Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn-kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc

Ngày phát hành: 17/10/2018 Lượt xem 7160

                                                               

1. Giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường tiếp cận từ khía cạnh thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn của Nhật Bản và Hàn Quốc

Có nhiều cách hiểu về phát triển công nghiệp rút ngắn, tuy nhiên, trong cách tiếp cận thể chế có thể hình dung: phát triển công nghiệp rút ngắn là quá trình công nghiệp hóa mà một quốc gia đi sau phát huy vai trò của nhà nước để xây dựng hệ thống thể chế công nghiệp sao cho có thể thu hẹp được trình độ phát triển so với các quốc gia đã thực hiện công nghiệp hóa, phát triển hiện đại. Hạt nhân của hệ thống thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn quy lại là hệ thống chính sách công nghiệp của quốc gia. Đây cũng chính là biểu hiện tập trung của việc giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường trong thúc đẩy phát triển công nghiệp phù hợp với giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước. Về biểu hiện, phát triển công nghiệp rút ngắn được quy về rút ngắn thời gian thực hiện công nghiệp hóa[1].

Xét về hàm ý này, ứng với giai đoạn lịch sử của Nhật Bản và Hàn Quốc những thập kỷ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là giai đoạn 1960-1990, cả hai quốc gia đã xây dựng hệ thống thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn phù hợp, đi liền với đó là việc giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường đạt được nhiều thành công, có thể có những kinh nghiệm quý đối với con đường phát triển của quốc gia phát triển đi sau. Cụ thể:

a) Thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn của Nhật Bản giai đoạn 1960-1990

Mở đầu cho thời kỳ phát triển công nghiệp mang tính hiện đại hóa những năm 1960, trên cơ sở kế thừa thành tựu phát triển công nghiệp giai đoạn 1945-1960 - thời kỳ phát triển công nghiệp dựa trên phạm vi của thể chế bảo hộ bởi nhà nước, Chính phủ Nhật Bản ra thông báo chủ trương tự do hóa thương mại, tức chính thức chuyển từ cách tiếp cận thể chế phát triển công nghiệp bảo hộ dựa vào kiểm soát giá cả sang thể chế phát triển công nghiệp tự do thương mại. Tự do hoá thương mại, chính phủ không thực hiện kiểm soát trực tiếp giá cả mà phát huy vai trò của thị trường trong kiểm soát giá cả cũng có nghĩa là nhà nước phải giảm đi quyền lực của mình trong việc phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, nếu để cho thị trường thuần tuý tự dẫn dắt sự phát triển công nghiệp sẽ khó có thể đưa đến sự phát triển đúng tham vọng vươn lên là quốc gia phát triển và rút ngắn khoảng cách tụt hậu. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Nhật Bản đã tiến hành xây dựng hệ thống thể chế phát triển công nghiệp thúc đẩy hiện đại hóa rút ngắn phù hợp với đặc thù của mình.

Thể chế phản ánh vai trò của nhà nước trong việc dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của Nhật Bản được lập ra trước hết là hệ thống hội đồng chính sách. Trong đó, tất cả các chính sách quan trọng cho phát triển công nghiệp trước hết được thảo luận ở một hội đồng chính sách, với một báo cáo chính thức được gửi tới vị bộ trưởng phụ trách ngành - trong trường hợp được làm thành luật. Vào đầu những năm 1960, chính sách phát triển công nghiệp hầu hết được giải quyết trong Ủy ban cơ cấu ngành (ủy ban này được thành lập và đi vào hoạt động tháng 4-1961, phòng nghiên cứu cơ cấu ngành được thành lập vào cùng thời gian là một bộ phận trong Ban thư ký của MITI)[2] và trong Hội đồng cơ cấu ngành (ISC) được tích hợp từ các Ủy ban liên quan đến phát triển công nghiệp. Hoạt động của các Ủy ban thuộc chế độ hội đồng chứ không phải bộ máy hành chính. Uỷ ban phối hợp của ISC là ủy ban cao nhất, dưới nó là các ủy ban phục vụ cho việc thảo luận chính sách công nghiệp đối với các ngành riêng biệt.

ISC là diễn đàn để trao đổi tạo ra sự nhất trí đối với chính sách công nghiệp, trao đổi thông tin giữa các khu vực chính phủ và tư nhân, là kênh để giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường khi thực hiện những chính sách công nghiệp ngành, nêu ra những kiến nghị cụ thể của khu vực tư nhân đối với chính phủ. Thực tế, ISC đã soạn thảo rất nhiều báo cáo trong những năm 1960 (Ryutaro, tr.100). Những báo cáo như vậy tạo ra cơ sở cho việc khẳng định hiệu lực của chính phủ khi can thiệp vào hoạt động phân bổ nguồn lực ngành công nghiệp, cũng như khi chỉ đạo phối hợp hoạt động ngành; tạo ra sực công bằng và tiêu chuẩn phân bổ nguồn lực của các chính sách phát triển công nghiệp ngành; tạo ra thể chế để khuyến khích rất nhiều chủ thể đại diện cho các ngành; ngăn cản việc đưa ra chính sách tìm cách thay đổi tổ chức ngành bằng can thiệp mệnh lệnh hành chính.

Thể chế Kanmin - quản trị quốc gia về phát triển công nghiệp dựa trên đầu tư có định hướng.

Hệ thống Kanmin là thể chế phân bổ nguồn lực trong đó chính phủ cố gắng định hướng đầu tư sao cho phù hợp với mục tiêu quản trị công nghiệp quốc gia hướng tới hiện đại hóa nền công nghiệp Nhật Bản. Với hệ thống thể chế Kanmin, hoạt động đầu tư của các hãng được đặt trong mối quan hệ phát triển công nghiệp tổng thể của cả quốc gia. Sự định hướng như vậy nhằm đảm bảo tránh tình trạng công suất quá mức có thể xảy ra trong tương lai gần. Hệ thống Kanmin nhằm vào các ngành sản xuất nguyên liệu thô như thép, lọc dầu, hàng dệt, sợi nhân tạo, giấy và bột giấy. Thông qua hệ thống Kanmin, MITI đã tìm cách định hướng các khoản đầu tư vào thiết bị cố định.

Ở những lĩnh vực có nhiều nhà cung ứng và sự tập trung hóa thị trường thấp, chính phủ can thiệp bằng các chính sách nhằm phối hợp sự phân chia sản phẩm giữa các hãng để phát triển một hệ thống những người sản xuất được chuyên môn hóa và tăng cường hợp tác trong sản xuất. Các biện pháp can thiệp được tiến hành để tạo ra những nhà sản xuất máy công cụ chuyên môn hóa là ví dụ về cách thức quản trị đầu tư theo kiểu Kanmin. Hàng loạt đạo luật đã được ban hành vào những năm 60 nhằm mục tiêu: đảm bảo duy trì cung ứng ổn định; duy trì sở hữu trong nước; thuận lợi hóa các điều chỉnh ngành.

Khi xu hướng tự do hóa nổi trội, hệ thống Kanmin được điều chỉnh cụ thể hóa bằng việc thành lập các nhóm tư vấn phối hợp Kanmin. Hệ thống Kanmin khác với sự phối hợp trong một ngành ở bản thân các thành viên mà chính phủ tìm kiếm nhằm làm cho các mục tiêu chính sách của mình được phản ánh trong các quyết định của ngành. Để thực hiện mục tiêu đó, chính phủ phải có một quyền lực nào đó như là tiền đề cần thiết cho việc đảm bảo hiệu quả của việc can thiệp.

Phối hợp thể chế phát triển công nghiệp theo chiều dọc và theo chiều ngang những năm thuộc thập kỷ 70 thế kỷ XX.

Bước sang thập kỷ 70 của thế kỷ XX, thể chế phát triển công nghiệp của Nhật Bản có chuyển biến mới. Sự thay đổi đó được thể hiện trong chiến lược của Chính phủ Nhật Bản có tên gọi Tầm nhìn cho những năm 1970, chiến lược này được ban hành dưới hình thức sách trắng về phát triển công nghiệp xuất bản năm 1970. Trong đó bao hàm hệ thống thể chế gồm các chính sách phát triển theo chiều dọc (tác động vào các ngành đặc biệt) và chính sách theo chiều ngang (tác động vào một nhóm ngành). Trong chiến lược này, mối quan hệ giữa nhà nước và trị trường trong phát triển công nghiệp của Nhật Bản được thể hiện gồm: Thứ nhất, khẳng định đã có sự thay đổi từ chính sách phát triển công nghiệp theo đuổi mục tiêu tăng trưởng sang chính sách tận dụng lợi thế của tăng trưởng (hoàn thiện môi trường lao động, tích tụ vốn xã hội, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, củng cố chất lượng nhân lực, tăng đầu tư vào nghiên cứu và triển khai, gia tăng viện trợ nước ngoài); Thứ hai, sử dụng cơ chế thị trường ở mức hợp lý. Nói cách khác, sự can thiệp chính sách quá mức và các biện pháp bảo hộ quá đáng sẽ bị ngăn cấm thông qua việc cơ chế thị trường tận dụng ở mức đầy đủ để thực hiện các mục tiêu phân bổ nguồn lực. Chính điều này đã tạo lập nền tảng cho nền công nghiệp Nhật Bản tiếp tục phát triển. Nhiều quan điểm về thể chế cho phát triển công nghiệp Nhật Bản liên tiếp được đưa ra như Tầm nhìn dài hạn về cơ cấu công nghiệp (tầm nhìn 1975); tầm nhìn MITI cho những năm 1980 đây là sự mở rộng tầm nhìn cho những năm 1970 trước đó. Tầm nhìn cho những năm 1980 đã tạo ra sự phát triển một cơ cấu công nghiệp mà trọng tâm là công nghệ cao và có thể coi là cơ cấu công nghiệp sáng tạo, sử dụng nhiều hàm lượng chất xám[3].

Chuyển từ hỗ trợ sang thể chế cung cấp thông tin khuynh hướng dài hạn ngành những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX.

Để tiến hành các bước đi chủ động nhằm tồn tại trong một nền kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, chính sách công nghiệp của Nhật Bản thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã giúp cho các hãng thực hiện tăng năng suất bằng cách sử dụng hỗn hợp tối ưu các đầu vào cơ bản của mình, bao gồm cả việc tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng suất lao động; kiên trì theo đuổi các nỗ lực kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình; phát triển sản phẩm mới và thiết kế lại các sản phẩm hiện có để đáp ứng tốt hơn sự đa dạng của nhu cầu thị trường; đối phó với những thay đổi về cơ cấu ngành thông qua đa dạng hóa và đi vào các lĩnh vực công nghệ cao; để thực hiện được như vậy, phải tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Trên thực tế, nhiều hãng của Nhật Bản đã rất thành công trong việc tăng tích luỹ nội bộ của mình về các nguồn vốn, nhân lực và công nghệ. Kết quả là, thay vì chính sách công nghiệp do chính phủ khởi xướng, nền công nghiệp của Nhật Bản đã đi đầu trong việc yêu cầu chính phủ cung cấp thông tin về những thay đổi của cơ cấu ngành và vệ sự phát triển của công nghệ cao. Các hãng được lôi cuốn vào những thay đổi chủ yếu thông qua việc cung cấp thông tin hơn là biện pháp cứng thông qua trợ cấp tài chính lãi suất thấp và các mối lợi về thuế khóa. Việc cung cấp thông tin về các khuynh hướng dài hạn của cơ cấu ngành và của nền kinh tế thế giới đã trở thành hạt nhân của thể chế cho phát triển công nghiệp của Nhật Bản thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

  b) Thể chế phát triển công nghiệp rút ngắn của Hàn Quốc giai đoạn 1960-1990

Thể chế phát triển công nghiệp “đuổi kịp” thông qua các chaebol những năm 1960-1970

Hầu như các tập đoàn chaebol của Hàn Quốc đề bắt đầu thành lập và đi vào hoạt động từ khi quốc gia này bước vào giai đoạn sản xuất hàng công nghiệp nhẹ định hướng xuất khẩu[4]. Sự phát triển của các chaebol thời kỳ đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX gắn liền với vai trò của tổng thống quân sự của Hàn Quốc Park Chung Hee. Khi lên nắm quyền, ông đã thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp bằng việc khích lệ các chaebol hợp tác trong các dự án công nghiệp do nhà nước hoạch định thông qua sự trao đổi sự ủng hộ chính trị với hoạt động chấp nhận rủi ro bất cân xứng của chính phủ và chaebol.

Để thực hiện được ý tưởng phát triển công nghiệp của Hàn Quốc, Park Chung Hee cho thành lập Ủy Ban Kế hoạch và Kinh tế (EPB) và dùng Ủy ban này khuyến khích các chaebol chia sẻ rủi ro để đổi lấy sự hỗ trợ chính trị. Đi liền với đó, các ngân hàng thương mại được quốc hữu hóa nhằm điều chỉnh nguồn tài chính theo ý tưởng phát triển công nghiệp của Hàn Quốc. Theo lệnh của Bộ Tài chính, ngân hàng không còn hoạt động như những chủ thể giao dịch tài chính thương mại, thay vì vậy, chúng trở thành công cụ mà thông qua đó nhà nước có thể đảm bảo được sự tuân thủ của doanh nghiệp với các mục tiêu trong chính sách công nghiệp và kế hoạch kinh tế vĩ mô.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn có thể tham gia vào thực hiện chính sách công nghiệp, chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) năm 1968. FKI là một tổ chức hội nghị cấp cao của các tập đoàn công nghiệp lớn không chỉ đóng vai trò là một kênh đóng góp ý kiến và bảo vệ lợi ích tập thể của các doanh nghiệp lớn mà còn cho phép nhà nước kiểm soát, định hình và tác động đến những lợi ích của các doanh nghiệp lớn. Tinh thần đồng đội phát triển thông qua FKI đã giúp chính phủ Hàn Quốc và các chaelbol cùng nhau thực thi các nhiệm vụ đầy thách thức về việc đàm phán phân chia thị trường cần thiết để thiết lập các cartel hợp lý hóa công nghiệp nhằm ngăn cản tình trạng cạnh tranh quá mức giữa các tập đoàn đối thủ. Hệ thống KFI cũng là thể chế phản ánh sự trung thành chính trị của các thành viên trong tổ chức này với chính phủ và ngăn chặn không chỉ phe đối lập mà cả các đối thủ tiềm năng bên trong liên minh cầm quyền chiếm được nguồn cung các quỹ chính trị độc lập.

Như vậy, quan hệ nhà nước - doanh nghiệp dưới hình thức chaebol phản ánh biểu hiện của thể chế phát triển công nghiệp mang mục tiêu “đuổi kịp” với tầm nhìn rõ ràng và việc tổ chức thực hiện quyết liệt của chính phủ của tổng thống Park Chung Hee những năm của thập niên 60, thế kỷ XX.

Thiết lập thể chế Bình ổn và tăng trưởng kinh tế (EDESG) để điều chỉnh sự phát triển công nghiệp thích ứng với tình hình biến động của thị trường trong thập kỷ 70, thế kỷ XX

Bước sang thập kỷ 70 của thế kỷ XX, công nghiệp Hàn Quốc gặp phải một số áp lực, nền kinh tế suy sụp suốt năm 1970. Hơn 200 công ty đã phá sản vào năm 1971. Trước tình thế như vậy, hệ thống FKI đã tích cực đóng góp ý kiến về các nhu cầu tập thể của các chaebol, kêu gọi nhà nước có những bước đi cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản. FKI thậm chí đề xuất cắt giảm ngân sách của chính phủ và nguồn thu thuế đi một nửa. Trước tình hình đó, chính quyền của Tổng thống Park Chung Hee đã ban hành sắc lệnh khẩn cấp bình ổn và tăng trưởng kinh tế (EDESG) vào năm 1971.

Để giải cứu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém tài chính, EDESG cho phép các doanh nghiệp mắc nợ chi trả các món nợ trong vòng năm năm tức là giảm gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp đi vay đến trung bình hai phần ba. Mặc dù EDESG được thiết kế để hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các quy mô, người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các chaebol, vì chúng chiếm đến 64% các khoản vay trển thị trường. Để đổi lấy sự tham gia của các tập đoàn vào chương trình công nghiệp hóa ngành công nghiệp nặng và hóa chất đầy rủi ro của nhà nước, các tập đoàn nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ nhà nước, bao gồm lãi suất thấp ở các khoản vay ngân hàng, cắt giảm thuế, bảo lãnh nhà nước cho các khoản vay nước ngoài. EDESG đã củng cố vị thế của các chaebol bằng cách không chỉ trao cho các chaebol một nền tảng tài chính vững chắc hơn mà còn cho phép họ khai thác các cơ hội mới từ sự tăng trưởng doanh nghiệp. EDESG là thể chế mang tính chất tình thế, song có vai trò quan trọng trong việc khẳng định vai trò bà đỡ của nhà nước trong giai đoạn đầu thực hiện công nghiệp hóa có định hướng.

Hoàn thiện thể chế chaebol đi cùng với thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và thiết lập thể chế các công ty thương mại tổng hợp (GTC) cuối những năm 1970, đầu những năm 1980

Ngay từ giữa những năm 1970, bị chấn động bởi tác động của khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 và bị thách thức bởi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng ở thị trường các quốc gia công nghiệp tiên tiến, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật về các GTC năm 1975 theo khuyến nghị của các chaebol. Thể chế GTC phỏng theo mô hình sogo shosa của Nhật Bản, được tổ chức để giải quyết việc xuất khẩu và nhập khẩu nhiều loại hàng hóa ở nhiều thị trường, chính phủ Hàn Quốc hy vọng các GTC sẽ tận dụng tốt nhất các nguồn lực hạn hẹp.

Với sự xuất hiện của thể chế GTC, đã trở thành tác nhân cho việc thúc đẩy xuất khẩu. GTC trở thành công cụ để tập trung hóa và đa dạng hóa xuất nhập khẩu và tăng khải năng tiếp cận với các khoản vay từ phía chính phủ. GTC đã giúp các chaebol đưa các nhà sản xuất vừa và nhỏ vào mạng lưới liên kết ngang và dọc của các tập đoàn. GTC trở thành vòng tròn đồng tâm của các doanh nghiệp, với GTC ở trung tâm, hỗ trợ cho các công ty liên kết bằng thông tin thị trường và chuyên môn quản lý cũng như phối hợp tập thể của các công ty này. Đến năm 1979, một nửa xuất khẩu của Hàn Quốc được thực hiện bởi các GTC thuộc sở hữu của các chaebol.

