Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Dịch COVID-19 đặt kinh tế thế giới trước cuộc “khủng hoảng trăm năm”

Ngày phát hành: 30/03/2020 Lượt xem 1554

Theo TTXVN (Kuala Lumpur 27/3): Thị trường chứng khoán thế giới gần đây trồi sụt thất thường khiến không ít nhà đầu tư “đau tim”. Đành rằng thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với thông tin, nhưng rốt cuộc vẫn là “hàn thử biểu” đo sức khỏe của nền kinh tế và trong bối cảnh hiện nay, kinh tế lại chịu sự quyết định từ mức độ nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Và khi thế giới vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác cho các câu hỏi như “đại dịch COVID-19 sẽ nghiêm trọng tới đâu, kéo dài tới khi nào?”, làn sóng thất nghiệp đã bắt đầu cùng với việc hàng loạt doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản hay ít nhất thì cũng phải cắt giảm nhân sự để tồn tại. Đồng thời, tín hiệu cảnh báo về một cuộc “khủng hoảng trăm năm” có thể đã xuất hiện.

 

Phó tổng thống Mike Pence họp báo thông tin về diễn biến dịch COVID-19  AFP (ảnh minh họa)

 

Theo tờ Tin tức Thế giới, dịch COVID-19 đặt kinh tế thế giới trước nguy cơ chưa từng có trong lịch sử, không chỉ bắt đầu từ việc nhà máy, xí nghiệp ở Trung Quốc phải đóng cửa vì dịch bệnh, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, làm siêu thị không còn hàng hóa để bán, gây ra cú sốc cung ứng (supply shock), mà cùng với việc dịch bệnh lan tràn tới Đông Á, châu Âu, Trung Đông và Mỹ, người tiêu dùng ở đây còn không dám hoặc không thể đi du lịch, ra ngoài mua sắm, ăn uống, giải trí làm nhu cầu giảm mạnh, gây ra cú sốc nhu cầu (demand shock). Nói cách khác, hiếm khi nào kinh tế thế giới lại bị giáng đòn nặng nề cả trên phương diện cung ứng lẫn nhu cầu với quy mô toàn cầu như vậy.

Xem xét cách đối phó của chính phủ các nước thời gian qua có thể thấy các chính sách tiền tệ và tài chính đưa ra đều là công cụ giải quyết khủng hoảng tài chính kinh tế. Nhưng lần này, câu chuyện trở nên khó khăn hơn nhiều bởi chính phủ hỗ trợ tài chính để kích cầu, nhưng vì dịch bệnh mọi người lại bị yêu cầu không được ra ngoài, không tụ tập nơi đông người. Rõ ràng, kiểm soát dịch bệnh và giải cứu kinh tế đã trở thành bài toán không dễ giải. Hiện nay, mong muốn của bất kỳ chính phủ nào là dịch bệnh mau chấm dứt. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói, dịch bệnh sẽ lắng dịu vào tháng 7-8/2020, nhưng kinh tế toàn cầu, bao gồm kinh tế Mỹ e rằng sẽ rơi vào suy thoái.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán trong tình hình lạc quan nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 2,4%, nghĩa là chỉ giảm 0,5% (tương đương 400 tỷ USD) so với dự đoán mà OECD đưa ra trước đó (2,9%). OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc từ 5,7% xuống 4,9%; của Mỹ từ 2% xuống 1,9%. Trong khi đó, bộ phận nghiên cứu kinh tế của hãng Bloomberg dự đoán trong tình hình xấu nhất, Nhật Bản, Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đều rơi vào suy thoái.

Hơn nữa, sau khi dịch bệnh qua đi, kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua một thời gian tương đối dài, chí ít là 2-3 năm, mới có thể hồi phục chậm chạp theo hình chữ U, chứ không phải xuống đáy rồi bật tăng theo hình chữ V. Nguyên nhân là do tỷ trọng của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu đã tăng lên và đại dịch COVID-19 tác động quá lớn tới kinh tế toàn cầu, khiến các ngành như chế tạo, hàng không, du lịch, doanh nghiệp vừa và nhà đều chịu tác động nặng nề.

Thứ nhất, sau khi dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) xảy ra vào năm 2003 kết thúc, kinh tế Trung Quốc nhanh chóng trở lại quỹ đạo bình thường. Nhưng khi đó, tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm 4,2% GDP toàn cầu, đứng thứ sáu thế giới và dịch SARS xảy ra trong phạm vi hẹp, chỉ ở một số nơi như Bắc Kinh, Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc)… Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 16,3% GDP toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc đóng góp 39% tăng trưởng toàn cầu năm 2019 và là đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế toàn thế giới.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tất cả các tỉnh, thành ở Trung Quốc, mà còn lan sang Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…, khiến nhu cầu thị trường toàn cầu bị thu hẹp. Dù Trung Quốc có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh thì cũng không tìm được thị trường để lập tức thúc đẩy xuất khẩu về mức trước đây. Như theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế có thể nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng vọt lên 20%, vượt xa mức 3,5% hiện nay, cao hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 (lúc đỉnh đạt 10%) và gần bằng thời kỳ Đại suy thoái 1929-1939 (lúc đỉnh đạt 25%).

Bên cạnh đó, dịch bệnh còn gây ra ảnh hưởng kinh tế lâu dài như rủi ro đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc đóng vai trò nhà sản xuất linh kiện rất quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử toàn cầu. Chuỗi cung ứng của Trung Quốc sớm đã gắn chặt vào hệ thống toàn cầu, cho nên, khi Trung Quốc không thể xuất khẩu hàng hóa, ngành chế tạo toàn cầu sẽ đối mặt với khủng hoảng đứt gãy mắt xích cung ứng, không có hàng để bán.

Như vậy, có thể nói dịch bệnh đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng đối với các doanh nghiệp, các chính phủ đang sử dụng linh kiện, phụ kiện từ chuỗi cung ứng nước ngoài. Có thể dự đoán chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới sẽ bất chấp giá thành đưa chuỗi ngành nghề trở về nước hoặc sang các nước đồng minh hữu hảo và xây dựng hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan để bảo hộ chuỗi cung ứng ngành nghề của mình. Trên phương diện này, sự dịch chuyển của chuỗi ngành nghề ra bên ngoài sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc.

Thứ ba, cần chú ý tới khả năng đại dịch COVID-19 có thể sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Gần đây, do tình hình dịch bệnh, ngành du lịch vốn đóng vai trò then chốt đối với kinh tế Italy và Tây Ban Nha bị giáng đòn nặng nề, đẩy hai nước này vào khủng hoảng tài chính, không thể huy động vốn từ thị trường mở. Hai nước này có thể phải đệ đơn xin Liên minh châu Âu (EU) cung cấp vốn khẩn cấp. Đây là tín hiệu cảnh báo mà thế giới cần phải chú ý.

Trong con mắt của giới tài chính, đại dịch COVID-19 được nhìn nhận như một “thiên nga đen” (sự cố không lường trước nghiêm trọng chưa từng biết đến), hơn trăm năm chưa từng gặp và cực kỳ hiếm thấy, không thể nào dự đoán được. Từ tháng 2/2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề cập về khả năng tương lai sẽ xảy ra đại dịch “bệnh truyền nhiễm X”, có thể lây nhiễm toàn cầu, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Xét về mặt ý nghĩa, đại dịch COVID-19 e rằng là một “tê giác xám” (ám chỉ đến một nguy cơ tiềm tàng rất rõ ràng nhưng bị bỏ qua). Cuộc khủng hoảng đã ở trước mặt, chỉ là các nước đều lựa chọn cách tiếp cận “coi như không thấy”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết