Thứ Bảy, ngày 02 tháng 11 năm 2024

Một số vấn đề về giáo dục và cơ chế, chính sách phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ ở Phần Lan

Ngày phát hành: 27/12/2018 Lượt xem 2281

Nhà thờ Trắng tại Thủ đô Helsinki Phần Lan (ảnh TD)

1. Khái quát về Phần Lan

  Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu có diện tích 338.145 km2, rừng chiếm 69%, đất canh tác 8%. Phần Lan có dân số trên 5.4 triệu người (16 người/km2), thu nhập bình quân đầu 45.693 USD. Năm 2017, Phần Lan xếp thứ 8 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thứ 10 về chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI). Các chỉ số về hạ tầng khoa học và công nghệ, nhân lực trình độ cao, sáng chế, công bố và trích dẫn quốc tế, hợp tác công - tư của Phần Lan đều đứng ở tốp đầu thế giới.

• Phần Lan đã nhiều năm liên tục được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới bình chọn là một trong những nước có nền kinh tế phát triển sáng tạo, cạnh tranh nhất thế giới.

• Phần Lan, theo tổ chức OECD, là nước thành công nhất thế giới trong giáo dục trẻ em.

• Phần Lan là một trong những nước tham nhũng ít nhất trên thế giới, theo công bố của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2007.

• Phần Lan xây dựng một Xã hội thông tin: Với tỷ lệ internet, điện thoại di động, và giao dịch ngân hàng điện tử trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Về thể chế chính trị, Phần Lan là một quốc gia dân chủ theo chế độ cộng hòa nghị viện. Quốc hội Phần Lan gồm một viện với 200 ghế. Các thành viên trong quốc hội được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm. Theo hiến pháp, quốc hội bầu ra thủ tướng, sau đó được tổng thống bổ nhiệm vào nội các. Các bộ trưởng cũng được tổng thống bổ nhiệm dựa trên sự đề xuất của thủ tướng.Trong vài thập kỷ qua quyền lực của Tổng thống đã bị giảm bớt. Trong bản sửa đổi hiến pháp, có hiệu lực vào năm 1991 cùng với một hiến pháp mới được soạn thảo năm 2000, được sửa đổi vào năm 2012, đã nâng cao vai trò của Quốc hội.Tổng thống đã dần dần trở thành một nhân vật mang tính nghi thức. Nhiều tổng thống đã từng là thủ tướng trước khi tiếp nhận chức tổng thống. Juha Sipilä là Thủ tướng Phần Lan hiện tại, đồng thời là chủ tịch Đảng Trung tâm Phần Lan, một đảng trung dung.

Theo Hiến pháp sửa đổi, hiện nay Quốc hội có 2 Hội đồng: Hội đồng văn hóa và Hội đồng dự báo tương lai. Thành viên Hội đồng dự báo tương lai là các nhà khoa học đã được lựa chọn vào Quốc hội. Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá tác động đường lối, chính sách của Chính phủ với nhân dân trong nhiệm kỳ; đưa ra những dự báo sự phát triển của khoa học, công nghệ đối với xã hội.

Các chính đảng tham gia Quốc hội (hiện có 9 tổ chức) cùng thảo luận với nhau trong việc hình thành các chính sách chung theo quan điểm của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tác động ảnh hưởng của các đảng với Quốc hội đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng của các Ủy ban với Quốc hội đang tăng lên.

 

Đoàn khảo sát do GS.TS Tạ Ngọc Tấn làm Trưởng đoàn trao đổi với Trường Đại học Phần Lan (Finland University) 

 

2- Mô hình, thể chế đổi mới giáo dục-đào tạo

Vào đầu những năm 1970, Phần Lan có một hệ thống giáo dục bị xuống cấp trầm trọng với phương thức giáo dục quản lý cứng nhắc, thiếu tính sáng tạo, và một nền kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp dựa vào một sản phẩm duy nhất – gỗ. Nhận rõ vai trò của giáo dục, trong hơn ba thập kỷ qua, Phần lan đã kiên quyết và liên tục cải cách – đổi mới giáo dục. Sau hơn 30 năm Phần Lan nổi lên như một điển hình mới trong lĩnh vực giáo dục, là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới, nhất là giáo dục trẻ em.

Phần Lan có tỷ lệ người biết chữ là 100%. 83% dân số Phần Lan trong lứa tuổi 25 – 34 đã có bằng Tú tài hoặc Cử nhân trở lên. Trong 5.4 triệu dân, Phần Lan có 0.3% là tiến sĩ, 23.3% tốt nghiệp đại học và sau đại học, 36.1% tốt nghiệp trung học và còn lại 40.6% mới chỉ hoàn thành chương trình giáo dục toàn diện (hết lớp 9) và chưa học xong trung học.

Ở Phần Lan, giáo dục công là hoàn toàn miễn phí, kể cả đại học (tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, có 1 số trường đại học thử nghiệm thu phí); trong hệ thống giáo dục không có khái niệm học bổng. Thông thường sinh viên du học tai Phần Lan cũng không phải đóng học phí, nhưng phải tự chi tiền ăn, ở.

Giáo dục phổ thông cơ sở là bắt buộc đối với học sinh từ 7 – 16 tuổi. Học sinh tiếp tục lên cấp phổ thông trung học (3 năm) hoặc học định hướng nghề nghiệp (2 – 3 năm) sau đó lên học Đại học (3,5 – 4 năm) và sau Đại học.

 1)  Giáo dục dự bị tiểu học

Trên thực tế Phần Lan không có trường cho trẻ em trước khi bước vào lớp một. Việc dạy trẻ em trước khi đi học là do nhà trẻ (daycare centre) đảm nhiệm. Khái niệm pre-school teaching được hiểu là giáo dục cho trẻ em trong vòng một năm để chuẩn bị vào lớp một. Mục đích là chuẩn bị kỹ năng và thói quen trước khi bước vào cuộc đời học tập của trẻ. Đây là năm trẻ em được dạy các trò chơi có ý thức. Hai yêu cầu cần đạt được trong năm này là tách trẻ em ra khỏi môi trường gia đình, làm quen với môi trường cộng đồng. Thông qua các trò chơi, trẻ em dần dần có được ý thức học – hiểu một thực tế hiển nhiên nào đó, một kỹ năng nào đó. Theo luật, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các trung tâm dạy cho trẻ em 6 tuổi. Việc học, theo luật, là tự nguyện nhưng trên thực tế gần 100% trẻ em đều tham gia học dự bị tiểu học.

2) Giáo dục phổ thông cơ bản - toàn diện

Trẻ em Phần Lan bắt đầu đi học khi lên 7 tuổi và sẽ hoàn thành cấp giáo dục cơ bản - toàn diện trong vòng  9 năm (7 – 16 tuổi). Ở bậc học này, theo luật, học sinh phải hoàn thành tất cả các môn học cấp giáo dục cơ bản - toàn diện, có thể bằng cách tới trường hoặc bằng hình thức khác tương tự  (tự học...). Thông thường học sinh kết thúc bậc giáo dục này vào năm 17 tuổi. Giáo dục bắt buộc đã được đưa vào Hiến pháp ngay từ khi Phần Lan độc lập vào năm 1917.

Sáu năm đầu của chương trình giáo dục phổ thông cơ bản - toàn diện, học sinh học với 1 giáo viên đứng lớp (class teacher), sẽ dạy tất cả các môn hoặc hầu hết các môn (trừ các môn năng khiếu cao). Ba năm cuối (lớp 7-9), học sinh sẽ được học với các giáo viên bộ môn (subject teacher). Giáo dục toàn diện chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để khuyến khích học sinh trở thành những thành viên có trách nhiệm và đạo đức của xã hội và trở thành một con người có thể thích nghi tốt với xã hội nơi mình sinh sống. Hệ thống giáo dục cơ bản - toàn diện tập trung cao nhất dạy cho học sinh những sự thật hiện hữu (facts) và các kỹ năng (skills) cần thiết sau này áp dụng cho cuộc sống hàng ngày với tư cách là một thành viên của xã hội. Những trẻ em khuyết tật, theo luật, được hưởng chế độ học tập được thiết kế riêng cho mình.

Các môn học được dạy trong chương trình giáo dục toàn diện là tiếng mẹ đẻ (tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển), ngoại ngữ, toán, lý, hóa, lịch sử, nghiên cứu xã hội, thể dục, nhạc, họa, thủ công, kinh tế gia đình, đạo đức, sinh học, địa lý, nghiên cứu môi trường. Ngoài ra, học sinh tùy theo độ tuổi có thể được chọn những môn phụ mình yêu thích.

Kết thúc bậc học này, học sinh không phải thi, không có chứng chỉ, nhưng sau khi học xong, học sinh có thể có thể lựa chọn học lên trung học phổ thông hay học trung học nghề.

3) Giáo dục bậc trung học:  Bao gồm Hệ thống các trường trung học phổ thông có mục tiêu giáo dục chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh học tiếp lên các trường đại học theo định hướng nghiên cứu (hơn 50% học sinh). Còn hệ thống các trường trung học nghề thực hiện giáo dục dục nghề nghiệp và đào tạo nghề (VET) có mục tiêu chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cho học sinh theo các chứng chỉ nghề (gần 40% học sinh, với 3 luồng khác nhau), và học tiếp lên các bậc trên theo hướng ứng dụng – thực hành. Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề (VET) có nhiệm vụ đào tạo và nâng cao các kỹ năng của lực lượng lao động để đáp ứng các yêu cầu công việc trong thế giới hiện đại và hỗ trợ học tập suốt đời. VET bao gồm đào tạo nghề ban đầu và đào tạo tiếp tục và đào tạo liên tục. VET là dành cho cả người trẻ và người lớn đã và đang lao động.

4) Giáo dục Đại học: Ở Phần Lan, giáo dục Đại học gồm 2 loại hình đào tạo: Universities (Đại học nghiên cứu hay hàn lâm) và Polytechnics (Đại học bách khoa hay ứng dụng - thực hành). Cả 2 loại hình đào tạo đại hoc trên đều cấp bằng cử nhân. Hoạt động của các trường đại học dựa trên nguyên tắc sự tự do học thuật và quyền tự chủ cao về các quy định bằng cấp và chương trình giảng dạy của trường .

Bên cạnh các trường đại học truyền thống, trong hệ giáo dục đại học chính quy ở Phần Lan còn có trường đại học ảo Vituaaliyliopisto (FVU) được bắt đầu xây dựng năm 2001 và đi vào hoạt động năm 2004. Mục đích hoạt động của FVU là tạo ra một loại hình giáo dục mới trên internet nhằm giúp cho việc học của sinh viên cũng như việc dạy của giáo viên linh động hơn, vượt ra khỏi giới hạn của mỗi trường. Các trường đại học ảo không nhận sinh viên. Để trở thành sinh viên và khai thác được dữ liệu của FVU, phải là sinh viên của một trong số các thành viên của FVU. Kho dữ liệu về các khóa học trên mạng của FVU bao gồm tất cả các khóa học trên mạng của tất cả các trường thành viên. Sáng kiến và kinh nghiệm cùa FVU đang trở thành cơ sở cho việc phát triển mạng lưới giáo dục cao học của châu Âu (the European Higher Educatoin Area (EHEA) hiện nay.

 

Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan

Một số nhận xét

(1) Từ cuối những năm 1970, khi nhận rõ sự lạc hậu của hệ thống giáo dục hiện tại (với các giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia (national core curriculum) vốn rất chặt chẽ và chi tiết về cấu trúc; việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nội dung và các phương pháp giáo dục đều được quy định trong giáo trình – sách giáo khoa và được kiểm soát tỷ mỉ, mục đích là để bảo đảm tính thống nhất cao về giáo dục giữa các trường và các lớp học) là hệ thống thiếu tính sáng tạo và ít gắn với đòi hỏi của thực tiễn, Phần Lan đã quyết tâm thay đổi căn bản cả về hệ thống giáo dục, từ triết lý giáo dục,  mục tiêu, nội dung chương trình - giáo trình và thực tiễn áp dụng (practice), cả cơ chế hoạt động của nhà trường, phương pháp sư phạm và vai trò của giáo viên…Quá trình giáo dục được tổ chức lại theo hướng linh hoạt hơn, phân quyền và ít chi tiết hơn. Phần Lan xác định phải xây dựng được nền giáo dục và xã hội dựa vào ba trụ cột chính là kỹ năng, tri thức và sáng tạo. Những mục tiêu đó là động lực thúc đẩy Phần Lan phải luôn phấn đấu duy trì được một nền giáo dục chất lượng cao và một xã hội học tập suốt đời.

(2) Hệ thống giáo dục được đổi mới căn bản đã có những ưu điểm sau: Cấu trúc toàn bộ hệ thống giáo dục rất linh hoạt, hiệu quả, liên thông với nhau, vừa đảm bảo giáo dục toàn diện vừa gắn với giáo dục định hướng nghề nghiệp sớm. Ở bậc phổ thông đã phân rõ hai cấp giáo dục: cấp giáo dục phổ thông cơ bản – toàn diện (6 năm)  và cấp giáo dục trung học theo định hướng nghề nghiệp (3 năm); hai cấp này có các nội dung, chương trình và phương thức giáo dục rất khác nhau. Hệ thống này đã phân luồng rõ hai định hướng giáo dục và đào tạo (nghiên cứu và ứng dụng thực hành) ngay sau bậc trung học cơ sở khi bước vào cấp trung học (với hai loại trường là trung học phổ thông và các trường trung học nghề, đào tạo nghề). Ở bậc đào tạo đại học và thạc sỹ cũng phân rõ theo hai định hướng nghiên cứu và ứng dụng – thực hành (thạc sỹ trong hướng ứng dụng – thực hành còn đòi hỏi phải có 3 năm làm việc thực tế. Chỉ có lên bậc đào tạo tiến sỹ mới là chung cho cả hai định hướng. 

- Hệ thống các trường phổ thông cơ bản - toàn diện chấm dứt hoàn toàn việc phân loại học sinh, thi chuyển cấp, và hai hệ thống trường học (cấp 1 và 2) như  đa số các nước khác. Mục tiêu giáo dục cơ bản của cấp này là sự phát triển con người toàn diện, đặc biệt là về nhân cách và các kỹ năng. Trong sáu năm đầu học sinh học theo các môn do bộ giáo dục quy định, chưa có nhiều quyền lựa chọn. Bắt đầu từ lớp bẩy, học sinh bắt đầu học theo các khóa học (course-based). Hệ thống course-based cho phép học sinh dần dần chủ động hơn trong việc lựa chọn các môn học theo sở thích. Hệ thống được thiết kế sao cho càng học lên cao, học sinh càng có nhiều quyền tự do lựa chọn.

- Theo luật, các trường không được phép chuyển học sinh sống ở vùng của mình sang một trường khác. Khác với đa số các nước, Phần Lan tuyệt đối không áp dụng hệ thống sàng lọc, phân loại học sinh thành các lớp chuyên, lớp chọn, chuyển trường, chuyển lớp, đúp lớp. Trong vòng 9 năm học, học sinh được bảo đảm nhận được sự giáo dục tốt nhất và bình đẳng như nhau. Hội đồng giáo dục quốc gia (National Board of Education) biên soạn giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia rât khoa học và chi tiết. Trên cơ sở giáo trình chuẩn quốc gia, các trường tổ chức biên soạn chương trình giảng dạy của mỗi trường (school curriculum) với sự tham gia của toàn bộ giáo viên của trường. Không có giáo án chung cho từng môn, từng lớp. Giáo án, bài giảng, phương pháp giảng dạy thuộc trách nhiệm của từng giáo viên, dựa theo giáo trình cơ bản quốc gia và chương trình giảng dạy của trường. Kể từ năm 1992, độc quyền về sách giáo khoa được xóa bỏ. Sách giáo khoa do các nhóm chuyên gia giáo dục biên soạn theo chuẩn của giáo trình cơ bản quốc gia.

- Hệ thống các trường trung học nghề cũng rất linh hoạt và hiệu quả khi tổ chức đào tạo theo 3 hướng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thực tiễn phát triển đất nước ở trình độ này, nhưng lại tạo cơ hội rất rộng mở cho học sinh phổ thông (và những người đang lao động) học tiếp lên bậc cao hơn là đại học, thạc sỹ và tiên sỹ.

 (3) Thành công của giáo dục Phần Lan đa phần bắt nguồn từ một nhân tố quan trọng - đó là thầy cô giáo.  Khác với nhiều nước, giáo dục đã trở thành một mô hình công nghiệp, giáo viên chỉ là công cụ dùng để truyền đạt tri thức - một sản phẩm làm sẵn. Còn ở Phần Lan thì giáo viên là tiêu chuẩn mẫu mực (của xã hội)”. Vì vậy, bắt đầu từ những năm 1970, Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tiêu chí đặt ra là tất cả giáo viên tiểu học đến trung học đều phải có bằng thạc sĩ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Còn giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo cần có bằng cử nhân..

Những người muốn vào học các trường đào tạo giáo viên ở Phần Lan phải tham gia một kì thi đầu vào kéo dài vài ngày. Chỉ có những ứng cử viên xuất sắc nhất mới được chọn làm giáo viên tương lai.

Vấn đề đạo đức, lối sống cũng rất được coi trọng trong suốt quá trình đào tạo giáo viên. Các sinh viên trong quá trình đào tạo nếu vi phạm những quy ứng xử và lối sống hàng ngày không chỉ trong phạm vi trường học mà cả ngoài giờ học và ở ngoài trường học đều có thể bị loại khỏ trường

 Cùng với việc học lý thuyết, các sinh viên sư phạm sẽ được thực tập giảng dạy tại các cơ sở riêng của các trường sư phạm hoặc liên kết nhằm phát triển kỹ năng của các giáo viên tương lai..

Trong hệ thống các trường phổ thông Phần Lan, ngoài các giáo viên đứng lớp và giáo viên bộ môn, trong tất cả các trường học đều có một đội ngũ giáo viên đặc biệt, được gọi là các chuyên gia sư phạm thực thụ, có chuyên môn và trình độ sư phạm cao hơn những giáo viên bình thường, có nhiệm vụ bổ túc cho những học sinh khuyết tật, cá biệt và cần sự giúp đỡ tạm thời để bắt kịp với các bạn cùng lứa. Hệ thống giáo viên đặc biệt này đã loại bỏ hoàn toàn việc dạy và học thêm. Hệ thống hành chính và quản lý trường hoạt động hoàn toàn độc lập với đội ngũ giảng dạy, 100% giáo viên không tham gia vào hệ thống quản lý. Giáo viên có quyền tự chủ và trách nhiệm rất cao trong hoạt động giảng dạy; hiệu trưởng hoàn toàn không có quyền can thiệp vào chuyên môn của các khoa, các giáo viên.

(4) Số giờ học ở trường của học sinh Phần Lan ít hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD: Trung bình học sinh ở tuổi 15 ở Phần Lan học 30 giờ một tuần, kể cả học trong lớp và các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó mức trung bình của các nước OECD là 35 giờ và riêng ở Hàn Quốc là 50 giờ. Bài làm về nhà của học sinh Phần Lan cũng rất ít. Hệ thống giáo dục Phần Lan đi theo nguyên tắc “Không có chuyện học thuộc lòng”, mà hướng tới phát triển tư duy sáng tạo.

(5) Hệ thống trường học ở Phần Lan “cấm học sinh thi cử”. Trong suốt 9 năm học ở bậc giáo dục cơ bản – toàn diện, học sinh không phải dự bất kỳ một kỳ thi toàn quốc nào. Tuy nhiên, để bảo đảm cho các học sinh và giữa các trường đạt được trình độ tương đương gần như nhau, Hội đồng giáo dục quốc gia xây dựng giáo trình chuẩn kiến thức (quy định trong national core curriculum) cho từng môn học và áp dụng trên toàn quốc.

(6) Hệ thống các trường đại học cũng được tổ chức rất phù hợp với đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển xã hội hiện đại :

  Các đại học nghiên cứu có từ lâu đời ở Phần Lan (trường đầu tiên thành lập năm 1640). Hoạt động của các trường đại học này vẫn dựa trên nguyên tắc sự tự do học thuật và quyền tự chủ cao về tài chính, về các quy định bằng cấp và chương trình giảng dạy của trường.  Mục đích cơ bản của các trường đại học này là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu học thuật, khoa học và giáo dục, phát triển mối quan hệ giữa nghiên cứu và giảng dạy, tiến hành các nghiên cứu khoa học và cung cấp các hình thức học tập sau đại học

Hệ thống đại học ứng dụng - thực hành có lịch sử chưa lâu ở Phần Lan (ra đời vào những thập kỷ 1990). Đặc điểm đặc biệt của các đại học này là nó gắn với đời sống thực tiễn và mục đích của trường đại học thực hành là đào tạo ra các kỹ sư, chuyên gia lành nghề trong các lĩnh vực. Đại học ứng dụng - thực hành khác với đại học nghiên cứu ở chỗ không trực thuộc chính phủ mà trực thuộc các đơn vị hành chính (hay liên đơn vị hành chính), thuộc sở hữu tư nhân, các công ty hay tổ chức được cấp phép hoạt động. Tuy thế, chính phủ vẫn phải cung cấp 57% ngân sách cho các trường đại học thực hành.

Nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền giáo dục đại học trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những năm gần đây, Hà Lan đã có 3 cuộc sáp nhập lớn các trường đại học, từ 20 trường (cách đây 8 năm) nay, còn lại 14 trường. Việc sáp nhập các trường đã tạo cơ hội, sức hấp dẫn  mới cho Phần Lan trong “xuất khẩu” giáo dục đại học (như trường đại học Phần lan là sự liên kết của 3 trường đại học của các ngành: nghiên cứu, kỹ thuật, kinh tế thương mại. Sau khi học xong, sinh viên có thể lấy 3 bằng của 3 trường cùng một lúc). Chính phủ không có quy định bắt các trường đại học phải sáp nhập. Việc sáp nhập là do các trường tự nguyện thỏa thuận với nhau, nhưng chính phủ sẽ có khoản kinh phí hỗ trợ cho các trường khi sáp nhập.

Như vậy có thể thấy rằng hệ thống giáo dục Phần Lan dù là giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo đại học nghiên cứu hay đại học ứng dụng – thực hành đều đi theo nguyên tắc phát triển con người - phát triển sáng tạo, gắn và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguyên nhân tạo nên chất lượng cao của nền giáo dục Phần lan

 (1) Phần lan đã kiên quyết – kiên trì – thường xuyên cải cách và đổi mới giáo dục đáp ứng với đòi hỏi của đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng được nền giáo dục và xã hội dựa vào ba trụ cột chính là kỹ năng, tri thức và sáng tạo; Lấy mục đích trung tâm là phát triển con người – phát triển sáng tạo.

(2) Trong giáo dục phổ thông Phần Lan đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục các giá trị con người, giá trị xã hội phù hợp với đòi hỏi của đất nước, đồng thời tập trung giáo dục các kỹ năng, nhất là đối với các môn đọc, toán và khoa học ứng dụng, các kiến thức định hướng nghề nghiệp cần thiết, những điều mà học sinh cần và có thể áp dụng vào cuộc sống.

Trong giáo dục nghề và đào tạo đại học, thạc sỹ đã có sự phân định rất khoa học và hiệu quả giữa giữa định hướng nghiên cứu (hàn lâm) và định hướng ứng dụng – thực hành (bách khoa), điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu của từng loại hình, lĩnh vực và trình độ sử dụng nhân lực.

 (3) Phần Lan đặt rất cao vị trí xã hội, trao quyền tự chủ cao đồng thời gắn với yêu cầu rất cao về chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên. Từ yêu cầu này đã đổi mới hệ thống và nội dung, phương pháp đào tạo giáo viên, xây dựng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu từng loại giáo viên (giáo viên dứng lớp, giáo viên bộ môn, giáo viên đặc biệt, giáo viên tư vấn…) gắn bó với học sinh, với các phương pháp giáo dục hiện đại và phù hợp với bẳn sắc của Phần Lan.

(4) “Sự công bằng là một trong những điều quan trọng nhất trong nền giáo dục phần Lan”. Tất cả trẻ em ở Phần Lan dù thành thị hay nông thôn đều được hưởng một nền giáo dục như nhau, xác định trường học là nơi học tập, ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh (quyết định hủy bỏ chế độ chia đẳng cấp, không dùng điểm số để phân chia thứ bậc, bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn..). Thực hiên chế độ giáo dục miễn phí ở tất cả các cấp học. Phần Lan chỉ có một số rất ít trường tư và ngay cả trường tư thì tài chính phần lớn cũng là từ chính quyền hỗ trợ.

 (5) Giáo dục Phần Lan tập trung dạy trẻ học và sáng tạo chứ không gây áp lực trẻ thi cử, chạy theo bằng cấp. Người Phần Lan nói“Chúng tôi dạy trẻ học cách học, chứ không dạy trẻ học cách để thi. Các thầy cô  tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, học sinh cũng tuyệt đối không học vì thi cử”  12 năm học đầu tiên trong đời HS chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Giáo dục Phần Lan hướng trẻ chơi mà học.

(6) Chính phủ Phần Lan đầu tư rất lớn cho giáo dục; chi phí cho giáo dục đứng thứ 2 trong các nước OECD.

3- Tổ chức quản lý và cơ chế, chính sách phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ

Phần Lan đầu tư rất mạnh cho hoạt động R&D cả từ nguồn ngân sách Chính phủ và khu vực tư nhân. Năm 2015, tổng đầu tư xã hội cho R&D là 6,4 tỷ Euros (3,1% GDP), trong đó kinh phí từ ngân sách Chính phủ là 2 tỷ Euro (1% GDP). Khu vực doanh nghiệp và tư nhân đóng góp 2/3 tổng đầu tư xã hội cho hoạt động R&D.

Viện Hàn lâm Phần Lan (thuộc Bộ Giáo dục và Văn hoá) và Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Tekes (thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm) là hai kênh tài chính chủ yếu chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở cạnh tranh.

 

Đoàn khảo sát làm việc với Viện Hàn lâm Phần Lan

1) Viện Hàn lâm Phần Lan

Viện Hàn lâm Phần Lan là một quỹ công lập tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng không trực tiếp thực hiện chức năng nghiên cứu.Viện cung cấp các tài trợ cho nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ nghiên cứu và cải thiện tiềm lực nghiên cứu.

Về học thuật, Viện có 4 Hội đồng nghiên cứu chuyên ngành (Sinh học và Môi trường; Văn hóa và Xã hội; Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật; Y học); Hội đồng Nghiên cứu chiến lược; và Hội đồng cơ sở hạ tầng nghiên cứu. Về quản lý, Viện được tổ chức theo mô hình Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và hành chính; Giám đốc điều hành và các đơn vị quản lý hoạt động tài trợ tương ứng với các lĩnh vực chuyên ngành. Tổng nhân lực làm việc cho Viện là 143 người.

Năm 2014, tổng ngân sách của Viện Hàn lâm Phần Lan là 316.8 triệu Euro; năm 2015 tăng lên 415.6 triệu Euro (gần 10.000 tỷ đồng, gấp 10 lần quy mô Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, 20 lần quy mô Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia của Việt Nam). Tỷ lệ kinh phí tài trợ theo lĩnh vực và đối tượng thụ hưởng như sau:

- Theo lĩnh vực: Khoa học tự nhiên và kỹ thuật là lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất với tỷ lệ 38% (113.2 triệu Euro); tiếp đó là Văn hóa và xã hội 23% (68.2 triệu Euro); Sinh học và môi trường 19% (54.9 triệu Euro); Y học 14% (41.6 triệu Euro); Hạ tầng nghiên cứu 6% (17 triệu Euro).

- Theo đối tượng thụ hưởng: Các trường đại học và bệnh viện là đối tượng được nhận kinh phí tài trợ lớn nhất với 82% (261.2 triệu Euro); trong khi các viện nghiên cứu chỉ nhận 9% (27.8 triệu Euro); các tổ chức nước ngoài 7% (20.9 triệu Euro); và đối tượng khác 2% (6.9 triệu Euro).

Các hình thức tài trợ của Viện Hàn lâm khá đa dạng, bao gồm:

-  Đối với hoạt động nghiên cứu, có 3 hình thức tài trợ: Theo dự án, chương trình nghiên cứu và trung tâm xuất sắc;

- Đối với cán bộ nghiên cứu, có 3 hình thức tài trợ: Nghiên cứu viên sau tiến sỹ, nghiên cứu viên xuất sắc và giáo sư;

- Đối với môi trường nghiên cứu, có 3 hình thức tài trợ: Tăng cường năng lực của trường đại học, hạ tầng nghiên cứu và FiDiPro (Finland Distinguished Professor Programme- thu hút giáo sư giỏi là người nước ngoài và người Phần Lan ở nước ngoài về làm việc tại Phần Lan).

Trong các hình thức trên, tài trợ theo dự án là hình thức tài trợ chính của Viện Hàn lâm Phần Lan, theo đó nhóm dự án được tài trợ tiền lương, mua nguyên vật liệu và thiết bị, chi phí đi lại và hợp tác quốc tế. Tài trợ tăng cường hạ tầng nghiên cứu (xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ phục vụ R&D) theo đề xuất 5 năm một lần và dựa trên kế hoạch cải thiện hạ tầng nghiên cứu dài hạn của đơn vị. Riêng đối với cán bộ nghiên cứu, Viện tài trợ 3 năm chi lương và chi phí nghiên cứu đối với nghiên cứu viên postdoc (chỉ áp dụng với các tiến sỹ mới nhận bằng tiến sỹ không quá 4 năm), tài trợ 5 năm đối với các nghiên cứu viên xuất sắc và giáo sư.

2) Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Tekes

Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Tekes (thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm) thành lập năm 1983, là quỹ công lập lớn nhất tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Phần Lan. Tổng ngân sách hàng năm của Tekes là 550 triệu Euro (13.200 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần quy mô Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, 26 lần quy mô Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia của Việt Nam). Tổng nhân lực làm việc cho Tekes khoảng400 người.

Tekes tài trợ cho các dự án nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo về công nghệ và kinh doanh của các doanh nghiệp Phần Lan, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Phần Lan. Quỹ này tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp khi có các dự án tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Không trực tiếp tài trợ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học theo hướng nghiên cứu cơ bản, lý thuyết. Cơ chế này buộc các viện nghiên cứu, các trường đại học phải có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Với mục tiêu phi lợi nhuận, Tekes không nắm giữ cổ phần hoặc quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ. Bên cạnh các hỗ trợ tài chính, Quỹ còn kết nối các doanh nghiệp, chuyên gia Phần Lan với mạng lưới doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu.

Hai hình thức hỗ trợ chủ yếu của Tekes là tài trợ và cho vay. Cơ chế tài trợ áp dụng đối với dự án R&D; cơ chế cho vay áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hoặc sản xuất thử nghiệm. Nội dung hỗ trợ gồm: chi lương và tiền công; chi phí gián tiếp cho nhân lực; quản lý phí (overhead); chi phí đi lại; mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dịch vụ.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ hỗ trợ theo hình thức tài trợ hoặc cho vay; doanh nghiệp cũng phải có vốn đối ứng. Mức tài trợ bằng 35-50% tổng kinh phí dự án, chi trả 6 tháng một lần trên cơ sở thực chi. Cơ chế cho vay chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, được coi là vay mạo hiểm (risk loan) không cần thế chấp và một phần vốn vay có thể được ứng trước. Thậm chí, nếu dự án không thành công, một phần vốn vay có thể được chuyển thành khoản tài trợ. Mức vay tối đa bằng 50-70% tổng kinh phí dự án.

Đối với các doanh nghiệp lớn, Quỹ áp dụng cơ chế tài trợ với mức tối đa 25-35% tổng kinh phí dự án với điều kiện đơn vị phối hợp thực hiện dự án phải là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc/và viện nghiên cứu, trường đại học.

Đối với các doanh nghiệp trẻ đổi mới sáng tạo, Quỹ hỗ trợ đến 75% tổng chi phí dự án theo hình thức tài trợ hoặc cho vay nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mới thành lập  (kể cả các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động tại Phần Lan) phát triển tổng thể hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự tăng trưởng ở quy mô toàn cầu đối với các doanh nghiệp nhỏ có triển vọng nhất. Mức hỗ trợ tối đa là 1.25 triệu Euro, trong đó mức tài trợ tối đa là 500 nghìn Euro và mức vay tối đa là 700 nghìn Euro.

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học, Quỹ hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, dịch vụ, kinh doanh có tính mới, tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế Phần Lan. Có 3 loại dự án nghiên cứu được Quỹ hỗ trợ: i) Dự án hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, bao gồm hợp tác với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp phát triển các tri thức và giải pháp phục vụ các ngành, lĩnh vực; ii) Dự án tạo ra tri thức và doanh nghiệp mới dựa trên các ý tưởng khoa học và công nghệ (kết hợp phát triển ý tưởng và thương mại hóa ý tưởng); iii) Dự án nghiên cứu chiến lược tạo ra các đột phá về tri thức mới ở trình độ cao trong các lĩnh vực quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinhdoanh. Các dự án này được hỗ trợ tối đa 60% kinh phí; riêng các dự án quy mô lớn có hợp tác quốc tế sẽ được hỗ trợ tới 70% kinh phí thực hiện.

Trong năm 2014, với ngân sách 550 triệu Euro, Quỹ đã tài trợ cho 2.750 dự án. Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp là 371 triệu Euro, trong đó 63% dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với 1.870 dự án hoàn thành trong năm 2014, đã tạo ra 1.500 sản phẩm, dịch vụ mới; 1.130 sáng chế/đơn sáng chế; 1.090 luận văn nghiên cứu. Doanh thu của các dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 5.8 tỷ Euro. Thống kê cho thấy, với mỗi đồng Euro đầu tư từ Tekes, các doanh nghiệp sẽ tăng thêm 2 đồng Euro đầu tư cho hoạt động R&D của mình; 80% doanh nghiệp thừa nhận hỗ trợ của Tekes đóng góp quyết định cho thành công của doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp nhận tài trợ của Tekes bị phá sản hàng năm là 1%.

   3) Chương trình BEAM (Business for Impact)

BEAM là chương trình liên kết đầu tiên giữa Tekes và Bộ Ngoại giao Phần Lan, do Tekes quản lý, được thực hiện trong 5 năm 2015-2019 với tổng ngân sách 50 triệu Euro (50% từ nguồn Tekes và Bộ Ngoại giao Phần Lan, 50% từ doanh nghiệp và khu vực tư nhân).

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp và chủ thể khác ở Phần Lan(viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ) hợp tác với các đối tác ở các quốc gia đang phát triển trong việc triển khai, thử nghiệm và trình diễn các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức của các quốc gia đang phát triển - “BEAM tìm kiếm các ý tưởng có tác động lớn tới cuộc sống của hàng triệu người dân ở các quốc gia đang phát triển”. Mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm: i) Thúc đẩy các đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, hình thức kinh doanh và hợp tác mới cũng như các công nghệ, giải pháp hướng tới tăng trưởng bền vững và phát triển thịnh vượngở Phần Lan và các nước đang phát triển; ii) Hỗ trợ các doanh nghiệp Phần Lan thiết lập các hoạt động kinh doanh thành công và bền vững ở Phần Lan và các nước đang phát triển; iii) Cải thiện cơ hội của người dân các nước đang phát triển được tham gia và có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế và xã hội.

BEAM ưu tiên các dự án trong 5 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Môi trường, Năng lượng, Công nghệ thông tin và truyền thông. Tiêu chí tài trợ bao gồm: Tác động kinh tế, môi trường hoặc xã hội ở quốc gia đối tác; tác động ngắn hạn và dài hạn; tính mới và có nội dung RDI; tác động ở Phần Lan: tiềm năng tăng trưởng đối với doanh nghiệp; tạo lập được hoạt động kinh doanh bền vững thông qua hợp tác; có lộ trình mở rộng hợp tác một cách khả thi ở quốc gia đối tác.Trong số các quốc gia đang phát triển, Chương trình dành ưu tiên cho hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

 Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam liên kết với các doanh nghiệp và đối tác Phần Lan cùng hợp tác nghiên cứu chung để giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 4)  Diễn đàn khởi nghiệp Slush

Slush là một diễn đàn khởi nghiệp và công nghệ phi lợi nhuận được tổ chức định kỳ hàng năm tại Phần Lan dưới sự điều hành của một nhóm các bạn trẻ tuổi đời không quá 25. Từ ý tưởng ban đầu của một nhóm nhỏ doanh nhân Phần Lan từ năm 2008, đến nay, Slush trở thành một trong những sự kiện lớn nhất thế giới dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với triết lý: “Giúp kiến tạo thế hệ tương lai của các doanh nghiệp vĩ đại”. Slush 2015 được tổ chức tại Helsinki với 15.000 người tham dự, trong đó có 1.700 doanh nghiệp khởi nghiệp, 800 nhà đầu tư và 630 nhà báo đến từ 100 quốc gia. Thủ tướng Phần Lan, Tổng thống Estonia và Hoàng tử Thụy Điển cũng tham dự sự kiện này.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cũng hoạt động tích cực, đồng bộ.

Tại các chương trình Tăng tốc khởi nghiệp Slush GIA, một chương trình được xây dựng để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp mới được thành lập và giới thiệu những cơ hội kinh doanh thú vị tại các thị trường mới nổi,  các startup tiếp xúc các quỹ hỗ trợ và đối tác quốc tế, nhận được sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu thế giới; tham gia các khoá học kỹ năng kinh doanh và xây dựng đội nhóm với các doanh nhân thành công hàng đầu tại châu Âu...

Tại Phần lan, giáo dục đại học đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên khởi nghiệp và đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài trong công tác khảo sát, nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp./.

Nguyễn Tiến

 

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế tại Phần Lan-Nga  của Ban Chủ nhiệm đề tài KX.04.29/16-20

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết