Thứ Năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024

Những xu hướng kinh tế mới từ dịch COVID-19

Ngày phát hành: 02/04/2020 Lượt xem 1360
Tờ Straits Times (Singapore) ngày 1/4 đăng bài bình luận của tác giả Vikram Khanna nhận định rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ trở thành vấn đề có tính quyết định của năm 2020, châm ngòi cho những thay đổi về quan điểm, nhận thức và xu hướng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

* Trụ cột vững chắc cho chủ nghĩa đa phương

 

 

 

Trước khi đại dịch diễn ra, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân hóa với vai trò bị lu mờ, đặc biệt là kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền năm 2017. Quan điểm của vị Tổng thống Mỹ này gắn chặt với sự nghi ngờ sâu sắc về vai trò của chủ nghĩa đa phương.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, những định chế đa phương nói trên đang dần lấy lại được vị trí của mình. Vai trò của các tổ chức này lại càng quan trọng đối với các quốc gia nghèo, kém phát triển vốn thiếu hụt nhiều nguồn lực hoặc kiến thức chuyên môn để đối phó với những tác động, ảnh hưởng tiêu cực mà dịch bệnh gây ra.

Mặc dù có có phản ứng được đánh giá là khá chậm chạp đối với đại dịch, song WHO đã dần thiết lập lại vai trò là một nguồn thông tin tin cậy, có tính chuyên môn cao cũng như là nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm y tế, bao gồm các bộ xét nghiệm nhanh.

Định chế tài chính IMF cũng đang cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia nghèo, kém phát triển và sẵn sàng huy động 1.000 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia thành viên chống lại đại dịch. WB cũng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 150 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới. Điều đó đã góp phần làm gia tăng sự đánh giá tích cực đối với vai trò của các tổ chức, định chế đa phương.

* Tái định hình các chuỗi cung ứng


Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại. Tiến trình này vốn đã bắt đầu khi diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng giờ đây tiến trình này sẽ tăng tốc. Trọng tâm của các doanh nghiệp sẽ chuyển từ tối ưu hóa hiệu quả nguồn cung ứng sang nỗ lực thúc đẩy khả năng phục hồi. Việc này được thực hiện bằng cách đa dạng hóa nguồn cung cấp, bổ sung vào các mặt hàng trong kho dự trữ và “hồi hương” một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Đại dịch viêm phổi COVID-19 đã mang lại cho thế giới một số bài học lớn về chuỗi cung ứng. Ví dụ, Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị bảo hộ y tế lớn nhất thế giới. Việc gián đoạn xuất khẩu vì sự bùng phát dịch COVID-19 ban đầu đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các thiết bị này, khiến các nhân viên y tế ở những nơi khác đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với virus. Mặt khác, ngành công nghiệp xe hơi cũng chịu thiệt hại nặng nề do thiếu phụ tùng linh kiện (do nhiều bộ phận được sản xuất tại Vũ Hán - một trong những trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô lớn của thế giới). Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính các hoạt chất dược phẩm để phục vụ sản xuất thuốc, và hoạt động trong lĩnh vực này cũng đã bị gián đoạn.

Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và bổ sung kho hàng hóa dự trữ sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, biện pháp này thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào các khu vực trên thế giới ngoài Trung Quốc, như Nam Á, Đông Nam Á và Mexico. Nhưng đồng thời phương thức này cũng sẽ làm cho chi phí tăng cao hơn, vì nhiều quốc gia khác không thể bắt kịp với hiệu quả chi phí sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, sự cần thiết phải lưu giữ thêm các mặt hàng trong kho cũng sẽ đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

 


Thay đổi trong quan điểm kinh tế

Với việc nhiều nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái, các chính phủ đã dỡ bỏ tất cả “phanh hãm” về tài khóa và tiền tệ. Mục đích chính là giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và người lao động được tiếp tục làm việc càng lâu càng tốt nhằm ngăn chặn hậu quả về dài hạn đối với nền kinh tế. Các biện pháp kích thích cũng nhằm hỗ trợ các công ty có thể phục hồi hoạt động khi đại dịch đi qua.

Nước Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada và Singapore và nhiều quốc gia khác, đã đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế khổng lồ. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến vấn đề thâm hụt ngân sách, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tiền không phải là vấn đề. Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Stephen Poloz cho rằng “sẽ chẳng ai chỉ trích người lính cứu hỏa về việc sử dụng quá nhiều nước để dập lửa”.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bù đắp mức thâm hụt đó? Trong trường hợp của Singapore, nước này đang trích nguồn vốn từ dự trữ ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, các ngân hàng trung ương đang “bơm tiền” bằng cách mua trái phiếu chính phủ.

Đây chính là điều mà Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT) đã mô tả. Thông điệp chính của lý thuyết này là không có bất kỳ sự giới hạn, kiểm soát nguồn tài chính nào tại các quốc gia có đồng tiền của riêng nước đó; trong một cuộc suy thoái, các chính phủ cần phải hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tư nhân; và vấn đề ưu tiên chính là cân bằng nền kinh tế chứ không phải cân bằng thâm hụt ngân sách. Lý thuyết MMT chỉ nhận được sự ủng hộ của một bộ phận thiểu số các nhà kinh tế học. Tuy nhiên, hiện nay, lý thuyết này đã trở thành quan điểm chủ đạo. Đây là sự thay đổi lớn trong các quan điểm, lý thuyết kinh tế.

Liệu thâm hụt ngân sách và những khoản nợ khổng lồ có dẫn đến lạm phát hay không? Nguy cơ này đã không diễn ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và cũng không xảy ra tại Nhật Bản, quốc gia đã và đang in tiền để bù đắp thâm hụt trong nhiều năm qua. Nhật Bản cũng có khoản nợ công tiệm cận mức 250% GDP. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định viễn cảnh những năm tới sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc vẫn chưa có cơ sở để suy đoán được.

* Mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ hơn
 

Dịch COVID-19 ít nhất có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của những mạng lưới an toàn xã hội, như hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế đa năng, hệ thống hưu trí cho người lao động hay hệ thống chi trả cho người lao động buộc phải nghỉ việc do ốm đau bệnh tật.

Dịch bệnh sẽ dẫn tới việc cắt giảm hàng loạt việc làm tại nhiều quốc gia cũng như làm gia tăng sự bất bình đẳng. Chi phí cho hoạt động “giãn cách xã hội” cũng sẽ tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu người lao động có công việc đòi hỏi sự giao tiếp giữa người với người như những người chăm sóc y tế sức khỏe, lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng và các ngành nghề khác. Đây là những người không có khả năng được hưởng “sự làm việc tại nhà xa xỉ”, “làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu” và thường không có gì để tiết kiệm.

Các chính phủ cần nhận ra rằng mạng lưới an toàn xã hội là cực kỳ thiết yếu để bảo vệ những người lao động như vậy. Việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế toàn diện sẽ cần được ưu tiên nhiều hơn. Đại dịch COVID-19 do đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế công cộng. 

* Sự bùng nổ giao tiếp từ xa


Công nghệ giao tiếp từ xa đang bùng nổ. Một cuộc khảo sát hơn 800 công ty do công ty tư vấn Gartner tiến hành vào giữa tháng 3/2020 cho thấy, 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.

Với việc hoạt động đi lại bị gián đoạn, nhiều công ty đã đưa ra các ứng dụng mới phục vụ các cuộc họp trực tuyến như công cụ Google Hangouts, GoToMeeting và Zoom.

Việc khám chữa bệnh từ xa, cho đến thời gian gần đây vẫn không phải là hoạt động y tế phổ biến, cũng đang bắt đầu được áp dụng nhiều hơn. Nhiều phòng khám, đặc biệt là tại các nền kinh tế hiện đại, đã triển khai dịch vụ khám bệnh từ xa, cho phép một số bệnh nhân ở nhà và vẫn có thể nhận được hướng dẫn chữa trị từ bác sĩ, không chỉ đối với mỗi dịch COVID-19 mà còn cả các loại bệnh khác. Các bệnh viện cũng đã bắt đầu sử dụng “các phòng hồi sức tích cực từ xa – tele ICU” (thông qua các cuộc gọi truyền hình hai chiều kết nối bệnh nhân hồi sức tích cực với bác sĩ và y tá ở hai địa điểm xa nhau). 

Tại Mỹ, gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD cũng có một phần hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, đồng thời chính phủ cũng thúc đẩy việc giảm bớt những yêu cầu và kiểm soát đối với việc ứng dụng các dịch vụ này. Tại Singapore, đã có 11 nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, một số trong đó cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh 24/7 thông qua truyền hình trực tiếp với các y bác sĩ được cấp chứng nhận hành nghề và có thể kê đơn thuốc.

Các lĩnh vực khác cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ giao tiếp từ xa. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học và trường phổ thông cũng đã ghi nhận sự chuyển đổi sang các nền tảng học trực tuyến. Các hội thảo, hội nghị cũng đang được tổ chức theo mô hình trực tuyến. Ngày càng nhiều chương trình giải trí, trải nghiệm văn hóa đời sống (bao gồm các các buổi biểu diễn tại nhà hát hay các chuyến tham quan bảo tàng…) cũng đang được chuyển tải tới khán giả thông qua phương tiện kỹ thuật số.

Mặc dù công nghệ giao tiếp từ xa cũng có những hạn chế nhất định, nhưng khi đại dịch COVID-19 kết thúc, sẽ có ngày càng nhiều người sử dụng chúng song song với các cách thức truyền thống. Bên cạnh đó, cải tiến và đổi mới sẽ giúp các công nghệ giao tiếp từ xa trở nên thân thiện và hiệu quả với nhiều quyền năng hơn. Việc áp dụng nhiều hơn công nghệ này sẽ có những tác động lớn đối với một số lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế, trong đó bao gồm mảng bất động sản văn phòng, kinh doanh du lịch, lĩnh vực y tế và giáo dục cũng như ngành công nghiệp MICE (hội nghị, hoạt động xúc tiến kinh doanh, hội thảo và các sự kiện/triển lãm).

* Tác động hỗn hợp đối với thương mại điện tử


Thực tế là các biện pháp “giãn cách xã hội” và yêu cầu người dân “ở trong nhà” để phòng chống dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của thương mại điện tử do người tiêu dùng hạn chế tới các chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và quán bar. Sự bùng phát dịch SARS năm 2003 được xem là một yếu tố thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử, sản sinh ra những “người khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 thì nguy hiểm hơn, lây lan rộng và biến đổi nhanh hơn. Những căn cứ cho đến nay cho thấy tác động và ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành thương mại điện tử là có tính hỗn hợp.

Nghiên cứu do hãng phân tích người tiêu dùng Nielsen và Hiệp hội thương mại điện tử châu Âu cho thấy, trong khi nhu cầu đối với một số loại mặt hàng (như là thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh cá nhân) đã tăng mạnh, thì hoạt động thương mại điện tử có liên quan tới một loạt hàng hóa và dịch vụ khác (trong đó bao gồm các sản phẩm tiêu dùng lâu bền, thời trang, hàng hóa xa xỉ, hàng không và khách sạn…) đã sụt giảm nghiêm trọng. Nhìn chung, doanh thu suy giảm do nhu cầu thấp hơn, việc đóng cửa kinh doanh và những khó khăn khác của doanh nghiệp trong nỗ lực đáp ứng các đơn hàng.

* Động lực thúc đẩy hoạt động chống biến đổi khí hậu


Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã củng cố phần nào thực tế là thế giới sẽ đối mặt với những mối nguy hiểm bao trùm hơn nữa. Các đại dịch là một ví dụ điển hình. Biến đổi khí hậu cũng có thể “kích hoạt” những thảm họa trên phạm vi toàn cầu. 

Việc lây nhiễm virus từ động vật sang con người một phần là kết quả của sự tàn phá rừng và mất đi sự đa dạng sinh học, vốn đã đẩy các loài động vật ra khỏi các khu vực sinh sống tự nhiên của chúng và di chuyển gần hơn tới các khu vực sinh sống của con người. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các loài.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc cũng đã cảnh báo rằng việc Trái Đất ấm lên dường như sẽ làm gia tăng sự bùng phát các loại virus mới. Hoạt động buôn bán động vật hoang dã cũng là một mối nguy hiểm.

Một trong những điểm tích cực mà đại dịch COVID-19 mang lại chính là việc giúp con người nâng cao nhận thức hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, coi đó là một mối đe dọa hiện hữu có tính sống còn đối với thế giới./.
 

Thế Vũ (TTXVN tại Singapore)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết