Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tìm hiểu văn hóa trong kinh tế ở Nhật bản

Ngày phát hành: 29/08/2018 Lượt xem 9798

(Tiếp theo bài: Mấy nét về văn hóa trong chính trị ở Nhật Bản)

1. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa 
Ở Nhật Bản, nói đến công nghiệp văn hoá trước hết là nói đến các lĩnh vực như âm nhạc, truyền hình, phim ảnh, games, xuất bản, hàng thủ công, thiết kế. Trong một số trường hợp, công nghiệp văn hoá còn được hiểu gồm các lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật nghe nhìn, nghệ thuật biểu diễn, thể dục thể thao, quảng cáo và văn hoá du lịch. Những ngành này có tính chất tập trung lao động dựa trên cơ sở tri thức, tạo ra việc làm và nguồn thu nhập cao. Từ chỗ nuôi dưỡng tính sáng tạo và làm nảy sinh những đổi mới, công nghiệp văn hoá có tác dụng duy trì sự đa dạng văn hoá và nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế.
Từ những thập niên nửa cuối thế kỷ XX cho đến nay, nhiều ngành công nghiệp văn hoá đã có vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế Nhật Bản. Thu nhập từ các ngành công nghiệp văn hoá giải trí như manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình) mỗi năm đem lại cho nền kinh tế nước này một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Chính phủ Nhật Bản ban hành Chiến lược công nghiệp văn hoá vào năm 2007 nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp này tạo thành một trụ cột kinh tế và quảng bá ảnh hưởng văn hoá Nhật Bản ra thế giới mà trước hết là các nước châu Á.
Nội dung của bản Chiến lược gồm 5 phần chính là: tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nhận thức về hiện trạng, những vấn đề cần được khảo sát, phương hướng cơ bản và những chính sách cụ thể.
Về tư tưởng chỉ đạo cơ bản, bản Chiến lược nêu lên 3 điểm quan trọng:
Thứ nhất, để có chiến lược công nghiệp văn hoá, việc quan trọng trước hết là bản thân người Nhật phải đánh giá và nhận thức lại về “sức hấp dẫn Nhật Bản”, phải coi trọng lợi ích kinh tế và lợi ích ngoại giao của Nhật Bản thông qua sức mạnh mềm để cuốn hút nhân dân các nước khác. Hơn thế nữa, trong lúc quá trình phát triển toàn cầu hoá ngày một gia tăng, để hướng tới việc giải quyết những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của nhân loại như an ninh, môi trường thì việc tuyên truyền để thế giới thấy rõ được quan niệm giá trị của Nhật Bản mang tính phổ biến là điểm quan trọng.
Thứ hai, công nghiệp văn hoá có sức ảnh hưởng rất to lớn, phản ánh sức hấp dẫn của một quốc gia một cách tổng hợp. Chính vì vậy, Nhật Bản chủ trương thông qua làn sóng hướng ra hải ngoại của công nghiệp văn hoá mà tạo nên sự đồng cảm về ý thức thẩm mỹ, về giá trị quan, liên quan đến hoàn cảnh sản xuất văn hoá và lối sống của người Nhật. Sự ảnh hưởng của Nhật Bản ra nước ngoài phải lấy văn hoá làm trụ cột. Như vậy, sẽ có sức ảnh hưởng rất lâu dài và tạo ra hiệu quả to lớn.
Từ quan điểm này cho thấy, Nhật Bản có chiến lược gia tăng phát triển văn hoá đại chúng, giao lưu với văn hoá hải ngoại về phương diện văn hoá nghệ thuật và quảng bá tầm ảnh hưởng của văn hoá Nhật Bản ra các nước.
Thứ ba, công nghiệp văn hoá của Nhật Bản có sức mạnh bắt nguồn từ chính trong các giá trị mà người Nhật đã sáng tạo, bồi đắp trong lịch sử. Theo đánh giá của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, hiện nay văn hoá đại chúng và lối sống Nhật Bản được thế giới đánh giá một cách rộng rãi, như là những giá trị có sức cuốn hút. Ngọn nguồn của điều này là ở tính nhạy cảm của mỗi con người trong cuộc sống hàng ngày. Việc tiếp thu và tinh luyện những tinh hoa văn hoá thế giới kết hợp chúng với các giá trị văn hoá trong nước, ngay từ thời cận thế cũng như con mắt thẩm mỹ và sức biểu hiện thẩm mỹ của công chúng Nhật Bản chính là ngọn nguồn đã sinh ra những dịch vụ, những hàng hoá tinh xảo mang đậm chất văn hoá Nhật Bản. Như vậy, công nghiệp văn hoá hiện nay của Nhật Bản có cái gọi là “thổ nhưỡng” mà cũng chính từ đó đã  vun trồng nên lối sống, tập quán, phong tục, văn hoá, nghệ thuật, công nghệ truyền thống của Nhật Bản. Trong khi suy ngẫm về công nghiệp văn hoá, Nhật Bản coi trọng mảnh đất đã ra hoa kết trái, đã tinh luyện văn hoá hải ngoại và tiếp tục tạo ra công nghệ hiện  đại.
Nhận định về thực trạng hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đặc biệt chú ý đến việc triển khai chiến lược “sức mạnh mềm” của các nước và hiện trạng công nghiệp văn hoá Nhật Bản.
Về việc triển khai sức mạnh mềm, bản Chiến lược nhận định rằng, các nước mà điển hình là Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc đang thực thi chiến lược nhằm tạo ra một loại sức mạnh để thuyết phục các nước khác, thông qua biện pháp phi quân sự như sức hấp dẫn của chế độ, của hệ tư tưởng, của văn hoá - những cái được gọi là sức mạnh mềm. Trong khi đó, trong những năm gần đây, thế giới có xu hướng đánh giá cao lối sống và văn hoá đại chúng của Nhật Bản như manga, anime, game.. Đây cũng chính là những nhân tố để tạo nên sức mạnh mềm của Nhật Bản..
Bản chiến lược cũng đánh giá rằng, Nhật Bản là một quốc gia lớn về tài nguyên văn hoá. Tài nguyên đó được thể hiện ở các lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, giải trí, tài sản văn hoá; ở lối sống của người Nhật từ ăn, mặc, ở .. Điều đáng chú ý là vị thế một quốc gia lớn về tài nguyên văn hoá của Nhật Bản không chỉ do người Nhật nêu ra mà còn được người nước ngoài thừa nhận. Trong nhiều trường hợp, ấn tượng văn hoá Nhật Bản lại đến với người nước ngoài bắt đầu từ những nhãn mác hàng hoá. Chiến lược công nghiệp văn hoá của Nhật Bản khẳng định rằng, tài nguyên văn hoá nếu được nuôi dưỡng tốt, là thứ tài nguyên tồn tại lâu dài không cạn kiệt. Là một nước có nền công  nghệ cổ truyền và tân tiến nhất, Nhật Bản cho rằng, họ có khả năng không ngừng mở rộng nguồn tài nguyên văn hoá của mình. Từ quan điểm giá trị không phải là cái có sẵn mà là cái sáng tạo ra, với tư cách là một cường quốc về tài nguyên văn hoá, Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải có chiến lược sử dụng những tài nguyên văn hoá được phát hiện.
Chiến lược chủ trương đánh giá lại tài nguyên văn hoá của các vùng như tài sản văn hóa có tính lịch sử, những công trình kiến trúc truyền thống như những dãy phố cổ, những phong cảnh, văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống, văn hóa ẩm thực dựa trên lúa gạo. Việc sử dụng những tài nguyên này một cách có hiệu quả cần phải biết kết hợp với tính năng động của các địa phương, tăng cường ý nghĩa quan trọng khác nhau của các giá trị tài nguyên văn hoá bắt đầu từ văn hoá nghệ thuật, văn hoá truyền thống gắn với các vùng miền. Trong khi tiến hành công nghiệp hoá và sử dụng những tài nguyên du lịch, các địa phương được lưu ý coi trọng việc sử dụng những nguồn tài nguyên văn hoá đó của mình có tính chiến lược.
Chiến lược công nghiệp văn hoá của Nhật Bản đánh giá cao tầm quan trọng của cách mạng thông tin. Trong quá trình cách mạng thông tin, sự đa dạng hoá của thông tin đại chúng và thị trường toàn cầu cũng phát triển không ngừng. Cùng với sự phát triển của điện thoại di động, video, e-mail..., nhiều hình thức lối sống văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh mới xuất hiện. Kỹ thuật số hoá làm cho mọi người đều có quyền sở hữu thông tin và quá trình sản xuất được lược giản hoá. Sự khác nhau giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư bị phá vỡ. Cơ cấu một số ít người chuyên nghiệp sản xuất hàng hoá và đa số công chúng tiêu dùng đã bị thay đổi. Là quốc gia có sức biểu hiện rất mạnh mẽ nền văn hoá đại chúng, Nhật Bản sẽ thích ứng với sự chuyển biến mới này và tạo điều kiện để mọi người đều có thể trở thành nhà sản xuất. Cần phải tạo nên sức lan toả, truyền bá ra bên ngoài, tạo nên một sức hấp dẫn từ một nước Nhật với lối sống mới.
Về những vấn đề khảo sát trong quá trình thực thi chiến lược công nghiệp văn hoá, Chính phủ Nhật Bản chú ý tới 2 khía cạnh:
Thứ nhất, là mối quan hệ giữa văn hoá và chính phủ. Hiện nay, anime, game, manga không phải là những ngành công nghiệp dựa nhiều vào Chính phủ, song những chính sách tốt của Chính phủ lại trở thành nhân tố tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của chúng. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và tính loan toả của công nghiệp văn hoá, đánh giá nó một cách công khai, đúng mức và hỗ trợ cho nó một cách thích đáng. Ví dụ, hiện nay manga, anime Nhật Bản đang nở rộ và có sức ảnh hưởng cũng như được đánh giá cao tại các nước. Chính vì vậy, trong bộ luật cơ bản về chấn hưng văn hoá cũng cần đánh giá vị trí của nó một cách thích hợp để tạo điều kiện phát triển.
Mặt khác, trong quá trình phát triển công nghiệp văn hoá, cần dựa vào sự can thiệp của hành chính và loại trừ những can thiệp hành chính không cần thiết. Mặc dù Chính phủ có vai trò to lớn trong việc hoạch định chính sách chiến lược dài hạn nhưng cũng cần xác định rõ giới hạn của Chính phủ.
Văn hoá là sự đa dạng, chính vì vậy giao lưu với các nền văn hóa thế giới là nền tảng để tạo ra văn hoá mới. Điều quan trọng không chỉ là trong công nghiệp văn hoá mà cả đối với lĩnh vực rộng lớn hơn là tuyên truyền và giao lưu văn hoá cũng rất cần có hành động mang tính chiến lược và điều này cần có vai trò của Chính phủ.
Việc nuôi dưỡng công nghiệp văn hoá chính là bồi dưỡng năng lực biểu hiện và con mắt thẩm mỹ của người Nhật thông qua đời sống sinh hoạt. Chiến lược cho rằng, từ nay bản thân mỗi người Nhật cần coi trọng việc làm cho cuộc sống trở nên vui vẻ, hài lòng, yêu văn hoá nghệ thuật, coi trọng văn hoá truyền thống và các nghi thức. Hơn thế nữa, cần nắm vững các phương tiện thông tin, coi trọng vai trò của các các phương tiện thông tin đại chúng hàng đầu để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tuyên tuyền và giao lưu văn hoá.
Thứ hai, là phạm vi lộ trình của chiến lược công nghiệp văn hoá. Bản chiến lược khẳng định rằng, công nghiệp văn hoá không chỉ chú trọng văn hoá đại chúng mà cần phải quan tâm nắm bắt một lĩnh vực rộng lớn bao gồm : thời trang, ẩm thực, kiến trúc, đồ dùng hàng ngày, chế phẩm công nghiệp, dịch vụ. Ví dụ, người tiêu dùng trong khi lựa chọn đồ dùng không chỉ chú ý đến giá trị sử dụng của chúng mà cả những giá trị có tính phụ gia như mặt thiết kế thẩm mỹ, ý nghĩa lịch sử, bối cảnh văn hoá, nhãn mác… Cội nguồn phát sinh những giá trị phụ gia đó là ở cảm tính cá nhân, việc tiếp nhận các giá trị đó cũng thuộc về cá nhân. Chính vì vậy, cần hướng tới quan điểm, nhận thức của cá nhân.
Về định hướng căn bản của chính sách, bản chiến lược cho rằng cần phải:
+ Tái nhận thức, đánh giá và tuyên truyền về “sức hấp dẫn Nhật Bản”
Điều quan trọng là mỗi người dân Nhật Bản cần phải tự nhận thức lại, đánh giá và tuyên truyền những quan niệm về giá trị bao hàm lối sống tiêu dùng hàng ngày, ý thức thẩm mỹ, tập quán văn hoá và những nghi thức được chi phối bởi các giá trị truyền thống và coi đó như là sự cuốn hút Nhật Bản.
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, việc tạo ra những cơ hội như thăm hỏi lẫn nhau, đến thăm những danh lam thắng cảnh, tham gia những hoạt động lễ hội hàng năm cùng với những nhu cầu về đồ sứ, đồ sơn mài, thời trang…đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp văn hoá truyền thống. Hơn nữa, bản thân lối sống đa dạng của Nhật Bản như việc giới trẻ sử dụng điện thoại di động công nghệ cao…đã tạo ra một sức hấp dẫn mới tạo điều kiện cho sự truyền bá hình ảnh Nhật Bản. Nhật Bản hy vọng vào việc nâng cao sức hấp dẫn của bản thân thông qua những hoạt động trong đời sống ngày thường của người Nhật.
+ Sự truyền bá sức hấp dẫn Nhật Bản ra thế giới
Nhằm nâng cao sự phát triển của công nghiệp văn hoá Nhật Bản có tính trung dài hạn, bản chiến lược khẳng định phải tuyên truyền ra thế giới về sức hấp dẫn Nhât Bản, bao gồm văn hoá đại chúng cũng như tính nhạy cảm, lối sống của người Nhật.
Tăng cường sức ảnh hưởng dựa vào một lĩnh vực rộng lớn không chỉ phạm vi hợp tác của các sự kiện trong nước mà cả các sự kiện quốc tế, cùng với các phương tiện truyền thông trong nước, cần có những biện pháp đối ứng có tính chiến lược đối với quá trình tuyên truyền liên quan đến văn hoá nghệ thuật hải ngoại. Trong quá trình đó thì điểm trọng yếu trong việc tuyên truyền sức hấp dẫn Nhật Bản không chỉ những nỗ lực từ phía Nhật Bản mà rất cần phải có sự hiệp lực tuyên truyền của các nhà tri thức, các nhà nghiên cứu nước ngoài; việc bản thân những người này nói nên tính hấp dẫn Nhật Bản là điều rất quan trọng.
+ Tăng cường cơ sở cho công nghiệp văn hoá
Bản chiến lược đánh giá, để phát triển công nghiệp văn hoá có sức cạnh tranh thì cơ sở quan trọng hàng đầu là cần phải điều chỉnh, chuẩn bị cho nhiều tài năng sáng tạo được hình thành, khai hoa kết trái. Nói cách khác, nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng trước những đòi hỏi mới của công nghiệp văn hoá hiện nay là một điều kiện cốt yếu. Để có được nguồn lực nhân tài ở các mức độ khác nhau thì điều quan trọng cần phải nuôi dưỡng tính sáng tạo và nhạy cảm cũng như cần đánh giá cao cả về mặt xã hội và kinh tế những con người tài năng. Hơn thế nữa, trong các cơ quan, xí nghiệp cần phải tạo ra môi trường để tài năng có thể phát huy tối đa sự sáng tạo.
Từ các xí nghiệp cho đến các tầng lớp nhân dân, cần phải đi đến sự thống nhất về nhận thức rằng, hoạt động sáng tạo dựa trên tính nhạy cảm cũng tạo ra những giá trị kinh tế.
Theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách văn hoá Nhật Bản, người đảm đương văn hoá Nhật Bản không chỉ là nhân dân Nhật Bản mà còn là những nhân tài trên khắp thế giới cũng như của châu Á. Để thực hiện điều này, Nhật Bản cho rằng, cần phải có chính sách để tạo điều kiện cho những người này trở thành người bình giá, tuyên truyền ra thế giới về tính hấp dẫn Nhật Bản.
Vai trò của nhân tài cũng như việc đào tạo, thu hút nhân tài đã trở thành một trong những điểm trọng tâm trong một chiến lược phát triên rộng lớn của Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Chính vì vậy,  chúng ta còn thấy vấn đề này được đề cập cụ thể trong nhiều chính sách, chiến lược khác của Nhật Bản, nhất là trong Chính sách cơ bản về giáo dục, trong Chiến lược cửa ngõ Châu Á…
Về chính sách cụ thể, trên cơ sở những điều nói trên, chiến lược khẳng định những chính sách liên quan đến những vấn đề trọng yếu sau đây:
Thứ nhất, mở rộng thị trường dựa vào sự truyền bá ra nước ngoài sức hấp dẫn Nhật Bản
Tăng cường và củng cố các cơ hội tuyên truyền trong nước
+ Đa dạng hoá sự tuyên truyền về tính độc đáo Nhật Bản
Mở rộng lĩnh vực bình giá về tính độc đáo Nhật Bản, không chỉ bó hẹp trong những lĩnh vực như lễ hội nghệ thuật truyền thông mà cả các lĩnh vực khác như ẩm thực, kiến trúc, rôbốt, thiết kế đồ cho trẻ em, kinh tế tri thức, kinh tế sử dụng năng lượng..
Tạo ra cơ chế biểu dương, khen thưởng đối với việc tuyên truyền và bình giá văn hoá Nhật Bản ở hải ngoại, cụ thể là biểu dương, khen thưởng những người nước ngoài tận tâm với việc tuyên truyền, phổ cập văn hoá Nhật Bản; chế định ra giải thưởng manga quốc tế…
+ Cùng với việc lấy sáng tạo làm điểm mạnh, cần tuyên truyền sức hấp dẫn Nhật Bản. Cụ thể là triển khai chiến lược tăng cường tuyên truyền về thời trang Nhật Bản, nhất là tăng cường Tuần lễ thời trang Nhật Bản và những sự kiện sáng tạo trong nước; tăng cường nghệ thuật truyền thông hướng tới các quốc gia châu Á; hoàn thiện việc lưu trữ văn hoá Nhật Bản hiện đại trên cơ sở mở rộng chức năng của trung tâm phim, lấy lưu trữ phim làm điểm quan trọng, thực hiện việc lấy nghệ thuật truyền thông làm cứ điểm; thực hiện “Festival giải trí quốc tế của Nhật Bản” trên cơ sở tổng hợp của ngành công nghiệp giải trí của Nhật Bản, tăng cường tuyên truyền quảng bá văn hoá Nhật Bản dựa vào các sự kiện như là giải thưởng “good design”,  “kiểu mới Nhật Bản”; thực hiện cộng đồng chế tác giải trí quốc tế nhằm xúc tiến việc triển khai tác phẩm ở hải ngoại và tăng cường tuyên truyền đối với những nhà sáng tạo, những trí thức ở hải ngoại; truyền bá một cách tích cực ở hải ngoại về món ăn, thực phẩm Nhật Bản; tuyên truyền một cách tích cực ra thế giới về tự nhiên, cách thưởng ngoạn tự nhiên và lối sống cộng tồn với tự nhiên của người Nhật; thực hiện việc giao lưu nhân tài trong nước và các quốc gia Châu Á.
Chuẩn bị cơ sở để tuyên truyền ra nước ngoài
Tăng cường những địa điểm tuyên truyền về sức hấp dẫn Nhật Bản ở nước ngoài.
Những năm gần đây, Nhật Bản rất quan tâm đến việc truyền bá sức hấp dẫn của quốc gia thông qua những cái có thể nhìn thấy như các lễ hội nghệ thuật truyền thông, thời trang, thiết kế, thành lập trung tâm sáng tạo nhằm tuyên tuyền thực tế về Nhật Bản, tạo ra sự liên kết các văn phòng ở các địa phương cũng như giữa các công quán ở nước ngoài, tăng cường tuyên truyền tính nhạy cảm Nhật Bản mà điển hình là văn hoá đại chúng và lối sống Nhật Bản. Bổ sung những cơ sở tuyên tuyền, cần khảo cứu việc thành lập các chương trình sáng tạo Nhật Bản tại các trường đại học ở châu Á, hàng năm cử giáo viên Nhật Bản tới hoặc cung cấp học bổng cho học sinh tới Nhật học tập trong khoảng thời gian ngắn hạn.
Nhật Bản rất ý thức trong việc khai thác cảng hàng không Narita như cửa ngõ vào Nhật Bản để giới thiệu những hàng hoá, văn hoá phẩm, ..thể hiện một cách tối ưu tính hấp dẫn Nhật Bản.
Sử dụng các công quán, đại sứ quán ở nước ngoài làm địa điểm tuyên truyền về sức hấp dẫn Nhật Bản.
Lập ra những điểm bán hàng có tính dài hạn ở nước ngoài để bán các hàng hoá nông lâm thuỷ sản của Nhật Bản.
Tăng cường phân tích về mặt khoa học và tuyên truyền văn hoá đại chúng Nhật Bản.
Để từ nước ngoài có thể tiếp cận một cách thuận lợi, ngoài tiếng Nhật, người Nhật còn sử dụng tiếng Anh để tuyên truyền những thông tin có liên quan đến công nghiệp văn hoá.
Tăng cường phát thanh và truyền hình quốc tế, tạo nên sự cân bằng về giá trị quan, không chỉ cách nhìn từ châu Âu mà còn là cách nhìn từ Nhật Bản, từ châu Á. Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức, cơ quan cần phối hợp thống nhất để tăng cường phát thanh truyền hình hướng tới người nước ngoài.
Chi viện cho những tác phẩm điện ảnh tham gia liên hoan phim quốc tế, tăng cường đầu tư cho những tác phẩm điện ảnh Nhật Bản.
Thành lập những địa điểm “Nơi gặp gỡ châu Á” để tuyên truyền văn hoá Nhật Bản.
Thứ hai, Tăng cường sức cạnh tranh của công nghiệp văn hoá của Nhật Bản ở nước ngoài.
Chiến lược xác định cần phát huy sức mạnh các ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản trên phạm vi thế giới. Để thực hiện toàn cầu hoá công nghiệp giải trí, phải định ra chiến lược toàn cầu hoá về giải trí bao gồm những kế hoạch hành động ở từng lĩnh vực, từng khu vực và gia tăng triển khai nó trên toàn thế giới.
Chế tạo những sản phẩm giải trí hướng ra thế giới, tạo ra những người tiêu dùng đa dạng, hình thành một thị trường thương mại giải trí có tính mở, đồng thời có chính sách đãi ngộ một cách thích đáng cho người sáng tạo và người tiêu dùng những thành quả đó.
Nâng cao năng lực pháp luật cho những người trong ngành kinh doanh giải trí.
Thúc đẩy việc xử lí quyền lợi triển khai ở nước ngoài.
Góp phần vào hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tính quốc tế: có chính sách xử lý nghiêm khắc đối với tội ăn cắp bản quyền.
Thứ ba, chuẩn bị cơ sở cho công nghiệp văn hoá:
 Đào tạo nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá:
+ Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài có khả năng đảm đương các lĩnh vực công nghiệp văn hoá được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện được điều này cần phải:
Tăng cường hỗ trợ cho việc giáo dục nâng cao tính nhạy cảm và khả năng sáng tạo cho trẻ em thông qua các hoạt động như vẽ tranh, chế tác đồ vật, thiết kế...
Tăng cường giáo dục thể nghiệm để tăng cường nhận thức và khả năng sáng tạo của trẻ em trong các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Biến Nhật Bản trở thành cứ điểm giáo dục tài năng trẻ của các nước châu Á, ví dụ tổ chức các cuộc thi thời trang có tính đối kháng giữa các đội học sinh tại Nhật Bản.
Đào tạo nguồn nhân tài phong phú cho các ngành giải trí .
Chi viện cho hoạt động sáng tạo có tính nhạy cảm và biến đó thành phong trào toàn dân.
Tiếp nhận lưu học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp từ các nước tới Nhật Bản.
+ Giáo dục nhân tài chuyên môn có tính thông dụng quốc tế. Đây là điểm trọng tâm trong đào tạo và thu hút nhân tài cho công nghiệp văn hoá. Một trong những biện pháp cụ thể là chi viện cho những người đi đào tạo nghề tại những cơ sở đào tạo nhân tài hàng đầu ở nước ngoài.
+ Xúc tiến sử dụng các di sản văn hoá như là văn hoá truyền thống, văn hoá nghệ thuật.
Để có thể lôi cuốn thế giới bằng văn hoá thì phải chấn hưng toàn bộ nền văn hoá nghệ thuật đa dạng từ văn hoá nghệ thuật truyền thống đến hiện đại. Xây dựng hình ảnh một đất nước Nhật Bản tươi đẹp và làm tăng cường sức mạnh cho các địa phương thông qua việc trùng tu và bảo vệ các di tích văn hoá như những công trình kiến trúc bằng gỗ, bảo lưu và duy trì các lễ hội đặc sắc truyền thống
+ Tăng cường giáo dục tiếng Nhật và giao lưu văn hoá quốc tế
Trong việc hoàn thiện giáo dục tiếng Nhật và giao lưu văn hoá quốc tế, Chiến lược khẳng định lấy việc giao lưu văn hoá nghệ thuật, giao lưu các nhà nghệ thuật làm cốt lõi. Tăng cường giáo dục tiếng Nhật tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, xúc tiến bổ sung, chỉnh sửa việc thi kiểm tra năng lực tiếng Nhật. Tăng cường liên hệ giữa các cơ quan cung cấp dịch vụ chi viện cho lưu học sinh và giáo dục tiếng Nhật, truyên truyền văn hoá Nhật Bản tại những địa phương hải ngoại.
 Cải cách quy chế, luật lệ:
Xây dựng chính sách về chế độ quyền tác giả, có chính sách báo đáp thích đáng đối với những người sáng tạo, hoàn thiện những cơ hội đem lại niềm vui cho người sử dụng.
 Xúc tiến triển khai  kỹ thuật:
Tiến hành phát triển công nghệ, kỹ thuật có liên quan đến giải trí để làm cho Nhật Bản có vị trí dẫn đầu về lĩnh vực này. 
Chiến lược công nghiệp văn hoá của Nhật Bản được định ra trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế đang diễn ra ngày một gia tăng. Là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hoá, nhưng Nhật Bản vẫn không ngừng tìm tòi, phát huy những tiềm năng của đất nước để tạo ra sức cạnh tranh mới. Coi phát triển văn hoá như một loại sức mạnh mềm, Nhật Bản không chỉ kỳ vọng ở công nghiệp văn hoá những lợi ích kinh tế khổng lồ mà còn là tạo ra những điều kiện để Nhật Bản phát huy ảnh hưởng của mình ra thế giới một cách toàn diện xứng tầm với vị thế của một cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI. Cũng cần thấy rằng, ở Nhật Bản, hiệu lực của các chính sách thường gắn liền với các chính phủ cụ thể. Với việc ra đời của chính phủ mới do Đảng Dân chủ lãnh đạo thì việc bản Chiến lược nêu trên có được tiếp tục hay không chưa thể có ngay câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày một gia tăng như hiện nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục cần một chiến lược công nghiệp văn hoá nhằm tăng cường ảnh hưởng văn hoá của mình ra thế giới. Cho dù tên gọi và hình thức có thể khác nhau nhưng tinh thần và nội dung cơ bản đã được nêu ra trong bản Chiến lược công nghiệp văn hoá năm 2007 thì sẽ còn được tiếp tục trong các chính sách phát triển văn hoá của Nhật Bản sau này.

2. Văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản
Đạo Khổng du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm, kết hợp với tinh thần tôn vinh giới Võ Sĩ Đạo như là một đẳng cấp hàng đầu: Võ sĩ - Trí thức - Công Nông - Thương nhân, đã làm nên một xã hội đẳng cấp kiểu Nhật Bản với tư tưởng đề cao Lễ - Tín - Nghĩa - Trí - Nhân. Cho đến nay có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần đó vẫn biểu hiện rất mạnh trong các mối quan hệ xã hội và các tổ chức của Nhật Bản thể hiện: - Tôn ti trật tự  “Công ty mẹ và con”. Hội sở và chi nhánh - Quan hệ “cấp trên cấp dưới ”,“Lớp trước và lớp sau”,khách hàng và người bán hàng.
Một đất nước vốn dĩ nghèo nàn về tài nguyên, có nhiều thiên tai, kinh tế chủ yếu là nông - ngư nghiệp và sự ảnh hưởng của Tam Giáo Đồng nguyên du nhập nên người Nhật Bản coi trọng: - Tinh thần tập thể - Hài hòa Thiên Nhân Địa - Đề cao sự hợp lí - Sự ứng xử theo thứ tự coi trọng Lễ, Tín, Nghĩa, Trí, Nhân. Xã hội Nhật Bản tự biết mình thiếu rất nhiều các điều kiện nhưng cần phải khẳng định mình, nên có khuynh hướng du nhập và cải hóa những gì du nhập vào để chúng biến thành Kiểu Nhật Bản. Bởi vậy, văn hóa kinh doanh Nhật Bản có sự giao thoa đỉnh cao các yếu tố Tây / Đông/ Nhật Bản. 
Thua trận trong Đại chiến thế giới lần thứ II khiến Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn và bên cạnh đó là bị ràng buộc bởi rất nhiều cam kết bất lợi. Điều này khiến cả nước Nhật gắn kết lại, làm hết sức mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Trong thời kì này dấy lên trong xã hội Nhật Bản sự tôn vinh lao động xả thân vì doanh nhân và vì xã hội. Người Nhật Bản coi trọng lao động hơn tất cả, gắn bó với doanh nhân hơn với gia đình của mình, đặt tất cả sự nghiệp của mình cho sự thành công của tổ chức. Cạnh tranh và hiệp tác được thúc đẩy song hành. Hàng chục năm qua đi, những phẩm chất đó đã trở thành những nét mới, bền chắc và định hình thành văn hóa kinh doanh Nhật Bản. Có thể nói, tinh thần Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản đã trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.
Triết lí kinh doanh
Triết lí kinh doanh được hiểu như sứ mệnh của doanh nghiệp trong sự nghiệp kinh doanh. Nó có ý nghĩa như mục tiêu phát biểu, xuyên suốt, có ý nghĩa định hướng cho doanh nhân trong cả một thời kì phát triển rất dài. Thông qua triết lí kinh doanh doanh nhân tôn vinh một hệ giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến doanh nghiệp. Hơn nữa các doanh nhân Nhật Bản sớm ý thức được tính xã hội hóa ngày càng tăng của hoạt động sản xuất kinh doanh , nên triết lí kinh doanh còn có ý nghĩa như một thương hiệu, cái bản sắc của doanh nhân . Ví dụ như Công ty Điện khí Matsushita: “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước” và “kinh doanh là đáp ứng như cầu của xã hội và người tiêu dùng”. Doanh nghiệp Honđa: “Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo” và “Dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”; Hay công ty Sony: “Sáng tạo là lí do tồn tại của chúng ta”…
Lựa chọn những giải pháp tối ưu
Những mối quan hệ: Doanh nhân - Xã hội; Doanh nhân - Khách hàng; Doanh nhân - Các Doanh nhân đối tác; Cấp trên - cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết mâu thuẫn, các doanh nhân Nhật Bản thường tìm cách mở rộng đường tham khảo giữa các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình trên cơ sở hợp lí đa phương. Các qui định pháp luật hay qui chế của doanh nghiệp được soạn thảo khá “lỏng lẻo”, linh hoạt nhưng rất ít trường hợp bị lạm dụng bởi một bên.
Đối nhân xử thế khéo léo
Trong quan hệ, người Nhật Bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn cho đối tác hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa luôn thể hiện ở kết quả cuối cùng. Mọi người đều có ý thức rất rõ rằng không được xúc phạm người khác, cũng không cần buộc ai phải đưa ra những cam kết cụ thể. Nhưng những chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức doanh nhân ( trách nhiệm đặt trên tình cảm ) đã tạo một sức ép vô hình lên tất cả khiến mọi người phải xác định được bổn phận của mình nếu muốn có chỗ đứng trong tổ chức. Điều này rõ ràng đến mức khi tiếp xúc với các nhân viên người Nhật nhiều người nước ngoài cảm thấy họ tận tụy và kín kẽ, nếu có trục trặc gì thì lỗi rất ít khi thuộc về người Nhật Bản. Người Nhật Bản có qui tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình như sau: - Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng và chính danh; Không phê bình khiển trách tùy tiện, vụn vặt, chỉ áp dụng khi sai sót có tính hệ thống, gây lây lan, có hậu quả rõ ràng; Phê bình khiển trách trong bầu không khí hòa hợp, không đối đầu, Win - Win. 
Phát huy tính tích cực của nhân viên
Người Nhật Bản quan niệm rằng: trong bất cứ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái Tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim. Nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên. Các doanh nghiệp Nhật Bản đều coi con người là tài nguyên quí giá nhất, nguồn động lực quan trọng nhất làm nên giá trị gia tăng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Người Nhật Bản quen với điều: sáng kiến thuộc về mọi người, tích cực đề xuất sáng kiến quan trọng không kém gì tính hiệu quả của nó, bởi vì đó là điều cốt yếu khiến mọi người luôn suy nghĩ cải tiến công việc của mình và của người khác. Một doanh nghiệp sẽ thất bại khi mọi người không có động lực và không tìm thấy chỗ nào họ có thể đóng góp.
Tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo
Tinh thần kinh doanh hiện đại là lấy thị trường làm trung tâm, xuất phát từ khách hàng và hướng tói khách hàng. Điều này đã thể hiện rất sớm trong phong cách và đường lối kinh doanh Nhật Bản. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chỉ chiếm không đến 2% trong tổng số các doanh nghiệp mà đại bộ phận là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng sự liên kết giữa chúng thì rất đa dạng và hiệu quả. Đó là sự liên kết hàng ngang giữa các công ty mẹ (loại lớn) nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối của các công ty thành viên, tăng khả năng cạnh tranh vào các thị trường lớn, với các đối thủ lớn của quốc tế. Nhưng dưới mỗi công ty mẹ là vô số các công ty con (loại vừa và nhỏ) liên kết theo chiều dọc nhằm phát huy các lợi thế tương đối của các công ty thành viên, khai thác lợi thê tiềm năng của thị trường tại chỗ, tăng lợi thế tuyệt đối cho công ty mẹ, và uyển chuyển thích nghi khi có biến động kinh tế. Sự liên kết đó thấy rất rõ qua hình thức cổ phần chéo, gắn kết về tài chính, nghiên cứu phát triển, hệ thống kênh phân phối, cung ứng đầu vào, hỗ trợ nhân sự… Các doanh nhân Nhật Bản luôn đề cao chất lượng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, các cam kết kinh doanh, đi trước thị trường và kết hợp hài hòa các lợi ích. Cải tiến liên tục, ở từng người, từng bộ phận trong các doanh nhân Nhật Bản để tăng tính cạnh tranh của doanh nhân và thỏa mãn khách hàng tốt hơn là điều rất nhiều người nước ngoài đã từng biết.
Công ty như một cộng đồng
Điều này thể hiện trên những phương diện: - Mọi thành viên gắn kết với nhau trên tinh thần chia xẻ trách nhiệm hơn là bởi hệ thống quyền lực  Tổ chức như một con thuyền vận mệnh, một mái nhà chung” Anh làm được gì cho tổ chức quan trọng hơn anh là ai - Sự nghiệp và lộ trình công danh của mỗi nhân viên gắn với các chặng đường thành công của doanh nhân - Mọi người sống vì doanh nhân, nghĩ về doanh nhân, vui buồn với thăng trầm của doanh nhân Triết lí kinh doanh được hình thành luôn trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với các chuẩn mực xã hội, hướng tói những giá trị mà xã hội tôn vinh. Đã có thời người ta hỏi nhau làm ở đâu hơn là hỏi gia đình như thế nào. Sự dìu dắt của lớp trước đối với lớp sau, sự gương mẫu của những người lãnh đạo làm cho tinh thần cộng đồng ấy càng bền chặt. Trong nhiều chục năm chế độ tuyển dụng chung thân suốt đời và thăng tiến nội bộ đã làm sâu sắc thêm điều này.
Công tác đào tạo và sử dụng người
Thực tế và hoàn cảnh của Nhật Bản khiến nguồn lực con người trở thành yếu tố quyết định đến sự phát triển của các doanh nhân. Điều đó được xem là đương nhiên trong văn hóa kinh doanh Nhật Bản. Các doanh nhân khi hoạch định chiến lược kinh doanh luôn coi đào tạo nhân lực và sử dụng tốt con người là khâu trung tâm. Các doanh nhân quan tâm đến điều này rất sớm và thường xuyên. Các doanh nhân thường có hiệp hội và có quĩ học bổng dành cho sinh viên những ngành nghề mà họ quan tâm. Họ không đẩy nhân viên vào tình trạng bị thách đố do không theo kịp sự cải cách quản lí hay tiến bộ của khoa học công nghệ mà chủ động có kế hoạch ngay từ đầu tuyển dụng và thường kì nâng cấp trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên. Các hình thức đào tạo rất đa dạng, nhưng chú trọng các hình thức đào tạo nội bộ mang tính thực tiễn cao. Việc sử dụng người luân chuyển và đề bạt từ dưới lên cũng là một hình thức giúp cho nhân viên hiểu rõ yêu cầu và đặc thù của từng vị trí để họ xác định cách hiệp tác tốt với nhau, hiểu được qui trình chung và trách nhiệm về kết qua cuối cùng, cũng như thuận lợi trong điều hành sau khi được đề bạt. Cách thức ấy cũng làm cho các tầng lớp, thế hệ hiểu nhau, giúp đỡ nhau và cho mọi người cơ hội gắn mình vào một lộ trình công danh rõ ràng trong doanh nghiệp. 
Nét độc đáo của văn hóa kinh doanh Nhật Bản đã kết tụ rất rõ nét trong phong cách quản lí kiểu Nhật, là một trong những nguyên nhân chính làm nên sự thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Một số tập đoàn, doanh nghiệp mà đoàn nghiên cứu tới thăm đều thể hiện rất rõ bản sắc kinh doanh kiểu Nhật Bản này.

 

P.V

 

(Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế tại Nhật Bản của Ban Chủ nhiệm đề tài KX.04.18/16-20) 





Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết