Sau trận lũ lụt lịch sử tại Đức, nhiều căn nhà tại vùng Kreuzberg (Đức) chỉ còn là đống đổ nát. (Nguồn: Reuters)
Báo Le Monde mới đây có bài viết “Đức: Đằng sau thịnh vượng kinh tế là một Nhà nước mong manh” cho rằng trong bức tranh toàn cảnh thịnh vượng suốt 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel vẫn còn những mảng tối không dễ xóa bỏ. Đó là cơ sở hạ tầng cũ kỹ, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số chậm chạp, đầu tư công bị bóp nghẹt bởi chính sách ngân sách... Biến đổi khí hậu và khủng hoảng y tế đã làm bộc lộ những điểm yếu của cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu này.
Mùa Thu năm 2020, làn sóng COVID-19 thứ hai quét qua Đức, nước này ghi nhận 10.000 ca lây nhiễm mỗi ngày vào đầu tháng 10, 20.000 ca vào giữa tháng 11, 25.000 ca dịp Giáng Sinh... Vào lúc cao điểm của làn sóng đầu tiên đầu tháng 4/2020, số ca mắc mới hàng ngày chưa bao giờ vượt quá 7.000. Ở Đức, cú sốc càng trở nên dữ dội hơn bởi tình trạng này là điều không ai có thể ngờ tới. Vào mùa Xuân, Đức là một ngoại lệ ở châu Âu, nhưng sáu tháng sau, họ thấy mình "mong manh" không khác gì những nước láng giềng.
Tháng 7/2021, những cơn mưa xối xả đổ xuống Rhineland. Chỉ trong vài giờ, những dòng sông nhỏ yên bình bỗng biến thành dòng nước khổng lồ dữ dội. Những cây cầu bị cuốn phăng, những ngôi nhà mất mái, những con đường bị “rút ruột”. Chuyện chưa từng xảy ra kể từ trận lụt khủng khiếp năm 1962 ở vùng Hamburg. Hai trăm nghìn hộ gia đình bị thiếu điện, 600 km đường sắt bị phá hủy. Cảnh tượng thường được thấy lặp đi lặp lại ở các nước nghèo, nhưng thật kinh ngạc trước sự thật mà không ai có thể tin lại xảy ra ở vùng Bonn. Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận “trong tiếng Đức không có từ ngữ nào để diễn tả một sự tàn phá như vậy”.
Từ đại dịch đến lũ lụt, trong vòng vài tháng, những thảm họa này đã nhắc nhở rằng nước Đức dễ bị tổn thương hơn những gì họ tưởng tượng. Sắp tới bà Merkel sẽ rút lui sau 16 năm cầm quyền và kết thúc một thập kỷ phát triển vượt bậc, những thảm họa này trước hết đánh dấu sự kết thúc đột ngột tình cảm tự mãn nào đó của người Đức đối với mô hình và thể chế của họ. Như thể họ phát hiện ra rằng Chính phủ Đức, một chủ thể được coi là hiện đại, hiệu quả và mẫu mực trong việc quản lý chặt chẽ các quỹ công, đã không xứng tầm trước những thách thức. Các chỉ số thành công của cường quốc kinh tế lớn thứ tư thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 3.800 tỷ USD (năm 2020), xuất khẩu đứng thứ ba thế giới, tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ năm trong Liên minh châu Âu (EU) đã làm lu mờ những điểm yếu.
Moritz Schularick, Giáo sư Đại học Bonn và Viện nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po Paris) nhận định rằng, nhìn từ bên ngoài, Đức tạo cảm giác của một cường quốc với những chỉ số ấn tượng, ví dụ như lĩnh vực thương mại, sản xuất công nghiệp, thu nhập, tài sản. Những lĩnh vực này trong giai đoạn bà Merkel cầm quyền đều cho những kết quả đặc biệt. Nhưng nếu nhìn vào khu vực công, một số cơ sở hạ tầng lớn, bức tranh sẽ kém rực rỡ hơn nhiều.
* Những dữ liệu được truyền bằng fax
Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Đức là đáng báo động nhất. Quả thực trong thời gian diễn ra làn sóng thứ hai của đại dịch, người Đức đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng tại các cơ sở y tế địa phương (Gesundheitsämter), dữ liệu về các ca lây nhiễm vẫn được thu thập bằng tay, từ các bảng in trên giấy, sau đó được truyền đi… bằng máy fax, trước khi được nhập lại thủ công vào hệ thống máy tính trung tâm. Quy trình thủ công này vừa tốn thời gian vừa dễ xảy ra lỗi nhập dữ liệu, gây khó khăn cho đội ngũ y tế.
Câu trả lời được đưa ra dưới dạng phần mềm truy vết các trường hợp tiếp xúc, có tên gọi là "Sormas", được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu lây nhiễm Helmholtz ở Brunswick (Lower Saxony) và được sử dụng từ năm… 2014 tại một số quốc gia Tây Phi để chống lại Ebola, sởi và cúm gia cầm. Tất nhiên, phần mềm đã được điều chỉnh cho phù hợp với COVID-19 và vì vậy đã sẵn sàng để sử dụng. Thủ tướng Angela Merkel và các bộ trưởng, thống đốc bang đặt mục tiêu trang bị công cụ này cho 90% trong tổng số 375 cơ sở y tế địa phương trước khi năm 2020 kết thúc. Vậy mà đến giữa tháng 1/2021, con số chỉ đạt 30%, buộc chính phủ phải gia hạn một mốc thời gian mới, lần này nhắm mục tiêu 100% vào cuối tháng Hai. Tuy nhiên, thời hạn này cũng không đạt được, và phải đến tháng Ba, ngưỡng 80% mới có thể vượt qua.
Cú sốc nặng khác liên quan đến các trường học, vẫn đóng cửa hoặc giảm hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến 6/2021. Lần thứ hai trong chưa đầy một năm, các bậc phụ huynh nhận thấy rằng không có bất cứ nền tảng học tập hoặc liên lạc với giáo viên nào cho phép đảm bảo việc học hành của con em họ, do thiếu thiết bị tin học cơ bản, hoặc thậm chí không thể truy cập mạng Internet tốc độ cao.
Cơ sở y tế và trường học chỉ là hai trong số các lĩnh vực minh họa cho những nhận định mà Hội đồng khoa học của Bộ Kinh tế Đức đưa ra trong một báo cáo được công bố vào tháng 3/2021. Với tiêu đề “Chuyển đổi kỹ thuật số ở Đức và bài học từ khủng hoảng COVID-19”, tài liệu này nhấn mạnh rằng mạng Internet băng thông rộng và mạng di động không đạt trình độ mà người ta mong đợi ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu và sự hiểu biết về công cụ kỹ thuật số của đội ngũ nhân sự hành chính là rất lạc hậu. Theo Chỉ số kinh tế và xã hội kỹ thuật số (DESI) của Ủy ban châu Âu, Đức chỉ đứng thứ 21 trong số các quốc gia thành viên EU về quản trị kỹ thuật số.
Báo cáo nhận xét: “Trong lĩnh vực hành chính công, nước Đức có cấu trúc, tổ chức và cách tư duy đôi khi cổ hủ. Các phương pháp tiếp cận hiện đại về quản lý và tổ chức rất hiếm thấy trong thực tế công việc của các cơ quan hành chính Đức, trong khi chúng được áp dụng từ lâu ở các nước khác”, ví dụ như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, các nước Scandinavia hoặc Mỹ. Nói chung, đó không phải do thiếu phương tiện tài chính mà do thiếu sự phân bổ rõ ràng hơn đối với thẩm quyền và trách nhiệm.
* Nhu cầu điều chỉnh cấp bách
Các chuyên gia từ Hội đồng Khoa học của Bộ Kinh tế không phải là những người duy nhất tỏ ra không hài lòng về những điểm yếu của Chính phủ Đức được bộc lộ trong khủng hoảng COVID-19. Nhiều nhân vật trong giới kinh doanh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí là kinh ngạc trước hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan công quyền trong đợt đại dịch thứ hai.
Trong một cuộc phỏng vấn tháng 4/2021 được đăng trên ấn bản chủ nhật của nhật báo Die Welt (Thế giới), Wolfgang Reitzle, chủ tịch Hội đồng giám sát của tập đoàn hóa chất Linde, đã đưa ra kết luận rằng sau 16 năm nắm quyền của bà Merkel, nước Đức đang có “nhu cầu điều chỉnh cấp bách”. Một bộ máy quan liêu mắc kẹt ở thời đại fax, kỹ thuật số lạc hậu, Internet chậm chạp, cơ sở hạ tầng chủ chốt thiếu hụt, trường học nghèo nàn, và đây chỉ là một vài trong số những thiếu hụt đối với một quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu.
Joe Kaeser, lãnh đạo tập đoàn Siemens từ năm 2013-2/2021, cũng tin rằng “kỷ nguyên của bà Merkel” đã kết thúc không như mong đợi. Ông cho biết: “Các nhiệm kỳ của bà tương ứng với một thời kỳ kinh tế thịnh vượng của đất nước. Bà đã góp phần tạo nên danh tiếng xuất sắc của Đức trên thế giới và điều này rất đáng quý với một quốc gia xuất khẩu. Nhưng tôi có cái nhìn nghiêm khắc hơn về sự chuẩn bị của đất nước trước những thay đổi về kỹ thuật số và sinh thái trong 16 năm qua. Nếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không đủ thì cũng không có gì phải ngạc nhiên về sự tụt hậu trong quản trị, giáo dục hoặc đổi mới. Chính phủ tiếp theo sẽ phải thể hiện nhiều bản lĩnh chính trị hơn để chuẩn bị cho đất nước trước những biến động lớn trong tương lai”.
“Phanh nợ”, một trong những cải cách mang tính biểu tượng cho những năm tháng bà Merkel cầm quyền thường bị đặt dấu hỏi. Cơ chế gắn chặt vào “Luật cơ bản” năm 2009 này đã giới hạn mức thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP đối với Chính phủ liên bang, đồng thời cũng cấm các vùng có bất kỳ thâm hụt ngân sách nào. Vì vậy, luật này cũng cấm chính quyền địa phương phụ thuộc vào các khoản vốn vay, ngoại trừ trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng như đại dịch COVID-19, trong đó lệnh cấm đã được tạm thời dỡ bỏ.
Đương kim Chủ tịch Quốc hội Liên bang Wolfgang Schäuble đã xây dựng cơ chế này như một tiêu chí cho những người bảo thủ Đức trong thời gian ông làm ở Bộ Tài chính, từ năm 2009-2017. Đó cũng là khoảng thời gian cơ chế này đóng vai trò như một la bàn cho các chính sách của châu Âu vốn ưu tiên các quyết định khôn ngoan về ngân sách trước nguy cơ tăng trưởng chậm trở lại và đầu tư bị bỏ bê. "Số 0 đen" - tức là chính sách cân bằng tài khóa hà khắc - chắc chắn là dấu hiệu nhận dạng cuối cùng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Angela Merkel, sẽ cuốn theo câu chuyện dân gian Đức về một “bà nội trợ vùng Schwaben” không bao giờ chi tiêu nhiều hơn những gì mình kiếm được.
* Trục trặc về “phanh nợ”
Các khoản đầu tư của chính phủ có thể mang lại lợi ích cho nhiều thế hệ. Đường sá, bệnh viện, Internet, giáo dục và năng lượng tái tạo là những ví dụ về các khoản chi ngân sách có thể được hỗ trợ bằng vốn vay, vì các dự án này thúc đẩy sự thịnh vượng và trình độ phát triển của một quốc gia trong tương lai. Nhưng đánh giá này đã không còn được thấy trong các tranh luận chính trị và kinh tế tại Đức những năm gần đây vì có nhiều ý kiến cho rằng bản chất của tất cả các khoản nợ đều là xấu. Trong khi đó, Đức hoàn toàn có thể đi vay với lãi suất thấp hoặc thậm chí lãi suất âm do nhiều người tiết kiệm trên khắp thế giới mong muốn đầu tư vào các loại trái phiếu chính phủ ít rủi ro.
Năm nay, cuộc bầu cử lập pháp lẽ ra phải là cơ hội cho một cuộc tranh luận triệt để về chủ đề này. Tuy nhiên, ứng cử viên được ủng hộ qua các cuộc thăm dò ý kiến, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz đã không hề đả động đến việc “phanh nợ” hay Hiệp ước bình ổn châu Âu. Ngày 15/9, ông phát biểu với nhật báo kinh tế Handelsblatt: “Tôi tin rằng các quy tắc nợ của châu Âu nên được giữ nguyên như hiện nay”. Cần biết rằng những người chỉ trích phanh nợ ngày càng nhiều trong giới chuyên gia kinh tế, những người đã chỉ rõ các tác hại của công cụ này.
Tại các bang Tây Bắc bị ảnh hưởng nhiều hơn các bang ở phía Nam bởi suy thoái của một số ngành công nghiệp truyền thống và tình trạng thất nghiệp kéo dài, chi tiêu xã hội đã đè nặng lên ngân sách của các địa phương. Nhiều nơi trong số này đã buộc phải giảm hoặc hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông hoặc giáo dục. Khoảng cách có xu hướng ngày càng gia tăng giữa thành phố với nông thôn, giữa các vùng sang trọng của miền Nam với miền Bắc. Và bất chấp việc chính quyền liên bang tăng cường các khoản đầu tư thời gian gần đây, những năm “thắt lưng buộc bụng” đã để lại nhiều dấu ấn. Ví dụ như các địa phương không đủ thẩm quyền trong việc quản lý các dự án, và không phải lúc nào cũng có thể giải ngân cho dù tiền có sẵn.
Để minh họa rõ nét, theo một báo cáo do Công ty đường cao tốc Đức lưu hành mùa Hè vừa qua, có tới 3.000 cây cầu đường cao tốc, chiếm 10% tổng số cơ sở hạ tầng này, đang rơi vào tình trạng nguy cấp. Một trong số đó là cầu Salzbachtalbrücke ở bang Hesse (vị trí trung tâm miền Tây).
Giữa tháng Sáu, một người đi bộ nhận thấy một mảng bê tông bị bong ra. Kể từ đó, ô tô và tàu hỏa ngừng đi qua cây cầu này, làm tê liệt nhà ga của thành phố Wiesbaden lân cận với 278.000 dân. Nhà báo kiêm nhà sử học Nils Minkmar, người đã đăng một bài phân tích về chủ đề này trên nhật báo Süddeutsche Zeitung (Nam Đức), cho biết: “Chuyện về cây cầu này gần như một truyện ngụ ngôn của nước Đức ngày nay. Chúng tôi ở đây, trung tâm của nước Đức, trong một khu vực thịnh vượng nhất và chúng tôi được biết, chỉ qua một đêm và nhờ một người đi bộ, rằng cây cầu dài 300 m có đường cao tốc và xe lửa đi qua có thể sập bất cứ lúc nào. Hôm nay mọi thứ đều bị chặn lại và không ai có thể biết những gì sẽ được thực hiện, khi nào và bởi ai. Chính phủ liên bang, chính quyền bang và chính quyền địa phương đang đá bóng cho nhau. Kết quả là sự pha loãng trách nhiệm, nói đúng hơn là vô trách nhiệm tràn lan, dẫn đến tình trạng tê liệt”.
Những rối loạn chức năng mà người dân đã nhận thức đầy đủ trong năm cầm quyền cuối cùng của bà Merkel càng trở nên nan giải hơn khi Đức chuẩn bị phải đối mặt với hai trong số các thách thức lớn nhất: “Khử carbon” trong nền kinh tế và già hóa dân số. Theo chuyên gia nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng Agora Energiewende, nhu cầu tài chính công bổ sung để đạt được các mục tiêu khí hậu của đất nước lên tới 460 tỷ euro (540 tỷ USD) tính đến năm 2030.
Thêm vào đó là tình trạng dân số già, ít có khả năng tạo ra của cải trong những năm tới, trong bối cảnh đầu tư trì trệ. Vấn đề quỹ lương hưu, có vẻ đang được tránh khéo léo trong chiến dịch bầu cử liên bang ngày 26/9, thực sự là một quả bom nổ chậm.
Monika Schnitzer, thành viên Hội đồng kinh tế của chính phủ liên bang, tỏ ra lo lắng: “Nếu không có cải cách, nghĩa là nếu không giảm lương hưu, tăng đóng góp hoặc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2045, nước Đức sẽ phải dành 55% ngân sách liên bang để trợ cấp cho hệ thống lương hưu, tức là gấp đôi so với hiện nay. Sẽ không còn tiền cho giáo dục, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường hoặc chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy, kỷ nguyên thặng dư ngân sách lớn dường như đang thoái trào”.
Ngay cả Markus Söder, người đứng đầu Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) rất bảo thủ ở Bavaria, cũng đồng ý rằng sẽ rất khó để tuân thủ các quy tắc quản lý nợ hà khắc trong những năm tới: “Chúng ta sẽ phải suy nghĩ về cách dung hòa giữa nhu cầu thường trực về bảo vệ khí hậu và phanh nợ”. Nhưng sự “quyến luyến” với quy định ngân sách vẫn là tiêu chí mà cánh hữu Đức tiếp tục bám vào. Ông Armin Laschet, ứng cử viên CDU-CSU kế nhiệm bà Angela Merkel, gửi gắm cựu nghị sĩ châu Âu Friedrich Merz phụ trách nhiệm mảng kinh tế trong “ê kíp tương lai” của ông. Friedrich Merz, cũng là cựu Chủ tịch của CDU-CSU tại Bundestag (2000-2002) đã nêu quan điểm: “Chúng tôi muốn tài chính ổn định, đồng euro ổn định và phanh nợ”.
* Hệ thống cảnh báo thất bại
Theo chuyên gia Monika Schnitzer của Hội đồng kinh tế chính phủ, sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Đức ít nhất có thể được giải thích ở khía cạnh cơ sở hạ tầng không đủ cũng như không thể thích ứng nhanh chóng với những thay đổi bằng cách áp dụng mô hình ra quyết định hiệu quả hơn. Bày tỏ quan điểm trên báo Handelsblatt cuối tháng Tám, nữ chuyên gia này nhận định, sự khởi đầu của quá trình số hóa đã thể hiện việc thiếu tầm nhìn, giờ đây nước Đức hiện đang phải đối mặt với nhu cầu cải cách. Trong một thế giới thay đổi công nghệ nhanh chóng, nơi mà cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, Đức cần các cấu trúc chính trị và hành chính nhanh nhẹn hơn.
Có lẽ thất bại đáng kể nhất trong lĩnh vực này chắc chắn là hệ thống cảnh báo thiên tai, tai nạn công nghiệp hoặc tấn công khủng bố. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức có một cuộc thử nghiệm trên quy mô toàn quốc được tổ chức vào tháng 9/2020. Thời điểm đó, đúng 11 giờ sáng, cả tiếng còi truyền thống và tiếng chuông của hai ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm truyền đi thông điệp cảnh báo cùng vang lên. Kết quả là một thất bại, với sự tê liệt hoàn toàn ở một số khu vực và sự chậm trễ đáng kể ở những nơi khác.
Bộ Nội vụ liên bang đã lên kế hoạch tổ chức một “ngày cảnh báo toàn quốc” mới. Sự kiện này cũng đã bị hủy bỏ vào ngày 30/6/2021 do các thiết bị liên quan không được cải tiến đầy đủ và cơ quan trên lại ra thông báo sẽ không có cuộc diễn tập nào cho đến tháng 9/2022. Đúng 15 ngày sau thông báo này, vùng Rhineland đã bị nước lũ tàn phá khủng khiếp trong tình trạng ở nhiều nơi hệ thống cảnh báo đã bị lỗi.
Sau thất bại của ngày thử nghiệm đầu tiên, chính phủ liên bang đã giải ngân một khoản 88 triệu euro để bổ sung cho các bang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa hệ thống cảnh báo trong 3 năm. Nhưng thay vì đẩy nhanh lịch trình, kế hoạch lại được kéo dài thời gian như thể tất cả đều không có nhu cầu cấp bách. Chính phủ của bà Merkel có đặc trưng thích quản lý theo từng bước nhỏ. Nhiều người chỉ trích bà thường hành động bởi áp lực, đôi khi quá muộn, trái ngược với danh tiếng “nhà quản lý khủng hoảng” của bà. Chính phủ Đức vẫn thấm nhuần quan điểm là rất sợ rủi ro. Như chuyên gia Schularick nhận định, nền tảng của các thể chế và văn hóa chính trị của nước Đức đương đại là “giá trị cốt lõi là quy tắc”, việc đặt ra quy tắc là để bảo vệ bản thân khỏi khủng hoảng và khủng hoảng là điều chúng ta muốn tránh bằng mọi giá.
Giáo sư Đại học Bonn Schularick tiếp tục nêu vấn đề: “Không có bất cứ luật nào về tình trạng khẩn cấp được ban hành ở Đức bởi vì kể từ sau chiến tranh, phe đồng minh đã kiên quyết ngăn chặn Chính phủ Đức có một công cụ như vậy. Trong nhiều thập kỷ, điều đó không gây ra bất kỳ vấn đề nào, nhưng trong thời gian diễn ra khủng hoảng COVID-19, hệ thống đã cho thấy những giới hạn, với các quy trình ra quyết định cực kỳ chậm chạp và sự thiếu vắng của một đơn vị quản lý khủng hoảng. Nước Đức chưa bước vào kỷ nguyên của xã hội rủi ro. Chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho những gì ‘sẽ đến’. Đây có lẽ là lỗ hổng lớn nhất mà đại dịch đã phơi bày. Vậy mà chúng ta đang ở vào một thời điểm mà các quyết sách trọng đại về khí hậu - và vì vậy phải chấp nhận rủi ro - cần thiết hơn bao giờ hết”.
Một số chuyên gia trong giới kinh tế cũng lo ngại về việc các nhà lãnh đạo Đức vẫn tỏ ra cố chấp khi giới hạn tầm nhìn đối với biên giới của đất nước. Làn sóng dịch bệnh đầu tiên, đã ngăn chặn thương mại nội khối châu Âu, cho thấy sự phụ thuộc nặng nề của công nghiệp Đức vào sức khỏe kinh tế của các nước láng giềng. Đây là một trong những lý do khiến Đức lần đầu tiên chấp nhận một khoản nợ chung ở cấp độ châu Âu, với việc khai sinh kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 - vốn được coi là một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập của châu Âu.
Đáng chú ý là Herbert Diess, Chủ tịch tập đoàn Volkswagen, đã rất tích cực ủng hộ kế hoạch này. Joe Kaeser, lãnh đạo tập đoàn Siemens, người mà năm 2019 đã thất bại trong việc hợp nhất mảng kinh doanh xây dựng đường sắt của Siemens với Alstom của Pháp vì các quy tắc cạnh tranh của châu Âu, cũng kêu gọi một sự táo bạo hơn về chính trị khi đối mặt với những thách thức phía trước. Ông Kaeser nhấn mạnh: “Rất cần một tầm nhìn bao quát hơn, xa hơn và đưa EU trở thành một thế lực kinh tế của thế giới, có thể cạnh tranh ngang bằng người Mỹ và người Trung Quốc. Cách tốt nhất để làm điều này là áp dụng một chính sách đối ngoại, kinh tế và an ninh chung”./.
Theo TTXVN