng việc triển khai chiến lược quốc gia về biển.Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản về chiến lược biển có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn đối với nước ta hiện nay.
1. Về chính sách biển của Nhật Bản
Chính sách biển của Nhật Bản là chính sách liên ngành, được ban hành dưới dạng đạo luật cơ bản là Luật cơ bản về Chính sách đại dương (Basic Act on Ocean Policy) được ban hành năm 2007. Dưới đạo luật này là các Kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương (Basic Plan on Ocean Policy) được Nội các Nhật Bản ban hành 5 năm/lần nhằm cụ thể hóa chính sách biển cho từng giai đoạn.
Luật cơ bản về Chính sách đại dương gồm 38 điều, được kết cấu làm 04 chương và 02 điều khoản bổ sung về ngày có hiệu lực và yêu cầu đánh giá việc thực thi. Luật này quy định các nguyên tắc cơ bản, trách nhiệm của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân; việc xây dựng kế hoạch cơ bản liên quan đến các đại dương và các vấn đề cơ bản khác liên quan đến các biện pháp thực thi; thiết lập Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đời sống của công dân, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các điều ước quốc tế khác có liên quan. Cụ thể:
- Chương I (Các điều khoản chung) (từ Điều 1 đến Điều 15) quy định mang tính nguyên tắc về: mục đích của chính của Luật; bảo đảm sự hài hòa trong phát triển, sử dụng và bảo vệ môi trường đại dương; bảo đảm an ninh, an toàn trên đại dương; thúc đẩy nghiên cứu khoa học các đại dương; phát triển bền vững các lĩnh vực công nghiệp đại dương; quản trị toàn diện đại dương; hợp tác quốc tế về đại dương; trách nhiệm của chính quyền và các chủ thể khác…
- Chương II (Kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương) (Điều 16) quy định về trách nhiệm của Nội các, nội dung chính của bản kế hoạch và thời hạn đánh giá, công bố…
- Chương III (Các biện pháp cơ bản) (từ Điều 17 đến Điều 28) quy định các biện pháp về: thúc đẩy phát triển và sử dụng tài nguyên đại dương; bảo vệ môi trường biển; thúc đẩy phát triển vùng đặc quyền kinh tế; an ninh hàng hải; bảo đảm an toàn và an ninh các đại dương; thúc đẩy điều tra đại dương; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ biển; thúc đẩy các ngành công nghiệp đại dương và tăng cường cạnh tranh quốc tế; quản lý tổng hợp vùng bờ; bảo tồn các đảo xa bờ; bảo đảm an ninh và thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường sự hiểu biết của người dân về các đại dương.
- Chương IV về Cơ quan chỉ đạo thực thi chính sách đại dương (từ Điều 29 đến Điều 38) quy định các nội dung: thẩm quyền thành lập cơ quan chỉ đạo; trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo; cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo.
Chính sách đại dương của Nhật Bản được ban hành năm 2007 nói trên tập trung vào các nội dung: (1) xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp, của các địa phương, doanh nghiệp và người dân đối với những vấn đề liên quan đến biển; (2) đưa ra các nguyên tắc, quy định trong việc xử lý mối quan hệ giữa phát triển, sử dụng tài nguyên biển với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển; (3) bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; (4) thúc đẩy nghiên cứu khoa học về biển; (5) phát triển các ngành công nghiệp biển; (6) quản trị toàn diện, tổng hợp biển; (7) hợp tác quốc tế về biển...
2. Về các kế hoạch cơ bản thực hiện chính sách đại dương của Nhật Bản:
Đến nay, Nội các Chính phủ Nhật Bản đã ban hành 3 kế hoạch cơ bản thực hiện chính sách đại dương. Kế hoạch cơ bản lần 1 vào tháng 3 năm 2008; lần 2 vào tháng 4 năm 2013; lần 3 vào tháng 5 năm 2018.
Kế hoạch cơ bản lần 1 (giai đoạn 2008 – 2013) về thực hiện chính sách đại dương của Nhật Bản có nội dung chủ yếu là cụ thể hóa Chính sách đại dương được ban hành năm 2007. Kế hoạch lần 1 đề cập đến các nội dung về thúc đẩy phát triển và khai thác nguồn tài nguyên biển; vảo vệ môi trường biển; thúc đẩy phát triển vùng đặc quyền kinh tế; bảo đảm an ninh hàng hải; đảm bảo an toàn, an ninh biển; thúc đẩy nghiên cứu và khảo sát biển; áp dụng các biện pháp kết hợp đối với các vùng duyên hải; nâng cao nhận thức công chúng về biển; thúc đẩy hợp tác và điều phối quốc tế về biển... Quan điểm xuyên suốt của Kế hoạch cơ bản lần 1 là tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy nghiên cứu biển, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong quản lý, phát triển biển, đại dương. Bản kế hoạch này cũng không đề cập về tranh chấp trên biển, phần về quốc phòng – an ninh chỉ nói chung về việc tuần tra nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự trên biển, phát hiện các tàu thuyền “lạ” và tàu thu thập thông tin tình báo.
Trên cơ sở kế thừa Kế hoach cơ bản lần 1, bản Kế hoạch lần 2 của Nhật Bản (giai đoạn 2013 – 2018) nhấn mạnh thêm nội dung về tăng cường khai thác tài nguyên dưới mặt biển và tăng cường khả năng giám sát xung quanh các vùng biển của Nhật Bản. Kế hoạch lần 2 đưa ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu các nguồn tài nguyên dưới mặt biển như methan hydrate và đất hiếm; phát triển công nghệ sản xuất khí methan từ methan hydrate phục vụ mục đích thương mại; tăng cường khả năng giám sát hàng hải của Nhật Bản tại những vùng biển quanh nước này bằng cách tái cơ cấu và trang bị máy bay, tàu thủy cho Lực lượng bảo vệ bờ biển và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tiến hành hoạt động chia sẻ thông tin giữa hai lực lượng này.
Ngày 15/5/2018 bản Kế hoạch cơ bản lần 3 thực hiện chính sách đại dương (giai đoạn 2018 – 2023) được Nội các Nhật Bản thông qua trong bối cảnh tình hình an ninh hàng hải ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, cần phải bảo vệ lợi ích hàng hải và duy trì sự ổn định cho phát triển và tiến ra Bắc cực. Kế hoạch lần này đặt ra khẩu hiệu “Vượt qua thách thức trở thành quốc gia đại dương mới” (The Challenge toward a new oceanic state) với các nội dung cụ thể:
(1)- Về các nguyên tắc, kế hoạch lần 3 xác định:
(1) Tích cực tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho Nhật Bản phát triển;
(2) Phát huy tiềm năng của đại dương để duy trì quyền lực quốc gia;
(3) Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển bền vững và bảo vệ môi trưởng biển;
(4) Nâng cao hiểu biết về biển, đại dương của người dân.
(2)- Về những định hướng lớn thực hiện Chính sách đại dương:
- Thứ nhất, hướng đến các vùng biển mở và ổn định. Bảo vệ quốc gia và công dân.
- Thứ hai, sử dụng các vùng biển để tạo thịnh vượng quốc gia. Mang sự thịnh vượng của biển cho hậu thế.
- Thứ ba, vượt qua các thách thức ở các vùng biết chưa biết. Thúc đẩy công nghệ và tăng cường sự hiểu biết các vùng biển này.
- Thứ tư, dẫn đầu trong việc bảo đảm hòa bình. Tạo lập các tiêu chuẩn thế giới trong các lĩnh vực biển.
- Thứ năm, người dân sống hài hòa với biển. Phát triển nguồn nhân lực am hiểu về đại dương.
(3)- Các biện pháp, giải pháp chính để thực hiện kế hoạch lần 3:
- Bảo đảm an ninh biển toàn diện, trong đó lấy trọng tâm là liên kết và hợp tác với các nước khác để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (Free and Open Indo-Pacific Strategy); củng cố năng lực của các lực lượng phòng vệ bờ biển và cảnh sát biển Nhật Bản, tiến hành bảo vệ và quản lý các đảo xa bờ.
- Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực biển như: khai thác các tài nguyên băng cháy, quặng sulfua đa kim, đất hiếm; phân vùng khu vực sử dụng biển cho điện gió; tăng cường cạnh tranh quốc tế thông qua gia tăng năng suất và giá trị gia tăng từ các dịch vụ biển; tăng cường chức năng điểm chung chuyển hàng hải quốc tế; phát triển đánh bắt cá thương mại…
- Duy trì và bảo tồn môi trường biển, trong đó sử dung các khuôn khổ quốc tế như: mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để thực hiện việc bảo vệ môi trường biển; thiết lập các khu bảo tồn biển thích hợp, giảm ô nhiễm biển, bảo tồn các rạn san hô…; thực hiện các sáng kiến toàn diện nhằm hướng đến một vùng biển sạch và phong phú, thúc đẩy các cuộc điều tra và nghiên cứu.
- Nâng cao kiến thức khoa học, tập trung thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ biển; duy trì và tăng cường khảo sát đại dương, quan sát, giám sát từ trên cao.
- Thúc đẩy chính sách Bắc Cực với các biện pháp liên quan đến nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế và sử dụng bền vững, sử dụng tuyến Đông Bắc trong tuyến đường biển Bắc và sử dụng các sáng kiến của nước ngoài nhằm phát huy thế mạnh của Nhật Bản trong lĩnh vực quan sát, nghiên cứu và phát triển; đồng thời thiết lập các trung tâm hợp tác quốc tế ở Bắc Cực.
- Hợp tác quốc tế theo hướng thượng tôn pháp luật và dựa trên nghiên cứu khoa học để hiện thực hóa lợi ích quốc gia.
- Phát triển nguồn nhân lực có kiến thức về đại dương và nâng cao hiểu biết của người dân thông qua: thực hiện giáo dục hàng hải; đào tạo và bảo đảm nhân sự chuyên môn hỗ trợ các quốc gia biển; áp dụng và duy trì Ngày lễ đại dương.
Điểm cốt lõi trong Kế hoạch lần 3 về chính sách đại dương của Chính phủ Nhật Bản là nêu bật mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề an ninh trên biển, bao gồm an ninh khu vực và cả công tác phòng vệ tại vùng đảo xa; vấn đề bảo vệ lãnh hải quốc gia và lợi ích trên biển của Nhật Bản trong bối cảnh tình hình trên biển của Nhật Bản ngày càng phức tạp do sự đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên (Đe dọa từ hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên và các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền). Kế hoạch lần 3 của Nhật Bản còn nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa Lực lượng Tuần Duyên và Cơ Quan Ngư Nghiệp để tăng cường năng lực đối phó với các hoạt động phi pháp của các tàu cá nước ngoài trong vùng biển Nhật Bản; nhấn mạnh đến các biện pháp thu thập, chia sẻ thông tin, đặc biệt là đối với các thông tin về tàu thuyền nước ngoài.... Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, chính sách mới của Nhật cũng quy định việc phát huy chiến lược “Một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” nhằm duy trì và củng cố tuyến đường biển thông thoáng, mở và tự do cho Nhật Bản.
3. Về cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương của Nhật Bản
Trước đây, để quản lý biển và đại dương, Nhật Bản quản lý theo ngành dọc, mỗi ngành liên quan đến biển sẽ thuộc sự quản lý tương ứng của Bộ chuyên ngành như vận tải biển do Bộ Giao thông vận tải quản lý, thủy sản do Bộ Thủy sản quản lý v.v.. Tuy nhiên, sự quản lý biển theo ngành dọc tạo ra sự bất lợi khi giải quyết một vấn đề mang tính tổng hợp, liên ngành như các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển, vấn đề kinh tế biển... Do vậy, Nhật Bản đã chuyển đổi sang mô hình quản lý thống nhất, tổng hợp biển, đại dương bằng việc thành lập cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng.
Từ khi ban hành Luật cơ bản về chính sách đại dương năm 2007, theo quy định của Luật, Nhật Bản thành lập Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương của Nhật Bản do Thủ tướng đứng đầu, thành viên là các bộ trưởng nội các thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển; trong đó có một bộ trưởng chuyên trách giúp Thủ tướng chỉ đạo hoạt động của Cơ quan chỉ đạo. Nhật Bản thành lập Văn phòng Xúc tiến Chính sách đại dương, là cơ quan thuộc Nội các, do Bộ trưởng chuyên trách giúp Thủ tướng về chính sách biển đứng đầu để giúp việc Cơ quan chỉ đạo. Văn phòng có nhiệm vụ: (i) dự thảo và đề xuất các biện pháp thực hiện Kế hoạch cơ bản chính sách biển; (ii) điều phối, liên kết thực hiện chính sách giữa các cơ quan, bộ, ngành và tổ chức trong Kế hoạch cơ bản; (iii) thực hiện các vấn đề liên quan đến quy hoạch và dự thảo những vấn đề quan trọng đối với đại dương cũng như công tác phối hợp. Trong Văn phòng có Ban thư ký chính sách đại dương quốc gia (National Ocean Policy Secreteriat). Ngoài Văn phòng xúc tiến chính sách đại dương, Thủ tướng Nhật Bản còn thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia (Advisory Council) để tư vấn, đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị chính sách, biện pháp thực thi Kế hoạch cơ bản cho Thủ tướng và Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương. Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia gồm 13 người, là các chuyên gia, nhà khoa học, giáo sư ở các Trường đại học, các Viện nghiên cứu, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến biển, đại dương do Thủ tướng lựa chọn và quyết định (Nhiệm kỳ của mỗi thành viên là 2 năm, cứ sau 2 năm, các thành viên của Hội đồng được đổi mới 1/3).
Các Bộ, ngành có bộ trưởng là thành viên của Cơ quan chỉ đạo Chính sách biển sẽ là các cơ quan thực hiện các kế hoạch, giải pháp do Cơ quan chỉ đạo Chính sách đại dương đưa ra. Cụ thể:
- Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo giao thông trên biển, bảo vệ và quản lý các đảo, quản lý tổng hợp vùng ven biển.
- Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ biển; giữ gìn và BVMT tự nhiên của biển.
- Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy sự phát triển một cách hệ thống về năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong khu vực biển.
- Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá có trách nhiệm chính trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất của các vùng khai thác thủy sản.
- Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo việc điều phối quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…
- Bộ Nội vụ và Thông tin có trách nhiệm chính trong việc xác định những biện pháp giải quyết những thảm họa thiên tai tự nhiên từ biển gây ra.
- Bộ Môi trường có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ môi trường biển, giảm bớt sức ép về môi trường.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát việc xuất, nhập khẩu hàng hóa và phương tiện thủy theo các quy định của hải quan.
- Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong việc thông báo cho các quốc gia có cắm cờ về những vi phạm hàng hải tuân thủ theo các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, duy trì luật lệ, phép tắc trên biển.
- Bộ Y tế, Lao động và Sức khỏe có trách nhiệm chính trong việc tập huấn tăng cường nguồn nhân lực trong các vấn đề về biển và hàng hải.
Nhật Bản cũng đề cao vai trò của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực như khai thác hải sản, bảo vệ môi trường biển vùng ven bờ, bảo tồn các khu sinh thái biển, phát triển kinh tế đảo... Với bộ máy quản lý như trên, chính sách đại dương của Nhật Bản được thực hiện độc lập, tổng hợp, có hiệu quả.
***
Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, việc “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển và thậm chí cả các quốc gia không có biển. Nhật Bản là quốc gia ven biển, vì thế nước này coi trọng việc triển khai chiến lược quốc gia về biển.Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản về chiến lược biển có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn đối với nước ta hiện nay.
Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về chính sách đại dương vào năm 2007 (thực chất cũng là Chiến lược biển của Nhật Bản) cùng thời điểm với Đảng ta ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Là một cường quốc kinh tế, khoa học công nghệ, nên chính sách của Nhật Bản là vươn ra đại dương, còn của ta ở phạm vi khiêm tốn hơn. Để thực hiện Luật cơ bản về chính sách đại dương, Nội các Nhật Bản có các kế hoạch 5 năm, đến này đã có 3 kế hoạch 5 năm (đã hoàn thành 2 kế hoạch 5 năm 2007 - 2012, 2013 - 2018 và đã ban hành kế hoạch 5 năm 2018 - 2023). Năm 2007, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, cũng như quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông còn chưa căng thẳng do những hành động từ phía Trung Quốc. Do đó, kế hoạch 5 năm đầu thực hiện Chiến lược biển của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Nhưng từ kế hoạch 5 năm lần 2 và nhất là lần 3, Nhật Bản đã điều chỉnh, quan tâm, tập trung hơn cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nhật ở biển Hoa Đông, tới việc bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông và xa hơn, phối hợp với các đồng minh của Mỹ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Việc Nhật Bản tổ chức thực hiện chiến lược biển bằng việc thông qua các kế hoạch 5 năm của Chính phủ tạo điều kiện để có thể điều chỉnh kế hoạch, chính sách một cách linh hoạt đáp ứng yêu cầu của tình hình và tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Để chỉ đạo thực hiện chiến lược biển (Luật cơ bản về chính sách đại dương), Nhật Bản thành lập Cơ quan chỉ đạo tập trung, thống nhất do Thủ tướng đứng đầu. Thành viên của Cơ quan chỉ đạo là bộ trưởng các bộ có liên quan đến biển, đại dương. Trong đó, có một bộ trưởng chuyên trách, giúp Thủ tướng chỉ đạo hoạt động của Cơ quan. Bộ trưởng chuyên trách là người đứng đầu Văn phòng xúc tiến chính sách đại dương (Trong đó có Ban Thư ký chính sách đại dương quốc gia) là bộ phận tham mưu, giúp việc Cơ quan chỉ đạo. Văn phòng này là một cơ quan của Nội các Nhật Bản. Ngoài cơ quan tham mưu, giúp việc chính thức, Thủ tướng Nhật Bản thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia, thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học, các giáo sư ở các Trường đại học, Viện nghiên cứu có liên quan đến biển làm tư vấn cho Thủ tướng và Cơ quan chỉ đạo.
Đây là những vấn đề Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo khi xây dựng và thực hiện Chiến lược biển trong những năm tới.
Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát về Chiến lược biển tại Nhật Bản