1. Đặt vấn đề;
Tham nhũng là một vấn đề của mọi nền chính trị trong mọi giai đoạn lịch sử, tuy mức độ phổ biến của nó có khác nhau ở mỗi quốc gia. Người Việt Nam vẫn hay ví tham nhũng như là những “con sâu” đục lá đến một lúc nào đó sẽ làm chiếc lá héo úa và rụng. Cũng như nhiều chính phủ hiện nay coi tham nhũng là một vấn đề nguy hại, đe doạ trước hết đến sự ổn định chính trị và xã hội (sự tồn vong của một chế độ), đe doạ đến sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, phòng và chống tham nhũng luôn là chương trình nghị sự hàng đầu.
Thông thường, tham nhũng chỉ xuất hiện trong lĩnh vực công, tức “quyền lực công” bị lạm dụng. Nhưng quyền lực cũng có một đặc trưng căn bản của nó là “tha hoá”. Như Lord Acton viết: Quyền lực làm tha hoá con người. Con người là chủ thể của quyền lực chính trị, do đó, sự tha hoá của con người - trong vai trò là công chức nhà nước - cũng dẫn đến sự tha hoá của quyền lực. Như thế, tham nhũng là một biểu hiện của sự tha hoá quyền lực công.
Giải thích sự tha hoá của quyền lực dẫn đến tham nhũng có thể bắt đầu bằng giả định của kinh tế học, rằng con người luôn có lý trí và tư lợi. Bởi bản tính này, con người luôn hành động theo những cách có lợi nhất cho mục đích của mình. A là một cán bộ công chức - tức người đại diện cho quyền lực của nhân dân - nhận thấy sự lỏng lẻo của hệ thống luật pháp, quyền lực của anh ta không bị kiểm soát, những cơ hội để A tư lợi xuất hiện khi A nắm trong tay quyền lực; vì vậy, A nảy sinh ý nghĩ và hành động sử dụng quyền lực để tối đa hoá lợi ích cá nhân của mình. Từ đây tham nhũng xuất hiện.
Sự thành công trong chính sách ngăn ngừa và xử lý tham nhũng ở Phần Lan và Singapore sẽ là bài học và kinh nghiệm có ích cho những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Việt Nam - những nước đang coi đây là một cuộc chiến chống tham nhũng, nếu thất bại sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
2. Văn hoá chống tham nhũng ở Phần Lan
Cùng với Đức và Đan Mạch, Phần Lan là một trong số những nước đứng đầu ở châu Âu về chống tham nhũng. Theo thống kê của Uỷ ban châu Âu (2014), chỉ có khoảng 9% người dân Phần Lan bị ảnh hưởng bởi tham nhũng trong cuộc sống hàng ngày, trong khi tỷ lệ này trung bình ở châu Âu là ¼.1 Đất nước này không chỉ là mô hình cho các nước châu Âu khác, mà còn cho cả thế giới học hỏi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng.
Thành công của Phần Lan là kết quả của một sự kết hợp có hiệu quả giữa văn hoá chống tham nhũng của công dân với thể chế chính trị có mô hình quản trị tốt. Đây là điểm rất đặc biệt ở quốc gia này. Bối cảnh lịch sử, văn hoá và cấu trúc ảnh hưởng lớn đến sự thành công của chính sách chống tham nhũng, đồng thời là một chính phủ trong sạch và minh bạch với một chương trình quản trị tốt. Ari-Veikko Anttiroiko (2014) coi đây là một “sự tiến hoá.”2
Theo Ari-Veikko Anttiroiko, “văn hoá và điều kiện xã hội là những yếu tố chính trong việc giải thích sự tiến triển của quản lý sạch ở Phần Lan.” Đây là nền tảng quan trọng để hình thành nên một chính phủ dân chủ hiệu quả và minh bạch. Những yếu tố về mặt văn hoá và đặc điểm xã hội bao gồm: “mức sống cao, chủ nghĩa bình đẳng và phân phối thu nhập tương đối bình đẳng (tầng lớp trung lưu lớn), tư duy dân chủ và tôn trọng pháp quyền, người dân được giáo dục tốt, các dịch vụ phúc lợi xã hội phổ biến, văn hoá tôn trọng sự trung thực và chăm chỉ.”
Mặc dù Phần Lan không phải là nơi sản sinh ra các nhà triết học chính trị hàng đầu châu Âu, song trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, người dân ở đây cũng tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan điểm, học thuyết chính trị về nhà nước, về nền dân chủ, về Hiến pháp trong bối cảnh sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tương tự như những nước châu Âu thời đó.
Về mặt thể chế, có thể tóm lược những yếu tố sau đã giúp Phần Lan có được một nền quản trị tốt, ít tham nhũng: một là, hệ thống toà án lâu dài và hợp pháp, có cơ quan độc lập để quản lý công, giám sát hoạt động của Quốc hội và các cơ quan nhà nước, hệ thống toà án và cảnh sát mở để người dân có thể theo dõi; hai là, chính phủ minh bạch và phục vụ, chính quyền địa phương hoạt động tốt dựa trên sự tự chủ; ba là, cán bộ công chức xem việc cung cấp dịch vụ công là một nghề nghiệp nên khát khao cống hiến và được trả lương thích đáng, đi kèm với họ được giáo dục tốt để làm việc; bốn là, cơ cấu ra quyết định tập thể và tập trung, có trách nhiệm giải trình; năm là, văn hoá chính trị theo định hướng thống nhất, các đảng chính trị hoạt động minh bạch và công khai các khoản được tài trợ.
Từ một xã hội dân chủ và bình đẳng, một nền văn hoá tôn trọng sự trung thực và cống hiến, người dân có mức sống cao và được giáo dục tốt để hiểu, vận dụng và bảo vệ quyền của họ. Những nhân tố này đã hình thành nên một chính phủ Phần Lan trong sạch mà không cần đến các biện pháp phòng, chống tham nhũng riêng biệt như nhiều quốc gia khác.
Báo cáo chống tham nhũng tại Phần Lan của Uỷ ban châu Âu năm 2014 cũng cho thấy, Phần Lan không coi tham nhũng là mối đe doạ nghiêm trọng và không có chiến lược chống tham nhũng quốc gia. Cũng theo Joutsen và Keränen (2009), quốc gia này không có các quy định pháp luật riêng biệt hoặc các cơ quan giám sát riêng biệt, thay vào đó, các biện pháp chống tham nhũng được lồng ghép vào chính sách quản trị tốt dựa trên cơ sở pháp quyền. Tuy nhiên, Phần Lan có một hệ thống tư pháp hoạt động tốt và có các công tố viên độc lập về thể chế để có khả năng xử lý các trường hợp tham nhũng cấp cao. Đạo luật các Đảng chính trị năm 2010 cung cấp sự minh bạch trong việc tài trợ cho các ứng cử viên, đảng phái chính trị và các cơ quan khác liên quan đến các đảng chính trị.
Tại Phần Lan, tham nhũng không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật mà còn là một hành vi phi đạo đức. Trong một nền quản trị tốt, công dân và viên chức chính phủ có một ý thức mạnh mẽ về pháp luật, các quy định ngăn ngừa tham nhũng chính sách từ những người ra quyết định chính sách và sự giám sát của công chúng đối với công việc của chính phủ…
3. Singapore trong sạch nhờ thể chế hiệu quả và lãnh đạo liêm chính
Không chỉ là một quốc gia thịnh vượng, Singapore còn là một quốc gia có mức độ tham nhũng thấp trên thế giới, tương đương với các nước Bắc Âu. Cũng theo Ari-Veikko Anttiroiko, khác với Phần Lan, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Singapore có tính chất như một “cuộc cách mạng.”
Không được kế thừa một nền văn hoá dân chủ và công bằng, cũng như những đặc điểm xã hội thuận lợi như Phần Lan, chính phủ của ông Lý Quang Diệu phải đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan khi lập quốc (1959). Singapore là một bộ mặt trái ngược của Phần Lan do đó, Chính phủ Nhân dân hành động (PAP) đã áp dụng những biện pháp mang tính thể chế để loại bỏ tham nhũng. Một trong những cố gắng quan trọng nhất lúc ban đầu là việc thành lập Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) với tư cách là cơ quan chống tham nhũng độc lập. Cho đến nay, CPIB vẫn duy trì tính độc lập khỏi các cơ quan khác, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Đồng thời, quyết tâm tiêu diệt tham nhũng của Singapore cũng mang dấu ấn của các nhà lãnh đạo chính trị, “những người đã tự đặt mình làm mẫu mực cho công chức, từ bỏ các mối quan hệ kinh tế, thể hiện đạo đức công việc cao, tránh bất kỳ những hành vi nào có thể hiểu là lạm dụng chức vụ của họ và không khoan nhượng đối với những hành vi tham nhũng. Từ đó, tạo ra một vùng đất có bầu không khí trung thực và liêm chính.”
Tương tự như Phần Lan, mục đích của Singapore cũng nhằm tạo một nền quản trị tốt với một chính phủ trong sạch và minh bạch. Bên cạnh thiết lập những thể chế tương tự như Phần Lan, Singapore còn thành lập chiến lược và cơ quan chống tham nhũng riêng biệt ngoài Cơ quan Điều tra Tội phạm Tham nhũng (CPIB) còn có Đạo luật Ngăn chặn Tham nhũng (POCA).
Một phần quan trọng của chiến lược chính phủ Singapore là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng trong công vụ. Hơn bất cứ điều gì, điều này có nghĩa là sự cải thiện liên tục của tiền lương và điều kiện làm việc. Các biện pháp giáo dục và nâng cao năng lực cho viên chức chính phủ cũng được thực hiện.
Nếu như ở Phần Lan là sự kết hợp lần lượt của văn hoá, công chức chính phủ và bộ máy hành chính tạo nên một đất nước trong sạch, thì ở Singapore là công chức chính phủ, bộ máy hành chính và xây dựng văn hoá. Chính nhờ những thể chế này đã giúp hình thành nên nền tảng cho toàn bộ xã hội quyết tâm tiêu diệt tham nhũng. Đến độ, môi trường văn hoá ở Singapore phản đối mạnh mẽ với tham nhũng. Singapre hiện nay có một nền văn hoá “phi tham nhũng”, mà ở đó công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.”
Như thế, bất chấp sự khác biệt về bối cảnh lịch sử và trình độ phát triển, thể chế là một trụ cột chung có ý nghĩa quan trọng trong việc chống tham nhũng ở Singapore và Phần Lan. Ở Singapore, một xã hội bán chuyên chế và cơ quan chống tham nhũng hiệu quả là điều kiện cần thiết cho chính sách chống tham nhũng thành công và từ đó thay đổi văn hoá liên quan. Theo chiều ngược lại, nền văn hoá của Phần Lan tạo điều kiện thuận lợi cho một chính trị không tham nhũng dựa trên tính minh bạch và các giá trị dân chủ.
4. Trung Quốc chống tham nhũng từ bên trong Đảng
Tương tự Singapore, Trung Quốc không có được một nền bối cảnh lịch sử và đặc điểm văn hoá thuận lợi cho việc hạn chế tham nhũng. Do đó, thể chế hiệu quả và quyết tâm của nhà lãnh đạo chính trị trở thành trục chính trong chính sách phòng ngừa, xử lý tham nhũng của nước này.
Trong điều kiện một đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước hết bắt đầu từ trong nội bộ Đảng, của người đứng đầu và mỗi đảng viên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay đã phát động chiến dịch chống tham nhũng rất rộng lớn và cứng rắn, nổi bật với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”.
Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một khung chiến lược chống tham nhũng chặt chẽ và toàn diện bao gồm cả khu vực công và tư. Tuy nhiên, mối quan hệ phức tạp, thậm chí là mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Hiến pháp và hệ thống tư pháp là cản trở lớn đối với chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc.
Như một mẫu số chung, Trung Quốc hiện cũng đang từng bước hình thành những cơ chế chống tham nhũng hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác. Năm 2007, Cục Phòng ngừa tham nhũng quốc gia được thành lập. Một trong những bước tiến rõ rệt đó là giải quyết bài toán về hệ thống tư pháp và các cơ quan chống tham nhũng trực thuộc.
“Thứ nhất, tách Cục Phòng chống Tham nhũng và Cục Giám sát ở Trung ương và địa phương độc lập với hệ thống hành chính, xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập từ trên xuống dưới, ở Trung ương là Tổng cục, ở các tỉnh thành là Cục, không chịu sự lãnh đạo của chính quyền và đảng ủy địa phương, nhân sự thực hiện chế độ nhiệm kỳ 3 năm, tiến hành luân chuyển định kỳ. Cơ quan cấp trên của Tổng cục là Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương.
Thứ hai, tách tòa án các địa phương độc lập với chính quyền địa phương và Ủy ban Chính Pháp địa phương, do Tòa án Nhân dân Tối cao trực tiếp lãnh đạo, nhân sự và ngân sách do Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định.”
Đồng thời, Trung Quốc cũng đề ra những biện pháp như: một là, giáo dục tư tưởng chính trị và tác phong liêm chính trong toàn Đảng; hai là, kiện toàn hệ thống pháp quy về xây dựng tác phong liêm chính trong các cấp Đảng, chính quyền; ba là, xây dựng chế độ giám sát quyền lực; bốn là, chống tham nhũng phải được tiến hành một cách kiên quyết, đúng pháp luật và có trọng điểm.
Một cách chậm hơn, mặc dù bối cảnh kinh tế và xã hội khác xa so với Singapore, nhưng dường như cuộc đấu tranh với tham nhũng của Trung Quốc mới chỉ như Singapore những năm 1950.
5. Một số liên hệ với Việt Nam
Kinh nghiệm của Phần Lan, Singapore và Trung Quốc cho thấy chính sách chống tham nhũng cần phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hoá và đặc điểm xã hội. Văn hoá có thể hỗ trợ cho một nền chính trị trong sạch, ở chiều ngược lại các thể chế kinh tế, chính trị có thể hình thành, điều tiết văn hoá để tạo nên một văn hoá chính trị nói không với tham nhũng như ở Singapore và Phần Lan.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng thể chế và con người chính trị của Phần Lan, Singapore và Trung Quốc, đặc biệt là Singapore. Như Ari-Veikko Anttiroiko khuyến cáo, để theo đuổi một nền quản trị tốt trong ngắn hạn, “cần phải có sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu, chính sách chống tham nhũng rõ ràng và một cơ quan chống tham nhũng mạnh mẽ.”
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này, do đó đã coi việc tiêu diệt tham nhũng là vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chắc chắn cần đến một “cuộc cách mạng” như Singapore đã từng làm để có thể loại bỏ được tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng về bản chất cũng là ngăn ngừa sự tha hoá quyền lực, tức là duy trì và phát huy quyền lực của nhân dân lao động.
Một là, sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực từ bên trong, từ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là lực lượng lãnh đạo xã hội cần phải tiếp tục hoàn thiện điều lệ Đảng, nguyên tắc hoạt động của Đảng thích ứng với tình hình mới của đất nước. Thế chế hoá các phương thức kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm tra và giám sát đối với các tổ chức Đảng và Đảng viên theo hướng đơn giản, minh bạch và hiệu quả. Sự gương mẫu và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, của mỗi Đảng viên là nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần vào sự thành công của chính sách chống tham nhũng. Cùng với đó là phát huy hiệu quả hoạt động của Uỷ ban kiểm tra Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bối cảnh cụ thể Việt Nam không phù hợp với sự phân tách quyền lực, song giữa các cơ quan quyền lực nhà nước vẫn cần duy trì sự kiểm soát và giám sát hành chính; phân định rõ vai trò, chức năng của mỗi cơ quan; chịu sự giám sát và kiểm tra của Quốc hội.
Hai là, việc ngăn ngừa, xử lý tham nhũng rất dễ dẫn đến xung đột quyền lực. Do đó, chỉ khi công việc này dựa trên pháp luật, thì nó mới không bị biến tướng thành cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng bè phái. Vì thế, đó là một dạng xung đột theo xu hướng tích cực.
Tinh giảm biên chế, chọn lọc người tài là cơ hội để phòng, chống tham nhũng. Việc này không chỉ loại bỏ những cán bộ công chức bị tha hoá, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, góp phần vào việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển, tạo động lực để mỗi cán bộ cống hiến cho công việc.
Ba là, cần thiết phải đề cao, thậm chí thể chế hoá trách nhiệm bắt buộc phải giải trình tính minh bạch và không tư lợi trong các quyết định chính sách. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp triệt tiêu cơ hội tham nhũng. Duy trì và phát huy hơn nữa các cuộc họp báo, tiếp xúc và đối thoại với dân của các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Bốn là, từng bước cải cách hệ thống tư pháp theo hướng độc lập, đủ năng lực và quyền hạn xử lý các trường hợp tham nhũng cấp cao. Điều quan trọng là phải giữ được sự trong sạch và hiệu quả của hệ thống tư pháp, nếu không những cố gắng trong việc ngăn ngừa tham nhũng sẽ bị hạn chế đáng kể.
Năm là, phòng và chống tham nhũng không chỉ là sự kiểm soát quyền lực từ bên trong, mà còn là kiểm soát quyền lực từ bên ngoài. Bởi vậy, vai trò của các chủ thể bên ngoài tổ chức Đảng và hệ thống Nhà nước là rất quan trọng, cụ thể là từ nhân dân, từ các tổ chức chính trị-xã hội, dư luận xã hội. Nếu chúng ta nhìn văn hoá chống tham nhũng ở Phần Lan, thì bằng việc chống tham nhũng - trong vai trò một cuộc cách mạng tương tự như Singapore - có thể xây dựng văn hoá chống tham nhũng của nhân dân.
Tham nhũng không chỉ làm tổn hại đến tính chính danh, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến quyền lực của nhân dân, lòng tin của nhân dân vào quyền lực công, dịch vụ công. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện hiện nay chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân bởi nó trước hết bảo vệ các quyền của nhân dân, xây dựng một hệ thống nhà nước minh bạch và trong sạch để phục vụ nhân dân.
Có thể nói tham nhũng là căn bệnh trầm kha của mỗi thể chế, mỗi quốc gia, nếu không có biện pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sẽ làm nguy hại đến sự tồn vong của mỗi quốc gia. Việt Nam là một nước đang phát triển, nhận diện được những ảnh hưởng tiêu cực của tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ công cuộc phòng, chống tham nhũng. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng từ các quốc gia phát triển như Phần Lan, Singapore hay như Trung Quốc – đất nước có thể chế chính trị tương đồng, láng giềng, thực sự là những bài học tham khảo quý cho Việt Nam hiện nay./.
TS. Trần Bách Hiếu
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN