Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Những đặc điểm, tiêu chí cơ bản, phổ biến của kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa

Ngày phát hành: 09/11/2018 Lượt xem 35823

Kinh tế thị trường có nhiều loại, như kinh tế thị trường tự do (liberal market economy), kinh tế thị trường xã hội (social market economy), kinh tế thị trường tư bản nhà nước, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc), kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Việt Nam)… Trên thực tế, các loại kinh tế thị trường này luôn là sự kết hợp và phối hợp của “nhà nước” và “thị trường” (hay bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình); là hai yếu tố không thể thiếu, phối hợp, cộng sinh và bổ sung cho nhau hướng đến các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của các nền kinh tế.

Các mô hình kinh tế thị trường khác nhau chủ yếu ở vai trò của nhà nước, vai trò của  thị trường và mối quan hệ giữa hai yếu tố nói trên. Về vai trò của nhà nước, sự khác nhau không chỉ ở quy mô của nhà nước, mà quan trọng hơn là mục tiêu, công cụ và cách thức can thiệp của nhà nước, cách thức thực hiện vai trò của nhà nước. Về quan hệ nhà nước và thị trường,  thực tiễn cho thấy vấn đề không phải là nhà nước nhỏ, thị trường lớn hay ngược lại; mà là cần “để cho” và “làm cho” thị trường vận hành đầy đủ, đúng quy luật của nó. Thị trường hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả không thể thiếu được một nhà nước mạnh, có hiệu lực và hiệu quả. Ngược lại, thị trường kém phát triển, thì sẽ có nhiều méo mó, nhiều khuyết tật và hoạt động kém hiệu quả; và khi nhà nước chưa thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình, hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả, thì điều đó lại làm trầm trọng thêm các thất bại của thị trường, làm phát sinh thêm các vấn đề và mâu thuẫn xã hội. Theo cách nhìn đó, nền kinh tế thị trường đầy đủ có các đặc điểm như sau:

Hình 1. Hai trụ cột cơ bản của nền kinh tế thị trường.  

 

 

  Một nền kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa đòi hỏi các loại thị trường phải phát triển, cạnh tranh công bằng, và ngày càng tự do hóa không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trong khu vực và trên toàn cầu; và một nhà nước mạnh, có năng lực và thực hiện tốt quản trị quốc gia.

1. Các đặc điểm và tiêu chí cơ bản của yếu tố thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại và điều kiện toàn cầu hóa.

Thứ nhất, là có đầy đủ tất cả các loại thị trường, gồm thị trường các nhân tố sản xuất, thị trường hàng hóa và dịch vụ…; các loại thị trường đều phát triển; về cơ bản là thị trường cạnh tranh công bằng, kết nối các nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Ngày nay, nhờ phát triển của khoa học và công nghệ, các loại tài sản trở nên rất đa dạng (nhất là tài sản vô hình, tài sản và sản phẩm phái sinh…) và khả năng kết nối, giao dịch không giới hạn về không gian và thời gian. Do đó, các loại thị trường luôn trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh về quy mô và hình thức (thị trường kỳ hạn, thị trường giao ngay, thị trường các loại tài sản, hàng hóa phái sinh…).

Thứ hai, sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, được xác định cụ thể; được bảo vệ một cách chắc chắn với độ tin cậy cao. Các loại tài sản luôn biến động, biến đổi, liên tục xuất hiện các loại tài sản mới; mỗi tài sản (dù thuộc công hữu hay tư hữu) đều có chủ sở hữu, và chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu; sở hữu tư nhân và tài sản thuộc sở hữu tư nhân được thừa nhận là phổ biến và chiếm đa số trong nền kinh tế.

Thứ ba, các chủ thể thị trường phải độc lập về pháp lý và đa dạng về loại hình; có quyền tự chủ và tự do kinh doanh; tức là tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, tự do quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường.

Thứ tư, thị trường tất cả các loại đều có cạnh tranh công bằng và trật tự; độc quyền kinh doanh được kiểm soát có hiệu quả; cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh bị loại trừ. Mỗi chủ thể thị trường (người sở hữu vốn, tài sản, người lao động, người sản xuất, người tiêu dùng… thuộc khu vực công hay khu vực tư) đều phải đối mặt với cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong lựa chọn có tính đánh đổi, trao đổi và  mua bán với chủ thể khác.

Thứ năm, tự do kinh doanh, cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự là hai yếu tố cơ bản chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường.

Thứ sáu, giá cả tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên…) đều được quyết định dựa trên sự khan hiếm, cạnh tranh và quan hệ cung - cầu của thị trường[1].

Thứ bảy, cuối cùng là đào thải sáng tạo, tức là cạnh tranh thị trường một cách công bằng và có trật tự sẽ lựa chọn “người thắng cuộc”. Cạnh tranh dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia năng động, sáng tạo, tăng được năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thì doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia đó sẽ vượt lên. Các doanh nghiệp không cạnh tranh được sẽ bị thị trường đào thải để nhường chỗ, nhường cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khác. Quốc gia không gia tăng được năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì quốc gia đó sẽ tụt hậu so với các quốc gia khác có năng suất lao động cao hơn.

2. Các đặc điểm và tiêu chí cơ bản của yếu tố nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa

Trong nền kinh tế hiện đại và toàn cầu hóa,  nhà nước có những đặc điểm, tiêu chí và thực hiện tốt vai trò và chức năng sau đây:

Một là, quản lý và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô;

Hai là, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ và bảo đảm hiệu lực thực thi, trong đó, các điểm nổi bật là xác lập rõ ràng, cụ thể các loại tài sản, quyền sở hữu tài sản, bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản; bảo đảm quyền tự do hợp đồng và thực thi các hợp đồng; bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức; kiểm soát loại bỏ được cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh dưới mọi hình thức,…

Ba là, khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường; đồng thời, không làm cho thị trường hoạt động một cách méo mó, sai lệch, không tạo ra những tín hiệu thị trường sai lệch đối với các chủ thể thị trường. Tuy vậy, về điều tiết, khắc phục khiếm khuyết của thị trường, thì ở các nền kinh tế khác nhau, mức độ điều tiết không giống nhau. Nhìn chung, mức độ điều tiết thị trường ở nền kinh tế thị trường tự do thường thấp hơn so với nền kinh tế thị trường xã hội và các nền kinh tế thị trường khác.

Bốn là, làm đối tác và tạo cơ hội phát triển đối với khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội khác. Về chức năng phát triển, vai trò của nhà nước là khá đa dạng và khác nhau ở các nền kinh tế. Trước đây, chức năng phát triển thường được thực hiện một cách trực tiếp thông qua doanh nghiệp nhà nước và các chương trình công nghiệp hóa, chính sách phát triển ngành. Trong thời gian gần đây có những thay đổi theo hướng nhà nước không kinh doanh, không tìm kiếm lợi nhuận, không cạnh tranh với khu vực kinh tế tư nhân, mà chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội, khuyến khích và thúc đẩy và làm đối tác công tư,… 

Năm là, tạo điều kiện và đảm bảo công bằng về cơ hội phát triển đối với tất cả công dân; thực hiện phân phối lại thu nhập nhằm giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội và hỗ trợ, nâng đỡ nhóm xã hội yếu thế, các vùng, địa phương kém phát triển. “Tính xã hội” của nền kinh tế thị trường thường được đo bằng tỷ lệ chi tiêu cho phúc lợi xã hội trong tổng sản phẩm xã hội; và tỷ lệ này cũng thay đổi theo từng thời kỳ và khác nhau ở các nền kinh tế khác nhau[2].

Sáu là, đảm bảo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức cung ứng các loại dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác.

Trong khi thực hiện các chức năng nói trên, Nhà nước cũng phải bị ràng buộc bởi giới hạn ngân sách cứng (kỷ luật tài chính) và trách nhiệm giải trình đầy đủ trước dân chúng. Nói cách khác, nhà nước hoạt động theo thị trường và can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế cũng không trái với các nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường.

3. Các tiêu chí nền kinh tế thị trường của Tổ chức thương mại thế giới, của Hoa Kỳ và EU

Trong đàm phán thương mại, tổ chức Thương mại thế giới, Hoa Kỳ, EU và một số đối tác khác luôn đặt ra yêu cầu hay tiêu chí của kinh tế thị trường và từ đó áp đặt những điều kiện có tính phân biệt đối xử đổi với các nền kinh tế được coi là chưa phải là kinh tế thị trường.

a) Các tiêu chí kinh tế thị trường của WTO bao gồm:

 (i) Thương mại không phân biệt đối xử; (ii) Tự do hóa thương mại và gia nhập thị trường; (iii) Đảm bảo tính minh bạch, tính tiên liệu được trong chính sách thương mại; (iv) Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, chống bóp méo giá cả, chống bán phá giá; (v) Thúc đẩy phát triển và cải cách kinh tế, tạo điều kiện cho Chính phủ khắc phục các dạng “thất bại” của thị trường thông qua ưu đãi thuế quan và thực hiện các dạng trợ cấp được phép.

b) Các tiêu chí của Chính phủ Hoa kỳ về nền kinh tế thị trường, bao gồm:

(i)  Mức độ chuyển đổi của các đồng tiền nước ngoài với đồng bản tệ; (ii) Mức độ thỏa thuận về tiền lương giữa người lao động và nhà quản lý; (iii) Mức độ tự do trong hoạt động của các công ty có vốn nước ngoài; (iv) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với các yếu tố sản xuất chủ yếu; (v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và đối với các quyết định về giá cả và sản lượng của các doanh nghiệp; (vi) Các yếu tố khác có liên quan như mức độ tự do hoá thị trường và thương mại, Nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng...

c) Các tiêu chí của EU về nền kinh tế thị trường bao gồm:

(i) Mức độ ảnh hưởng (thấp) của Chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn: thông qua việc Nhà nước quy định giá cả trên thị trường, áp dụng chính sách phân biệt đối xử trong thuế, thương mại hoặc tiền tệ; (ii) Nhà nước không được can thiệp, bóp méo hoạt động của doanh nghiệp (“tàn dư” từ hệ thống cũ) liên quan đến quá trình tư nhân hóa; Không sử dụng hệ thống thương mại phi thị trường (ví dụ: hàng đổi hàng) và không áp dụng các chế độ bao cấp; (iii) Ban hành và thực thi luật doanh nghiệp bảo đảm tính minh bạch, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phù hợp cho quản lý doanh nghiệp (áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, bảo vệ cổ đông, đảm bảo tính sẵn có và chính xác của thông tin doanh nghiêp); (iv) Ban hành và áp dụng một hệ thống luật thống nhất, hiệu quả và minh bạch đảm bảo tôn trọng quyền sở hữu tài sản và đảm bảo sự vận hành của cơ chế phá sản doanh nghiệp; (v) Tồn tại một khu vực tài chính đích thực, hoạt động độc lập với nhà nước, về mặt luật pháp cũng như trên thực tế, chịu sự điều chỉnh của các quy định bảo lãnh đầy đủ, chịu sự giám sát một cách thỏa đáng, (vi) Tự do hóa thị trường để mở rộng cạnh tranh.

Các tiêu chí kinh tế thị trường nói trên chỉ bị áp đặt đối với các nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường với mục đích làm giảm quy mô, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, qua đó, làm cho thị trường phát triển, vận hành tốt hơn. Xem xét các tiêu chí nói trên, WTO đã nhấn mạnh đến tự do, công bằng, cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế, đến mở cửa, minh bạch và tiên liệu trước được của các chính sách thương mại. Khác với WTO, Chính phủ Hoa Kỳ tập trung nhiều vào thị trường ngoại hối, nơi đồng USD luôn đóng vai trò chi phối; vào thị trường lao động, vào mức độ mở cửa đối với đầu tư nước ngoài, và mức độ can thiệp của nhà nước vào đầu tư và phân bố nguồn lực, hiệu lực quản trị quốc gia.  EU quan tâm nhiều đến mức độ can thiệp của nhà nước vào phân bổ nguồn lực và quyết định đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đến mức độ tự do hóa thị trường và giá cả, mức độ cạnh tranh của thị trường, tính minh bạch và đối xử công bằng trong chính sách của chính phủ và quản trị doanh nghiệp tốt theo thông lệ quốc tế...

Như vậy, các tổ chức và quốc gia nói trên có điểm chung là các tiêu chí đều tập trung vào vai trò của nhà nước, nhất là mức độ can thiệp của nhà nước vào phân bổ nguồn lực, mức độ tự do hóa thị trường và giá cả, tính minh bạch, tiên liệu trước được và không phân biệt đối xử trong luật pháp và  chính sách của nhà nước... Vì vậy, nếu một nền kinh tế có khu vực kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước còn lớn, được đối xử thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác và nhà nước còn can thiệp quá mức vào phân bố nguồn lực, thì nền kinh tế đó khó được công nhận là kinh tế thị trường bởi chính phủ các nước phương Tây./.

 

                       TS. Nguyễn Đình Cung([3])

                        TS. Lê Thị Hồng Điệp([4])

 



([1]) Giá cả được hình thành theo cơ chế nói trên chính là công cụ phân phối lần đầu trong nền kinh tế. Lao động được coi là một loại hàng hóa; và người lao động được phân phối qua giá cả sức lao động (là tiền lương) hình thành theo cung - cầu thị trường. Người lao động được phân phối qua giá cả tương tự như người sở hữu đất, người sở hữu vốn và người sở hữu các yếu tố sản xuất khác. Quá trình phân phối lần 2 được điều chỉnh bởi sự can thiệp của nhà nước thông qua chính sách tài khóa và các chính sách an sinh xã hội khác.

 

([2]) Chúng ta thấy sự khác biệt giữa nhóm nước Tây Bắc Âu và Hoa Kỳ. Pháp là nước cho tỷ lệ chi ngân sách cho mục tiêu xã hội lớn nhất, chiếm 28,2% GDP, trong khi mức chi của Hoa Kỳ chỉ là 20,1%. Nhiều nước OECD có mức chi thấp, ví dụ như Mexico, nhưng đây là những nước có thu nhập thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ và các nước Tây Bắc Âu. Các nền kinh tế thị nước theo mô hình xã hội sử dụng nhiều ngân sách cho các chương trình, chính sách an sinh xã hội, ví dụ như bảo hiểm y tế, giáo dục miễn phí, trợ cấp thất nghiệp... Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ người dân tự động được bảo hiểm y tế chỉ là 32,2%, trong khi người dân ở các nước Tây Bắc Âu là 100%. Giáo dục đại học công lập ở nhiều nước Tây Bắc Âu, ví dụ như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan không thu học phí và hầu hết sinh viên được cho vay tiền để học[2]. Mỹ có mức học phí cao nhất, hơn 6000 USD (năm 2011), sau đó đến Úc và New Zealand.

 

([3]) Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

([4]) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết