1. Thực tiễn về thể chế quốc tế
Kỳ vọng đối với các thể chế quốc tế có khả năng quản trị một thế giới với tính kết nối ngày một lớn đang tăng lên mạnh mẽ. Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển dưới tác động của tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ số. Ước tính hiện nay, khoảng ½ dân số thế giới được kết nối internet, lượng thông tin, dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn cầu tạo thành thế giới “ảo”, không gian mạng không biên giới. Thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là thương mại 4953dịch vụ, thông qua các nền tảng kỹ thuật số (digital platform) gia tăng.[1] Hệ thống thương mại truyền thống dựa trên nền tảng vật chất/vật lý (physical) đang chuyển nhanh sang nền tảng kỹ thuật số với các kỹ thuật hoàn toàn mới như fintech, blockchain và tiền ảo (cryptocurrency). Không chỉ các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn, các nền kinh tế phát triển mà doanh nghiệp nhỏ cũng có thể thực hiện các hoạt động kinh tế, văn hóa xuyên biên giới. Chuỗi sản xuất, giá trị và cung ứng càng trở nên chặt chẽ hơn thông qua các sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng. Dưới tác động của tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, khoảng nửa dân số thế giới kết nối mạng, lượng thông tin và lưu chuyển dữ liệu bùng nổ tạo ra những không gian ảo nằm ngoài tầm kiểm soát của hệ thống quản trị truyền thống. Nói cách khác, quá trình toàn cầu hoá khiến các quốc gia gặp nhiều khó khăn hơn khi giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia bằng các công cụ truyền thống của nhà nước vốn bị bó hẹp trong các lãnh thổ quốc gia đã được xác định.[2]
Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu với quy mô và tính chất phức tạp đã vượt ngoài khả năng giải quyết của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào đòi hỏi phải có nỗ lực chung của nhiều quốc gia thông qua hợp tác sâu rộng mới có thể giải quyết được. Sau Chiến tranh Lạnh, xuất hiện hàng loạt vấn đề mới cả về tính chất, quy mô và tần suất nảy sinh. Cụ thể, thế giới phải đối mặt với một loạt các thách thức phi truyền thống như khủng bố địa phương và quốc tế, bệnh dịch, mạng lưới tội phạm có tổ chức, các tập đoàn ma túy, cướp biển, buôn người, xung đột sắc tộc, tôn giáo, suy thoái môi trường, và biến đổi khí hậu toàn cầu với các tác động ngày càng lớn…[3] Ngoài tính chất phi quân sự, các thách thức này có các đặc điểm chung như phạm vi mang tính xuyên quốc gia, xuất hiện bất ngờ, lan truyền nhanh chóng và rất khó kiểm soát trong điều kiện toàn cầu hoá.
Mặt khác, cũng trong bối cảnh toàn cầu hoá, các vấn đề toàn cầu không còn chỉ tác động đến các quốc gia (chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ), mà cả các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội, và những cá nhân cụ thể (sự sinh tồn, thịnh vượng và nhân phẩm của họ).[4] Các chính phủ đứng trước rất nhiều áp lực để xử lý các vấn đề nảy sinh, nhất là để thoả mãn nhu cầu của số đông dân chúng.
Nhu cầu hợp tác trong các khuôn khổ thể chế đa phương để xử lý các vấn đề toàn cầu do đó đã tăng lên. Tính chất và đặc điểm của các vấn đề toàn cầu hiện nay đòi hỏi tất cả các nước, dù lớn hay bé đều phải chủ động tham gia hợp tác quốc tế và trở thành những chủ thể có trách nhiệm, tuỳ thuộc vào vị trí địa lý, tầm vóc và tính năng động của từng nước. Nói cách khác, nhu cầu xây dựng các thể chế hiệu quả để quản trị một thế giới với tính kết nối ngày một lớn đang tăng lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, quá trình thể chế hóa các quan hệ toàn cầu, nhất là thương mại và đầu tư, đang chậm lại. Do sự phức tạp của các vấn đề toàn cầu và do sự thiếu hiệu quả của các cơ chế đa phương hiện hành, tâm lý và hành vi quay lưng lại và giảm cam kết đối với các giải pháp đa phương cũng mạnh hơn. Trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, tâm lý chống toàn cầu hóa (còn gọi là làn sóng “phản toàn cầu hóa”) tăng mạnh nhất là ở các nước phát triển. Một bộ phận dân chúng ở các nước phương Tây lo lắng bị mất việc làm và mất bản sắc văn hóa. Lợi dụng tâm lý này, các chính trị gia dân túy đề cao “chủ nghĩa dân tộc về kinh tế,” chủ trương quay vào bên trong và giảm sự ủng hộ đối với các cơ chế đa phương có chức năng điều tiết/điều phối các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu. Ở cấp độ toàn cầu, vòng đàm phán Doha của WTO tiếp tục bế tắc. Tháng 12/2017, Hội nghị bộ trưởng WTO không thể đưa ra tuyên bố chung do bất đồng về quan điểm giữa các nền kinh tế thành viên. Các quy định của WTO bị một số thành viên, đặc biệt là Mỹ chỉ trích là “thiếu công bằng”. Hiệp định thuận lợi hóa thương mại TFA - hiệp định đa phương đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này của WTO - cũng đang có nguy cơ đổ vỡ do các thành viên không thể hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng. Ở cấp độ khu vực, các thỏa thuận FTA cũng gặp khó khăn. Mỹ rút khỏi TPP . Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA đang phải đàm phán lại với các điều kiện khắt khe do Mỹ đưa ra. Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) chưa được khởi động lại sau khi Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Các nước tăng cường áp dụng chính sách bảo hộ: các biện pháp bảo hộ mậu dịch gia tăng, lĩnh vực mở rộng và tinh vi hơn. Theo thống kê của WTO, trong giai đoạn từ 2000-2016, số lượng hàng rào phi thuế quan tăng từ 3.200 lên 10.400. Trên 75% biện pháp hạn chế thương mại được duy trì từ năm 2008 đến nay chưa được dỡ bỏ. Với quyết định tăng thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, tổng thống Trump được cho là đã khơi mào cho một “cuộc chiến thương mại” mới.
Do xu thế khách quan của toàn cầu hóa và lợi ích của mình, các nước vẫn không quay lưng hoàn toàn với toàn cầu hóa. Chủ trương chống bảo hộ, ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới vẫn được duy trì ở mức độ khác nhau tại những diễn đàn đa phương lớn (G20, G7, BRICS, APEC…). Chính quyền Trump vẫn giữ các nguyên tắc thương mại tự do, chỉ điều chỉnh để có lợi hơn cho Mỹ, theo hướng “cân bằng và có đi có lại” hơn. Hội nhập khu vực đang trở thành giải pháp bổ sung cho liên kết toàn cầu. Mô hình EU đang được điều chỉnh trong giai đoạn hậu Brexit; Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), mở rộng ảnh hưởng sang những nước láng giềng và những những trong khu vực; Nhật và các nước TPP-11 kết thúc đàm phán và ký kết CPTPP và Mỹ đang tính tham gia lại tiến trình này. Các nền kinh tế ngày càng lệ thuộc lẫn nhau, lợi ích kinh tế giữa các nước tiếp tục đan xen.
Xu thế dân chủ hóa và chính trị cường quyền tiếp tục đan xen và giằng co trong chính trị quốc tế. Các nước lớn tăng cường áp dụng chính trị cường quyền, cạnh tranh quyền lực, tăng sử dụng các biện pháp song và đơn phương, từ đó làm giảm tầm quan trọng của các thể chế đa phương và vai trò của các nước vừa và nhỏ. Các nước vừa và nhỏ ngày càng bị động trước sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn và các tổ chức/cơ chế đa phương ngày càng bị chia rẽ và giảm vai trò trước chính trị cường quyền.
Xu thế dân chủ hóa vẫn có khả năng hạn chế chính trị cường quyền, do (i) sự nổi lên/mạnh lên một cách tương đối của các nước đang phát triển vừa và nhỏ, (ii) các nguyên tắc và luật lệ của các thể chế, tổ chức đa phương quốc tế và khu vực hiện hành vẫn được bảo vệ, (iii) một số cơ chế đa phương mới như BRICS, AIIB, SCO ra đời dưới sự dẫn dắt của các nước lớn mới nổi, nhất là Trung Quốc cũng góp phần tạo ra các “giải pháp thay thế” hoặc “bổ sung” cho các cơ chế hiện hành (iii) nếu tận dụng tốt tình trạng cạnh tranh nước lớn, các nước vừa và nhỏ có không gian và dư địa hành động rộng hơn, nhất là có khả năng tham gia các tập hợp lực lượng mới linh hoạt và đa dạng hơn, (iv) sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và nhận thức gia tăng của công luận thế giới về các chuẩn mực hành xử tiến bộ trong QHQT ngày càng góp phần hạn chế xu hướng cực đoan trong chính sách của các nước lớn.
Tóm lại, nhu cầu về một nền quản trị toàn cầu đang đặt ra những vấn đề mới đối với các thể chế đa phương quốc tế. Hệ thống các thể chế quản trị toàn cầu tiếp tục phải xử lý một số thách thức lớn. Một là, cạnh tranh nước lớn theo kiểu truyền thống đang có xu hướng phân rẽ quá trình liên kết toàn cầu theo vùng ảnh hưởng. Vai trò của các thể chế đa phương gần đây bị suy giảm do cạnh tranh nước lớn; các thể chế/cơ chế đa phương đã trở thanh “nạn nhân” của cạnh tranh nước lớn do (i) các nước lớn cạnh tranh nhau trong đa phương, làm cho các thể chế đa phương khó đạt nhất trí hơn, (ii) các nước lớn xét lại các nguyên tắc/cách làm của đa phương hiện tại, đồng thời rút bỏ một số cam kết trong đa phương, hoặc rút khỏi các thỏa thuận đa phương, (iii) lôi kéo các nước khác trong đa phương, phá đa phương từ bên trong, và (iv) hình thành các đa phương mới có tính loại trừ nhau. Bên cạnh các thể chế đa phương cũ (như WB, IMF, WTO, ADB) đã xuất hiện của các thể chế đa phương mới (như AIIB, NDB…) đan xen và cạnh tranh nhau.
Hai là, công nghệ dưới tác động của cách mạng 4.0 đang làm cho các luật lệ/quy chuẩn toàn cầu trở nên bất cập. Nói cách khác, sự lệch pha giữa “quan hệ sản xuất” và “lực lượng sản xuất” ở cấp độ toàn cầu đang ngày càng sâu sắc. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018, hầu hết các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới đều cho rằng cần phải tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đa phương trên các lĩnh vực mới như thương mại điện tử (tiến tới xây dựng “thị trường chung kỹ thuật số” - common digital market), thương mại dịch vụ, hợp tác tài chính và lưu chuyển lao động, và (iii) các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia . . . diễn ra theo nhiều hình thức mới và trên nhiều lĩnh vực mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới.
Ba là, thể chế đa phương rất khó khắc phục các hạn chế có tính cố hữu. Các thể chế đa phương, nhất là đa phương phổ cập, luôn dựa trên cơ sở nhất trí và đồng thuận – điều ngày càng khó đạt trong bối cảnh mâu thuẫn lợi ích giữa các nước thành viên và cạnh tranh nước lớn. Do đó, thỏa thuận luôn ở mức tối thiểu, không nước nào hài lòng tuyệt đối. Sự không hoàn thiện của luật lệ trong các cơ chế đa phương tiếp tục nuôi dưỡng hành vi vị lợi của các nước trong các thể chế đa phương: nước lớn thì áp dụng chính trị cường quyền, nước nhỏ thì ăn theo.
Tuy nhiên kỳ vọng đối với các thể chế quốc tế cũng tăng lên. Lý do là (i) không nước nào đoạn tuyệt với các thể chế quốc tế, từ bỏ đa phương; các nước chỉ muốn lái thể chế phục vụ lợi ích của mình hơn, cải tổ thể chế cho hiệu quả hơn, và không có phương án thay thế đa phương hiện hành. Nói cách khác, thể chế quốc tế, nhất là cơ chế đa phương vẫn là cái tốt nhất trước khi có cái khác thay thế; (ii) đối với các nước vừa và nhỏ, thể chế đa phương vẫn là “công cụ của nước nhỏ” để bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả, và (iii) do các hình thức tập hợp lực lượng mới hiện nay đang xuất hiện rất linh hoạt, đã xuất hiện thêm nhiều cơ chế đa phương mới, với các chủ thể mới và nguồn lực mới để xử lý các vấn đề liên quan đến quản trị khu vực và toàn cầu. Nói cách khác, thể chế quốc tế hiện nay tiếp tục tạo cho các nước thêm nhiều cơ hội và dư địa để triển khai quan hệ đối ngoại.
2. Một số vấn đề đặt ra với Việt Nam
Trong thời gian qua, chủ trương hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công tác đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta đã được quán triệt và triển khai mạnh mẽ. Gần đây nhất, chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 đã được ban hành (8/8/2018). Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các thể chế/cơ chế đa phương khu vực và quốc tế với vai trò là “thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,” và sẽ “nỗ lực vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng Việt Nam tham gia các thể chế đa phương với vị thế của một quốc gia tầm trung.[5]
Trên cơ sở thảo luận về lý thuyết và thực tiễn liên quan đến thể chế quốc tế ở trên, tác giả xin nêu một số vấn đề cần phải quan tâm để việc tham gia các thể chế đa phương quốc tế và khu vực có hiệu quả và phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia dân tộc.
(1) Chơi theo luật chơi nào?
Như đã nêu trên, việc hình thành và vận hành các thể chế quốc tế là để quản trị quan hệ giữa các nước và xử lý các vấn đề chung (quản trị toàn cầu). Theo đó, bản chất của thể chế quốc tế là đấu tranh và hợp tác trong việc xây dựng và tuân thủ luật chơi chung, một quá trình phụ thuộc nhiều vào đấu tranh và hợp tác giữa các nước lớn.
Tình trạng cạnh tranh chiến lược đang tăng lên giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái bình dương và trên thế giới chủ yếu liên quan đến xây dựng luật chơi. Trung Quốc tiếp tục nỗ lực định hình và dẫn dắt luật chơi thông qua các sáng kiến BRI, RCEP, AIIB, gắn sự thịnh vượng kinh tế của các nước khu vực với sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất “quan điểm an ninh Châu Á mới” và tiếp tục thúc đẩy xây dựng các mô hình hợp tác an ninh như SCO, CICA, Diễn đàn Bác Ngao để tạo tập hợp lực lượng có lợi cho mình. Trung Quốc đã ngày càng tăng cường vị trí và vai trò của mình trong các vấn đề thương mại, tài chính/tiền tệ, cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã có thể dùng sức mạnh kinh tế để làm công cụ phục vụ chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực châu Á – Thái bình dương, “thưởng” cho các nước đáp ứng lợi ích chiến lược của Trung Quốc và “phạt” những nước ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ và do đó đang tìm cách xây dựng các tập hợp lực lượng về kinh tế để lôi kéo các nước khác. Bên cạnh việc củng cố hệ thống đồng minh truyền thống và mở rộng quan hệ đồng minh/đối tác ba bên, bốn bên, Mỹ nêu ý tưởng xây dựng “mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” để tập hợp các nước “cùng ý chí” ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả là đã hình thành các tập hợp lực lượng theo các vấn đề an ninh truyền thống (tranh chấp lãnh thổ, vấn đề Triều Tiên), an ninh phi truyền thống (an ninh nguồn nước, khủng bố quốc tế, thậm chí cứu trợ nhân đạo) xoay quanh cực Mỹ và Trung Quốc và mang dấu hiệu cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Hoạt động của các cơ chế khu vực, nhất là APEC, EAS, và ARF đang thể hiện rõ xu hướng này. Xu hướng tập hợp lực lượng giữa các nước muốn thoát khỏi sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cũng đang mạnh lên. Tuy nhiên các diễn đàn do ASEAN làm nòng cốt đang có xu hướng kém hiệu quả (dưới tác động của cạnh tranh nước lớn và những hạn chế của ASEAN).
Như vậy, trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, vấn đề đặt ra cho việc củng cố và xây dựng thể chế quốc tế là phải theo luật chơi nào trong thời gian tới? Điều này trực tiếp liên quan đến việc hình thành thái độ ứng xử và chính sách ứng phó của Việt Nam không còn “thụ động chấp nhận luật chơi,” trước sự hình thành các thể chế quốc tế mới cũng như trước các hành động của các nước lớn điều chỉnh, xóa bỏ, bổ sung luật chơi trong các thể chế đa phương. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến tính toán các ưu tiên của Việt Nam trong việc tham gia các thể chế đa phương nào để từ đó Việt Nam có thể “chủ động tham gia đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung, và “đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” – tức là nâng dần khả năng định hình luật chơi, dựa trên nguồn lực và lợi thế so sánh của Việt Nam trong các thể chế đa phương thời gian tới.
(2) Lựa chọn bản sắc quốc gia nào?
Việc tham gia các thể chế quốc tế, chấp nhận tuân thủ các luật lệ và quy chuẩn hành vi của một nước thành viên có tác động trở lại đối với việc khẳng định hoặc định hình bản sắc quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế. Càng hội nhập sâu rộng càng cần khẳng định bản sắc, càng có nhu cầu giữ giá trị văn hoá, truyền thống dân tộc trong một hoàn cảnh quan hệ đối ngoại của nước ta đã trở nên quốc tế hoá cao. Việc tham gia các thể chế quốc tế cũng đồng nghĩa với quá trình xây dựng cho đất nước ta hình ảnh/vị thế gì trong tương tác với nước khác. Bản sắc quốc gia liên quan đến (i) việc xác định chỗ đứng cho Việt Nam trong các mối liên kết quốc tế. Cụ thể nhất là tham gia các cơ chế/tổ chức nào, tham gia tập hợp lực lượng nào để từ đó khẳng định mình qua việc tuân thủ và “chủ động tích cực xây dựng” luật chơi với tư quy chế thành viên, để lựa chọn hoặc hướng tới bản sắc nào, cũng như (ii) việc tham gia vào các cơ chế đó thỏa mãn lợi ích quốc gia dân tộc nào, cả trước mắt và lâu dài? Từ đó vấn đề đặt ra là trong thời gian tới và trong bối cảnh thế giới/khu vực kể trên, chúng ta nên đầu tư vào bản sắc cũ và mới nào cho để đảm bảo hội nhập hiệu quả? Các hình ảnh/vị thế liên quan đến bản sắc như “là bạn, là đối tác tin cậy,” của các nước, “là thành viên tích cực và có trách nhiệm” trong ASEAN và Liên hợp quốc, hoặc là đối tác chiến lược/đối tác toàn diện của một số nước, và “bạn bè truyền thống” của một số nước khác có cần ưu tiên không? Hoặc một số bản sắc nào khác cần xây dựng và phát huy mạnh hơn – trước mắt là từ sự lựa chọn tham gia (hoặc lập ra) các tổ chức/cơ chế tiểu vùng trong khuôn khổ các thể chế rộng lớn hơn (ví dụ ASEAN 4, ASEAN – X trong vấn đề biển Đông), CLVM/CLMVT trong khu vực hạ nguồn Mê công hoặc theo đề mục nhỏ trong chương trình nghị sự lớn của LHQ.[6] Nói cách khác, vấn đề định vị quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế và trong khuôn khổ thể chế quốc tế cần được tiếp tục đặt ra trong thời gian tới.
(3) Đổi mới thể chế trong nước như thế nào?
Chiều tác động trở lại của việc tham gia định hình luật chơi trong các thể chế quốc tế (xét từ cả góc độ tuân thủ luật chơi và xây dựng bản sắc) là quá trình điều chỉnh thể chế trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế cũng là một vấn đề cần quan tâm. Việc tham gia thể quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải nội luật hóa các cam kết, tiêu chí, chuẩn mực khu vực và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, văn hóa-xã hội, đến kinh tế-phát triển. Điều này đưa đến yêu cầu phải tiếp tục đổi mới thể chế, bộ máy, thậm chí cả văn hóa trong nước theo yêu cầu của các thể chế quốc tế. Quá trình này đã diễn ra song song với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, một số vấn đề tiếp tục phải lưu tâm, gồm:
- Đổi mới thể chế đến đâu, mức độ nào để đảm bảo Việt Nam vừa giữ đúng các cam kết quốc tế và vừa đảm bảo lợi ích toàn diện của ta, gồm bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Nói cách khác, vấn đề tham gia thể chế quốc tế luôn gắn chặt với vấn đề lớn hơn là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa giữ vững độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.
- Xây dựng bộ máy, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ đối ngoại các cấp các ngành để tham gia một cách hiệu quả trong các thể chế quốc tế, không chỉ (i) tuân thủ các luật lệ và quy định, mà còn (ii) tận dụng các cơ hội mà thể chế đem lại dựa trên việc áp dụng có lựa chọn các điều luật đối với từng nhóm nước thành viên, và (iii) vận dụng luật lệ, quy trình/thủ tục trong các thể chế đa phương để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam dựa trên sự “không hoàn hảo” của các thể chế quốc tế, từ đó nâng cao khả năng đánh đổi lợi ích với các nước khác – cả bình diện song và đa phương – và kết nối với các lĩnh vực hợp tác/đấu tranh khác trong và ngoài thể chế đa phương.[7]
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả trong song phương và đa phương.”[8] Điều này phụ thuộc khá lớn vào (i) chủ trương và chính sách đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương, (ii) nội lực của đất nước, trong đó có sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội nói chung, (iii) sức mạnh của thể chế trong nước, và quan trọng không kém là (iv) trình độ của cán bộ, doanh nghiệp và người dân và nhất là kiến thức và kỹ năng hoạt động trong môi trường quốc tế cộng với sự hiểu biết, khả năng nắm vững và vận dụng luật chơi trong các thể chế quốc tế và khu vực để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.
Nhiều nước đã theo đuổi các mô hình hoạt động khá hiệu quả trong thể chế đa phương. Điểm khác biệt nằm ở khả năng của các chủ thể xây dựng một chiến lược hoạt động hiệu quả trong các thể chế đa phương trong đó có tính đến các yếu tố quan hệ song phương, đặc thù của thể chế đa phương, và dựa trên nguồn nhân lực và vật lực cũng như chọn được lĩnh vực hợp lý để giành thế chủ động trong sân chơi thể chế quốc tế. Chỉ theo đó, Việt Nam mới có thể xác định được các ưu tiên tham gia thể chế quốc tế cho vừa sức và đạt hiệu quả tối ưu, điều đến lượt nó sẽ có tác động tích cực đối với việc tiếp tục cải tổ thể chế trong nước./.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng
Giám đốc Học viện Ngoại giao
[1] Đến năm 2020, hơn 21 tỷ thiết bị điện tử sẽ được kết nối và mức độ trao đổi dữ liệu trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần, trở thành “con đường thương mại” toàn cầu mới. Năm 2017, số lượng băng thông rộng (bandwidth) xuyên quốc gia đã tăng 45 lần so với năm 2005 và ước tính sẽ tăng 9 lần trong 5 năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển thông tin, tìm kiếm, video, giao dịch liên tục tăng. Ước tính tốc độ tăng trưởng giao dịch qua Amazon và Alibaba đã tăng trung bình 33%/năm kể từ 2012.
[2] Singh, Ningthoujam Koiremba and William Nunes. "Nontraditional Security: Redefining State-centric Outlook," Jadavpur Journal of International Relations 20, số 1, 2016, tr. 102-124.
[3] Srikanth, Divya. "Non-traditional security threats in the 21st century: A review." International Journal of Development and Conflict 4.1, 2014, tr. 60-68.
[4] Emmers, Ralf. "ASEAN and the securitization of transnational crime in Southeast Asia." The Pacific Review 16, số 3, 2003, tr. 419-438.
[5] Xem Lê Hồng Hiệp, Đến lúc Việt Nam định vị mình là “cường quốc hạng trung,” Tuần báo Thế giới và Việt Nam, số đặc biệt chào mừng Hội nghị Ngoại giao 30, 8/2018 và Lê Đình Tĩnh, “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030,” Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 6/2018.
[6] Xem Nguyễn Vũ Tùng, “Những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề đặt ra trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động tích cực hội nhập quốc tế đối với nước ta trong thời gian tới,” trong Vũ Văn Hiền, Giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế, (Hà nội, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017), trang 393 – 394.
[7] Thứ trưởng bộ Công thương Trần Quốc Khánh (8/2018) nêu ý: trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện các cam kết đa phương trên tinh thần “chân thành,” nay cần chú trọng hơn tinh thần “thông minh” để bảo vệ lợi ích quốc gia hiệu quả hơn trên cơ sở khai thác tốt hơn các kẽ hở, quy chế đặc thù trong luật lệ và quy trình của thể chế đa phương, điều mà các nước khác làm khá bài bản.
[8] Toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Báo thế giới và Việt Nam số tháng 8/2018.