Trong 30-40 năm qua, nhiều quốc gia ban đầu là nghèo khổ đã có sự phát triển nhanh chóng, nhưng thường xuyên kèm theo đó là tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng. Trung Quốc có lẽ được coi là thí dụ điển hình nhất của sự tăng trưởng nhanh chóng đi kèm với tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Thông thường, các nước có thể sẵn lòng chấp nhận tỷ lệ bất bình đẳng ở mức cao hơn để đổi lấy sự cải thiện tổng thể về mức sống và những cắt giảm về tỷ lệ nghèo đói. Tuy nhiên, sự gia tăng kéo dài đối với tình trạng bất bình đẳng rốt cuộc có thể làm xói mòn tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với các cải cách kinh tế và gây nên những hậu quả bất lợi khác. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu được những yếu tố chủ chốt gắn kết tăng trưởng kinh tế với những thay đổi về sự bất bình đẳng.
Dự án xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam
Việt Nam thường được coi là một trường hợp ngoại lệ đáng chú ý trước xu hướng chung ở các nước đang phát triển - sự bất bình đẳng gia tăng sẽ đi kèm với tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Việt Nam hiện đã bước sang thập kỷ thứ ba về cải cách kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy đáng kể tự do hóa thông qua các sáng kiến chính sách quan trọng (ví dụ như Luật Doanh nghiệp mới vào năm 2000, Hiệp định Thương mại song phương Mỹ - Việt năm 2001 và việc gia nhập WTO vào năm 2007). Những chính sách này, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm vượt quá 5%.
Kể từ khi bắt đầu cải cách, Chính phủ Việt Nam đã theo dõi những hậu quả do phát triển kinh tế gây ra bằng cách sử dụng các cuộc điều tra về các hộ gia đình được tiến hành 2 năm/ lần để tính toán những thay đổi về tỷ lệ đói nghèo và tình trạng bất bình đẳng. Những dữ liệu này cho thấy đã có sự sụt giảm rõ rệt đối với tỷ lệ nghèo tuyệt đối, và kèm theo đó là tình trạng bất bình đẳng được duy trì ở những mức tương đối thấp và ổn định.
Tỷ lệ bất bình đẳng về tổng thể ở Việt Nam là ít thay đổi do tăng trưởng về thu nhập tăng nhanh trong suốt quá trình phân phối thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình tăng với tốc độ hàng năm là 7,7%. Thu nhập của các hộ gia đình hơi giàu tăng 7,4% mỗi năm, trong khi thu nhập của những hộ hơi nghèo tăng 7,1%. Khoảng 50% số hộ gia đình trung lưu có mức thu nhập tăng trên 7% mỗi năm. Số hộ gia đình giàu nhất có mức tăng trưởng thu nhập thấp hơn một chút, ở mức 6,7%, trong khi những hộ nghèo nhất có mức tăng trưởng thu nhập là 5,8%. Hệ số Gini của Việt Nam (Gini là thước đo thường được sử dụng nhất cho sự bất bình đẳng) giảm nhẹ từ mức 0,375 vào năm 2002 xuống còn 0,360 vào năm 2014. Hệ số Gini ở những nước đang phát triển thường dao động từ mức 0,30 đến 0,55. Hệ số Gini càng cao có nghĩa sự bất bình đẳng càng lớn.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nông nghiệp và số người làm công ăn lương tăng lên đã góp phần giữ cho tình trạng bất bình đẳng tránh khỏi việc gia tăng. Quan trọng hơn là vai trò của thị trường lao động và việc tiếp cận số công ăn việc làm phi nông nghiệp. Ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn Việt Nam, thu nhập tiền lương và cơ hội việc làm là tương đối đồng đều, nhờ khoảng cách về trình độ học vấn giữa các nhóm sụt giảm. Trong tương lai, sự gia tăng ổn định về lực lượng lao động có học vấn sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế, và tránh được khả năng đột ngột quay trở lại nền giáo dục vốn thường làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập.
Mặc dù sự bất bình đẳng ở Việt Nam nói chung không tăng lên, nhưng các hộ gia đình dân tộc thiểu số đang bị tụt hậu so với các hộ gia đình người Kinh vốn chiếm đa số. Thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số đang ngày càng tăng, song mức thu nhập trung bình của họ lại giảm, từ mức tương đương 2/3 mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình người Kinh vào năm 2002 xuống còn một nửa vào năm 2014. Vấn đề này đang lớn dần trong lĩnh vực kinh tế và chính trị do tỷ lệ dân số của người dân tộc thiểu số đang tăng lên. Một nghiên cứu riêng rẽ cho thấy việc giải quyết vấn đề này sẽ khó khăn, đặc biệt là do việc đạt được trình độ học vấn của người dân tộc thiểu số ở mức thấp hơn cũng như tầm quan trọng của giáo dục và vốn con người khi tham gia vào nền kinh tế.
Đồng bào chung vai giúp nhau chuyển nhà đến dựng nơi ở mới ở Sơn La
Kinh nghiệm của Việt Nam có những điểm tương đồng với các tỉnh ven biển vốn đang phát triển nhanh chóng và cởi mở hơn của Trung Quốc, đặc biệt là về thu nhập ở nông thôn và khoảng cách về thu nhập nông thôn - đô thị. Bên ngoài các tỉnh ven biển của Trung Quốc, sự bất bình đẳng về tiền lương đã tăng mạnh, góp phần đáng kể vào tình trạng bất bình đẳng nói chung. Điều này trái ngược với sự bình đẳng tương đối về thu nhập của lao động ở Việt Nam. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy thành quả của tự do hóa và hội nhập nhanh chóng với nền kinh tế toàn cầu có thể được chia sẻ rộng rãi, và rằng “tăng trưởng đi kèm bình đẳng” là có thể đạt được. Thách thức của nghiên cứu này là phải vượt ra khỏi các mối tương quan mà chúng tôi (các đồng tác giả bài viết) đã nhận dạng, đồng thời xác định những chính sách hoặc sự kết hợp chính sách mà có thể thúc đẩy “tăng trưởng đi kèm với bình đẳng” ở Việt Nam hoặc các nơi khác./.
Theo TTXVN (Rome) -