Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới

Ngày phát hành: 25/09/2018 Lượt xem 2626

1. Ngay từ rất sớm, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác huấn luyện cán bộ cách mạng và chính Người đã khái quát rằng, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ Việt Nam luôn luôn được đảm bảo về số lượng và chất lượng, đảm nhiệm thành công mọi nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong những năm qua, thế giới có nhiều diễn biến sâu sắc, bước ngoặt đặt quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vào một bối cảnh mới với những yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề, đó là: đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ mới, Đảng đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ các cấp. 
Bên cạnh các chương trình đào tạo cơ bản, Trung ương đã nhấn mạnh các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hằng năm cho các chức danh lãnh đạo, quản lý. Ngày 01 tháng 2 năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 164-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hằng năm phải có ít nhất 5-7 ngày bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về các nội dung: Những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức về lý luận chính trị; những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo và công tác quần chúng của nước ta; tình hình thế giới đương đại có tác động tới Việt Nam; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý; những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý.
Quy định 164 xác định 4 nhóm đối tượng chức danh lãnh đạo, quản lý.  Đối tượng 1 gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối tượng 2 gồm các đồng chí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài đối tượng 1). Đối tượng 3 là cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý. Đối tượng 4 là cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý.
Mục tiêu của các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới. Yêu cầu đặt ra là mỗi chương trình phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác; phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cán bộ, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ.
2. Nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho các chức danh thuộc đối tượng 1 do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan đảng, nhà nước, các viện nghiên cứu xây dựng dưới dạng các chuyên đề. Thông thường, trong mỗi khóa (5 năm) có khoảng 15-20 chuyên đề. Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc sử dụng các chuyên đề đó bằng hình thức nghe báo cáo hay lài liệu nghiên cứu, tham khảo. Báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Lịch nghiên cứu do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định. 
Nội dung chương trình dành cho đối tượng 2 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định. Giảng viên là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các giáo sư thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Trong các năm 2014 - 2015, đã tổ chức 2 lớp Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; mỗi lớp 05 ngày, trong đó có 08 buổi nghe giới thiệu chuyên đề, 02 buổi thảo luận. Dự kiến trong năm 2018, sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nội dung chương trình dành cho đối tượng 3 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các ban Đảng ở Trung ương xây dựng và ban hành. Khung chương trình bao gồm 8-10 chuyên đề lý luận và thực tiễn, trong đó có 2 - 3 chuyên đề về các vấn đề của địa phương, bộ, ngành. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đối tượng 3 do các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức. Để đảm bảo chất lượng học tập, các địa phương, ban ngành chủ động lựa chọn mời các giáo sự, các chuyên gia của các cơ quan Trung ương đến báo cáo. Trên thực tế, tất cả các tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đều đã tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho đối tượng 3; nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thành nhiều lớp do số lượng cán bộ đông. Ước tính trong 5 năm khóa XI (2011-2016), trên 10 nghìn lượt cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý đã tham dự các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, tạo ra sự nhận thức thống nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt về các vấn đề cơ bản của đất nước và thế giới.
Chương trình cập nhật kiến thức cho đối tượng 4 do các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo ban tuyên giáo phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, từ Khóa XI, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quyết định tổ chức chương trình Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý. Mục đích của các khóa học này nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, các kiến thức, kỹ năng cơ bản về lãnh đạo, quản lý cho các đồng chí cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo quản lý ở Trung ương và các địa phương. Ở Trung ương, các cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các vị trí chủ chốt của các ban, bộ, ngành trung ương và chủ chốt của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đào tạo tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chương trình Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp kéo dài trong 4 tháng với 06 học phần, trong đó có 05 học phần cơ bản, gồm: chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (06 chuyên đề); Những vấn đề thế giới đương đại (05 chuyên đề); Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam (10 chuyên đề); Xây dựng Đảng và Nhà nước (07 chuyên đề); Khoa học lãnh đạo và quản lý (05 chuyên đề); Các chuyên đề bổ trợ (10 báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước); và 1 học phần nghiên cứu thực tế trong nước và nước ngoài (02 tuần). Trong Khóa XI, đã có 511 đồng chí được đào tạo trong 06 khóa học bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, trong đó 113 đồng chí đã trở thành Ủy viên Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (trong đó có 93 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết); các đồng chí khác đều trở thành cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương.
Các tỉnh, thành phố, cũng tổ chức các khóa đào tạo cán bộ nguồn dành cho các cán bộ được quy hoạch vào ban chấp hành tỉnh ủy, thành ủy và các vị trí lãnh đạo quản lý thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Chương trình đào tạo các khóa học này do các tỉnh ủy, thành ủy quyết định, thường kéo dài từ 1 tháng đến 2 tháng.
3. Ngoài các hình thức bồi dưỡng cập nhật kiến thức, bồi dưỡng dự nguồn cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam còn chủ trương bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng giao trách nhiệm tổ chức thường xuyên các khóa học cho các chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị.
Lớp bồi dưỡng chức danh bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương là một ví dụ. Các lớp bồi dưỡng chức danh bí thư huyện ủy được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nội dung chương trình học tập bao gồm: Cập nhật các vấn đề mới về lý luận chính trị, đường lối của Đảng; các tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm lãnh đạo quản lý của bí thư huyện ủy. Mỗi lớp diễn ra trong 03 tuần, bao gồm 19 buổi nghe giới thiệu chuyên đề; 03 buổi thảo luận; 04 báo cáo chuyên đề bổ trợ, 05 ngày đi nghiên cứu thực tế.
Hằng năm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các ban Đảng Trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận thuộc các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương. Các lớp này được tổ chức theo từng lĩnh vực; đều có khung chương trình 5 ngày, trong đó có 5 chuyên đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành, 4 chuyên đề lý luận chung và 1 buổi thảo luận, bế giảng. Đây là lớp bồi dưỡng hằng năm, bởi vậy, cả 9 chuyên đề đều phải là những vấn đề mới, không được lặp lại bất cứ nội dung nào so với các lớp năm trước.
4. Công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cán bộ qua bồi dưỡng đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị; khả năng tiếp thu và vận dụng đường lối chính sách mới của Đảng và Nhà nước, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thực tiễn. Đa số cán bộ đã vận dụng tốt kiến thức đã được bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao vào các mặt công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể và công tác chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực tư duy và kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Nội dung các chương trình bồi dưỡng đã từng bước đổi mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; bám sát, cập nhật được những vấn đề mới; tăng cường nội dung về khoa học lãnh đạo, quản lý; rèn luyện năng lực tư duy khoa học, tầm nhìn chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực tiễn, khả năng tập hợp tuyết phục quần chúng; bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức vẫn còn một số bất cập. Một số chức danh quan trọng, trong đó có chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…, chưa được bồi dưỡng. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành Trung ương, giữa Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ. Đội ngũ giảng viên chưa được chuẩn bị chu đáo. Một số điều kiện, dịch vụ phục vụ cho các khóa học chưa được đáo ứng đầy đủ.
5. Qua thực tế tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, bồi dưỡng cập nhật kiến thức kịp thời là một nhu cầu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị, đảm bảo cho họ được học tập thường xuyên, suốt đời công tác. Cán bộ được bố trí vào chức danh nào thì cần được bồi dưỡng phù hợp với chức danh đó, tránh tình trạng bồi dưỡng cập nhật kiến thức chung chung nhất loạt cho tất cả các chức danh theo cùng một chương trình. Đảm nhiệm chức danh trong bối cảnh nào thì phải được bồi dưỡng cập nhật kiến thức tương ứng với bối cảnh đó. Đây là một xu thế bồi dưỡng nhân lực lãnh đạo, quản lý trong thế giới hiện đại - một thế giới đang thay đổi vừa sâu rộng vừa mau lẹ, khó lường.
Hai là, nội dung chương trình và năng lực giảng viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng của mỗi lớp bồi dưỡng. Thời gian của các chương trình bồi dưỡng cần bố trí thích hợp với đối tượng người học là các đồng chí giữ trọng trách ở các ban, ngành, địa phương. Nội dung các chuyên đề phải trúng các vấn đề lý luận và thực tiễn mà công tác lãnh đạo, quản lý đang cần được luận chứng, phân tích, lý giải.  Chế độ bồi dưỡng cập nhật kiến thức là mỗi năm một lần, nên nội dung chương trình năm nay không được lặp lại những nội dung của các năm trước đó. Giảng viên phải là những người vừa chuyên sâu học thuật vừa là chuyên gia thực tiễn, có năng lực trình bày, thuyết giảng, đối thoại, thảo luận.
Ba là, chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định rất lớn đến mức độ thành công của mỗi lớp. Cần biên soạn, xuất bản giáo trình cho từng lớp; có kế hoạch học tập cụ thể ngay từ đầu; có đầy đủ tài liệu tham khảo và các điều kiện vật chất, kỹ thuật, công nghệ phù hợp với phương pháp giảng dạy hiện đại. Các chương trình có nội dung nghiên cứu thực tế, thì công tác phối hợp xây dựng kế hoạch tham quan, nghiên cứu thực tế phải được chuẩn bị công phu, hiệu quả, tránh bệnh hình thức, bênh thành tích… Đặc biệt, cần soạn thảo, ban hành Quy chế học tập cho từng lớp như công cụ tổ chức, quản lý lớp một cách nghiêm minh, mẫu mực.
Bốn là, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, trong đó có sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và giữa các cơ quan Trung ương với các cấp ủy địa phương là hết sức quan trọng, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức triển khai, quản lý các lớp; đồng thời, đảm bảo sự gắn kết giữa bồi dưỡng lý luận với cập nhật kiến thức thực tiễn cho người học. Sự phối này cần được triển khai ngay từ khâu xây dựng nội dung cương trình; chiêu sinh; kế hoạch học tập; tổ chức, quản lý, giám sát lớp học; đánh giá chất lượng bồi dưỡng…
Năm là, nhấn mạnh công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tức là làm rõ nét hơn đặc thù của toàn bộ công tác cán bộ của Đảng nói chung và hoạt động của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng với tư cách là Trường Đảng Trung ương. Nếu các chương trình đào tạo về lý luận và thực tiễn có ý nghĩa đảm bảo kiến thức cơ bản, hệ thống cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì các chương trình bồi dưỡng lại đảm bảo cho họ có kiến thức luôn luôn cập nhật, hiện đại, tạo tiến đề cho các chức danh lãnh đạo quản lý bám sát thực tiễn, đủ điều kiện đáp ứng những đòi hỏi ngày càng phức tạp của thực tiễn.
Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn, không chỉ trang bị những tri thức, kỹ năng mới cho cán bộ, nâng cao nhận thức về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần tạo nên sự thống nhất về ý trí trong toàn Đảng, mà còn tạo cơ sở cho đội ngũ cán bộ rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm, tiếp thu các kinh nghiệm hay, những bài học tốt, nâng cao năng lực chuyên môn và các điều kiện cần thiết khác cho cho việc gánh vác các trọng trách dược Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chia sẻ với các đảng bạn, trong đó có Đảng Nhân dân cách mạng Lào thông qua việc tổ chức các lớp trao đổi chuyên đề với các bộ cao cấp, các lớp bồi dưỡng lý luận, bồi dưỡng nghiệp vụ với một số chức danh lãnh đạo, quản lý…
Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều cả thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đan xen. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ các bộ lãnh đạo, quản lý là một vấn đề có ý nghĩa quan trong hàng đầu. Làm tốt công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chính là góp phần chăm lo cho công việc huấn luyện cán bộ - “công việc gốc của Đảng” ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và bối cảnh mới./.

 

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo,

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh





 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết