I. Đặt vấn đề
1. Ở phương Đông thuật ngữ văn hoá" (文化) xuất hiện từ Lưu Hướng triết gia đời Hán, thế kỷ I tr.CN, nhưng gần như không có tranh cãi gì. Ở phương Tây, thuật ngữ Culture (văn hóa) cũng có từ sớm nếu tính từ Ciceron, triết gia Hy Lạp cổ đại (106-43 TrCN). Nhưng đến tận Marx - Engels, Culture vẫn còn dùng với nghĩa là canh tác, trồng trọt. Cuối thế kỷ XIX, Edward B. Tylor, nhà văn hóa học người Anh, tác giả cuốn “Văn hóa Nguyên thủy” nổi tiếng (1832-1917), vẫn coi văn hóa và văn minh là hai từ đồng nghĩa. Nửa cuối thế kỷ XX văn hóa học (Culturology) mới xuất hiện; các bộ môn triết học văn hóa (Philosophy of Culture), xã hội học văn hóa (Sociology of Culture) mới định hình là các ngành nghiên cứu lý thuyết về văn hóa, nhưng vẫn bị coi là “lấn sân” lý luận văn hóa (Cutural Theory). Còn ngành lịch sử văn hóa (History of Culture) thì đến tận hôm nay, vẫn đang chưa thoát khỏi cuộc tranh cãi có đối tượng độc lập hay đó chính là các ngành lịch sử hội họa, lịch sử âm nhạc, lịch sử sân khấu, lịch sử kiến trúc, lịch sử thủ công mỹ nghệ, lịch sử văn minh… cộng lại.
Như vậy, tranh cãi về chính khái niệm văn hóa là cuộc tranh cãi đầu tiên và đến nay tuy tạm coi là đã kết thúc, nhưng mỗi khi bàn đến văn hóa người ta đều không quên giới hạn và quy ước cách hiểu cho khái niệm cần bàn. Với hàng trăm định nghĩa văn hóa, không tránh khỏi hiểu lầm về cái đang được gọi là văn hóa và cái văn hóa đang trong văn cảnh. Văn hóa theo nghĩa phổ quát nhất được cộng đồng thế giới quy ước sử dụng là theo định nghĩa của UNESCO 1982 (sẽ trình bày ở đoạn sau).
2. Sự quan tâm sâu sắc đến chức năng của văn hóa có lẽ thuộc về những người Macxit. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx và Engels đã tỏ thái độ đối với văn hóa truyền thống. Nước Nga sau 1917, nước Ý, Đức trước chiến tranh thế giới II, Trung Quốc, Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác cũng buộc phải viện dẫn chức năng của văn hóa, để đối xử với văn hóa truyền thống, với văn hóa dân tộc, với văn hóa các giai cấp khác và xây dựng văn hóa của riêng mình – nền văn hóa vô sản hay cộng sản chủ nghĩa hoặc xã hội chủ nghĩa. Quá nhiều bi kịch đã xảy ra trong lịch sử.
Nói như thế để thấy rằng, cuộc thảo luận về chức năng của văn hóa là quan trọng nhưng cũng rất dễ rơi vào tuyệt đối hóa. Thái độ mềm dẻo ở đây là đặc biệt cần thiết. Trong khi khái niệm văn hóa đã có quá nhiều cách hiểu, người ta có thể và có quyền hiểu khác nhau về cái được gọi văn hóa trong từng văn cảnh, thì việc thảo luận nó (cái được gọi là văn hóa ấy) có vai trò gì, có chức năng gì đối với sự phát triển xã hội, cũng không nên coi là cần phải có kết luận ngã ngũ - văn hóa chỉ có chức năng này chứ không có chức năng khác, chỉ đóng vai trò là cái này chứ không phải là cái kia - động lực của sự phát triển hay chỉ là sản phẩm của đời sống sản xuất; là hạt nhân tồn tại của cộng đồng người hay chỉ là cái thứ sinh, bị phụ thuộc vào tồn tại xã hội; là nhân tố nằm sâu trong đời sống quy định bộ mặt xã hội hay ngược lại xã hội nào văn hóa ấy; là cái điều tiết xã hội, là “cái soi đường” cho sự phát triển hay chỉ là bộ mặt tinh thần được tạo ra theo ý muốn của mỗi chế độ; là “chân phanh” kìm hãm sự phát triển quá đà hay chỉ là “nốt hoa mỹ” của các trật tự kinh tế - xã hội; là cái buộc phải chú ý ngay cả khi nền kinh tế còn ở trình độ nghèo nàn hay là cái không quá khó để tạo ra khi đất nước đã giàu có.
II. Tranh luận về khái niệm văn hóa và một số khái niệm có liên quan
Nói rằng đã từng có những cuộc tranh luận về khái niệm văn hóa, dĩ nhiên là không sai. Nhưng thực ra tranh cãi về khái niệm này không dẫn đến việc hình thành các trường phái, các học thuyết hay rơi vào những giai đoạn thảo luận căng thẳng, như các cuộc tranh cãi về cuộc khủng hoảng vật lý cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, về học thuyết Medel-Morgan những năm 1950s, về hạt Quark những năm 1960s, hay về quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh hay vị nghệ thuật ở Việt Nam những năm 1936-1939. Khái niệm văn hóa được bàn luận chủ yếu là về nội hàm của nó từ cuối những năm 1970s. Gần như nhà nghiên cứu nào, chủ thể quản lý nào, cũng xác định riêng cho mình cách hiểu về văn hóa. Không tách rời hiện trạng ấy là việc tán thành hay phản đối quan niệm của Max Weber: văn hóa nằm ở tầng sâu, quy định các hiện tượng thể hiện trên bề mặt xã hội; đạo đức Tin Lành là nhân tố quy định tinh thần của chủ nghĩa tư bản, thúc đẩy chủ nghĩa tư bản xuất hiện.
Từ những năm 1980s với sự khởi xướng của UNESCO, văn hóa đóng vai trò là nhân tố quy định sự phát triển trở thành quan niệm ngày càng phổ biến. Thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển 1986-1995 diễn ra trên phạm vi toàn cầu và khá thành công. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sự xung đột giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Hồi giáo trở thành chủ đề bàn luận, ít nhiều là căn cứ lý thuyết cho cuộc chiến chống khủng bố. Văn hóa học, Lịch sử văn hóa và các khoa học về văn hóa trở nên định hình. Đầu thế kỷ XXI, văn hóa với tính cách là sức mạnh mềm được đề xướng. Vượt qua sự rắc rối trong các cách hiểu khác nhau, khái niệm văn hóa trở thành phổ thông đối với cả nhận thức khoa học, nhận thức chính trị - xã hội và nhận thức thường ngày ở khắp các nước trên thế giới.
Không đi sâu vào các thảo luận đậm chất học thuật trong các thảo luận này, chúng tôi xin nhắc lại những định nghĩa khái niệm văn hóa và một vài khái niệm có liên quan như khuôn mẫu văn hóa, phát triển văn hóa, bản sắc văn hóa với tính cách là kết quả của các cuộc tranh luận nói trên.
II.1. Văn hóa
Trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx, chỉ một vài lần K. Marx và F. Engels trực tiếp bàn đến thuật ngữ văn hóa. Tuy nhiên trong đó, một lần culture lại được hiểu là canh tác, trồng trọt, gieo trồng.
Trong thư gửi F. Engels 25/3/1868, K. Marx viết: “Nếu canh tác được tiến hành một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý thức thì sẽ để lại sau đó đất hoang. Ba Tư, Mexopotani…, Hy Lạp”[i]. Các bản tiếng Việt xuất bản trước đó dịch là: “Văn hóa nếu phát triển tự phát mà không được định hướng một cách tự giác thì sẽ để lại sau nó hoang mạc”. Cách dịch này đã gây ra một số hiểu lầm.
Trong tác phẩm “Chống Duhring”, khi bàn về sự tiến triển về tư tưởng tự do của loài người, F. Engels viết: “Mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa là một bước tiến tới tự do”[ii]. Ở đây, culture được hiểu là văn hóa. Trong văn cảnh, F. Engels phân tích rằng, con người trong tiến trình lịch sử của mình, khi ngày càng thoát ra khỏi thế giới động vật, nghĩa là khi ngày càng có văn hóa, thì con người càng tự do hơn, mặc dù tự do, theo ông, là bản chất của con người.
Cần lưu ý rằng, ở thời K. Marx và F. Engels, văn hóa học (Culturology) chưa xuất hiện, còn khái niệm văn hóa thì vẫn chưa hoàn toàn tách khỏi văn minh.
E.B. Tylor trong “Primitive Culture” 1871 định nghĩa: “Văn hóa hay văn minh (chúng tôi nhấn mạnh), theo nghĩa rộng về dân tộc học, nói chung được hình thành từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán cùng một số năng lực và thói quen khác mà con người có được với tư cách là thành viên của xã hội”[iii]. Ở đây, “Văn hóa” được sử dụng đồng nghĩa với “Văn minh”.
Năm 1964, hai nhà nhân học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã thống kê được 257 định nghĩa khác nhau về văn hóa, trong các công trình nổi tiếng về nhân học và dân tộc học (Anthropology, thực ra là chỉ ở phương Tây và nổi tiếng là theo quan niệm của hai tác giả này). Với 257 định nghĩa thống kê được, ngay cả cách tiếp cận về văn hóa và việc phân loại các định nghĩa cũng trở nên phong phú và phải nói là phức tạp. V.E. Davidovich đã phê phán lối nghiên cứu này và cho rằng, đáng lẽ phải chỉ ra được đặc trưng thuần túy văn hóa của các hiện tượng văn hóa vật chất và tinh thần, thì người ta lại mải mê thống kê tính phong phú của văn hóa[iv]. Trên thực tế, về sau, càng ngày người ta càng cố tìm xem văn hóa đã có định nghĩa thứ bao nhiêu. Ở Việt Nam vào những năm 90, PGS. Phan Ngọc đã đưa ra con số hơn 1000. Tuy nhiên, việc nghiên cứu theo hướng “duy danh định nghĩa” rõ ràng là có vấn đề.
Mặc dù có nhiều định nghĩa, song theo bất cứ nghĩa nào thì văn hoá cũng đều là cái, bằng cách này hay bằng cách khác, thể hiện những đặc trưng về con người và về đời sống con người, đều phản ánh (một cách trực tiếp hoặc kín đáo) đặc thù của hoạt động người (V.E. Davidovich[v]).
Khái niệm Văn hóa đã được một số tác giả định nghĩa như sau (tham khảo Wikipedia tiếng Việt)[vi]:
Edward Sapir (1884-1939), nhà nhân học, ngôn ngữ học người Mỹ xem văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.
William Isaac Thomas (1863-1947), nhà xã hội học người Mỹ coi văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử,...).
William Graham Sumner (1840-1910), giáo sư Đại học Yale và Albert Galloway Keller, Mỹ cho rằng tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hóa, hay văn minh... Sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa.
Ralph Linton (1893-1953), nhà nhân học Mỹ định nghĩa: a/ Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội; b/ Văn hóa là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa.
Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889-1968), nhà xã hội học Mỹ gốc Nga, người sáng lập khoa Xã hội học, Đại học Harvard lại cho rằng với nghĩa rộng nhất, văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến lối ứng xử của nhau.
Một định nghĩa khác: “Văn hóa là biểu hiện của phương thức sống của con người, là tổng hòa mọi giá trị người”[vii]. Trong hầu hết các trường hợp, văn hóa luôn chỉ là thuộc tính trong mối quan hệ Sự vật – Quan hệ – Thuộc tính. Nói cách khác, văn hóa chỉ có thể là mặt, là khía cạnh, là phương diện hay là thuộc tính của cái khác. Đặc trưng thuần túy văn hóa mà V.E. Davidovich đã nói đến, chính là ở đây.
Có quan niệm cho rằng, khi định nghĩa văn hóa chỉ cần nêu giá trị là đủ. Tuy nhiên, văn hóa trong nhiều trường hợp không mang ý nghĩa giá trị – nghĩa là nó không tốt hay xấu, đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực... mà chỉ là cách thức, kiểu, dạng, phong cách... hoạt động sống của cá nhân hoặc cộng đồng (cách cầm dao của người phương Tây so với người phương Đông là một thí dụ). Do vậy, không chỉ là giá trị, văn hóa còn là phương thức sống (cách thức, kiểu, dạng, phong cách,...) của con người.
Định nghĩa “Văn hóa” được cộng đồng thế thế giới sử dụng nhiều và được nhiều người trích dẫn hơn cả là của định nghĩa của UNESCO, nêu trong “Tuyên bố về chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO từ ngày 26/7 đến 6/8/1982 ở Mexico:
“Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của (tồn tại-being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét (reflect-phản tư) về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt-con người, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm kiếm không mệt mỏi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt qua cả giới hạn của bản thân”[viii].
Xin lưu ý rằng, UNESCO, các Tổng giám đốc UNESCO và các chuyên gia của tổ chức này cũng công bố không ít văn bản về văn hóa, mà đôi khi người sử dụng, kể cả các nhà nghiên cứu có tên tuổi ở các nước, vẫn coi đó chính là những định nghĩa khái niệm văn hóa. Chẳng hạn:
Văn hoá “là cái tên mà chúng ta đặt cho điều bí ẩn không cùng với ai ngày nay đang tìm cách suy nghĩ về nó” (J. Derrida); “là nền tảng và là linh hồn của cuộc phiêu lưu của con người; trước kia người ta coi nó là thứ yếu, ngày nay người ta bắt đầu nhận ra nó là cốt lõi của vấn đề” (F. Mayor); là “tiêu chuẩn cơ bản của sự tiến bộ” (E. P. Chelyshev); là phương thức tự điều chỉnh và tự nhận thức của nhân loại” (M. Epstein); là một trong ba tiêu chuẩn để một quốc gia nào đó được coi là cường quốc (Z. Bredinski); là “đường phân ranh cơ bản giữa con người với nhau” và là “nhân tố chủ đạo của nền chính trị thế giới” (S. F. Huntington); là cái “được xuyên suốt bởi một Ethos cộng sinh”, một thứ “soft power” (năng lực mềm) giúp cho “Đông Á sẽ trở thành khu vực cực kỳ quan trọng vào thế kỷ XXI” (I. Daisaku bàn về văn hoá Đông Á) v.v…
Văn hóa được Hồ Chí Minh định nghĩa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”[ix].
Trước kia, định nghĩa này ít được nói tới. Ngày nay, nếu so sánh, có thể thấy định nghĩa này cũng khúc chiết và tường minh không thua kém các định nghĩa nổi tiếng nào khác.
Văn hóa, dưới hình thức một quan niệm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nêu lần đầu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII: “... là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[x].
Sau đợt tổng kết 30 đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 9 BCHTW khóa XI tháng 6/2014, Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh quan điểm trên và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu 5 quan điểm lớn[xi]:
- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
- Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.
- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
II.2. Phát triển văn hoá
Phát triển văn hoá là cách diễn đạt phương Tây mới du nhập vào Việt Nam khoảng hơn hai thập niên. Trước đây ở Việt Nam, chúng ta thường dùng thuật ngữ xây dựng văn hoá để chỉ nội hàm được chứa đựng trong thuật ngữ hiện hay dùng là phát triển văn hoá. Thực ra, phát triển văn hoá không phải là một khái niệm khoa học chặt chẽ, kiểu như các khái niệm văn hoá, văn minh hay con người. Các nhà nghiên cứu, các quan điểm lớn về văn hoá đều có nêu quan niệm của mình về phát triển văn hoá, nhưng không định nghĩa phát triển văn hoá với tính cách là một khái niệm độc lập. Trong đại đa số các trường hợp, phát triển văn hoá thường chỉ được nói tới khi người ta xem xét sự vận động, sự gia tăng tiến bộ... của các lĩnh vực cụ thể trong hoạt động văn hoá. Khác với lĩnh vực nghiên cứu con người; nếu phát triển con người có các định nghĩa chặt chẽ, các tiêu chí cụ thể để xem xét, đánh giá, thì phát triển văn hoá hầu hết chỉ được dùng cho các trường hợp cụ thể. Sự phát triển văn hoá ở một đối tượng nào đó thường chỉ được so sánh với chính nó (đối tượng) theo trục thời gian.
Về đại thể, phát triển văn hóa là một quá trình có tính tất yếu và khách quan trong sự vận động của các lĩnh vực văn hóa. Quá trình này dẫn tới sự biến đổi giá trị và hệ giá trị. Tính tất yếu và khách quan của quá trình này, tuy không đơn giản, không đơn tuyến, và thậm chí có lúc thụt lùi, tha hoá, nhưng xu hướng chung vẫn là đảm bảo cho cuộc sống của con người hướng tới cái tốt, cái thiện và cái đẹp ngày một cao hơn, nhân đạo hơn.
Phát triển văn hoá đôi khi được coi là đối lập với bảo tồn văn hóa. Tuy vậy, nhìn ở phạm vi vĩ mô, phát triển văn hóa không phải là hoạt động cản trở sự bảo tồn văn hóa. Bản thân quá trình phát triển văn hóa có sự đào thải yếu tố văn hóa lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với hiện thực khách quan. Sẽ là sai lầm khi coi bảo tồn văn hóa là bảo tồn mọi cái có trong truyền thống; bảo tồn không triệt tiêu sự phát triển văn hóa và ngược lại phát triển văn hóa bao giờ cũng có chức năng là bảo tồn văn hóa. Bảo tồn và phát triển văn hóa có thể được coi là thúc đẩy nhau; bảo tồn văn hóa giữ vai trò là cơ sở góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa.
II.3. Bản sắc văn hóa
Bản sắc riêng của mỗi nền/dạng/kiểu văn hoá (Cultural Identity) thường được biểu hiện là những nét đặc thù và độc đáo thể hiện trong các hiện tượng văn hoá hoặc các sản phẩm văn hoá, quy định bộ mặt của mỗi nền văn hoá. Cách hiểu này không có gì sai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, bản sắc riêng của văn hoá không chỉ thể hiện trong các hiện tượng hoặc các sản phẩm đặc thù của văn hoá, mà phần đáng kể của nó lại được thể hiện ngay trong hoạt động sống bình thường, hàng ngày của các cộng đồng người. Ở đó, nó là tập hợp của những cái khác biệt không thể xoá nhoà về phương thức sống của các chủ thể văn hoá, là cái được tạo ra trong những tình huống khác nhau của lịch sử, từ thế giới quan, từ nhân sinh quan mà đặc biệt là từ kinh nghiệm sống của các thế hệ khác nhau trong cộng đồng, làm thành những khuôn mẫu về văn hoá chi phối và quy định hoạt động sống của các thế hệ tiếp sau[xii].
II.4. Khuôn mẫu văn hoá
Khuôn mẫu văn hóa (Cultural matrix) là tập hợp của những giải pháp, những chuẩn mực, những phong cách, những giá trị… được tạo ra từ kinh nghiệm sống của các cộng đồng người, được định hình qua những tình huống khác nhau trong lịch sử tồn tại của các cộng đồng đó và được bảo tồn trong sự chi phối và quy định của nó đối với hoạt động của các thế hệ kế tiếp nhau. Văn hoá thực hiện tính quy định của mình, thể hiện sức mạnh của mình trong đời sống xã hội thông qua các khuôn mẫu văn hoá[xiii].
Con người trong hoạt động bao giờ cũng dựa vào những khuôn mẫu văn hóa đã có để thao tác, xử lý hoặc sáng tạo… kể cả với các đối tượng mới. Khác với con vật, không bao giờ con người bắt tay vào hoạt động từ trạng thái “không” hoặc “hư vô” (Phi kinh nghiệm cũng là một thứ kinh nghiệm).
III. Tranh luận về chức năng, vai trò của văn hóa
Như đã nói ở trên, trong khi khái niệm văn hóa đã có quá nhiều cách hiểu, thì việc thảo luận nó (cái được gọi là văn hóa) có vai trò gì, có chức năng gì đối với sự phát triển xã hội, cũng không nên coi là cần phải có kết luận tuyệt đối ngã ngũ - văn hóa có thể có chức năng này đồng thời cũng có chức năng khác, khi đóng vai trò nhất định nào đó, văn hóa cũng có thể còn đóng vai trò khác, ở những thời điểm khác hoặc không gian khác. Chúng tôi muốn nói rằng, mỗi quan điểm về văn hóa và vai trò của nó đều có thể có những lập luận không đến nỗi yếu để bảo vệ mình. Và quả thật, những cái riêng trong mỗi quan điểm cũng có tính hợp lý chưa dễ bác bẻ của nó. Hơn thế nữa, những quan niệm đó, trong thực tế đều được rút ra từ đâu đó trong thực tiễn hoặc đã trở thành những bài học kinh nghiệm được chính thực tiễn chứng minh. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ, ngày nay trí tuệ của con người, hay nói chính xác hơn, lý luận về văn hóa đã đủ bài bản để đưa ra cho mỗi xã hội những phương án tương đối tối ưu, không sợ bị trả giá trên con đường phát triển.
Với tinh thần như thế, sau đây chúng tôi sẽ đề cập đến những cuộc tranh luận về chức năng của văn hóa, mà chúng tôi coi là căn bản nhất, trong chừng mực những cuộc tranh luận này có thể gợi ra những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển ở Việt Nam như sau:
III.1. Vai trò là mục tiêu, động lực và là nền tảng tinh thần
Năm 1983, tại Đại hội Triết học thế giới lần thứ XVII tổ chức tại Motrean Canada, nhiều nhà triết học đại biểu cho các trường phái triết học khác nhau trên thế giới đã đề nghị chuyển một trong các trọng tâm nghiên cứu của giới triết học từ triết học khoa học (Philosophy of science) sang triết học văn hoá (philosophy of culture). Đề nghị này đã được nhiều người hưởng ứng.
Đây có thể coi là một sự kiện đáng lưu ý trong sự phát triển của tri thức về văn hoá học. Từ chỗ kỳ vọng vào sức mạnh của khoa học, một sức mạnh vạn năng sẽ đem lại cho cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn cho con người, các nhà khoa học đã phải chuyển sang chú ý đến vai trò đáng kể và khá đặc biệt của văn hoá đối với sự phát triển của đời sống xã hội.
Trước kia, đôi lúc người ta nghĩ rằng, chìa khóa của mọi vấn đề có lẽ nằm ở khoa học. Nếu như nền khoa học của nhân loại đạt tới một trình độ nào đấy, nếu như vốn hiểu biết của con người sâu sắc đến một mức độ nhất định... thì về cơ bản, con người có thể giải quyết được hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả mọi vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội. Nhưng đến những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, người ta nghiêm túc thừa nhận rằng, khoa học, kể cả khoa học ở trình độ rất cao, trong không ít trường hợp vẫn chưa phải là chìa khoá để giải quyết tận gốc các vấn đề. Chiến tranh hoặc xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực hoặc bất bình đẳng xã hội,v.v.. đó không phải là những vấn đề có nguyên nhân nằm ở sự kém hiểu biết. Hơn thế nữa, trong đời sống của mỗi xã hội còn có những hiện tượng mà đôi khi sự can thiệp của khoa học có thể trở thành phản tác dụng hoặc nguy hiểm.
Đương nhiên, khoa học, chẳng ai phủ nhận được vai trò gần như kỳ diệu trong sự trưởng thành của nhân loại. Nhưng cũng vẫn là sai lầm nếu con người lại sung bái khoa học đến mức duy khoa học. Trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động xã hội, mà đặc biệt là trong những ngành có liên quan tới sự sự mẫn cảm trực giác, phong tục, lề thói, hoặc thế giới tâm linh… của các cộng đồng người thì cho tới thời điểm hiện nay, khoa học rõ rang là còn rất hạn chế. Ấy là chưa kể đến tình trạng: chỗ mà khoa học đạt tới, đôi khi lại là chỗ mà các giá trị nhân văn phải hy sinh.
Khi khoa học không phải là “cây đũa thần” của mọi điều nan giải, khi trình độ hiểu biết chưa chắc đã làm cho con người trở nên nhân đạo hơn, các nhà lý luận và các nhà hoạt động xã hội dần dần nhận thấy rằng, trong đời sống xã hội, văn hoá không thể xem thường. Nó không đơn giản là kết quả thụ động của những tiến bộ về mặt kinh tế, kỹ thuật và công nghệ… mà còn có vai trò và vị trí lớn hơn nhiều so với người ta vẫn hình dung.
Từ giữa thế kỷ XVII, bắt đầu với John Locke (1632-1704), nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học, kinh tế học… người Anh thuộc trào lưu Ánh sáng, việc đi tìm ý nghĩa của những nét đặc thù trong hoạt động sống của các cộng đồng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các học giả. Chính J. Locke đã làm cho các nhà tư tưởng sau ông chú ý đến vai trò và ý nghĩa của các dạng văn hoá, mà đặc biệt là văn hoá tộc người.
Nhưng cột mốc đầu tiên đáng chú ý hơn cả trong lịch sử tri thức nhân loại về việc đề cao vai trò của nhân tố văn hoá có lẽ phải kể đến nhà triết học Đức - J. G. Herder (1744-1803). Herder chính là người đã xem xét một cách có hệ thống mối quan hệ đặc biệt giữa văn hoá, cái tạo ra “tinh thần của mỗi dân tộc” với sự tiến triển bình thường của các dân tộc và của toàn bộ xã hội loài người.
Tiếp nối Herder là O. Spengler (1880-1936), nhà triết học và sử học người Đức, một trong những người được coi là sáng lập ra ngành triết học văn hoá hiện đại. Lý thuyết của Spengler xem xét toàn bộ sự phát triển của xã hội loài người theo mối tương quan đặc biệt giữa các nền văn hoá khác nhau. Thực chất của mối tương quan ấy là giải quyết những vấn đề, những khác biệt không thể nhân nhượng để bảo tồn tính đặc sắc của các nền văn hoá. Theo Spengler thì thế giới có khoảng 8 nền văn hoá đó tạo nên diện mạo của thế giới.
Người tiếp tục tư tưởng của Spengler là A. J. Toynbee (1889-1975), nhà sử học, nhà hoạt động xã hội, nhà tư tưởng người Anh, một trong những đại biểu khá điển hình của triết học văn hoá. ông coi sự khác biệt, tính chu kỳ của các nền văn hoá của cái cốt lõi, là cái có ý nghĩa rường cột đối với sự phát triển xã hội. Theo Toynbee, toàn bộ đời sống xã hội, từ những “hiện tượng thường nhật ngốc nghếch nhất” đến những thành quả sáng tạo đắt giá nhất, hết thảy đều được hình thành dưới sự chi phối của hệ thống đặc thù các giá trị văn hoá. Toynbee rất đề cao tính đặc thù của sự khác biệt về mặt văn hoá.
Một học giả người Đức được giới học thuật hay được nhắc tới là Max Weber (1864-1920). Ông là nhà xã hội học, nhà sử học và kinh tế học nổi tiếng, được coi là một trong những tư tưởng gia đề xướng vai trò nền tảng và cơ sở của văn hoá đối với sự phát triển xã hội. Weber đánh giá cao ý nghĩa của các nhân tố truyền thống, tôn giáo, đạo đức… đối với sự phát triển. Ông đã so sánh những nhân tố này với các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội… để tìm hiểu vai trò to lớn của chúng.
Theo Weber, truyền thống đạo đức Tin Lành của châu Âu được hình thành qua nhiều thế kỷ là tính quy định bên trong, là cái có ý nghĩa nền tảng đối với sự vận động của các xã hội châu Âu. Sự vận động ấy có xu hướng hiển nhiên là đi theo mô hình của xã hội thị trường. Weber còn dự báo xã hội Trung Hoa và một số xã hội Đông Á khác do bị ràng buộc bởi những đặc trưng văn hoá của các dân tộc phía Đông nên chủ nghĩa tư bản rất khó phát triển. Dự báo này đã làm người ta tranh cãi mấy chục năm nay. Xã hội hiện đại sẽ có câu trả lời thuyết phục hơn cho những dự báo của Weber. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở chỗ, Weber là người đã sớm đề xướng và trung thành với quan điểm đề cao nhân tố văn hoá của mình. Người ta đã bỏ qua những phỏng đoán sai lầm và ghi nhận nhân tố hợp lý trong các nhìn trọng văn hoá của Weber. Do vậy, Weber được coi là một trong những người đầu tiên có quan điểm coi văn hoá là tính quy định bên trong, là cơ sở, là nền tảng … của sự phát triển của xã hội.
Trên cơ sở nhận ra được sức ép hợp lý của việc cần thiết phải nhìn sự vận động và phát triển xã hội qua lăng kính văn hoá, từ cuối những năm 70, Francois Peroux, giáo sư danh dự trường Collège de France đã tập hợp một số nhà lý luận có tên tuổi của UNESCO để biên soạn cuốn triết lý của sự phát triển, nhằm tìm kiếm một quan điểm hợp lý về vai trò của nhân tố văn hoá. Peroux cho rằng, quan niệm kinh tế học của sự phát triển (Development Economics) ngay từ lúc mới ra đời đã biểu lộ những khiếm khuyết trầm trọng của nó. Cần phải xây dựng một khung lý thuyết rộng rãi hơn để đảm bảo cho xã hội khỏi bị chi phối bởi các quan niệm thuần tuý kinh tế. Theo Peroux, một lý thuyết về sự phát triển như vậy chắc chắn sẽ phải nhấn mạnh vai trò của nhân tố văn hoá. Tuy nhiên Peroux cho rằng, chìa khoá của sự phát triển mặc dù không nằm trọn ở kinh tế, song nó cũng không nằm trọn ở văn hoá như một số người đã hình dung. Chìa khoá của sự phát triển nằm ở tương quan giữa kinh tế và văn hoá.
Như vậy, phải đến thế kỷ XX, loài người mới thấy thật cần thiết phải tính đến vai trò của các nhân tố văn hoá trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Điều đó có nghĩa là phải nhìn sự vận động của đời sống xã hội.
Sự phân biệt ngày càng sâu sắc giữa văn hoá và văn minh là một trong những đặc điểm của các khoa học về văn hoá và của các ngành tri thức về văn hoá. Từ giữa thế kỷ XX, sự phát triển của xã hội loài người trên cơ sở những thành tựu kỳ diệu do cách mạng khoa học - công nghệ mang lại đã làm cho sự phát triển ngày càng lộ ra cái mặt trái của nó. Trong khi của cải và tiện nghi vật chất có thể đã trở nên thừa mứa ở nơi này, thì ở nơi kia tình trạng đói nghèo không được giáo dục và không có cơ hội để phát triển… lại là thảm cảnh vô phương cứu chữa. Trong khi khả năng của máy móc, của công nghệ và của kỹ thuật đã trở thành niềm tự hào chính đáng của con người thì nạn phân biệt sắc tộc, nạn phá vỡ cân bằng sinh thái và nạn chai lỳ nhân tính lại trở nên nhức nhối ở nhiều khu vực của hành tinh chúng ta. Rõ ràng là văn minh thì có sự tiến bộ. Nhưng văn hoá thì ở nhiều nơi, nhiều lúc lại thụt lùi. Sự khác biệt giữa văn minh và văn hoá là cái mà con người phải đối mặt ở thế kỷ này.
Người ta ngày càng hiểu ra rằng văn hoá, mà cốt lõi của nó là phẩm chất nhân đạo trong sự phát triển chiếm giữ một ý nghĩa to lớn đối với sự tiến bộ của xã hội loài người và đối với đời sống của từng con người. Văn hoá không phải là một cái gì thứ yếu và cũng không phải chỉ là cái thứ sinh, hay là hệ quả của thụ động của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi vậy, ngày 8/12/1986 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 41 đã thông qua nghị quyết số 41 - 1987 tuyên bố thập kỷ 1988-1997 là thập kỷ thế giới về văn hoá trong phát triển. Rồi sau đó, ngày 21/01/1988, F. Mayor, Tổng giám đốc tổ chức khoa học văn hoá và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã long trọng phát động thập kỷ quan trọng đó. Tại buổi lễ này, ông F. Mayor nhấn mạnh: “văn hoá và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau”, người ta không thể chỉ thuần tuý chú trọng đến mặt kinh tế của sự phát triển để rồi lãng quên khía cạnh văn hoá của sự phát triển ấy. Quốc gia nào hay cộng đồng nào không chú ý đến văn hoá của cộng đồng mình hoặc quốc gia mình, không chú ý tới nhân tố văn hoá của sự phát triển của cộng đồng mình hoặc quốc gia mình thì họ đã tự huỷ hoại tiềm năng sáng tạo của họ. F. Mayor còn lưu ý rằng văn hoá phải được con người coi là “giữ vị trí trung tâm có vai trò điều tiết đối với sự phát triển của xã hội”[xiv]. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi phát động thập kỷ thế giới về văn hoá trong phát triển, tại hầu hết mọi quốc gia trên toàn cầu, các học giả và các nhà hoạt động xã hội đã đồng thanh hưởng ứng quan điểm của UNESCO.
Tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (Copenhagen, 3/1995), trên cơ sở nhận định “thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội và tinh thần, nó đã lên tới quy mô khổng lồ trong nhiều xã hội”, các nguyên thủ quốc gia đã thừa nhận rằng “các nhân tố văn hoá là những điều kiện thiết yếu cho một sự phát triển bền vững”, là “một phần không thể tách rời của các chiến lược phát triển”[xv].
Việc chú ý tới văn hoá và đánh giá cao vai trò của nhân tố văn hoá trong sự phát triển của xã hội hiện đại, rõ ràng không phải là một trò chơi thời thượng, cũng không phải là sự bịa đặt hoang tưởng của những đầu óc chủ quan nào đấy. Trên thực tế, việc tôn trọng vai trò của nhân tố văn hoá là quan điểm có cơ sở khách quan và khoa học của nó. Bằng các thuật ngữ khác nhau như “Hạt nhân sống còn”, “Cấu trúc nằm ở tầng sâu của xã hội”, “Tính quy định”, “Bản chất tinh thần”… để chỉ văn hóa, trí tuệ nhân loại ở cuối thế kỷ XX đã nhận ra vai trò đặc biệt của văn hóa, vai trò là nền tảng của đời sống xã hội bên cạnh nền tảng sản xuất vật chất. Bác bỏ cách nhìn văn hóa chỉ như là sản phẩm thụ động của sản xuất vật chất, loài người nhận ra văn hóa là trình độ người của tồn tại, nói đến văn hóa tức là nói đến con người; văn hóa là cái quy định con người cao hơn con vật, là cái kích thích con người sống và phát triển, là mục tiêu nhân văn đầy cao cả của sự phát triển. Một vai trò như vậy của văn hóa hóa ra đã được chứng minh trong thực tiễn:
- Với sự thâm nhập của nền văn minh Châu Âu, Nho giáo ở các nước khối NIC tưởng như đã vĩnh viễn đi vào lịch sử ngay từ đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, chẳng những không bị chôn vùi bởi nền văn minh hiện đại, văn hóa Nho giáo còn tác động trực tiếp tới nền văn minh, và như nhiều người thừa nhận, đã trở thành một trong những động lực làm cho các nước này đạt tới nhịp điệu “rồng” của sự phát triển.
- Nếu như trên hành trình đi về tương lai, Nhật Bản và phương Tây ngày càng nhích lại gần nhau ở độ mặt của nền văn minh thì điều đó không có nghĩa là Nhật Bản và phương Tây sẽ “na ná như nhau” về mặt văn hóa. Nhật Bản sẽ vẫn là Nhật Bản, còn phương Tây sẽ vẫn là phương Tây cho dù trong tương lai các xã hội này sề giống nhau đến mức độ nào về trình độ văn minh. Văn minh nhưng vẫn là Nhật Bản là mục tiêu phát triển của người Nhật.
- Đối với cộng đồng người Việt đang định cư ở phương Tây, có thể nói văn minh của họ là văn minh phương Tây. Thế nhưng, về thực chất, họ vẫn là người Việt, kể cả trường hợp họ mang quốc tịch khác. Điều này là do văn hoá quy định. Văn hóa Việt là cái quy định bản sắc người Việt, dù sống ở đâu hay đã phát triển đến trình độ nào.
- Hiện tượng Sex Tourism của Thái Lan, lúc đầu là một chương trình không tính đến (hoặc cố tình không tính đến) khía cạnh văn hóa của những lợi ích kinh tế. “Sự trả thù của văn hóa” nhiều năm nay đã làm cho Thái Lan phải nhức nhối với những hậu quả xã hội của chương trình này. Giải quyết “sự trả thù” này, hóa ra không chỉ là một bài toán về đạo đức hay văn hóa mà còn là một bài toán của bản thân nền kinh tế - xã hội.
Thực ra, ở Việt Nam, mặc dù nền kinh tế thị trường chỉ vừa còn chưa được thiện, song nó cũng đã tác động khá dữ dội đến mọi mặt của đời sống xã hội và gây ra những thay đổi đáng kể trong bảng giá trị xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong khi đem tới nhiều giá trị tốt đẹp thì cũng đang làm xuống cấp, thậm chí làm hỏng nhiều giá trị truyền thống khác. Cả hai xu hướng tích cực và tiêu cực của cơ chế thị trường đang thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống xã hội.
Làm thế nào để xã hội phát triển đi theo hướng nhân đạo, văn minh? Liệu cơ chế thị trường và giá trị ngoại sinh có thể hoà nhập hoặc đi đối với các giá trị truyền thống và đạo đức? Đây là bài toán nan giải thuộc về văn hoá. Thật may mắn là chúng ta đã ít nhiều nắm được chìa khoá để giải bài toán nan giải này.
Năm 1997, Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá kết thúc. Tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, lễ tổng kết thập kỷ này đã được long trọng tổ chức. Nhiều bài học bổ ích và đầy thuyết phục đã được khẳng định. Và, bao trùm lên tất cả vẫn là bài học về sự cần thiết phải tôn trọng hơn nữa nhân tố văn hoá.
Tiếp thu được tinh thần hợp lý của quan điểm mới về văn hóa của phương Tây, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[xvi]. Đây là quan điểm có ý nghĩa cách mạng về văn hóa và vai trò của văn hóa.
Như vậy, khi nhìn văn hoá như là mục tiêu, động lực và là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, vấn đề của mọi vấn đề hiện ra là ở sự định hướng xu thế phát triển. Sự phát triển đích thực, chân chính của xã hội rõ ràng phải bao hàm trong nó các thuộc tính an toàn, lành mạnh, bền vững và tự nhiên… Đối với xã hội Việt Nam, một sự phát triển như vậy đương nhiên không chỉ là vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Dân giàu, nước mạnh - đó mới chỉ là một nửa của mục đích. Dân giàu, nước mạnh phải là bạn đồng hành với xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Có thể coi đây là một cột mốc đáng ghi nhớ trong quá trình chúng ta nhận thức về vai trò của văn hoá và trong lịch sử tiến triển của tri thức về văn hoá ở Việt Nam.
III.2. Về chức năng xóa bỏ văn hóa tư sản và đoạn tuyệt với tư tưởng cổ truyền
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở hầu hết các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây như Liên Xô, các nước Đông Âu, cũng như ở Trung Quốc, Việt Nam, việc tấn công vào văn hóa tư sản, phong kiến và văn hóa truyền thống đều có nhiều hiện tượng cực đoan, quá đà. Nhiều thiết chế của văn hóa tinh thần, đặc biệt ở Trung Quốc và với các thiết chế liên quan đến tôn giáo như nhà thờ, đình chùa, miếu, đền… đều bị phá hủy quá tay. Cũng ở các nước này, xu hướng phê phán các hiện tượng cực đoan của giai cấp vô sản đã ngấm ngầm hoặc công khai trong nhiều thập niên. Bào chữa cho những hành vi này, nhiều ý kiến thường dẫn ra tư tưởng của Marx và Engels rằng, theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx, cái văn hóa bị xóa bỏ là thứ văn hóa biến con người thành nô lệ, và cách mạng vô sản là sự đoạn tuyệt triệt để với văn hóa truyền thống.
Thực ra, lời giải thích Marx có phần không chính xác, đã bị cực đoan hóa và ít nhiều đẩy hành vi cuốn đi theo logic của những ngày đầu cách mạng. Trên thực tế, trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, về những nội dung này, Marx và Engels chỉ viết:
“Tất cả những lời phản đối nhằm chống lại phương thức cộng sản chủ nghĩa của sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm vật chất được tung ra, cũng nhằm chống lại sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm tinh thần. Nếu đối với người tư sản, sở hữu giai cấp bị thủ tiêu có nghĩa là chính sản xuất cũng bị thủ tiêu, thì đối với họ, văn hoá giai cấp bị thủ tiêu, cũng có nghĩa là văn hoá nói chung bị mất đi. Cái văn hoá mà người tư sản than tiếc là bị tiêu diệt đi đó, thì đối với đại đa số, chỉ là việc biến họ thành vật phụ thuộc vào máy móc mà thôi”.
Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình giành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ” [xvii].
Tinh thần văn bản kinh điển đúng là xóa bỏ văn hóa tư sản và đoạn tuyệt triệt để với tư tưởng kế thừa từ quá khứ. Tuy vậy, với mọi cuộc cách mạng, không thể lấy căn cứ câu chữ ở một văn bản nào đó để biện minh cho hành vi thiếu sáng suốt nào đó.
III.3. Về chức năng văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi
Đây là tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong điều kiện cách mạng mới thành công, đất nước còn muôn vàn khó khăn, bắt đầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, gian khổ, Hồ chủ tịch đã chỉ rõ tầm quan trọng của văn hóa: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận ta ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”[xviii].
Đây là tư tưởng rất tiên tiến về văn hóa mà đến cuối thế kỷ XX mới thấy xuất hiện trong các văn bản của UNESCO. Gần như toàn bộ thời gian trước Đổi mới, ở Việt Nam tư tưởng này chưa được thực hiện bao nhiêu.
Bởi lẽ, trước Đổi mới, ở Việt Nam, văn hóa được hiểu là thuộc về cấu trúc của ý thức xã hội, bị quy định bởi sự tồn tại xã hội, thuần túy thuộc kiến trúc thượng tầng, là sản phẩm của hoạt động sản xuất vật chất, của đời sống xã hội và của quan hệ sản xuất. Quan niệm này chịu ảnh hưởng của quan điểm Xô Viết, thuần túy chỉ coi văn hóa là sản phẩm của sản xuất xã hội, giống như một ngành sản xuất tinh thần và muốn thay đổi văn hóa thì chỉ cần thay đổi nền tảng của nó là các quan hệ sản xuất. Điều này được ghi rõ ngay trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943: “Quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hoá của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)” [xix]. Quan niệm này không tránh hỏi làm hạn chế sự nhìn nhận giá trị của văn hóa truyền thống, của văn hóa dân tộc. Vai trò dẫn đường, động lực và điều tiết của văn hóa đối với đời sống bị phủ nhận. Bản sắc văn hóa cá nhân, cá thể, vùng miền không có môi trường để phát huy tác dụng. Trong khi đó văn hóa vô sản, văn hóa của giai cấp công nhân chưa kịp định hình để dẫn dắt toàn bộ nền văn hóa và trở thành cản trở đối với văn hóa truyền thống.
Trong xu thế Đổi mới nói chung, từ cuối những năm 80 (thế kỷ XX), Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của UNESCO, hưởng ứng thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển (1986-1997), nhận ra vai trò to lớn của nhân tố văn hóa trong phát triển, thấu hiểu ý nghĩa của văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống đối với toàn bộ đời sống xã hội. Đổi mới văn hóa ở Việt Nam thực sự bắt đầu từ NQ 05 của Bộ Chính trị 28/11/1987 về quản lý văn học nghệ thuật; NQ TW 4 Khóa VII 1993 về văn hóa văn nghệ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ trung tâm của văn hoá, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới đất nước, mau chóng bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”[xx]. Đến năm 1996 quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển xã hội” được khẳng định[xxi].
Chính là nhờ Đổi mới, quan điểm về văn hóa của lãnh tụ Hồ Chí Minh[xxii] cũng như trong Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 được nhìn nhận sâu sắc hơn, đặt những nền tảng cho những quan điểm và chính sách văn hóa về sau.
Cương lĩnh 1991 (“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”) do Đại hội VII của Đảng thông qua 6/1991, lần đầu tiên đã xác định một trong sáu đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã thực sự đánh dấu một sự đổi mới căn bản trong nhận thức và các giải pháp về văn hóa khi ban hành Nghị quyết Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã định hình quan niệm mới về “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, nền văn hóa tiên tiến là văn hóa với 5 khía cạnh chủ yếu: “yêu nước, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì con người, tiến bộ, tiên tiến về nội dung và hình thức biểu hiện”; đồng thời, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa chưa đựng “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình – làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý…”[xxiii].
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) qua thực tiễn thực hiện được đánh giá là vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới để thực sự bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo bước ngoặt về tư duy và nhận thức văn hóa. Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (tháng 7/2004) đã khẳng định Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII thực sự có ý nghĩa chiến lược về văn hóa của Đảng ta. Và trong dịp tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới năm 2014, một lần nữa những quan điểm này về văn hóa được tái khẳng định[xxiv].
III.4. Về chức năng điều tiết của văn hóa
Trong một số tài liệu của các chuyên gia UNESCO và của các tác giả khác, văn hóa, ngoài những chức năng đã nói tới ở trên, còn được đề cập tới ở chức năng điều tiết sự phát triển kinh tế xã hội. Đây là nội dung mà một số nhà nghiên cứu và hoạt động văn hóa cho rằng, còn thiếu hụt hoặc quá mờ nhạt trong các quan điểm chỉ đạo về văn hóa cũng như trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam. Theo những ý kiến này, việc nhấn mạnh vai trò vừa là mục tiêu vừa là động lực của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết, song như thế chưa đủ. Bên cạnh khả năng thúc đẩy và phát huy cái đúng đắn, cái nhân đạo, cái đẹp trong đời sống, văn hóa còn có khả năng không nhỏ trong việc uốn nắn cái sai lệch, điều chỉnh cái chưa hợp lý, cảnh báo cái ác, cái xấu. Cũng từ ý tưởng này, tác giả Nguyên Ngọc còn gọi văn hóa là cái “chân phanh” xử lý các tình huống khi cỗ xe kinh tế đi quá đà[xxv]. Tuy nhiên cũng có những ý kiến không đồng tình với quan điểm này.
Với tính cách là các giá trị người, văn hóa đúng là có khả năng điều chỉnh hành vi, điều tiết suy nghĩ và hành động của mỗi con người cũng như mỗi cộng đồng. Nhiều nhà tư tưởng đều nhìn nhận văn hóa như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946 cũng đã nói đến ý này: “văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”[xxvi].
* * *
Để có được nhận thức mới về văn hóa, về vai trò và vị thế của văn hóa như hiện nay, toàn bộ quá trình nhận thức đã được đúc rút một cách năng động và sáng tạo từ hoạt động thực tiễn gian khó và phức tạp của Đổi mới. Không sách vở, không giáo điều, văn hóa, như cách hiểu hiện nay, là sản phẩm của quá trình Đổi mới.
Đổi mới đã thực sự làm thay đổi toàn bộ nhận thức và hành động về nền văn hóa Việt Nam và vai trò của văn hóa Việt Nam trong sự phát triển đất nước. Những nhân tố tiến bộ của văn hóa nhân loại, những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống đã được chú ý kế thừa và phát huy. Văn hóa từng bước đã đóng vai trò là nguồn gốc và động lực của sự phát triển. Giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa các dân tộc đã được chú ý kế thừa và phát triển trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Văn hoá truyền thống được đề cao bên cạnh và đồng thời với nhiều giá trị văn hoá mới. Các tiềm năng, tài năng văn hóa được chú ý phát hiện, bồi dưỡng và tạo cơ hội phát triển. Nhiều di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được giữ gìn, tôn tạo. Vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa được nâng cao. Xã hội hoá hoạt động văn hoá được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá, hoạt động sân khấu, văn nghệ quần chúng. Cơ hội tiếp cận sản phẩm văn hóa đã mở rộng cho tất cả các đối tượng, góp phần làm thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Thể chế, thiết chế văn hoá được củng cố, tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Các văn bản pháp quy về văn hóa được chú ý xây dựng và hoàn thiện. Công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả, trong đó có kết quả tốt. Đời sống văn hoá cơ sở đã có bước phát triển mới. Nhận thức về giá trị di sản văn hoá và truyền thống văn hoá được nâng cao. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa... có tác dụng tích cực, góp phần làm ổn định chính trị, giữ gìn, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh. Hoạt động giao lưu, tuyên truyền, hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng mở rộng cả về tính chất và quy mô đã góp phần làm cho hình ảnh về một Việt Nam văn minh, hiện đại, có truyền thống văn hóa ngày càng rõ nét trong lòng bạn bè quốc tế.
GS.TS Hồ Sĩ Quý
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
[i] K. Marx và F. Engels (1997), Toàn tập t. 32, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 80.
[ii] K. Marx và F. Engels (1994), Toàn tập t. 20, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 164.
[iii] Tайлор Э.Б. (1989), Первобытная Культура, Политиздат, М., Cтр. 18.
[iv] Xem: Давидович ВЕ. Жданов Ю.А. (1989), Сущность Культурыа. Изд. Ростовского Университета. Ростов-на-Дону, cтр. 29. // Davidovich V.E. (2002). Dưới lăng kính triết học. Nxb Chính trị Quốc gia, H., tr. 446.
[v] Xem: Давидович ВЕ. Жданов Ю.А. (1989), Sđd. cтр. 30.
[vi] Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a.
[vii] Hồ Sĩ Quý (1999). Về văn hóa và văn minh. Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 32.
[viii] Nguyên văn: “Conference agrees: that in its widest sense, culture may now be said to be the whole complex of distinctive spiritual, material, intellectual and emotional features that characterize a society or social group. It includes not only the arts and letters, but also modes of life, the fundamental rights of the human being, value systems, traditions and beliefs; that it is culture that gives man the ability to reflect upon himself. It is culture that makes us specifically human, rational beings, endowed with a critical judgement and a sense of moral commitment. It is through culture that we discern values and make choices. It is through culture that man expresses himself, becomes aware of himself, recognizes his incompleteness, questions his own achievements, seeks untiringly for new meanings and creates works through which he transcends his limitations”. UNESCO. Mexico City Declaration on Cultural Policies. World Conference on Cultural Policies. Mexico City, 26 July - 6 August 1982.
http://portal.unesco.org/culture/en/files/12762/11295421661mexico_en.pdf/mexico_en.pdf
[ix] Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập t.3. Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 431.
[x] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 29.
[xi] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín BCHTW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340688&cn_id=657578
[xii] Hồ Sĩ Quý (1999). Sđd. tr. 51.
[xiii] Hồ Sĩ Quý (1999). Sđd. tr. 52.
[xiv] Xem: Người đưa tin UNESCO số 11/1988.
[xv] Xem: Người đưa tin UNESCO số 10/1995.
[xvi] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb. CTQG. Hà Nội. tr.110.
[xvii] K. Marx, F.Engels. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/phan_02.htm
[xviii] Báo Cứu quốc ngày 25/11/1946.
[xix] Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943 của T.Ư). http://bvhttdl.gov.vn/vn/vb-qly-nn/4/1240/index.html
[xx] Đảng Cộng sản Việt Nam (1993). Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khoá VII về văn hóa văn nghệ. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30656&cn_id=91227
[xxi] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, Hà Nội. tr. 110.
[xxii] Xem: Hồ Chí Minh (1995). Toàn tập, tập 3. Nxb CTQG. Hà Nội, tr. 431. (đã dẫn ở trên)
[xxiii] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khoá VIII. Nxb. CTQG. tr. 56.
[xxiv] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín BCHTW khóa XI. Sđd.
[xxv] Xem: Nguyên Ngọc. Văn hóa… để làm gì? http://huc.edu.vn/chi-tiet/409/Nha-van-Nguyen-Ngoc--Van-hoa-de-lam-gi.html
[xxvi]. Hồ Chí Minh. Báo Cứu quốc ngày 25/11/1946.