Cùng với việc thúc đẩy đổi mới thể chế chaebol, hình thành GTC, chính phủ Hàn Quốc còn song song chủ trương phát triển công nghiệp dựa trên phát triển khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ thúc đẩy tiến trình phát triển công nghiệp. Đường lối này được thực hiện xúc tiến mạnh từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Để thúc đẩy sự phát triển của nền tảng khoa học công nghệ, kể cả năng lực khoa học công nghệ khu vực công cũng như từ các tập đoàn, chính phủ Hàn Quốc đã cho hình thành hàng loạt các thể chế thúc đẩy sáng tạo cũng như phối hợp giữa các tổ chức khoa học công nghệ để khuyến khích sáng tạo công nghệ mới theo sự đặt hàng của các tập đoàn. Ngay từ giữa những năm 1960, Hàn Quốc đã thành lập Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) năm 1966, tiếp đến 1967 Hàn Quốc thành lập Tổng cục khoa học kỹ thuật, luật Bồi dưỡng khoa học - công nghệ của Hàn Quốc cũng được ban hành trong thời điểm đó. Để thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong công nghiệp, dưới sự chỉ đạo của tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, chính phủ Hàn Quốc phát động phong trảo cách mạng hóa khoa học toàn dân năm 1973, luật xúc tiến phát triển khoa học công nghệ cũng được chính phủ Hàn Quốc bổ sung, sửa đổi trong những năm 1970. Bước sang những năm 1980-1990, hàng loạt viện nghiên cứu tư nhân được thúc đẩy thành lập, đại học khoa học công nghệ Hàn Quốc cũng được thành lập trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Từ đó, các thể chế về khoa học công nghệ đã hòa quện cùng với các thể chế công nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển đưa Hàn Quốc từ một quốc gia có xuất phát điểm là nước nghèo vươn lên hàng các quốc gia OECD trong vòng 30 năm. Cho dù còn có nhiều tranh luận về mặt kỹ thuật, song về tổng quát, sự thành công được ngưỡng mộ đó của Hàn Quốc có sự góp phần quan trọng của thể chế phát triển công nghiệp đúng đắn.

2. Hàm ý đối với việc xây dựng thể chế cho phát triển công nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, thể chế cho phát triển công nghiệp phải hướng tới xây dựng một nền công nghiệp nền tảng sản xuất thực.

Cả kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho thấy, thể chế phát triển công nghiệp của hai quốc gia đều có trọng tâm là hướng tới xác lập nền tảng công nghiệp sản xuất thực, bao hàm những ngành cốt lõi sản xuất tư liệu sản xuất trong sự thống nhất với tăng cường thúc đẩy mở rộng ứng dụng kỹ thuật vào nền tảng sản xuất. Không chỉ vậy, để có thể thực hiện phát triển công nghiệp rút ngắn, thể chế phát triển công nghiệp còn phải luôn được điều chỉnh để giải quyết những bước ngoặt trong quá trình phát triển gắn với phần còn lại của thế giới. Xét về khía cạnh này, thể chế cho phát triển công nghiệp của Nhật Bản 30 năm (1960-1990) cho thấy kinh nghiệm hợp lý đối với việc giải quyết đồng thời hai thách thức rất căn bản trong phát triển đó là quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực và quan hệ giữa thực hiện tự do thương mại và bảo hộ hợp lý cho phát triển công nghiệp trong nước để quá trình tự tự do hóa không gây tổn hại lớn cho nhiều ngành công nghiệp bản địa. Mặt khác, chính sách công nghiệp tìm ra cách tạo ra hệ thống công nghiệp bản địa phát triển được trong quá trình tự do hóa. Thể chế công nghiệp như vậy được xem là thành công và góp phần tạo ra nền tảng thể chế cho phát triển công nghiệp rút ngắn trong bối cảnh tự do hóa. Thái độ của chính phủ đối với quá trình tự do hóa là thái độ hết sức thận trọng. Trong quá trình tự dó hoá thương mại ngày càng tăng, khi thấy có vấn đề về chất lượng hàng hóa hoặc về đẩy mạnh cạnh tranh của các ngành chiến lược như ngành sản xuất ô tô và máy tính, quá trình tự do hóa đã bị trì hoãn đến khi chính phủ biết chắc chắn rằng các ngành đó có thể cạnh tranh được với các ngành tương tự ở nước ngoài. Trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống kinh tế mở, chính phủ đặc biệt chú ý tới việc tạo ra trật tự công nghiệp mới có khả năng đương đầu với những thay đổi đó. Quá trình tạo lập cơ cấu công nghiệp mới đã đặt trọng tâm vào vấn đề hiện đại hóa nền công nghiệp Nhật Bản nói chung, từ các công ty lớn đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ[5].

Thứ hai, sự đồng hành giữa doanh nghiệp công nghiệp bản địa với nhà nước từ xây dựng đến thực thi thể chế vì mục tiêu lợi ích quốc gia là điều kiện đủ cho việc hiện thực hóa mục tiêu lớn phát triển đất nước.

Về quan hệ giữa nhà nước và thị trường, trọng tâm là quan hệ nhà nước và doanh nghiệp, cả kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như Hàn Quốc đều cho thấy nội dung xác định lại các mối quan hệ chính phủ - ngành là một đòi hỏi về việc thay thế hệ thống “giá cả” bằng hệ thống “hợp tác” của khu vực tư nhân đối với chính phủ trong việc phối hợp có tổ chức quá trình phân bổ nguồn lực (hệ thống kanmin). Việc xác định lại trật tự cạnh tranh và sự quan tâm của chính sách đối với quy mô ngày càng tăng của các hãng không phù hợp với sự lựa chọn hợp lý của các hãng trong hệ thống thị trường là vấn đề cần được giải quyết một cách thường xuyên. Quan niệm của chính phủ về những tính chất đặc thù của ngành, sự cần thiết phải hợp nhất các hãng có khả năng đạt được kinh tế quy mô, phân chia sản phẩm cho các nhà sản xuất khác nhau, việc phối hợp đầu tư vào dịch vụ, liên kết giữ các hãng - tất cả những điều đó đã được thể hiện thành các kế hoạch phát triển công nghiệp. Việc tạo ra trật tự công nghiệp mới gồm có các nội dung như: xác định lại các mối quan hệ chính phủ - ngành với hàm ý mở rộng quyền lực của chính phủ để can thiệp vào ngành; xác định lại khái niệm cạnh tranh thích hợp và tăng quy mô của các hãng thông qua quá trình tái cơ cấu ngành.

Việc xây dựng thể chế, ngoài việc phát huy vai trò của nhân tố hạt nhân chính trị và tầm nhìn của họ đối với sự phát triển của quốc gia, rất cần có một sự hưởng ứng trực tiếp của doanh nghiệp bản địa vì mục tiêu lớn của quốc gia là đuổi kịp các quốc gia công nghiệp phát triển đi trước.

Tóm lại, trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi, kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, muốn phát triển được nền tảng công nghiệp quốc gia để từ đó có thể xác lập được nền kinh tế độc lập tự chủ thì trước hết phải tạo ra được một nền công nghiệp sản xuất thật, không phải là một nền công nghiệp gia công, lắp ráp. Muốn phát triển nhanh, một nền công nghiệp thực sự do lực lượng doanh nghiệp bản địa làm nòng cốt cần phải được tạo dựng. Nghiên cứu kinh nghiệm thể chế của cả Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy hai quốc gia nêu trên không thực hiện phát triển công nghiệp theo định hướng gia công, lắp ráp hoặc dựa vào doanh nghiệp không phải là bản địa để phát triển. Hơn thế, muốn rút ngắn khoảng cách phát triển, cần có sự đồng hành về ý chí vì lợi ích chung của đất nước trong từng bước thực hiện sự rút ngắn đó./.

 
 

PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa

Viện Kinh tế chính trị học



[1] Lê Cao Đoàn (2008), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn - những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.226.

[2] Hàng loạt các uỷ ban như Ủy ban Năng lượng, Ủy ban tài chính công nghiệp, Công nghiẹp nặng, Ủy ban công nghệ công nghiệp, Ủy ban thép, Ủy ban công nghiệp hóa chất, Ủy ban đặc điểm công nghiệp, Ủy ban ô nhiễm công nghiệp, Ủy ban công nghiệp thông tin… cũng được Chính phủ Nhật Bản cho thành lập.

[3] Ryutaro Komyia (1990), Chính sách công nghiệp Nhật Bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1967.

[4] Hãng Luky sản xuất kem đánh răng, hãng Goldstar sản xuất máy thu thành, hãng Samsung sản xuất quần áo và Huyndai ký hợp đồng với quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên để vận tải, Deawoo được thành lập 1967…

[5] Ryotaro Komyia (1990), Chính sách công nghiệp Nhật Bản, Bản dịch Nxb Chính trị quốc gia, tr.102.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết